Thế giới

“Khoảng trống quyền lực” khi Thủ tướng Anh phải nhập viện vì Covid-19

Cập nhật lúc 08-04-2020 17:41:39 (GMT+1)
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: AP

 

Việc Thủ tướng Anh Boris Johnson phải điều trị tích cực đã làm dấy lên mối lo về “khoảng trống quyền lực” trong thời điểm mấu chốt của dịch Covid-19.


Ngoại trưởng Dominic Raab bị giới hạn quyền lực

Theo Guardian, mối lo này xuất phát từ thực tế là người tạm nắm quyền thay ông Johnson, Ngoại trưởng Dominic Raab không được phép đưa ra các quyết sách quan trọng mà không được sự chấp thuận của toàn thể Nội các Anh. Hơn thế nữa, người dân Anh đang chờ đợi liệu ông Raab có thay đổi các điều khoản về lệnh giới hạn trong dịch Covid-19 mà Thủ tướng Anh từng cam kết sẽ đưa ra trong tuần tới hay không.

Dù cố lên tiếng trấn an người dân Anh về tình hình sức khỏe của ông Johnson trong cuộc họp báo ở Phố Downing [Văn phòng Thủ tướng Anh-ND], ông Raab vẫn phải thừa nhận một thực tế rằng, ông và các cộng sự trong Nội các rất quan ngại về tình hình dịch bệnh hiện nay tại Anh. Ông Raab khẳng định: “Ông Johnson không chỉ là một ông chủ mà còn là người đồng nghiệp và bạn của chúng tôi”.

Khi được hỏi liệu ông có quyền đưa ra những thay đổi quan trọng nếu cần thiết như nới lỏng hoặc tăng cường lệnh phong tỏa hay không, ông Raab trả lời: “Tôi nhận được chỉ thị rất rõ ràng từ Thủ tướng về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và chúng tôi đang nỗ lực vượt qua cuộc khủng hoảng này. Ông ấy yêu cầu tôi tạm đóng vai trò của mình lâu nhất có thể nhưng vẫn phải tuân thủ các quy định và trách nhiệm của một thành viên Chính phủ”.

Ông Dominic Raab cũng từ chối trả lời câu hỏi về việc các biện pháp hạn chế nhằm phòng, chống Covid-19 như đóng cửa các nhà hàng, quán bar, các cửa hàng không thiết yếu và giới hạn thời gian người dân có thể ra ngoài có được xem xét thay đổi vào ngày 13/4 tới – 3 tuần sau khi các biện pháp này được đệ trình lên Chính phủ - hay không.

Trước đó, ngày 23/3, phát biểu trên truyền hình, ông Johnson đã tuyên bố: “Tôi có thể cam kết rằng, Chính phủ sẽ liên tục xem xét lại các biện pháp giới hạn. Trong 3 tuần tới, chúng tôi sẽ cân nhắc có thể nới lỏng các biện pháp này nếu điều kiện cho phép”.

Có tranh cãi nội bộ?

Nhóm công tác ứng phó với dịch Covid-19 của Chính phủ Anh hiện nằm dưới sự giám sát của 4 ủy ban trong Nội các và 4 ủy ban này lại chịu sự giám sát của ủy ban điều phối do ông Dominic Raab làm Chủ tịch từ tháng 7/4.

Trước thông tin có tranh cãi nội bộ giữa các thành viên quan trọng trong nhóm này, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Bộ trưởng Y tế Matt Hancock về cách thức đối phó với dịch bệnh, đặc biệt là quan điểm khác nhau về việc liệu có nên dỡ bỏ các biện pháp giới hạn trong thời gian tới hay không, Chính phủ Anh khẳng định, “đó hoàn toàn là tin đồn vô căn cứ”.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, thông tin này không phải không có cơ sở khi các Bộ trưởng và các cố vấn của họ liên tục đưa ra những tuyên bố hết sức trái ngược trong những ngày vừa qua liên quan đến cách thức đối phó với dịch Covid-19 của nước Anh.

Điều này đã khiến người dân Anh cảm thấy lo ngại trong bối cảnh Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe (IHME) có trụ sở tại Seattle, Mỹ cảnh báo, Anh có thể là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do dịch Covid-19 tại châu Âu với số người chết vì dịch bệnh chiếm 40% tổng số ca tử vong trên toàn khu vực.

IHME ước tính, đến tháng 8 tới, sẽ có khoảng 66.000 người Anh tử vong vì Covid-19 và trong những ngày đỉnh dịch, dự kiến rơi vào khoảng giữa tháng 4, sẽ có gần 3.000 người thiệt mạng, con số cao hơn rất nhiều so với thời điểm hiện nay.

Cũng theo IHME, khi đó Anh sẽ cần tới hơn 102.000 giường bệnh trong khi hiện tại nước này mới chỉ có khoảng 18.000 giường bệnh phục vụ điều trị Covid-19. Ngoài ra, Anh cũng sẽ cần tới 24.500 giường bệnh phục vụ điều trị tích cực và gần 21.000 máy thở.

Trước đó, giới chức Anh cũng đã bị chỉ trích vì ý tưởng “miễn dịch cộng đồng” khiến họ không triển khai ngay việc giãn cách xã hội mà theo các chuyên gia tại Đại học Imperial College London có thể khiến số người tử vong vì Covid-19 ở Anh giảm xuống còn 20.000 người.

Giáo sư Chris Whitty, chuyên gia y tế hàng đầu tại Anh, cho rằng, giới chức nước này cần phải học cách Đức ứng phó với dịch Covid-19, trong đó đặc biệt nhấn mạnh khả năng xét nghiệm với số lượng cực lớn các đối tượng nghi nhiễm virus SARS-CoV-2.

“Chúng ta đều biết rằng, Đức đã đi trước một bước trong việc thực hiện xét nghiệm cho rất nhiều đối tượng nghi mắc Covid-19 và chúng ta có thể học hỏi rất nhiều từ họ”, Giáo sư Chris Whitty nói và cho biết, mỗi tuần, Đức có thể tiến hành xét nghiệm cho 500.000 bệnh nhân và hiện đang tăng dần số lượng người được xét nghiệm./.

Nguồn: Trần Khánh/VOV.VN

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo