Thế giới

Châu Âu chìm trong COVID-19, báo động xu hướng người già mắc bệnh

Cập nhật lúc 24-10-2020 15:39:09 (GMT+1)
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 lớn tuổi tại bệnh viện Casal Palocco ở Rome, Italy ngày 20/10. Ảnh: AP

 

Châu Âu đang bị làn sóng COVID-19 thứ hai hoành hành dữ dội và có một xu hướng đặc biệt đáng lo ngại bắt đầu xuất hiện: ngày càng nhiều người người già nhiễm bệnh.


Theo kênh CNN, trong những tháng mùa hè, châu Âu chứng kiến chùm ca bệnh chủ yếu ở người trẻ tuổi thích tụ tập trong quán bar, nhà hàng và tụ điểm công cộng. Mặc dù hành vi này không được khuyến khích nhưng người trẻ mắc bệnh có nghĩa là tỷ lệ tử vong tương đối thấp.

Tuy nhiên, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã cảnh báo rằng ngày càng nhiều người già mắc COVID-19. Theo báo cáo tình hình mới nhất của ECDC, ít nhất 13 nước châu Âu đã có tỷ lệ mắc bệnh ở nhóm người trên 65 tuổi gia tăng, có nơi tăng đến mức cao. Ví dụ như ở Croatia, tỷ lệ là 64/100.000 người; hay ở Hà Lan là 206/100.000 người.

Tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 ở người trên 65 tuổi tại một số quốc gia Đông Âu đã gấp đôi tỷ lệ trong làn sóng thứ nhất, đặc biệt là ở CH Séc, Romania, Slovenia và Hungary.

Tỷ lệ lây nhiễm cao ở nhóm người này đáng lo vì họ dễ phải nhập viện và đối mặt nguy cơ tử vong cao.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính tới cuối tháng 8, gần 88% ca tử vong ở châu Âu xảy ra trong nhóm người trên 65 tuổi. Ở CH Séc, người trên 65 tuổi chiếm 14% số ca nhiễm hàng tuần nhưng chiếm tới 94% số ca tử vong tính tới 11/10.

Khi tình trạng lây nhiễm COVID-19 bắt đầu lan rộng ở người già, các bệnh viện có thể nhanh chóng bị quá tải như ở Italy, Tây Ban Nha và một số quốc gia khác trong làn sóng dịch bệnh đầu tiên vào mùa xuân.

Theo dữ liệu mới nhất của Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội Anh, số người trên 60 tuổi dương tính với COVID-19 đã tăng gấp bốn so với đầu tháng 9. Tỷ lệ lây nhiễm cao ở người trẻ giờ đã bắt đầu lan sang nhóm cao tuổi.

Viện Robert Koch của Đức cảnh báo ngày 19/10 rằng tỷ lệ ca bệnh ở nhóm người già tăng từ đầu tháng 9.

Tại Pháp, số ca mắc COVID-19 mới ở nhóm người trên 65 tuổi đã tăng gấp ba chỉ trong 6 tuần.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Burgos, Tây Ban Nha ngày 21/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Dữ liệu từ Tây Ban Nha cho thấy độ tuổi trung bình của người mới mắc COVID-19 đã giảm từ 40 trong cuối tháng 7 xuống 37 trong cuối tháng 8, nhưng gần đây lại tăng lên 39.

Khi các nhà nghiên cứu CDC Mỹ xem xét các đợt bùng phát COVID-19 ở miền nam hồi tháng 6, họ phát hiện ra xu hướng số ca nhiễm ở người trẻ gia tăng, rồi 4 đến 15 ngày sau đó, số ca nhiễm sẽ gia tăng ở người già. Nói cách khác, khi bùng phát dịch bệnh ở người trẻ, dịch sẽ bắt đầu lan sang người già – nhóm người dễ bị tổn thương.

Trước đây, có ý kiến cho rằng nếu người già được bảo vệ, cả xã hội có thể tiếp tục sống như bình thường. Tuy nhiên, đa số nhận thấy ý kiến này đã thất bại. Nhiều quốc gia châu Âu đang chạy đua với thời gian để ngăn hệ thống y tế quá tải.

Số ca tăng vọt đã khiến Ireland thông báo áp đặt lại biện pháp phong tỏa trong 6 tuần từ ngày 21/10.

Tây Ban Nha đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở khu vực Madrid cách đây gần hai tuần và đang cân nhắc áp đặt lệnh giới nghiêm.

Ở Anh, xứ Wales sẽ phong tỏa trong hai tuần từ ngày 23/10.

Một số thành phố lớn ở Pháp như Paris, Grenoble, Montpellier, Toulouse, Lille và Lyon đều đang áp đặt giờ giới nghiêm từ 9 giờ tối hôm trước tới 6 giờ sáng hôm sau.

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte thông báo một loạt hạn chế mới sau khi nước này ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục trong 5 ngày liên tiếp.

Các chuyên gia cho rằng phong tỏa diện rộng là cần thiết để bảo vệ người già và người dễ bị tổn thương.

Nguồn: Thùy Dương/Báo Tin tức

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo