Thế giới

Các nước Liên Xô cũ run rẩy trước việc Nga sát nhập vào Crimée

Cập nhật lúc 21-03-2014 18:02:33 (GMT+1)
Bản đồ các nước thuộc khối Đông Âu và Liên Xô cũ DR

 

Sự kiện Nga sáp nhập Crimée làm lãnh thổ của mình đã dội một gáo nước lạnh vào các nước Liên Xô cũ, nơi mà Tổng thống Nga nhận được rất ít sự ủng hộ chính thức. Những quốc gia có vấn đề với các phe ly khai được Nga hỗ trợ thì lên án, còn những nước khác giữ thái độ im lặng quan sát một cách thận trọng.


Hôm thứ Tư 19/03/2014, ông Guiorgui Margvelachvili, Tổng thống Gruzia - quốc gia thuộc Liên Xô cũ nằm ở phía nam Kapkaz và thân phương Tây – đã tuyên bố : « Các sự kiện ở Ukraina là mối đe dọa không chỉ cho sự ổn định trong khu vực, mà còn cho mọi trật tự thế giới ».

Tháng 8/2008, Gruzia đã nếm mùi trận chiến năm ngày với Nga, sau đó điện Kremli công nhận Nam Ossetia độc lập cùng với một lãnh thổ ly khai khác là Abkhazia, và triển khai hàng ngàn binh lính. Tbilissi và các nước phương Tây tố cáo một sự chiếm đóng trên thực tế.

Về phần chính quyền của hai lãnh thổ ly khai này, được Matxcơva chống lưng và không được cộng đồng quốc tế nhìn nhận, đã vỗ tay hoan nghênh việc Nga sáp nhập Crimée, sau khi kiểm soát được bán đảo này bằng các lực lượng thân Nga và tổ chức cuộc trưng cầu dân ý hôm 16/3.

Moldova, quốc gia thuộc Liên Xô cũ với đa số dân nói tiếng Rumani, nằm giữa Rumani và Ukraina, cho biết rất quan ngại kịch bản Ukraina sẽ lặp lại trên lãnh thổ nước mình. Tại phần đất phương Đông của Moldova là Transnistria, cư dân hầu hết là người Nga và Ukraina. Vùng này đã ly khai, với sự ủng hộ của Nga, sau cuộc chiến tranh năm 1992 - một năm sau khi Liên Xô sụp đổ, nhưng không được bất kỳ một quốc gia nào công nhận.

Tổng thống Moldova, Nicolae Timofti tuyên bố: « Có quá nhiều cái chung giữa các sự kiện tại Crimée và tình hình ở Transnistria. Chúng tôi có những thông tin, theo đó có những sự việc cụ thể được tiến hành nhằm gây bất ổn tình hình ».

Chính quyền Nga hôm thứ Năm 20/3 họp về vấn đề « hỗ trợ cho Transnistria ». Cuộc hội nghị này đã được Phó thủ tướng Nga Dimitri Rogozine loan báo từ hôm thứ Ba, Phó thủ tướng Nga lên án nước Ukraina láng giềng đã « quyết định phong tỏa Transnistria trên thực tế ».

Hôm qua tại Washington, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen khẳng việc Matxcơva can thiệp vào Crimée nằm trong một « chiến lược toàn cầu » của Nga.

Tổng thống Noursoultan Nazarbaiev của Kazakhstan - đất nước Trung Á giàu tài nguyên dầu khí và là một trong những đối tác quan trọng nhất của Nga, mà vùng thảo nguyên là nơi đặt sân bay vũ trụ Baikonour và 26% dân số là người Nga - đã giữ im lặng hoàn toàn.

Nhà phân tích Konstantin Kalatchev, trưởng nhóm chuyên gia chính trị khẳng định : « Kazakhstan tỏ ra ngoan ngoãn, chứng tỏ mình vẫn là một đối tác của Nga nhưng tại các vùng mà dân cư người Nga và người Kazakhstan tương đương nhau, hay dân Nga chiếm đa số, các tiến trình nhằm đảo ngược tỉ lệ này đang được tiến hành ».

Một đối tác tầm cỡ khác là Belarus, đất nước có chế độ độc tài nằm kề Liên hiệp châu Âu, tỏ ra hết sức thận trọng. Trong thông báo hôm qua, Minsk cho biết chỉ muốn tạo « mọi nỗ lực cần thiết để cho quan hệ giữa Ukraina và Nga lại trở nên quan hệ anh em và láng giềng tốt đẹp ».

« Làm thế nào thoát khỏi được một ‘người bạn’ như thế ? » - nhà phân tích chính trị Andrei Klimov tự hỏi. Theo dự đoán của ông, một cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Belarus vào Nga sẽ diễn ra trước năm 2015.

Nga, Belarus và Kazakhstan vào năm 2010 đã thành lập Liên hiệp Thuế quan, mà đến năm 2015 sẽ chuyển thành Liên minh Kinh tế Âu-Á. Đến tháng 9/2013 có thêm Armenia tham gia. Theo ông Klimov : « Nếu Nga cứ tiếp tục chính sách hiện nay, thì coi như đặt dấu chấm hết cho Liên minh Âu-Á ».

Rốt cuộc, sự ủng hộ lại đến từ Tổng thống Armenia Serge Sarkissian. Ông này cho rằng cuộc trưng cầu dân ý ở Crimée là « một ví dụ mới về quyền tự quyết của một dân tộc ».

Láng giềng của Armenia là Azerbaijan cũng đang có tranh chấp lãnh thổ, và cũng muốn giữ hòa khí với Nga nên tỏ ra kín tiếng. Tại Trung Á, các nước Tuskmenistan, Uzbekistan và Tadjikistan đều giữ im lặng. Còn Kirghistan, ban đầu không thừa nhận tổng thống thân Nga bị lật đổ ở Ukraina, đã đợi mất bốn ngày cho đến hôm nay mới chịu nhìn nhận cuộc trưng cầu dân ý ở Crimée là một « thực tế khách quan ».

Nguồn: Thụy My/RFI

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo