Thế giới

Căng thẳng với Nga, Ukraine có thể chờ đợi gì từ EU?

Cập nhật lúc 21-04-2021 14:58:30 (GMT+1)
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (chính giữa) thăm vùng chiến sự Donbass vào tháng 3/2021. Ảnh: AP

 

Tổng thống Ukraine Zelensky đã nhiều lần kêu gọi châu Âu có biện pháp mạnh mẽ hơn để bảo vệ Ukraine, ngăn chặn sự “leo thang” ở biên giới phía Đông như áp đặt các lệnh trừng phạt với Nga, kết nạp Ukraine vào khối NATO… Câu hỏi đặt ra là EU có thể đi xa tới đâu trong việc bảo vệ Ukraine?


EU chưa có kế hoạch trừng phạt Nga

Trong cuộc họp trực tuyến của các Ngoại trưởng EU đầu tuần này, hầu hết các cuộc thảo luận tập trung vào tình hình căng thẳng ở biên giới Ukraine, khi EU chỉ trích là Nga đã tập hợp hàng trăm ngàn quân lính dọc biên giới Nga-Ukraina và tại bán đảo Crimea. Phía châu Âu cho rằng đây là hành động leo thang căng thẳng nguy hiểm và mang tính chất đe dọa từ phía Nga.

Tất nhiên, phía Nga cũng đã nhiều lần đáp trả rằng các động thái của họ là để phản ứng lại với các hành động gây bất ổn của NATO và của chính phủ Ukraine.

Trước và trong cuộc họp này, có hai luồng ý kiến chia rẽ mạnh trong nội bộ EU. Một bên là các nước thành viên Đông Âu như Ba Lan, Romania và các nước Baltic muốn EU gây sức ép tối đa với chính phủ Nga bằng các đòn trừng phạt. Nhưng đa số các nước khác, như Pháp, Đức, Italy hay kể cả Cao ủy phụ trách đối ngoại và an ninh của EU, ông Josep Borrell đều tuyên bố rằng họ chưa có kế hoạch trừng phạt thêm với Nga.

Cần nhắc lại rằng, trong một tuyên bố chung đưa ra vào thời điểm căng thẳng Nga – Ukraine mới xuất hiện cách đây khoảng 10 ngày, Ngoại trưởng hai nước Pháp-Đức đã kêu gọi tất cả các bên, bao gồm cả Nga và chính phủ Ukraine, xuống thang, hành động có trách nhiệm, chứ không chỉ trích đích danh một mình phía Nga. Vì thế, có thể nói là ngay từ đầu phía EU cũng đã không ủng hộ hoàn toàn với các động thái điều động quân đội của chính phủ Ukraina về phía Đông, mặc dù về nguyên tắc EU luôn tuyên bố ủng hộ chính phủ Ukraine và không bao giờ công nhận việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014.

Tại cuộc họp này, ông Josep Borrell cũng đã phát biểu theo hướng đó, khi khen ngợi các phản ứng kiềm chế của chính phủ Ukraine nhưng công khai bác bỏ ý định trừng phạt Nga. Thông điệp từ phía EU rất rõ ràng: các cường quốc và quan chức lãnh đạo EU muốn thông qua đối thoại để gỡ căng thẳng với Nga và cho rằng việc trừng phạt Nga sẽ chỉ làm cho mọi việc xấu đi. Phía châu Âu muốn chờ đợi các diễn biến từ nhiều phía và chỉ khi nào mọi việc ngoài tầm kiểm soát thì EU mới bổ sung các lệnh trừng phạt. Trên thực tế là từ năm 2014 đến nay, các lệnh trừng phạt của EU và phương Tây hoàn toàn không có tác động đáng kể đến các chính sách đối ngoại và an ninh của Nga.

Đâu là “lằn ranh đỏ”?

Tuyên bố về lằn ranh đỏ được ông Emmanuel Macron đưa ra trong một cuộc trả lời một kênh truyền hình Mỹ (CBS), trong đó Tổng thống Pháp cho rằng phương Tây, mà ở đây là Mỹ có vai trò dẫn đầu, cần phải vạch ra những lằn ranh đỏ với Nga và phải sẵn sàng trừng phạt nếu Nga vượt qua các lằn ranh đỏ. Tuy nhiên, ông Macron không hề nói những “lằn ranh đỏ” đó là gì, đồng thời cũng nói thêm rằng vẫn phải đối thoại với Nga một cách cởi mở và rõ ràng, vì đó là biện pháp đáng tin cậy duy nhất.

Do đó, khái niệm về “lằn ranh đỏ” mà nước Pháp nói riêng hay EU nói chung đặt ra với Nga là khá mơ hồ. Việc EU phản ứng ra sao nếu Nga vượt qua lằn ranh đỏ đó cũng là một sự mập mờ. Không ai biết EU và phương Tây sẽ trừng phạt Nga như thế nào nếu Nga, bằng kinh tế hay bằng quân sự.

Tuy nhiên, trong mối quan hệ phức tạp nhiều thập kỷ qua giữa Nga và trước đây là Liên Xô, với phương Tây, hầu hết giới phân tích chiến lược đều nhận định rằng, kịch bản sử dụng sức mạnh quân sự với Nga là phi thực tế vì Nga là quốc gia có số đầu đạn hạt nhân nhiều nhất thế giới, là siêu cường quân sự có tính áp đảo đối với châu Âu và đủ khả năng hủy diệt hoàn toàn phương Tây nếu một cuộc chiến tranh toàn diện giữa hai bên nổ ra.

Năm 2014, khi nổ ra cuộc chính biến tại Ukraina và những binh sĩ áo xanh được cho là lính Nga bắt đầu xuất hiện ở Crimea, cũng đã có rất nhiều tiếng nói cho rằng phương Tây phải có hành động quân sự với Nga nhưng Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama đã từ chối thẳng và khẳng định “không có kịch bản quân sự”. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là phương Tây chấp nhận việc Nga đặt phương Tây vào tình huống “mọi sự đã rồi”.

“Lằn ranh đỏ” mà châu Âu có thể đặt ra với Nga có thể là việc Nga tấn công quân sự Ukraine. Nhưng khi đó, nhiều khả năng phản ứng cao nhất mà EU đưa ra cũng chỉ là các trừng phạt ngoại giao, kinh tế ở cấp độ có thể gần như cắt đứt mối quan hệ giữa Nga với châu Âu, còn đối đầu quân sự với Nga là không thực tế, đặc biệt khi Ukraina chưa phải là thành viên NATO. Tất nhiên, khi đó sức ép quân sự mà NATO dồn về phía Nga cũng sẽ vô cùng lớn. Nhưng kịch bản Nga tấn công quân sự Ukraina được đánh giá là ít có khả năng xảy ra.

EU có thể đi xa tới đâu trong việc bảo vệ Ukraine?

EU có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế, ngoại giao ở cấp độ cao nhất với Nga nếu Nga tấn công Ukraine và có thể thông qua NATO hỗ trợ quân sự cho Kiev. Nhưng việc châu Âu, hay phương Tây đối đầu quân sự trực diện với Nga là rất ít có khả năng. Nếu điều đó xảy ra, không chỉ châu Âu mà sự tồn vong của cả thế giới sẽ bị đe dọa.

Từ năm 2014 khi xảy ra chính biến đến nay, Ukraine đã tìm mọi cách gia nhập EU và NATO và trong những ngày qua, Tổng thống Ukraine Zelenskyi cũng đã liên tục kêu gọi NATO đẩy nhanh quá trình kết nạp nước này là thành viên, nhưng NATO và đặc biệt là đa số cường quốc châu Âu như Đức, Pháp… vẫn chưa chấp nhận.

Nếu NATO kết nạp Ukraine thì khi đó NATO sẽ tiến sát đến biên giới Nga, đe dọa an ninh trực tiếp của Nga. Chính phủ Nga sẽ không bao giờ chấp nhận điều đó, đặc biệt là khi NATO đã bội phản lời hứa không Đông tiến đưa ra sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc và trong gần 3 thập kỷ qua đã kết nạp vô số thành viên ở Đông Âu, Balkan và Baltic.

Bất chấp các lo ngại và mong muốn từ Ukraine, các nước phương Tây cũng hiểu rằng an ninh và sự cân bằng địa chính trị tại châu Âu sẽ bị đe dọa nghiêm trọng nếu các nước như Ukraina hay Grudia gia nhập NATO. Trong cuộc cạnh tranh địa chiến lược giữa các cường quốc, bắt buộc phải có vùng đệm để tránh nguy cơ đối đầu trực tiếp.

Trong quan hệ quốc tế, có một thuật ngữ là “mô hình Phần Lan”, tức việc Phần Lan được biến thành một quốc gia trung lập tương đối nằm giữa Nga và phương Tây. Phần Lan không phải là thành viên NATO, dù tất cả các quan hệ kinh tế-chính trị và cả hợp tác quân sự của Phần Lan đều nghiêng hẳn về phương Tây.

Nga là một cường quốc có những lợi ích quốc gia mang tính sống còn cần được bảo vệ và cần được tôn trọng. Vì thế, trường hợp của Ukraine có lẽ cũng sẽ phải phát triển theo hướng “Phần Lan hóa”. EU có thể cung cấp và trao cho Ukraine những cơ chế hợp tác kinh tế vô cùng sâu sắc, NATO có thể hỗ trợ Ukraine rất nhiều về quân sự nhưng việc kết nạp Ukraine vào NATO hay EU có lẽ sẽ là một “lằn ranh đỏ” đối với Nga mà EU chưa sẵn sàng để vượt qua vào lúc này./.

Quang Dũng (VOV-Paris)
Nguồn: vov.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo