Bản tin Séc ngày 28.6.2011
![]() |
Ảnh minh họa (iDnes) |
Thực phẩm phải nêu rõ nguồn gốc. Chính phủ không viện trợ ngành điện sẽ khiến giá điện tăng. Xa lộ D3 bị chỉ trích xây lâu. Các nhân viên hay làm rò rỉ thông tin mật. Hơn nửa sinh viên làm thêm hè. Phòng tránh trộm khi đi nghỉ. Giáo dục: khoa luật Plzeň có thể bị đóng. Thú vị: kê khai tài sản của các chính trị gia.
ĐIỂM NÓNG
Nguồn gốc thực phẩm sắp tới sẽ phải công khai rõ ràng
Đại diện các nước trong khối EU đã thỏa thuận xong về việc ghi nhãn thực phẩm nhằm minh bạch nguồn gốc các mặt hàng. Ví dụ khi mua thịt người dân sẽ tìm thấy thông tin nơi sinh của súc vật hay thông tin về lò mổ. Ngoài ra bao bì sẽ có thêm các thông tin chi tiết về lượng muối, axit, chất béo và đường. Hiện tại, nhiều mặt hàng tuy có gắn nhãn „Hàng Séc“ nhưng trên thực tế mặt hàng đó chỉ được đóng gói tại Séc. Hơn nữa, mỗi đất nước nhiều khi sử dụng nhiều phương pháp đông lạnh khác nhau. Trong khi Séc và đa số các nước châu Âu làm lạnh thịt gia cầm bằng không khí thì Ba Lan làm đông lạnh bằng nước. Cách làm này bị chỉ trích là làm tăng cân nặng thịt gia cầm và không tiêu diệt được một số vi khuẩn nguy hiểm như biện pháp đông lạnh bằng không khí. (iDnes)
Giá điện sẽ tăng nếu nhà nước không viện trợ ngành điện mặt trời
Nếu chính phủ không viện trợ thêm vài tỉ korun nhằm việc hạn chế tăng giá cho các nhà máy điện mặt trời, giá điện trong năm tới sẽ lại tiếp tục tăng vọt. Các hộ gia đình khi đó sẽ phải trả thêm 9,7 % tiền điện và các công ty sẽ phải trả thêm 13,9 % tiền so với năm nay. Nếu chính phủ quyết định viện trợ 12 tỉ korun như năm ngoái, giá điện sẽ tăng trung bình 3,6 %. Số tiền dành để viện trợ ngành công nghiệp sản xuất điện từ nguồn tái tạo dự tính sẽ tăng lên thành 679 korun/MWh. Tuy nhiên, số tiền này đã tăng vọt từ năm nay và ban đầu được định là 500 korun/MWh. Chính phủ do sợ tình trạng giá điện tăng đã giảm xuống còn 370 Korun/MWh. (Novinky)

Bản tin Séc, 20h hàng ngày trên vietinfo.eu.
XÃ HỘI
95 năm nữa xa lộ D3 mới được xây dựng xong?
Tỉnh trưởng tỉnh Nam Séc đã làm vài phép tính và dự đoán xa lộ D3 kéo dài từ Praha tới biên giới Áo sẽ được xây dựng xong sau 95 năm nữa. Trung bình mỗi năm xa lộ D3 được xây thêm 2 km. Cách đây 20 năm, 3,5 km đầu tiên đã được tiến hành xây dựng. 15,2 km tiếp theo được xây dựng cho đến năm 2007. 25 km tiếp theo hiện đang được xây và dự tính sẽ hoàn thành trong năm 2013. Như vậy, Séc sẽ có thêm 40 km đường xa lộ sau 22 năm. Với tiến trình này, việc xa lộ D3 được hoàn thành sau gần một thế kỉ nữa. Theo tỉnh trưởng tỉnh Nam Séc, xa lộ không chỉ là bộ mặt của đất nước mà còn là bộ mặt để cả thế giới nhìn tới. Việc đất nước không có khả năng hoàn thành xa lộ nhanh thực sự là một điều khiến Séc phải xấu hổ với thế giới. (Parlametnilisty)
Tài liệu công ty thường hay bị đánh cắp bởi nhân viên
Có tới 3/4 vụ bị mất hay rò rỉ thông tin nhạy cảm của công ty là do chính nhân viên gây ra chứ không phải phía bên ngoài tác động. Việc làm mất thông tin từ phía nhân viên do cẩu thả hay cố tình thường gây thiệt hại tới cả hàng triệu korun cho công ty. Một nửa số trường hợp thông tin mật bị lọt ra ngoài do nhân viên bất cẩn, 13 % do mất dữ liệu và 12 % là do các hacker đột nhập. Nguyên nhân chính khiến nhiều dữ liệu bị mất mát thường do các nhân viên không được đào tạo kỹ lưỡng, kế theo là vấn đề thiếu tài liệu, hệ thống thông tin không được cập nhật kịp thời và việc thiết lập quyền truy cập không đúng cách. Nghịch lý ở đây là các công ty càng nỗ lực ngăn chặn thông tin bị đánh cắp từ bên ngoài bao nhiêu thì số thông tin bị rò rỉ từ phía nội bộ lại tăng bấy nhiêu. Mối nguy hiểm lớn nhất được coi là xuất phát từ phía nhân viên muốn nghỉ việc hay đang trong quá trình xin nghỉ việc. (Mediafax)
Hơn nửa sinh viên đi làm thêm trong hè
Theo khảo sát của ČSOB, 59 % sinh viên có kế hoạch đi làm thêm ít nhất một tháng hè để có thêm tiền tiêu. Hơn 1/5 trong số đó không hề được nhận tiền tiêu vặt và 37 % nhận được tiền tiêu vặt ở mức 1000 korun/ trở lại. Tuy nhiên đối với sinh viên việc xin được công việc với lương cao trong thời buổi thị trường lao động khan hiếm việc làm là điều hết sức khó khăn. Do vậy, số tiền trung bình mà sinh viên kiếm được thường giao động ở mức 2000 korun. Khảo sát cũng cho thấy có 3/4 sinh viên được trợ cấp tiền ăn ở. Về các hoạt động giải trí, trung bình mỗi sinh viên tiêu hết khoảng 500 korun cho một buổi đi chơi. Phần lớn thường hay uống bia và các loại rượu rẻ tiền. Bên cạnh đó, có 26 % nam sinh trả tiền cho bạn gái và chỉ có 9 % nữ sinh trả tiền cho bạn trai. Có 11 % nữ sinh thậm chí không bao giờ phải trả tiền khi đi chơi mà chờ được mời. (Novinky)
Làm sao để không bị mất trộm khi đi nghỉ
Số vụ mất trộm vào những tháng hè được cảnh sát ghi nhận là tăng đáng kể so với những mùa khác trong năm. Điều này thường dễ hiểu bởi nhiều người khi đi nghỉ hay để nhà mình bỏ trống không người chăm nom. Dấu hiệu để bọn trộm nhận biết nhà vắng chủ thường là hộp thư đầy, cửa sổ không kéo rèm hay cả những tin nhắn báo hiệu trạng thái hoạt động trên mạng xã hội Facebook. Trẻ em thường là những người hay ghi đầy đủ chi tiết địa chỉ nhà ở của mình trên mạng xã hội và hay thông tin với bạn bè về những kì nghỉ của gia đình mình. Phụ huynh nên nói chuyện với con rằng những thông tin này không nên nói cho nhiều người biết. Theo các chuyên gia, mối quan hệ tốt với hàng xóm sẽ giúp nguy cơ mất trộm giảm nhiều. Khi đi vắng, nếu có người hàng xóm tốt, nên nhờ họ lấy thư trong hòm giùm và nhờ họ thi thoảng mở cửa sổ. Trong trường hợp phát hiện nhà bị trộm, điều đầu tiên nên làm là gọi cảnh sát. Việc dọn dẹp chỉ làm mất đi nhiều dấu vết quan trọng. (Denik)
GIÁO DỤC
Khoa luật Plzeň có nguy cơ bị mất chứng chỉ dạy học
Cho đến ngày hôm qua đã có 29 trên 138 giảng viên khoa luật muốn nghỉ việc. Trong đó có ba giáo sư và hai phó giáo sư. Hiệu trưởng khoa hiện tạm thời vẫn giữ nguyên chức vụ do đang nghỉ ốm nên hôm qua các giảng viên chưa thể biểu quyết giữ hiệu trưởng lại hay không. Khoa luật hiện đang đứng trước nguy cơ bị mất chứng chỉ dạy học hệ tiến sĩ và việc giảng dạy hệ thạc sĩ cũng sẽ bị hạn chế. Ban lãnh đạo khoa hiện vẫn cố gắng tuyển thêm các giảng viên mới song tình hình vẫn khá tồi tệ. Nhiều giảng viên vẫn còn tin tưởng vào hiệu trưởng nhưng đa số sinh viên khoa luật muốn hiệu trưởng ra đi. Năm trong sáu sinh viên hôm qua đã đứng lên kêu gọi hiệu trưởng khoa chịu trách nhiệm cá nhân khi không ổn định được khoa trong suốt tám tháng và không thể tìm nổi giáo viên thay thế trong bốn tháng. Các sinh viên này còn khẳng định khoa luật dưới sự điều khiển của hiệu trưởng bị tồi tệ đi nhiều. (Ct24)
THÚ VỊ
Các chính trị gia thống kê tài sản
Các đại biểu Quốc hội đã nộp đơn kê khai tài sản trong năm ngoái xong và các thông tin này đôi khi là khá thú vị với các độc giả. Năm ngoái bộ trưởng phát triển khu vực Jankovský có thu nhập cao nhất và Pavel Staněk (ODS) nợ nần nhiều nhất. Bộ trưởng môi trường Chalupa có bản kê khai dài và chi tiết nhất với cả những món quà nhỏ. Nhiều chính trị gia cũng phải trả lãi xuất tiền mua nhà thế chấp. Bộ trưởng Jankovský kiếm được 11,9 triệu korun và nhận được thêm 9 triệu như tiền bổ sung tài sản ở công ty Primosa. Bộ trưởng Chalupa còn ghi vào tờ khai cả những đồ lặt vặt như gấu bông Pooh, kẹo, ngôi nhà làm từ bánh, ô và nhiều chai lọ,… Pavel Staněk nợ nhiều nhất với hai ngôi nhà thế chấp và ô tô mua trả góp. Tổng giá trị số nợ là 7,3 triệu korun. (Lidovky)
Thu Uyên – vietinfo.eu