Séc-Slovakia

Babis nên nói về những gì ông ấy am hiểu. Không một chính trị gia nào có thể ngăn cản dự án ô tô chạy điện

Cập nhật lúc 29-05-2019 22:22:39 (GMT+1)
Nhà kinh tế học Ondřej Schneider (Ảnh: ihned.cz)

 

Giai đoạn mở cửa và cộng tác quốc tế đã hết, giai đoạn đối kháng toàn cầu đang đến, ông Ondrej Schneider, nhà kinh tế và tư vấn cho Ngân hàng quốc tế tại Washington lo ngại. Theo ông, trong tình trạng hiện nay, CH Séc đang phạm các lỗi chiến lược nghiêm trọng. Thay vì chuẩn bị cho tương lai, chính phủ lại tập trung vào các hiệu ứng trước mắt, và điều này làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của đất nước trong tương lai - Bài phỏng vấn của Petr Honzejk.


Mâu thuẫn giữa Hoa kỳ và Trung quốc vẫn gia tăng. Một cuộc chiến thương mại quốc tế đang chờ chúng ta chăng?

Sử dụng thuật ngữ "cuộc chiến thương mại" thì hơi không thích hợp. Đa số những gì đang diễn ra chính là sự thay đổi của cơ chế vốn đã vận hành trong 30 năm cuối đây - tức là cơ chế, trong đó các chính phủ áp đặt và bảo trợ ngoại thương tự do, bởi họ tin rằng điều này sẽ làm họ phồn thịnh hơn. Ngày nay, dường như chúng ta đang quay lại thời kỳ, khi mà đa số các quốc gia đều cố gắng bảo vệ thị trường nội địa của mình và giữ không cho các đối thủ cạnh tranh nước ngoài đến gần. Có thể đó là điều gì tương tự chiến tranh lạnh - tức là quay lại thời kỳ khi mà các quan điểm cho rằng thương mại quốc tế là có lợi, không chiếm được ưu thế. Nhiều phần kết quả sẽ là "phi toàn cầu hóa" thế giới, tức là kinh tế thế giới sẽ ít kết nối với nhau hơn, có nghĩa là sẽ kém hiệu quả hơn.

Vì sao lại có khuynh hướng này?

Mặc dù tự do thương mại đang cải thiện cuộc sống của hàng tỉ người và mang lại nhiều cơ hội lựa chọn các loại mặt hàng rẻ cho tất cả mọi người, nhưng đồng thời nó nhanh chóng làm thay đổi các cấu trúc kinh tế và xã hội một cách sâu sắc. Trong 25 năm cuối đây hàng tỉ người Hoa trước đây bị cô lập, hàng trăm ngàn người từ phe Liên xô cũ, kể cả chúng ta từ Cộng hòa Séc, đã tham dự vào kinh tế thế giới. Người dân tại Tây Âu và Hoa kỳ khó có thể thích nghi ngay. Mặc dù dân kinh tế chúng tôi có thể tính toán rằng tổng thể sẽ là có lợi một khi cả nước tham dự vào thương mại quốc tế tự do, nhưng nếu các bạn là nhân viên của một hãng nọ tại một thành phố nhỏ và bỗng nhiên phải cạnh tranh với các công ty Trung quốc, Indonesia hay là Nigeria, thì đó là điều rất khó. Quá trình thích nghi thường nhiều đau đớn và người ta đi tìm một sự bảo hộ cũng là điều logic. Tại Hoa kỳ chính phủ thường không có hỗ trợ nào đối với quá trình thích nghi, các cơ chế xã hội lại không phát triển như tại châu Âu. Nỗi sợ hãi và thất vọng cuối cùng đã được thể hiện trong việc thắng cử của Donald Trump, là người đã đưa ra một chính sách bảo hộ.

Các thay đổi như thế nào có thể xảy ra sau khi thị trường đóng lại?

Sự phát triển toàn cầu sẽ chậm dần. Nhưng điều này không phải là bi kịch. Việc tổng thu nhập quốc dân tăng trưởng 3.5% hay là 2.8% là quan trọng, nhưng không phải vì thế mà trở thành tối thượng. Sự cân bằng mới sẽ mang lại các hệ quả sâu sắc và đó mới là đáng ngại.  Nó không chỉ dừng lại ở chỗ thương mại sẽ bị hạn chế. Hiện nay chúng ta đã thấy khối lượng các giao dịch tài chính đang suy giảm. Theo quan niệm của tôi thì sẽ dần dần xảy ra tình trạng là các giới cùng chung nền văn minh sẽ bắt đầu co cụm lại cùng nhau và sẽ nhìn nhận các giới khác không như đối tác thương mại, cần phải hợp tác và hòa nhập, mà như những kẻ thù nghịch cần phải chiến thắng.

Liệu hậu quả của tình hình ấy sẽ khiến chiến tranh nổ ra?

Một khi suy diễn thì có thể suy diễn đủ mọi thứ. Dĩ nhiên để mức độ hợp tác giữa các quốc gia thuyên giảm còn cần nhiều bước khác. Trong mọi trường hợp ở đây có một vấn đề cơ bản. Chúng ta đang thấy một cường quốc toàn cầu đang phát triển là Trung quốc. Đối lập với họ là một cường quốc toàn cầu cho đến nay vẫn chiếm ưu thế và là Hoa kỳ.

Trong những năm 90 và những năm đầu thế kỷ, thế giới đã luôn tuân theo ý muốn của Hoa kỳ. Hoa kỳ đã cho rằng khi thương mại tự do lan rộng tới Trung quốc, thì Trung quốc sẽ trở thành một nước nữa sẽ đón nhận mô hình hành xử của phương tây. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Trung quốc quá rộng và hùng mạnh để muốn thiết lập các nguyên tắc của mình. Hiện nay cả hai cường quốc đang nắn gân lẫn nhau và thử sức, ai sẽ đứng vững với ít tổn thất hơn. Từ lịch sử chúng ta biết rằng, các vấn đề kiểu này thường không tránh được xung đột. Nhưng tôi hy vọng ở thế kỷ 21 chúng ta đã thông minh hơn và chúng ta sẽ biết cách quản lý xung đột. Một đảm bảo rằng chiến tranh sẽ không xảy ra, là không tồn tại, nhưng hãy đừng dọa người dân nhiều hơn mức cần thiết.

Liệu Hoa kỳ có thể giành chiến thắng trong xung đột thương mại với Trung quốc?

Câu hỏi là thế nào là chiến thắng. Donald Trump có thể thắng trong việc buộc Trung quốc phải thay đổi cách hành xử trong một thời gian ngắn. Nhưng để thay đổi Trung quốc từ cấu trúc thì không thể. Đảng cộng sản ở đó sẽ không thực hiện điều mà Hoa kỳ mong muốn - có nghĩa là cấm sự hỗ trợ đối với các doanh nghiệp nhà nước, cấm cưỡng bức chuyển giao công nghệ, thúc đẩy việc bảo vệ sở hữu trí tuệ. Thật ra, Hoa kỳ muốn Trung quốc trở thành một quốc gia bình thường mà sẽ thực thi các chuẩn mực của phương Tây. Điều đó đơn giản là không thể được, đảng cộng sản Trung quốc sẽ không để nó xảy ra. Đảng cộng sản Trung quốc có một ưu thế rất lớn: họ không phải quan tâm mấy đến công luận, mà còn có thể gây ảnh hưởng hoặc hạn chế công luận. Tại Hoa kỳ thì ngược lại, ở đây các chính trị gia bị đứng trước công luận mỗi ngày, người ta theo dõi các thuế quan sẽ có ảnh hưởng ra sao đến giá cả, liệu các áo phông nhập khẩu sẽ đắt hơn, hay là lạy Trời đừng để các nhãn điện thoại di động yêu thích của người Mỹ không bị tăng giá. Vì thế, rất có thể Trump sẽ có khuynh hướng ký kết một thỏa thuận mang tính hình thức nào đó mà chẳng thay đổi được bất cứ điều gì một cách đáng kể, nhưng sẽ được truyền tải tới các cử tri của mình như là một "phi vụ" tuyệt vời.

Liệu Trump sẽ quay ra chống lại cả châu Âu?

Không thể loại trừ điều này. Tính hợp lý về kinh tế và cả chính trị đều không phải là mặt mạnh của chính phủ Hoa kỳ hiện nay. Họ có danh sách các nước mà Hoa kỳ bị thâm hụt thương mại và họ có các hành vi như thể sau Trung quốc thì nước Đức là kẻ thù tiếp theo trong danh sách. Vì thế rất có thể là họ sẽ bắt đầu gây rắc rối cho toàn bộ châu Âu. Mặt khác, khác với các biện pháp đối với Trung quốc thì điều này đang gây ra sự phản đối của giới lãnh đạo của châu Âu. Có lẽ các suy nghĩ hợp lý và có ý thức cho rằng quyền lợi của Hoa kỳ và châu Âu giống nhau tới 90%, sẽ chiếm ưu thế. Rốt cuộc thì bất cứ người duy lý nào cũng nhìn ra rằng xe hơi của Đức được bán tại Hoa kỳ không phải vì người Đức lươn lẹo hay là vì họ lạm dụng thương mại tự do, mà đơn giản là vì xe của họ tốt hơn xe của Mỹ. Như vậy, nếu như tăng thuế và vì thế giá ô tô sẽ tăng 10 hoặc 20%, thì điều đó mặc dù sẽ làm các nhà sản xuất ôtô Đức đau đớn, nhưng người tiêu dùng tại Mỹ cũng đau đớn không kém.

Thủ tướng Babis tuyên bố rằng ôtô điện là "khởi đầu của sự kết thúc của ngành công nghiệp ôtô ở châu Âu". Ông ấy nói có đúng không?

Sẽ tốt hơn nếu như Andrej Babis nói về những điều mà ông ấy am hiểu. Nhưng tôi hiểu tại sao ông ấy lại nói những gì mà ông ấy đã nói. Lý do đầu tiên là ở chỗ các nhà chính trị có khuynh hướng giữ mọi thứ nguyên hiện trạng. Tại Séc ngành công nghiệp ôtô với động cơ đốt là công ty lớn nhất, là nhà xuất khẩu lớn nhất. Vì vậy, một cách bản năng Babis muốn bảo vệ ngành này. Lý do thứ hai là vì một lý do nào đó, chống lại các sáng kiến có lợi cho môi trường là thái độ phổ biến tại Séc. Vì thế, có lẽ ông ấy cho rằng, sẽ là "cool" khi phát biểu rằng ôtô điện là ngớ ngẩn, ngay cả khi ông ta không hiểu mối tương quan rộng hơn của việc chuyển đổi từ động cơ đốt sang động cơ điện, vốn đã bắt đầu và không một chính trị gia nào có thể khiến nó dừng lại. Trên thực tế, nói đến kết cục của ngành sản xuất ôtô tại châu Âu dĩ nhiên là ngớ ngẩn.

Ôtô được sản xuất ở đây không phải vì chúng ta biết sản xuất động cơ đốt, mà bởi vì chúng ta biết làm mọi thứ xung quanh: biết đảm bảo độ an toàn, biết điện tử, biết bảo hành vv... Động cơ đốt hay động cơ điện không quan trọng. Ôtô sẽ vẫn là tâm điểm của ngành công nghiệp tại châu Âu ngay cả khi nó là xe chạy điện.

Thay vì nói đến "kết cục của công nghiệp ôtô", làm mọi điều để ôtô  điện được sản xuất tại đây sẽ không tốt hơn hay sao?

Thì dĩ nhiên! Về chiến lược chúng ta cần cố gắng đón nhận các thay đổi, chứ không phải ngăn chặn nó tới. Chính phủ cần phải tiến hành hàng loạt các vấn đề chiến lược, mà họ không làm. Khoảng 10 năm nay chúng ta vẫn đứng nhìn những thay đổi mà người Đức tiến hành trong ngành năng lượng, và chúng ta cho rằng người Đức sai lầm. Chúng ta cho rằng năng lượng là hữu ích như hiện đang có trong hiện tại như than, hạt nhân, và nếu như có ai muốn thay đổi, thì đó là kẻ ngu không nhìn rõ cả chóp mũi của mình. Đó là một sai lầm chiến lược nghiêm trọng.

Tại sao lại như vậy?

Tôi nghĩ, một phần nào đó là do ảnh hưởng của cấu trúc ngành công nghiệp tại Séc và ảnh hưởng của các ông chủ, của người điều hành các công ty công nghiệp. Chúng ta là quốc gia có tỉ trọng công nghiệp cao nhất trong tổng thu nhập quốc dân, ngành năng lượng cổ truyền cũng đóng một vai trò lớn. Việc các lợi ích tài chính quan tâm cả đến sự hỗ trợ trong chính trị cũng là có lý.

Theo ông, chính phủ Séc đã không đáp ứng được các thách thức trong tương lai?

Vâng, nhưng có lẽ chính phủ nào cũng vậy. Khi bạn là chính khách, bạn muốn được bầu, vì thế bạn sẽ cố gắng tạo điều kiện cho người dân cảm thấy thoải mái và không gây đe dọa đối với những gì họ đang có. Chúng ta nhìn thấy điều này cả tại Hoa kỳ, nơi Trump đang cố gắng quay lại một quá khứ không xác định, nhưng chắc chắn là tuyệt vời. Nhưng sự thật là cả khi so sánh với quốc tế, chính phủ Séc đang khá thiếu năng lực và chỉ tập trung vào các hiệu ứng ngắn hạn.

Đáng thất vọng là trong các thảo luận hoàn toàn thiếu vắng các hình dung về những gì sẽ đến trong vòng 5 năm tới. Chính trị tại Séc vận hành theo kiểu luôn có ai đó chủ động đưa ra một ý tưởng, lôi nó ra khỏi bối cảnh và bắt đầu tìm cách phát triển nó - ví dụ như tìm cách bảo vệ động cơ đốt, đặt cược vào năng lượng hạt nhân, hay là tấn công một cách vô nghĩa về chất lượng sô cô la trong các cửa hàng tại Séc. Nhưng không một ai nghĩ về việc phải làm gì để chuẩn bị cho xã hội tại Séc trước thế giới xung quanh đang thay đổi rất nhanh. Tại Séc, cách nhìn thiển cận đang chiếm ưu thế và điều này đang làm mai một dần khả năng cạnh tranh của nền kinh tế của Séc.

Vậy thì phải làm gì đây?

Cần phải đầu tư vào giáo dục, vào việc dạy ngoại ngữ, để người dân có thể định hướng trong thế giới đang không ngừng thay đổi. 30 năm nay chúng ta nói đến việc các giáo viên bị trả lương thấp, rằng cấu trúc của hệ giáo dục không hợp lý, rằng cho trẻ sớm học lớp chọn là không tốt. Nhưng lại không làm triệt để. Chúng ta không đủ kiên nhẫn để chấp nhận rồi sau đó thực thi một kế hoạch thay đổi hệ giáo dục, trang bị cho trẻ các khả năng để có thể cạnh tranh với các bạn cùng trang lứa từ Đức, Thụy điển và cả từ Singapore. Trong khi đó đây không phải là vấn đề đoạt giải Nobel - chúng ta không phải là quốc gia đầu tiên làm được việc này.

Một vấn đề nữa là chúng ta không biết cách cùng góp phần vào các dự án dài hạn cho cơ sở hạ tầng có tính công nghệ. Vụ xây đường sắt cao tốc của chúng ta, đó là một thảm họa. Trong cả 20 năm chúng ta không xây nổi một hành lang tốc độ chạy qua Praha và sẽ nối Đức với Áo, và thế là láng giềng của chúng ta đã hết cả kiên nhẫn, họ bỏ qua, không cần đến Cộng hòa Séc - một quốc gia "đường sắt" cổ truyền.

Vấn đề ngân sách thì sao?

Đây là vấn đề lớn thứ ba. Mặc dù tồn tại triển vọng một ngân sách trung bình, nhưng không một ai quản lý theo mô hình này và thủ tướng chính phủ thì to tiếng với Hội đồng ngân sách hay là Ủy ban Kiểm tra tối cao những khi họ dám lưu ý các thiếu sót trong chính sách ngân sách. Chính phủ và Bộ Tài chính thì vẫn giữ lối tư duy ngắn hạn đến mức tuyệt vọng.

Ví dụ bây giờ có thể nhìn thấy rất rõ: chính phủ bỗng nhiên giật mình vì kinh tế tăng trưởng thấp hơn họ dự đoán (một cách phi thực tế) và họ vội vã phải kiếm thêm. Có điều chính sách tài khóa từ năm này sang năm khác không được thiết lập theo kiểu, khi tăng trưởng thấp thì tăng thuế. Nó phải được làm ngược lại! Tệ hại nhất  là họ hoàn toàn không nhìn thấy rằng, tài chính công như được thiết lập hiện nay, không thể tồn tại lâu bền. Dân số già đi, sẽ làm việc ít hơn, sẽ cần nhiều tiền từ ngân sách để chi trả cho lương hưu. Chúng ta hoàn toàn không được chuẩn bị cho điều này. Vậy mà hiện nay điều gì đang diễn ra? Thay vì giải quyết các cấu trúc cơ bản chính phủ đang xử lý việc đánh thuế các công ty vận hành trên mạng, mà có thể mang lại cho ngân sách khoảng 5 tỉ korun. Mặc dù đó là một tranh luận hợp pháp, nhưng điều quan trọng nhất lại thì lại không giải quyết.

Hiện nay đề tài đánh thuế các nhà băng, theo đề nghị của CSSD, hay là thành lập một quỹ đặc biệt mà sẽ được các nhà băng đóng góp tài chính như ý định của Babis, đang được nói đến nhiều. Cái gì trong hai khả năng trên là tốt hơn?

Không một khả năng nào là tốt. Đánh thuế hạn ngạch là cách trốn tránh trách nhiệm của các chính trị gia đang tìm cách thu tiền, nhưng lại không muốn thay đổi từ cấu trúc. Họ đã thỏa thuận sẽ lấy của các hãng bảo hiểm 4 tỉ korun, nay họ lại lùng theo các nhà băng bởi các nhà băng đang có lãi. Sang năm nếu như họ thấy các công ty viễn thông có tiền, thì họ sẽ chuyển hướng sang viễn thông. Theo tôi, như thế là không được. Mức thuế cần phải minh bạch và ổn định. Chạy theo các biến động ngắn hạn theo kiểu chúng ta cần 5 tỉ, vậy nhanh nhanh đánh thuế gì đấy, là không tốt.

Ý tưởng thiết lập một quỹ nào đó lại còn tệ nữa. Đó là một công cụ lý tưởng cho tham nhũng. Họ muốn thực hiện như thế nào đây? Thủ tướng sẽ gọi điện cho các nhà băng và nói "các anh hãy cho tôi mấy tỉ, tôi sẽ tống vào túi và sau đó sẽ đi khắp các tỉnh và dùng nó để xây trường mẫu giáo" hay sao? Thật chẳng có ý nghĩa chút nào! Nếu như chúng ta có ít tiền trong ngân sách nhà nước thì trước hết chính phủ cần xem xét các khoản chi, rồi sau đó mới xem đến doanh thu và đảm bảo để thu chi ăn khớp. Chứ không phải là ở đâu đó sẽ chảy ra x tỉ và một vài chính trị gia được chọn trước sẽ phân phát tiền. Điều này tệ đến nỗi tôi không thể tin rằng quả thật, người ta đang tranh luận về nó.

Ở Séc có thể tiết kiệm để cho các khoản chi?

Chắc chắn! Tại Séc có một điều có một không hai: so với các nước châu Âu khác, chúng ta khác lồ lộ ở các khoản tài trợ cho các công ty sản xuất. Trong 2017 chúng ta đã chi 2.2% tổng thu nhập quốc dân cho việc này, bên Slovakia chỉ chi 0,4%, Balan 0,5%. Hàng chục tỉ korun đã được chi một cách hoàn toàn thừa thãi và không có bất cứ hiệu quả gì. Tại sao chúng ta lại tài trợ cho các nhà máy nướng bánh? Chúng ta nghĩ rằng sẽ có bánh mì chất lượng hơn chăng? Thật là ngớ ngẩn! Có thể tiết kiệm đủ thông qua các tài trợ loại này mà không bị bất cứ hệ quả không hay nào. Thêm nữa: nhà nước đang có hàng trăm ngàn nhân viên, ở đây cũng có thể tiết kiệm được. Dĩ nhiên không phải đơn giản là cứ hủy đi các ban ngành, mà nhà nước cần xác định nhiệm vụ nào cần thi hành, nhiệm vụ nào không, và nhiệm vụ nào có thể tự động hóa. Khi cần thay bằng lái ở Hoa kỳ, tôi lên trang web, điền hai lá đơn và một tuần sau tôi nhận được bằng theo đường bưu điện. Không cần bất kỳ một nhân viên nào ngồi trong văn phòng trên trung tâm, không giấy tờ, không xếp hàng. Tại sao việc này không làm được tại Séc?

Hiện nay đang bàn luận rất nhiều về việc rằng vấn đề lớn nhất là dòng tiền lãi chảy khỏi Séc. Đó là vấn đề thực sự, hay chỉ là một đề tài trước dịp bầu cử?

Cần phải ý thức, chúng ta đang ở đâu trong chuỗi sản phẩm của hệ thống tư bản toàn thế giới. Sau 40 năm trì trệ dưới thời cộng sản chúng ta cần vốn. Cần rất nhiều vốn. Vì thế mà theo thống kê của Ngân hàng quốc gia Séc, các chủ thể nước ngoài đã đầu tư hơn 3000 tỉ korun.

Các nhà kinh doanh không đầu tư vào đây bởi vì họ muốn đi dạo trên cầu Karluv, mà bởi vì họ muốn có lãi. Và họ lấy tiền đầu tư từ nguồn lãi mà trước đó họ đã gây dựng được tại Áo, Pháp hay là nơi nào đó khác trên thế giới. Chúng ta nhận các khoản đầu tư đó, chẳng chút than vãn rằng nhờ đó mới xuất hiện hàng ngàn vị trí lao động mới, được trả lương tốt. Nếu như ngày hôm nay, công ty nọ vốn do người Pháp hoặc Áo nắm giữ cổ phiếu, quyết định sẽ chuyển một phần tiền lại cho những người chủ của mình, thì cũng là hoàn toàn bình thường. Thêm nữa hàng loạt dòng tiền đó lại tiếp tục chạy từ Áo hoặc Pháp sang các nước khác, tùy theo ưu tiên của người nắm giữ cổ phiếu. Mối quan tâm của chúng ta là làm sao để Séc có các điều kiện đầu tư tốt cả cho các nguồn đầu tư trong và ngoài nước. Một khi có điều kiện tốt thì kinh tế sẽ hoạt động và chúng ta sẽ không phải lo lắng, rằng có ai đó nhận tiền lãi.

Ông nhìn nhận ra sao cách mà chính phủ tiếp cận với hệ lương hưu?

Tất cả chúng ta đều biết, và chính phủ đã nhiều lần nhắc tới điều này, rằng hệ lương hưu không thể trụ được. Con đường duy nhất để tránh các rắc rối trong 15 năm tới là người dân sẽ phải có tiền tiết kiệm của mình. Vì thế cần phải nói: Các bạn, đừng điên rồ nữa, hãy tự tiết kiệm đi! Có điều thay vào đó, điều gì đã xảy ra? Chính phủ đã bỏ qua điều luật quy định cách định giá lương hưu, quyết định tăng lương hưu nhiều hơn và nhanh hơn. Tôi hiểu, rất khó đứng vững trước các lý lẽ mị dân, họ muốn người về hưu đi bầu cử sao đó, nhưng không thể làm như thế được. Đây là những tín hiệu hoàn toàn không nhất quán và điều này làm tồi tệ thêm sự cân đối về mặt lâu dài. Tôi hiểu rằng lương hưu tại Séc không được cao, nhưng là phù hợp với tình trạng kinh tế của xã hội và tăng lương hưu quá giới hạn mà luật pháp đã tính đến, là vô trách nhiệm.

Phương châm hiện nay chủ yếu đến từ đảng CSSD, vốn có chân trong chính phủ là lương hưu cần phải "công bằng". Điều này hẳn là tốt chứ?

Khẩu hiệu "lương hưu công bằng" là một điều hoàn toàn vô nghĩa. Khái niệm công bằng là một khái niệm có tính chủ quan. Vì thế chúng ta hãy tự hỏi - công bằng trong việc gì? Giữa đàn ông và đàn bà? Giữa những người hưu trí ngày hôm nay và trong tương lai? Giữa những người có đóng góp cho chế độ nhiều hơn hơn với những người đóng góp ít hơn? Bạn sẽ không thể đồng thời thoả mãn tất cả các sự "công bằng" cùng một lúc. Có vẻ, chính phủ đang tìm kiếm một khẩu hiệu mà qua đó họ có thể che dấu được các chi phí lớn hơn cho các cử tri tương lai của mình. Đó là việc làm vô trách nhiệm, là điều không thể lâu bền và làm cơ chế nhà nước thêm suy yếu.

