Thế giới

Biểu tình bạo loạn ở Pháp: Báo động cả châu Âu

Cập nhật lúc 11-12-2018 03:03:07 (GMT+1)
hNhững gì diễn ra ở Pháp vài tuần qua cảnh báo một cuộc khủng hoảng rộng hơn. Ảnh: AP/TTXVN

 

Phong trào biểu tình “Áo vàng” tại Pháp thực chất là nỗi đau của toàn châu Âu, được hội tụ và chọn đất Pháp để bùng nổ. Những gì diễn ra ở Pháp vài tuần qua cảnh báo một cuộc khủng hoảng rộng hơn của nền dân chủ phương Tây, và một giai đoạn nguy hiểm mà châu Âu sắp phải đối mặt. 


Chính sách “thắt lưng buộc bụng” đang “kiệt sức” 

Chỉ trong ba tuần, phong trào biểu tình “Áo vàng” tại Pháp đã biến đổi từ một cuộc biểu tình vì một vấn đề đơn lẻ thành một cuộc kháng chiến với một danh sách dài gồm những bất bình với Tổng thống Emmanuel Macron và chủ nghĩa tự do kiểu mới của châu Âu. Các đề nghị của người biểu tình ngày một nhiều, nhưng mục đích chung nằm ở cảm nhận rằng họ đang bị “vắt ép” về kinh tế và tiếng nói bị gạt ra ngoài lề.

Một nghiên cứu đăng trên nhật báo Le Monde vừa qua đã nêu ra danh sách gồm 42 đề nghị của người phát ngôn phong trào “Áo vàng”, trong đó một số là đề nghị của cánh tả, số khác là yêu sách của cánh hữu, và đáng chú ý là chẳng có mục nào ủng hộ các chương trình “thắt lưng buộc bụng” bằng thuế khóa của ông Macron.

Phillip Torres, chuyên gia toàn cầu hàng đầu về các thị trường mới nổi thuộc công ty Quản lý tài sản Aegon, nhận định: “Mọi người ở nhiều nơi trong châu Âu cảm thấy khó kiếm sống và không biết đổ lỗi cho ai. Tại Pháp, họ đã túm được người có thể đổ lỗi, đó là ông Macron và kế hoạch tăng thuế nhiên liệu”.

Các chính sách thuế cao, lạm phát thấp, tăng trưởng yếu được thực thi tại Đức và Brussels đã hội tụ trong cuộc biểu tình tại Pháp. Tổng thống Macron, người được tiên đoán là kẻ ngoại đạo với một tài năng về kinh tế cần thiết để đưa nước Pháp vào đúng đường nhằm cải cách nền kinh tế, bỗng vào một ngày đẹp trời phải chứng kiến tỷ lệ ủng hộ của mình tụt xuống gần ngưỡng 20%. Ông đã có một bước lùi chiến thuật hồi giữa tuần qua, khi quyết định hoãn kế hoạch tăng thuế nhiên liệu, nhưng ý định này của ông dường như lại chỉ làm bùng thêm ngọn lửa biểu tình.

Cắt giảm chi tiêu công và khả năng tăng thuế đánh vào người giàu đang được đặt lên bàn nhằm tìm nguồn tài chính bù vào việc không tăng được thuế nhiên liệu. Nhưng tăng thuế đánh vào người giàu chẳng khác nào phủ nhận hoàn toàn chính sách kinh tế mang bản sắc Macron (Macronism), người đi lên từ hệ thống ngân hàng Rothschild. Giải pháp này cũng đi ngược lại các ý định của ông khi cam kết tăng cường đầu tư và kinh doanh tại Pháp trong bối cảnh Brexit có nguy cơ thất bại và một số công ty có thể mong muốn tránh gánh nặng thuế cá nhân cao hơn về lâu dài.

Vladimir Signorelli, nhà sáng lập viện Nghiên cứu Bretton Woods, dự báo: “Ông Macron sẽ phải đến Brussels và nói với họ rằng tôi không thể tăng thuế”. Nói cách khác, chương trình nghị sự “cải cách” của ông Macron dường như sắp sụp đổ.

Cuộc khủng hoảng rộng hơn của nền dân chủ phương Tây

Những “rạn nứt” đang nới rộng tại Pháp - sự thất vọng thời hậu công nghiệp hóa đang len lỏi vào từng tỉnh thành - có lẽ là điều quá quen thuộc với người Mỹ, người Anh và nhiều nền dân chủ khác ở phương Tây. Ngoài thuế nhiên liệu, ông Macron đã cố gắng thúc đẩy một loạt các cuộc cải cách đầy tham vọng mà ông dự là sẽ “tháo cũi” cho nền kinh tế Pháp. Nhưng ngày càng có nhiều người giận dữ về cách điều hành mạnh tay của ông và cảm giác bị gạt ra ngoài lề khi ông đặt lợi ích của giới thượng lưu lên trên.

Các đối thủ chính trị của ông Macron đã lập tức “đục nước béo cò”. Lãnh đạo cực tả Jean-Luc Mélenchon gắn không khí tại Pháp những ngày này với cuộc biểu tình của người cánh hữu cách đây nửa thế kỷ. Trả lời phỏng vấn một đài địa phương, ông so sánh làn sóng biểu tình hiện nay như một cuộc “khởi nghĩa” trong trang sử năm 1968. Lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen thậm chí kêu gọi giải tán Quốc hội và tiến hành bầu cử sớm. Một nhân vật cực hữu cứng rắn khác thì mượn phong trào biểu tình này để kêu gọi ông Macron từ chức nhằm tạo điều kiện cho một chính phủ tạm quyền do một vị cựu tướng đứng đầu. 

Cuộc khủng hoảng ở Pháp còn có những “sóng ngầm” đáng sợ hơn, mà một người phát ngôn của “Áo vàng”, ông Christophe Chalençon, là hiện thân. Chalençon là một thợ rèn đến từ vùng Vaucluse, miền Nam nước Pháp. Ông công khai phản đối đạo Hồi và kêu gọi thành lập một chính phủ quân sự.

Các thế lực cực đoan trên toàn châu Âu chắc chắn đang vui mừng trước nỗi đau của ông Macron. Từ những người ủng hộ Brexit “cứng” ở Anh (cả phe tả và hữu) đến lãnh đạo cực hữu ở Italy Matteo Salvini… đều đang cảm thấy thú vị. Chính sự biến động và lộn xộn trong các nền dân chủ tự do là nơi họ dựa vào để đi lên. Cái giá mà những người cực đoan tìm kiếm là một cuộc tiếm quyền chính trị trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu tháng 5/2019. Các sự kiện tại Pháp dự báo “điềm gở”, và ý nghĩa của cơn “địa chấn” này đang lan rộng ra ngoài biên giới một quốc gia.

Những nhượng bộ của chính phủ về hoãn tăng thuế dường như là quá ít và quá muộn. Những lo ngại của người biểu tình lớn gấp ba lần: họ sợ mất quyền và uy tín, sợ tác động kinh tế của toàn cầu hóa, sợ mất “bản sắc dân tộc”. Các nhóm xã hội đối đầu với nhau: người trẻ chống lại người già, người thất nghiệp với người có việc làm, nông thôn đối với thành thị, người yếu kém chống lại người được giáo dục. Những chia rẽ như vậy tồn tại ở nhiều nước, nhưng tại Pháp sự chia rẽ ấy có quy mô lớn hơn nhiều vì ý tưởng về chủ nghĩa quân bình vốn gắn với nền Cộng hòa. Nhiều người Pháp cảm thấy thực sự không nhận được những gì họ xứng đáng được nhận.

Sau tất cả các cuộc khủng hoảng của châu Âu – nợ công ở Italy, vấn đề người di cư, phiền phức của các nước Đông Âu, vấn đề Brexit – dường như mãi tới gần đây, các lãnh đạo chính trị của châu Âu mới mạnh và ổn định hơn. Trong khi 18 năm cầm quyền của bà Merkel tại Đức đang hướng đến một phần kết yếu ớt, sự nổi lên của một tổng thống mới, có sức thuyết phục, ủng hộ môi trường ở Pháp – ông Macron – tưởng như đã hứa hẹn một bàn tay cứng rắn khác. Giờ đây các đảng viên Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel đã chọn một người khác thay thế bà, còn người Pháp dường như cũng muốn thay thế ông Macron nhưng theo một cách ít hợp pháp hơn. Bỗng nhiên, châu Âu bước vào một giai đoạn mới, nguy hiểm hơn trong quá trình phát triển của mình.

Dù có một sự khác biệt rõ ràng giữa một nước Pháp rối loạn và một nước Đức tỉnh táo, nhưng thực tế là cả hai nước này đều đang chịu cùng những nỗi đau kinh tế và chính trị như nhau. Trong cả hai nước, các đảng cánh hữu đang lớn mạnh và tự tin nhiều đến mức chưa từng thấy cách đây vài năm. Điều tương tự cũng xảy ra tại Thụy Điển và nhiều nơi khác. Triển vọng cuộc bầu cử nghị viện châu Âu mùa Hè tới khá “rùng rợn”. Nghị viện EU – cơ quan có quyền lực quan trọng – có thể biến thành một chiếc bút đồ chơi cho phe cực hữu. Châu Âu đang sống trong giai đoạn nguy hiểm.

Vì lợi ích của châu Âu, ông Macron cần trợ giúp, chứ không phải là căm thù hay khinh bỉ. Một vị Tổng thống Pháp trẻ tuổi, cải cách, từng hứa hẹn “phục hưng châu Âu” đang mắc kẹt trong cái bóng của một đất nước đang nhanh chóng trở thành “người ốm yếu của châu Âu” một lần nữa.

Khi nhậm chức năm 2017, ông Macron hứa hẹn một “cuộc cách mạng” nhằm khôi phục và củng cố uy tín của Pháp, ít nhất là trên trường châu Âu. Giờ đây, ông dường như đang bị “trói tay” ở trong nước, và có thể sẽ ảnh hưởng đến các kế hoạch châu Âu của ông. Vì một Merkel “đang yếu dần” không thể làm gì nhiều để giúp ông Macron tái khởi động dự án châu Âu, một Macron yếu dần sẽ trở thành “miếng mồi ngon” cho phe cực hữu trên toàn châu lục. Những Le Pen, Orbán, Salvini đang chờ “gió đổi chiều”. Nếu châu Âu không tìm ra giải pháp, cuộc bầu cử nghị viện châu Âu tại Pháp có nguy cơ trở thành một cuộc trưng cầu dân ý chống lại ông Macron.

Cách đây vài năm, nước Ý “căng như dây đàn” đã phải chứng kiến những ngày “vaffanculo” của mình khi những người biểu bình đã giúp cho phong trào dân túy Five Star “cướp cờ” và phất. Điều gì đã xảy ra kể từ đó? Năm nay, Italy đã rơi trọn vào “gọng kìm” của cánh hữu. Những ngày “vaffanculo” của Pháp sẽ dẫn tới một kịch bản tương tự nếu những người điềm tĩnh, tỉnh táo không giúp ông Macron tạo dựng lại uy tín tổi thiểu. Không thể có dự án dân chủ hay công lý xã hội nào nếu thiếu một nước Pháp dân chủ châu Âu. Khuôn mặt của nữ thần Marianne – mà người biểu tình phá hỏng - cần phải được phục chế./.

Nguồn: Diệu An/ Vietnamnet.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo