Séc-Slovakia

Khủng hoảng ngoại giao Séc- Nga: Thà chiến tranh lạnh còn hơn là hòa bình nóng

Cập nhật lúc 31-05-2021 12:29:21 (GMT+1)
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

 

Đến hết ngày 31 tháng Năm 2021 toàn bộ các nhân viên đại sứ quán Nga bị trục xuất buộc phải rời lãnh thổ CH Séc. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Eva Davidová cho biết 123 công dân Nga đã nhận được lệnh rời khỏi lãnh thổ. Ba mươi trong số đó mang hộ chiếu ngoại giao, còn lại sử dụng hộ chiếu công vụ. Một chuyến chuyên cơ từ Moscow đã đón người của mình hôm thứ Bẩy, và chuyến cuối cùng sẽ cất cánh ngày thứ Hai, 31/05/2021. Số khác hồi hương bằng đường bộ.


Quan hệ ngoại giao giữa Cộng hòa Séc và Liên bang Nga trong những năm gần đây không thể nói là ấm áp và gần đây đang bất ngờ trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Không chỉ trên thế giới mà chính trường và cả dư luận xã hội tại Séc với thái độ trái ngược nhau đang tranh luận dữ dội về mối quan hệ với Nga.

“Xung đột giữa Praha và Moscow bùng phát thành sự thù địch không khoan nhượng,” nhật báo Pravda (Sự Thật) tại Slovakia bình luận về xung đột ngoại giao xảy ra giữa Séc và Nga vì nguyên nhân tình báo Séc đã thu thập được nhiều bằng chứng thuyết phục và chính phủ CH Séc đã chính thức khẳng định có lí do để nghi vấn gián điệp Nga nhúng tay vào vụ nổ kho đạn dược ở Vrbĕtice trên địa bàn quận Zlín từ hồi cuối năm 2014. Sme, một nhật báo lớn khác ở Slovakia thì mô tả leo thang xung đột Séc- Nga là chưa từng có trong mối quan hệ quốc tế.  

“Điều gì chưa từng xa ra trong bốn mươi năm chiến tranh lạnh đã nổ ra vào hiện tại, 30 năm sau khi chiến tranh lạnh kết thúc. Chưa bao giờ có quốc gia nào trục xuất nhiều nhà ngoại giao Nga và các nhân viên đại sứ quán khác, như Séc đã quyết định ra tay,” Pravda mô tả về biện pháp của Séc ban đầu trục xuất 18 nhà ngoại giao ở đại sứ quán Nga và sau khi Moscow trả đũa theo thông lệ ngoại giao và có phần mạnh hơn chút đỉnh, đã quyết định áp dụng hình thức cân bằng số lượng nhân viên ngoại giao và các nhân sự khác trong đại sứ quán Nga ở Praha so với tình trạng hiện nay của cơ quan đại diện CH Séc ở Moscow. Người Nga có thời gian đến hết tháng Năm để rút thêm 63 nhân viên đại sứ quán của mình ở Praha về nước. Có thực tế nên biết, là với trường hợp 18 nhân viên mang hộ chiếu ngoại giao của Nga, Séc buộc phải rời khỏi lãnh thổ trong thời hạn 24 giờ vì khẳng định tất cả các đối tượng này đều là điệp viên đội lốt. Còn các nhân viên đại sứ quán Nga khác phải về nước để thăng bằng sĩ số có thời hạn đến hết tháng Năm, lí do vì đa số các nhân viên này cùng gia đình đã sống và làm việc lâu dài ở Séc nên không muốn ”cạn tầu ráo máng” buộc rời khỏi ngay lập tức mà cho thời gian để chuẩn bị.

Ngoài ra, cơ quan đại diện của Séc ở Moscow sử dụng nhiều người bản xứ cho các công tác tạp vụ, quản lý vận hành, khác với Nga chỉ tin dùng chủ yếu người của mình cho hoạt động của cơ quan đại sứ tại Praha. Và trong các biện pháp trả đũa, Moscow đã buộc đại sứ quán Séc phải hủy tức thì hợp đồng lao động với công dân Nga, cho nên ngay lập tức hiện nay cơ quan đại diện Séc ở Nga đã hầu như tê liệt và phải cầu viện sự hỗ trợ của đồng minh trong khối EU.

Tờ Pravda cho rằng quan hệ Séc- Nga chắc chắn sẽ trở nên băng giá. “Nhưng thà rằng “chiến tranh lạnh” còn tốt hơn là “hòa bình nóng”,” Pravda khẳng định đồng thời bổ xung, là Slovakia cũng đã trục xuất ba nhân viên ngoại giao Nga, không chỉ để này tỏ tình đoàn kết với Séc mà còn cho thấy cả vì an ninh cho chính mình. Bratislava trong quyết định trục xuất cũng dẫn lí do dựa trên cơ sở tin tức của tình báo.

Còn tờ Sme thì cho rằng quyết định của Praha về cân bằng nhân sự ngoại giao và công chức khác ở đại sứ quán giữa hai nước còn là nước cờ cương quyết buộc các đồng minh phải bày tỏ thái độ rõ ràng bằng hành động hỗ trợ chứ không chỉ bày tỏ tình đoàn kết suông.

“Cộng hòa Séc theo tình báo và cảnh sát của mình đã trở thành nạn nhân hành động tội phạm bạo lực của chế độ Vladimir Putin. Và trong bối cảnh đó Slovakia đã hành động phù hợp. Thậm chí còn đúng đắn hơn nhiều so với cả chính nạn nhân,” tờ Denník N bình luận ám chỉ thực tế là tổng thống Séc Miloš Zeman sau một tuần im hơi lặng tiếng đã “tung hỏa mù” che chở cho điện Kreml, rằng chưa chắc đã phải do Nga tấn công khủng bố mà có thể do tai nạn sơ suất và cảnh sát cũng đang điều tra cả theo chiều hướng đó. Trong khi đó, cả thủ tướng và bộ trưởng Nội vụ CH Séc đều khẳng định chỉ có một nghi vấn duy nhất là các gián điệp Nga.

Châu chấu Séc đá xe tăng Nga?

Với nhiều những người xùng bái nước Nga và Putin nhất là sức mạnh quân sự khủng khiếp nó đang sở hữu, hành động gần đây của chính quyền Séc rõ ràng là chuyện châu chấu đá xe đầy ngu xuẩn. Với những người hiểu chuyện, thì người Nga không muốn và chưa bao giờ chịu chấp nhận thực tế các nước chư hầu thời CHXH trong đó có Cộng hòa Séc đã không còn nằm trong vòng ảnh hưởng hầu như tuyệt đối của điện Kreml nữa, nên vẫn áp dụng phổ biến kiểu ngoại giao “xe tăng” lạc lõng. Để cho tới hiện tại vẫn kiêu ngạo cho rằng Séc chỉ hành động theo chỉ đạo, xúi giục của ai đó- dĩ nhiên là nhằm ám chỉ người Mỹ. Thế nhưng theo thời gian, tiếng xích xe tăng Nga không còn làm người Séc cảm thấy quá rùng rợn như trong quá khứ nhất là mùa Thu 1968 nữa và có thể đây là thời điểm chín muồi để quyết tâm bứng trọn cái gai mà người Nga vẫn cài cắm được ở Praha- đại sứ quán LB Nga.

Tình trạng đại sứ quán Nga ở Praha có số lượng các nhà ngoại giao đông đảo, mà trong đó theo Cục Tình báo Dân sự (BIS) thì ít nhất một phần ba là gián điệp các loại, có cội nguồn từ quá khứ. “Sau khi Tiệp Khắc phân chia, lẽ ra một phần nhân sự đại sứ quán Nga sẽ chuyển sang cơ quan mới ở Bratislava, nhưng chuyện đó đã không xảy ra,” phóng viên tờ Kinh tế Ondřej Soukup chuyên về mảng tình hình Nga và Ukraine phân tích. Và vì thế động thái yêu cầu cân bằng sĩ số của hai đại sứ quán mà Séc đặt ra là bước đi cương quyết làm suy yếu nặng nề mạng lưới gián điệp mà người Nga đã dầy công xây dựng được.

Theo nhà nghiên cứu chính trị Nga Alexandr Morozov từng là tổng biên tập tạp chí Russian Journal, phản ứng của Séc là can đảm và điện Kreml đã mất một cứ điểm gián điệp quan trọng ở châu Âu. Alexandr Morozov cho rằng mối quan hệ Séc- Nga sẽ được cải thiện khi kỷ nguyên Vladimir Putin chấm dứt.

Alexandr Morozov mô tả, rằng điện Kreml hoàn toàn bất ngờ trước thái độ cứng rắn của Praha khi đích thân thủ tướng và bộ trưởng Nội vụ CH Séc cùng công khai chỉ tận mặt gián điệp Nga. Vì thế cho nên phản ứng của Nga cuồng loạn đến nực cười. Ví dụ trưởng Ban các vấn đề quốc tế Viện Duma Leonid Slutsky cho rằng Séc bịa đặt ra việc bị gián điệp Nga tấn công khủng bố để đánh lạc hướng dư luận trong nước trước hậu quả đại dịch covid và chuyện mua bán Sputnik V.

Rõ ràng Moscow hết sức ngỡ ngàng khi Praha dám ra tối hậu thư sau khi Nga trả đũa trục xuất số lượng nhân viên ngoại giao nhiều hơn. Theo Alexandr Morozov, tuyên bố của tổng thống Miloš Zeman về hai hướng điều tra thực ra chỉ mở cửa để điện Kreml tiến hành chiến dịch tuyên truyền đối với dân Nga trong nước chứ không gây ảnh hưởng gì lớn trên trường quốc tế.