Vậy một nhà nước có trách nhiệm có thể làm gì trong lĩnh vực hưu trí?

Sau 20 năm tôi hơi mất hy vọng, rằng tại Séc có thể tiến hành cải cách một cách sâu rộng hơn. Chúng ta dường như là một dân tộc bị dị ứng với sự rủi ro, cho nên hễ có ai đề nghị cải cách là chúng ta quẳng anh ta sang một bên, bởi chúng ta thích sự đảm bảo có một chút lương hưu nho nhỏ, hơn là tự mình tiết kiệm. Một nhà nước có trách nhiệm sẽ xử sự như một lão keo kiệt và nói: chúng tôi sẽ không chi dù chỉ một xu hơn mức luật pháp cho phép. Chúng tôi biết là khó, nhưng các bạn cần tự tiết kiệm. Bởi vì chúng tôi còn phải lo cho những người sẽ về hưu sau 10-15 năm nữa, và là những người sẽ còn khó khăn hơn các bạn. Cứ tiếp tục theo đà này thì đơn giản là chúng ta sẽ không còn tiền để trả hưu. Ngoài ra chính phủ cần xác định điều kiện và phong phú hóa hệ thống bảo hiểm bổ sung để thu hút người dân và để họ tăng khoản tiền để dành mà hiện đang ít đến nực cười.

Có điều phải làm tất cả các việc đó như thế nào mà không tự hủy hoại con đường chính trị của mình?

Vậy hãy đề cử ai đó không phải là chính trị gia, mà cũng không phải từ ngạch tư nhân, là người từ Ủy ban châu Âu chẳng hạn, hay là từ Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD hay là từ Ngân hàng Thế giới. Và người này hãy lập ra một Ủy bạn, và Ủy ban này sẽ đưa ra giải pháp thực hiện. Sau đó, các chính trị gia có thể nói: giải pháp rất tệ, nó sẽ làm chúng ta tổn thương, nhưng không có cách nào khác. Có lẽ ít nhất thì các đảng phái chính trị bình thường sẽ tìm được sự đồng thuận. Dù sao thì nếu như cứ ngồi đó không làm gì, thì chính các chính trị gia này sẽ là người mà sau vài năm ngồi trong Quốc hội sẽ buộc phải bỏ phiếu quyết định việc giảm lương hưu 15 hay nhiều hơn %, hay là 75 tuổi mới về hưu.
Kinh tế của Séc là nền kinh tế cung cấp phụ kiện, có thể thu xếp sao đó để các thành phẩm có giá trị gia tăng cao hơn được xuất hiện ở đây?

Trong việc này thì chúng ta không tệ hơn các quốc gia xung quanh như Slovakia, Hungary, Balan. Điều này có lý do của nó. Chúng ta không thể bỏ qua 40 năm lạc hậu. Sẽ là ngây thơ khi nghĩ rằng ngay lập tức chúng ta sẽ có được nền kinh tế hàng đầu. Nhưng có thể thấy trong một số khâu đoạn, chúng ta có khả năng cạnh tranh. Ví dụ các công ty phần mềm của chúng ta có khả năng cạnh tranh trên toàn thế giới. Và hãng xe Skodovka là một ví dụ về hãng đa quốc gia.

Chúng ta muốn có được hai điều: điều kiện tốt cho người đầu tư mà có ý tưởng tốt và có điều kiện tài chính. Đó là người Séc, người Đức hay người Pháp thì điều đó không nên là quan trọng với chúng ta. Việc thứ hai, chúng ta cần có nhân lực có chuyên môn mà sẽ là người biết sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Tức là nếu như chúng ta sẽ có được học vấn và các điều kiện đầu tư tốt, thì chúng ta không phải lo lắng. Chúng ta sẽ là một quốc gia bình thường bên lề phía đông của nước Đức, nơi đang nỗ lực trở thành một quốc gia đàng hoàng, một quốc gia trung bình ở châu Âu, và sẽ dần dần thịnh vượng.

Nguồn:https://archiv.ihned.cz/c1-66575580-cesko-dela-chyby-misto-pripravy-na-budoucnost-vlada-produkuje-nesmysly-rika-konzultant-svetove-banky

Người dịch: Thanh Mai

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo