Thế giới

Châu Âu bắt đầu ý thức được tham vọng của Trung Quốc

Cập nhật lúc 12-03-2019 15:22:52 (GMT+1)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thượng Đỉnh Diễn Đàn Hợp Tác Trung Quốc-Châu Phi 2018 ở Bắc Kinh, ngày 04/09/2018. Linta

 

Trung Quốc tiếp tục được các báo Pháp chú ý nhiều, từ khi nước này trở thành cường quốc kinh tế của thế giới cùng những tham vọng trên trường quốc tế. Châu Âu giờ mới bắt đầu ý thức được về những nguy cơ bành trướng của Trung Quốc. Nhật báo Le Monde hôm nay có bài xã luận mang tiêu đề : « Trung Quốc phô bày tham vọng ».


Le Monde ghi nhận, sau bốn thập kỷ mở cửa phát triển kinh tế làm đảo lộn khung cảnh thế giới, gần đây « trên trường quốc tế, Trung Quốc ngày càng thể hiện một bộ mặt đòi hỏi hống hách…». Thái độ đó khiến Hoa Kỳ khó chịu phải ra tay. Bằng chứng là các cuộc đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh trên hồ sơ thương mại cũng như các vấn đề khác đang diễn ra.

Còn về phần châu Âu, xã luận của Le Monde nhận định : « Ở thế trên đe dưới búa, bản thân châu Âu cũng là mục tiêu của các tham vọng Trung Quốc ». Tờ báo phân tích, nếu như đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu trong năm 2018 giảm, đó không phải là vì Bắc Kinh không quan tâm đến lục địa này mà là vì họ muốn ngăn chặn tình trạng chảy vốn ra nước ngoài, bên cạnh đó là còn do nỗ lực của EU nhằm bảo hộ các lĩnh vực kinh tế chiến lược. Cuối cùng thì các nước lớn của Liên Hiệp Châu Âu cũng đã lường được mối nguy hiểm. Ngay cả Đức là nước đến giờ vẫn giữ thái độ nước đôi với Trung Quốc thì hồi tháng Giêng vừa qua cũng một tổ chức giới chủ của nước này đã cho công bố một báo cáo nêu rõ các mục tiêu Trung Quốc nhắm tới ở châu Âu.

Xã luận Le Monde nhấn mạnh, « Liên Hiệp phải bày tỏ một chính sách chung đối với Trung Quốc, gắn lợi ích công nghiệp với vấn đề an ninh ». Trong khi đó để đối phó với Trung Quốc các nước thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu lại hành động tản mát. Trung Quốc nắm bắt sự chia rẽ đó. Một thí dụ mới nhất : Ý vừa trở thành nước đầu tiên trong nhóm G7 đã sẵn sàng chấp nhận dự án «con đường tơ lụa mới» của Trung Quốc khiến Bruxelles rất bực bội.

Le Monde kết luận : Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối tháng 3 tới châu Âu, đặc biệt ông sẽ qua Roma và Paris. Sẽ là đáng tiếc cho lợi ích của Châu Âu khi mà từ nay đến đó các nước thành viên của Liên Hiệp không thống nhất được với nhau để thể hiện một lập trường chung trước lãnh đạo Trung Quốc ».

Pháp thức tỉnh trước ảnh hưởng Trung Quốc ở sân sau Châu Phi

Cũng liên quan đến mối lo về sự bành trướng tham vọng của Trung Quốc, Le Figaro có bài tổng thống Pháp « Macron đến Djibouti để ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ».

Le Figaro cho biết, hôm nay (11/03) tổng thống Pháp tới thăm Djibouti, chặng đầu tiên trong chuyến công du Ethiopia và Kenya. Đã 9 năm nay chưa một vị tổng thống Pháp nào tới Djibouti, một đối tác lịch sử của nước Pháp. Bởi thế có lẽ chuyến Djibouti của ông Macron trở thành khá cấp bách.

Dù là một quốc gia nhỏ bé, chỉ rộng 23000 km2 và 900 nghìn dân, nhưng Djibouti có một vị trí chiến lược quan trọng vì nằm trên trục giữa Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương, có các tuyến đường hàng hải trọng yếu như kênh Suez, eo biển Malacca, hay Bab el-Mandeb.

Nhưng điều quan trọng hơn mà Le Figaro nêu ra đó là : « đà gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Djibouti ». Tờ báo cho biết Bắc Kinh đã đầu tư một « trại lính thế giới » với việc đặt tại Djibouti căn cứ quân sự đầu tiên của họ ở nước ngoài có khả năng đồn trú cho 10 nghìn quân và họ còn dự tính làm thêm căn cứ thứ 2 tại đó. Bắc Kinh đổ tiền đầu tư ồ ạt vào cơ sở hạ tầng, nhất là cảng biển tại quốc gia này. Thực tế đó đã khiến Paris không khỏi lo ngại về nhưng hậu quả gây mất ổn định tiềm tàng trong khu vực, Le Figaro nhận định.

Điều nguy hiểm hơn, đó là nguồn lực tài chính của Djibouti rất hạn chế trong khi mà 2/3 khoản nợ của đất nước này do Trung Quốc nắm. Bắc Kinh luôn lấy đó để mặc cả đòi giảm giá thuê căn cứ quân sự. Gần đây Thượng Viện Pháp thậm chí còn cảnh báo nguy cơ bùng nổ xung đột như kiểu ở kênh Suez hồi năm 1956 sau khi tổng thống Ai Cập Nasser quốc hữu hóa con kênh này.

Tháng trước bộ trưởng Bộ Quân Lực Pháp, Florence Parly, cùng tháp tùng tổng thống Macron tới Djibouti lần này, đã tuyên bố : « Chúng tôi quyết tâm ngăn chặn sự gia tăng ảnh hưởng (Trung Quốc) ». Djibouti cũng là nơi có căn cự quân sự chính của Pháp tại Châu Phi. Djibouti cũng là nước duy nhất của châu Phi có thỏa thuận quốc phòng với Pháp. Chuyên gia Pierre Razoux, Giám đốc Viện nghiên cứu thuộc Trường Quân sự Pháp (Irsem) được Le Figaro trích dẫn, khẳng định : « Điều trọng yếu với Pháp là phải giữ lại sự hiện diện quân sự tại Djibouti để bảo đảm an ninh eo biển Bab el-Mandeb ».

Le Figaro nhận định : « Emmanuel Macron, cùng đi có nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, dường như quyết tâm không để Djibouti đối mặt tay đôi Trung Quốc».

Tương tự như với Djibouti, Ethiopia đang mong muốn đa dạng hóa các mối quan hệ để không bị lệ thuộc duy nhất vào người Trung Quốc. Tại Addis-Abeba, bộ trưởng Bộ Quân Lực Florance Parly sẽ ký thỏa thuận quốc phòng, tăng cường hợp tác để thành lập binh chủng hải quân cho Ethiopia, dù nước này không có biển, theo Le Figaro.

Algeri : Quân đội lại thành nhân tố quyết định

Chuyển qua với một thời sự nóng khác, vẫn trong khu vực châu Phi. Nhật báo Libération dành sự quan tâm đặc biệt đến Algeri hàng tựa trên trang quốc tế : « Algeri : Quân đội trước sự lựa chọn lịch sử ».

Tờ báo phác họa lại toàn cảnh cuộc khủng hoảng chính trị Algeri : Một tuần sau thông báo ra ứng cử nhiệm kỳ thứ 5, tổng thống Bouteflika hôm qua đã trở về nước từ Genève, nơi ông vừa có 2 tuần nằm viện. Ở trong nước, phong trào biểu tình phản kháng chuyển thành cuộc tổng đình công. Vào thời điểm này liệu quân đội có thể đóng vai trò trọng tài ? Đó là câu hỏi lớn đang đặt ra ở Algeri.

Bài báo trở lại không khí sôi sục của phong trào biểu tình chống nhiệm kỳ thứ 5 của tổng thống Abdelaziz Bouteflika trong những ngày cuối tuần qua và ghi nhận : Sau ba tuần huy động, phong trào tuy nhiên vẫn không thể tìm được lối thoát chính trị nào. Trước sự sôi sục của dân chúng, chính quyền vẫn tiếp tục im lặng. Người duy nhất lên tiếng là tướng Ahmed Gaida Salah, tổng tham mưu trưởng quân đội Algeri. Người dân Algeri đang rất quan tâm đến nhân vật này cùng với nhiều câu hỏi : Ahmed Gaida Salah có nắm giữu được giải pháp để ra khỏi khủng hoảng ? Nếu có, giải pháp đó có lợi cho ai ?

Theo ông Addi Lahouari, giáo sư thuộc Viện nghiên cứu chính trị Lyon, Pháp : « Quân đội (Algeri) đang đứng trước sự lựa chọn lịch sử. Lợi ích chiến lược của đất nước đòi hỏi họ đứng về phía nhân dân và tìm ra giải pháp. Quân đội phải đóng vai trò tạo điều kiện cho tiến trình chuyển tiếp dân chủ ».

Theo Libération, trong lịch sử quân đội Algeri luôn là nguồn lực chính của quyền lực và người Algeri vẫn cho là quân đội lãnh đạo đất nước từ khi dành độc lập. Khi giới chính trị chia xé hay thể chế suy yếu, người Algeri nhìn nhận thấy chỉ có quân đội là thiết chế có kỷ luật và tổ chức và có đủ tin cậy để đứng ra phân giải.

Tuy nhiên cũng có nhà phân tích cho rằng quân đội, do Bouteflika dựng lên, được hưởng những bổng lộc, đặc quyền đặc lợi trong chia chác nguồn tài nguyên dầu mỏ. Những chỉ huy cao cấp trong quân đội đều ít nhiều « mắc nợ » ông Bouteflika, vì thế quân đội không có được tính chính đáng trong thể chế.

Trong khi đó xã luận nhật báo Công giáo La Croix với tựa đề « Sự chín muồi Algeri » khẳng định « Hơn một nửa thế kỷ sau khi giành độc lập, đất nước Algeri đã có được sự chín muồi về chính trị cho phép đất nước này tìm kiếm một con đường dân chủ thực sự để phát triển. Với Abdelaziz Bouteflika, một nhà thương thuyết của « hòa hợp nhân dân » cách đây 20 năm, sẽ là một kết quả đáng nhớ khi ông mở cánh cửa cho khát vọng của thế hệ trẻ mới.

Brexit : Tuần lễ quyết định

Liên qua đến châu Âu, báo kinh tế Les Echos chạy tựa lớn « Brexit : Toan tính cuối cùng của Luân Đôn để tránh hỗn loạn ».

Les Echos ghi nhận : « Cơ may thương lượng cuối cùng với Bruxelles, bỏ phiếu ở Quốc Hội Anh… Một tuần mới mở ra dự báo sẽ mang tính quyết định với hồ sơ Brexit mà cho đến giờ vần còn chứa đựng đầy bất ổn ».

Như vậy là chỉ còn đúng 20 hôm đến cái ngày tiền định nước Anh thoát khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Những ngày sắp tới sẽ quyết định cách thức ra đi của nước Anh sẽ ra sao. Nhật báo kinh tế Pháp nhận thấy, chưa bao giờ hồ sơ Brexit tồn đọng nhiều bất trắc như vậy với 3 kịch bản chia tay : « Không thỏa thuận, không có Brexit hoặc không có thủ tướng. Trong khi đó giới tài chính thì vẫn nín thở chờ đợi ». Hai bên bờ biển Manche, các định chế quản lý ngân hàng đang nghiên cứu giảm sốc trong trường hợp « Brexit cứng », nhưng các ngân hàng vẫn trong thế kẹt. Một dấu hiệu hoài nghi rõ rệt, từ đầu năm đến giờ không một công ty nào niêm yết chứng khoán tại thị trường Luân Đôn.

Nguồn: Anh Vũ/ RFI

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo