Chính phủ Séc muốn xử lý nghiêm nếu vi phạm các biện pháp phòng chống dịch bệnh
![]() |
Cảnh sát kiểm tra. Foto: Twitter Policie ČR |
Chính phủ Séc đã nghe thấy ý kiến của bộ trưởng Y tế Jan Blatný, nhiều lần yêu cầu sử dụng biện pháp phạt nặng những trường hợp vi phạm các biện pháp phòng chống dịch bệnh covid-19 của chính phủ. Nội các của thủ tướng Andrej Babiš đã tán thành đề xuất bổ xung luật về tình trạng khẩn cấp, cho phép áp dụng hình thức xử lý nghiêm khắc hơn các trường hợp vi phạm luật.
Trong thời gian gần đây cả thủ tướng Andrej Babiš và bộ trưởng Y tế Jan Blatný đã nhiều lần than phiền về tình trạng không tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh và xử lý chậm chạp mà ví dụ điển hình là thái độ phản ứng của một số người kinh doanh. Bộ trưởng Y tế cũng đã nhiều lần yêu cầu cần có những mức phạt mang tính “răn đe” thậm chí tới “tiền triệu” ví dụ đối với những quán ăn vẫn mở cửa sau thời hạn phải ngừng hoạt động. Dự thảo sửa đổi bổ xung luật về tình trạng khẩn cấp tính đến mức phạt tới 50 nghìn korun đối với cá nhân hay tới 3 triệu korun đối với pháp nhân không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh covid-19 của chính phủ. Phát biểu trong họp báo sau phiên làm việc định kỳ ngày thứ Hai, 07/12/2020 của chính phủ, bộ trưởng Văn hóa Lubomír Zaorálek (ČSSD) cho biết dự thảo sửa đổi luật mà bộ trưởng Nội vụ Jan Hamáček đệ trình đã được chính phủ thông qua. “Nếu như hiện nay với cá nhân mức phạt tối đa là 20 nghìn korun và với pháp nhân thì không thể xử phạt, dự thảo sửa đổi luật đề xuất để mức phạt các cá nhân có thể lên tới 50 nghìn korun, và với pháp nhân lên tới ba triệu korun,” Lubomír Zaorálek cho hay.
Theo giải thích của Lubomír Zaorálek, thực tiễn đã cho thấy rằng ví dụ xử lý việc vi phạm các chỉ thị đeo khẩu trang của bộ Y tế, hay qui định của chính phủ về việc nhà hàng phải đóng cửa, tương đối phức tạp. Bộ trưởng Y tế Jan Blatný thì bổ xung, là trong những ngày gần đây dân chúng bắt đầu có tâm lý xem thường các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Chính phủ muốn đề xuất sửa đổi bổ xung luật này sẽ được Quốc hội xem xét biểu quyết theo thủ tục hành chính khẩn cấp. Cũng trong phiên họp ngày thứ Hai, chính phủ đã quyết định rút ngắn thời gian hoạt động của các nhà hàng, từ ngày 09/12 sẽ phải đóng cửa sau 20 giờ. Lệnh cấm sử dụng đồ uống có cồn nơi công cộng được áp dụng trở lại.
Nhưng ngôn từ của bộ trưởng Y tế Jan Blatný cũng lập tức gặp phản ứng chỉ trích. “Thay vì những ngôn từ như vậy của ngài bộ trưởng người ta kỳ vọng những đề xuất, như chính phủ có phương hướng hỗ trợ ra sao những người kinh doanh mà thời gian dài không được phép hoạt động nhưng cuối cùng hỗ trợ chỉ là tối thiểu hay thậm chí phớt lờ. Nên cũng đừng ngạc nhiên, khi người ta vì thất vọng và làm tất cả để tồn tại,” chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp và du lịch Tomáš Prouza bình luận trên mạng xã hội Twitter.
David Nguyen- Echo24, ČTK
©Vietinfo.eu