Khi “tuyên chiến” với Moscow, Cộng hòa Séc không mất mát quá nặng nề trong khi Kreml nhận quả đắng- mất nút thắt điệp viên quan trọng ở Praha, cánh cửa tới dự án nhà máy điện nguyên tử Dukovany chính thức đóng sập cho Rosatom. Hơn nữa, điều tra vẫn đang tiếp diễn và lan cả sang Bulgaria.

Trong bối cảnh khi mà cảm giác thù địch của Moscow với EU ngày càng gia tăng và cả cay cú vì tổn thất bất ngờ, chắc chắn thời gian tới điện Kreml sẽ còn tung ra thêm những đòn trả đũa hay trừng phạt khác nữa kể cả tiểu nhân nhỏ nhen. Theo giám đốc Tình báo Quân sự Jan Beroun, thì thực ra người Nga đã biết về vụ Vrbětice trước khi thủ tướng Andrej Babiš (ANO) phó thủ tướng bộ trưởng Nội vụ Jan Hamáček (ČSSD) thông báo chính thức. Bởi trước đó trên không gian mạng đã bắt đầu phát tán chiến dịch ủng hộ Nga và bác bỏ kết luận của Séc về sự kiện Vrbětice. “Chúng tôi đã thấy rõ rệt nhiều mạng xã hội thân Nga đã tăng cường hoạt động, lan tải thông tin bịa đặt và bóp méo sự thật. Thậm chí thấy rõ là đã xảy ra trước khi sự việc được công bố chính thức. Nghĩa là, rõ ràng Nga đã biết trước rằng Séc đã có trong tay bằng chứng liên quan của mật vụ Nga tới vụ nổ và chuẩn bị chiến thuật đối phó,” Jan Beroun nói với báo Kinh tế.

Cuối tháng Năm, thủ tướng Andrej Babiš sẽ trình kết luận bằng văn bản với các đối tác trong Liên minh châu Âu về vụ việc ở Vrbětice. „Về những gì liên quan tới Nga nói chung, sẽ là chương trình riêng của Ủy ban châu Âu sau ba tuần nữa,“ Andrej Babiš cho biết. Theo thủ tướng Séc, trong diễn văn của mình sẽ đề nghị thái độ đoàn kết, mà hiện Séc cũng đã nhận được từ các nước EU và cả đồng minh ngoài Liên minh.

Như vậy nghĩa là, bắt đầu từ tháng Sáu 2021 tại đại sứ quán LB Nga rộng mênh mông ở Praha bao gồm cả công viên thơ mộng bên cạnh từng được hồng quân Liên Xô trưng dụng từ năm 1968 và sau đó nghiễm nhiên như là bất động sản của nước Nga, sẽ chỉ còn vỏn vẹn bẩy người mang hộ chiếu ngoại giao và 25 công chức hành chính, nhân viên kỹ thuật. Ngoài ra đại sứ quán Nga còn quản lý một số khu chung cư, căn hộ ở những vị trí đắc địa tại Praha. Số lượng nhân viên đại sứ quán CH Séc ở Moscow cũng tương đương như vậy. Đến cuối tháng Năm, 79 vị trí làm việc tại Trung tâm Séc và Ngôi nhà Séc ở Moscow thuộc quản lý của đại sứ quán phải hủy. Đến ngày 21 tháng Năm 71 công dân Nga làm việc cho cơ quan đại diện Séc đã nhận được quyết định hủy hợp đồng lao động.

Cựu Ngoại trưởng Cyril Svoboda hôm 31 tháng Năm lưu ý, là chỉ những ai ngây thơ mới nghĩ rằng, xung đột đã được giải quyết. Mà trái lại. “Người Nga thù rất dai,” Cyril Svoboda tuyên bố.

David Nguyen- Seznam Zprávy, Aktuálně.cz, ČTK

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Quy định bình luận
Vietinfo tạo điều kiện cho bạn đọc bày tỏ chính kiến, song không chịu trách nhiệm cho quan điểm bạn đọc nêu trong bình luận của bạn đọc. Quan điểm bạn đọc không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của Vietinfo.eu. Khi bình luận tại đây, hãy:
- lịch sự, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau,
- bày tỏ quan điểm tập trung vào chủ đề bài viết,
- không dùng các từ ngữ thô tục, bậy bạ,
- không xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân hay một số cá nhân,
- không tỏ thái độ phân biệt trên bất cứ phương diện nào (dân tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp…).
Mọi nội dung không phù hợp với các tôn chỉ trên có thể bị sửa hoặc xóa.
Cách gõ tiếng Việt
Dấu mũ Â, Ê, Ô – gõ 2 lần: AA, EE, OO
Dấu móc Ă, Ơ, Ư – thêm phím W: AW, OW, UW
Dấu huyền – thêm phím F
Dấu sắc – thêm phím S
Dấu hỏi – thêm phím R
Dấu ngã – thêm phím X
Dấu nặng – thêm phím J
Xóa dấu – thêm phím Z

Ví dụ:
Casch gox tieesng Vieejt.
Cách gõ tiếng Việt.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo