Séc-Slovakia

Séc: Dân biểu lai Nhật Tomio Okamura lại chống người nhập cư

Cập nhật lúc 24-04-2014 11:33:08 (GMT+1)

 

Phong trào đối lập Bình minh Dân chủ trực tiếp của dân biểu Tomio Okamura đã bắt chước ý tưởng của giới dân tộc chủ nghĩa Thụy Sĩ, sử dụng biểu tượng cừu đen, cừu trắng để chống đối người nhập cư trong chiến dịch vận động tranh cử vào Quốc hội châu Âu.


Trên những tấm áp phích của mình, Bình minh Dân chủ trực tiếp với hình những con cừu trắng đuổi cừu đen ra khỏi trung tâm của mình, thể hiện thái độ phản đối người nhập cư không chịu thích ứng. Nhưng theo đại diện các tổ chức phi lợi nhuận, người nước ngoài không phải là nguy cơ gây ra bất kỳ phức tạp nào cho Cộng hòa Séc và phong trào Bình minh cùng thủ lĩnh Tomio Okamura của nó chỉ muốn đầu cơ chính trị bằng đề tài này.

“Những tấm áp phích cho cuộc bầu cử tháng 5 sẽ được dán tại hơn 10 nghìn vị trí quảng cáo ở tất cả các thành phố, làng mạc tại CH Séc. Thiết kế với hình những con cừu xuất phát từ cuộc vận động trưng cầu dân ý hết sức thành công ở Thụy Sĩ về người nhập cư,” Tomio Okamura bình luận với phóng viên hãng thông tấn ČTK.

Vài năm trước, áp phích “cừu trắng, cừu đen” đã được Đảng Nhân dân Thụy Sĩ (SVP) theo chiều hướng dân tộc bảo thủ sử dụng. Trong đó trên nền đỏ và cây thập tự trắng ba con cừu trắng xua đuổi con cừu đen ra khỏi. Áp phích của Bình minh chỉ thay nền Thụy Sĩ bằng lá cờ CH Séc.

Theo truyền thông Thụy Sĩ, thì biểu tượng này được sao chép rất nhiều, từ mấy năm trước hàng loạt các phong trào, tổ chức như Lega Nord của Italia, đảng NPD cực hữu ở Đức hay đảng Dân tộc cự hữu tại CH Séc đã sử dụng. Năm 2011, tòa Tối cao CH Séc đã phán quyết cấm đảng Dân tộc hoạt động, nhưng trước đó nhóm cực đoan này đã không còn mấy năng động và biến mất khỏi chính trường.

Chủ tịch Tổ chức hỗ trợ người tị nạn Martin Rozumek đánh giá việc hướng vào người nhập cư ở CH Séc là không phù hợp. “Tại đây hình thành nhóm người nước ngoài đông nhất là từ Slovakia, mà chẳng ai coi họ là người ngoại quốc. Cảm thấy bắt chước chiến dịch vận động của Thụy Sĩ là hoàn toàn lệch lạc,” Rozumek bình luận và cho rằng Bình minh tìm đề tài đã có tác dụng ở nước ngoài. “Thế nhưng nỗi sợ hãi người nhập cư hay Digan không nằm trong đó,” Rozumek kết luận.

Tại CH Séc, từ nửa đầu thập kỷ chín mươi đã bắt đầu làn sóng người tị nạn từ Rumani, sau đó tới Bosna va Hercegovina. Theo thời gian, đã dần hình thành ba luồng chính mang đặc thù chủ yếu từ nhu cầu của người nhập cư phụ thuộc vào gốc gác của họ: di trú lao động (như Ukraina, các nước thuộc Liên Xô cũ, vùng Balcan, Việt Nam…), người tị nạn (từ các nước Liên Xô cũ, Balcan, châu Phi, Trung Đông…) và người di trú bất hợp pháp, chủ yếu sử dụng lãnh thổ CH Séc như vùng trung chuyển. Trước đây và cả trong thập kỷ 90, CH Séc chủ yếu được coi là vùng trung chuyển của tình hình di dân quốc tế. Từ cuối thế kỷ 20 chiều hướng bắt đầu thay đổi và CH Séc dần trở thành đích đến. Điều này dĩ nhiên phát sinh nhu cầu cần phải hình thành môi trường pháp lý tốt hơn đối với người nhập cư cũng như cả những chính sách nhà nước về di trú, hội nhập.

Vấn đề di trú và hội nhập chuyển sang chương mới, khi CH Séc trở thành hội viên Liên minh châu Âu năm 2004 và “xóa bỏ” biên giới quốc gia CH Séc từ cuối năm 2007 trong khuôn khổ khu vực Schengen.

Sau khi CH Séc vào Liên minh châu Âu, người nước ngoài được chia thành hai nhóm chính: công dân các quốc gia EU, có nhiều quyền lợi hơn và cả những qui định về cư trú trên lãnh thổ CH Séc đơn giản hơn nhiều, và nhóm gọi lag công dân từ các nước thứ ba.

Hiện nay, nhóm người nước ngoài đông nhất tại CH Séc có nguồn gốc từ Ukraina, Slovakia và Việt Nam hay các nước thuộc Liên Xô cũ. Số lượng người Trung Quốc và mặc dù ít, cả người từ Bắc Phi và cận Sahara, Trung Đông và nhiều nơi khác cũng đang tăng lên. Nhưng phần lớn người di trú đến CH Séc từ những vùng có ngôn ngữ tương đồng, hay người Việt Nam đã xây dựng được mới quan hệ gắn bố với môi trường Séc.

Như vậy rõ ràng, là với tình hình kinh tế, chính trị và dân số duy trì như chiều hướng hiện nay thì người nước ngoài tại CH Séc, kể cả từ EU và từ các nước thứ ba sẽ còn tiếp tục tăng lên. Và mặc dù các qui định về thị thực nhập cảnh vào khu vực Schengen ngày càng khó khăn, số lượng người từ các quốc gia thứ ba chắc chắn sẽ tăng mạnh hơn.

Nguyễn Cung - Vietinfo.eu
(ČTK)

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo