Séc-Slovakia

Những điểm mới trong dự thảo luật tỵ nạn của Cộng hòa Séc

Cập nhật lúc 25-10-2019 15:45:04 (GMT+1)
Bộ trưởng Nội vụ Jan Hamáček (ČSSD) đã giải trình trước Quốc hội. Foto: ČTK

 

Giữa tuần, bộ trưởng Nội vụ Jan Hamáček (ČSSD) đã giải trình trước Quốc hội về dự thảo sửa đổi bổ xung luật tỵ nạn. Một số điểm mới trong dự luật đã gây tranh luận gay gắt trong xã hội và chính trường.


Một trong những điểm mới quan trọng nhất, là CH Séc phải đưa vào hệ thống pháp lý của mình khái niệm mới mặc dù với các nước Tây phương không quá xa lạ. Đó là qui chế "chờ" của người nước ngoài, là hình thức thu dung mà ví dụ ở Đức gọi là "duldung".

Theo nhiều nguồn tin, tại Đức hiện nay có khoảng 180 nghìn người nước ngoài cư trú dạng qui chế duldung. Một trong những lí do phổ biến nhất để xem xét và cấp qui chế duldung là không xác minh được nhân thân của người ngoại quốc đó, mà nếu nói dân dã thì đó thường là những trường hợp "tự hủy giấy tờ".

Theo bộ Nội vụ, luật tỵ nạn mới sẽ thắt chặt đáng kể các điều kiện công nhận qui chế bảo vệ quốc tế cho người nước ngoài xin tỵ nạn. CH Séc sẽ mở rộng phạm vi những lí để không chấp nhận hay tước quyền tỵ nạn của người ngoại quốc phạm tội nghiêm trọng. Sẽ không chấp nhận tỵ nạn những đối tượng, mà mặc dù đáp ứng đủ điều kiện là không thể trả ngay về nơi ra đi, nhưng đồng thời lại phạm tội hình sự nghiêm trọng ở Séc.

"Luật mới sẽ cho phép đẩy nhanh quá trình hồi hương người di trú về nước, khi tình hình ở đó bình yên trở lại. Những người ngoại quốc thu dung (chờ) sẽ có thể buộc hồi hương ngay lập tức chứ không cần phải chờ thủ tục xử lý truất quyền tỵ nạn, mà nhiều khi kéo dài lê thê hàng một vài năm," bộ trưởng Nội vụ giải thích đồng thời bổ xung: "Nếu người ngoại quốc xin tỵ nạn ở Séc mà phạm tội hình sự nghiêm trọng, thì mặc dù đáp ứng đử điều kiện tỵ nạn, cũng sẽ không được công nhận quyền tỵ nạn."

Trong khi đó, cái qui chế duldung mà CH Séc sẽ phải áp dụng trong tương lai là đề tài gây nhiều dị  nghị, bởi theo nhiều lập luận thì nghĩa là Séc sẽ phải chấp nhận thu dung cả những người ngoại quốc không hội tụ đủ điều kiện để được công nhận tỵ nạn và không thể trục xuất chỉ vì không thể xác nhận được nhân thân và kể cả khi là tội phạm hình sự. Và bộ trưởng Jan Hamáček đã rất bức xúc trong phiên điều trần ngày 24 tháng Mười trước chất vấn của nữ nghị sĩ Zuzana Majerová Zahradníková (Trikolóra), rằng luật mới với qui chế thu dung sẽ đe dọa an ninh CH Séc.

"Tôi sẽ không tranh cãi với những luận điệu lừa bịp và thông tin bóp méo," Jan Hamáček  tuyên bố đồng thời cho rằng bà dân biểu Zuzana Majerová Zahradníková "nắm tay cùng các trang web Nga bịp bợm thực hiện chiến dịch tuyên truyền". Theo bộ trưởng Nội vụ, qui chế thu dung chỉ được áp dụng trong những hoàn cảnh đặc biệt đối với các trường hợp xin tỵ nạn ở Séc và phạm tội hình sự, nhưng chưa thể trục xuất cho tới khi tại đất nước của người đó tình hình trở lại yên ổn hay người đó không còn bị đe dọa trừng phạt khi hồi hương. "Tôi không túm áo ai đẩy họ về nhà, để rồi ở đó họ bị bắn bỏ," Jan Hamáček giải thích. Theo Jan Hamáček, những ai được tạm dung ở Séc có thể được cho hồi hương khẩn trương hơn so với luật hiện hành. "Xin đừng lướt trên ngọn sóng mị dân rẻ tiền, như vậy không đàng hoàng," bộ trưởng Nội vụ Jan Hamáček nói nhằm vào nữ nghị sĩ Zuzana Majerová Zahradníková.

David Nguyen- ČTK

©Vietinfo.eu

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo