Liên bang Đức

Đức: “Nỗi đau suy thoái” biến thành “nỗi lo lạm phát”

Cập nhật lúc 22-08-2010 06:57:11 (GMT+1)
Ảnh minh họa- Nguồn: taichinh.saga.vn

 

Hôm 19/8, Đức có hai thông tin kinh tế vừa mừng vừa lo: Một là, Ngân hàng liên bang Đức đã nâng dự đoán tăng trưởng kinh tế cả năm của Đức từ 1,9% như tuyên bố hồi tháng 6 lên 3%; Tiếp đến là số liệu của Cục thống kê liên bang cho thấy, chỉ số giá sản xuất của nước này trong tháng 7 tăng thêm 1,7% so với cùng kỳ tháng trước, lên 3,7%. Các chuyên gia lo lắng, “nỗi đau suy thoái” của Đức đang biến thành “nỗi lo lạm phát”.


Năm ngoái, kinh tế Đức đã trải qua cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ sau Đại chiến II, mức độ suy thoái đạt 4,7%, cao hơn rất nhiều so với Mỹ, Anh, Pháp. Bước vào năm 2010, bóng tối suy thoái nhanh chóng bị đẩy lùi, GDP quý I năm nay của Đức tăng 0,2%, quý II tăng 2,2%, biên độ tăng lớn nhất trong 20 năm qua. Tốc độ phục hồi kinh tế Đức không chỉ nổi bật nhất tại khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone, mà còn lớn hơn cả Mỹ, Anh và Nhật Bản.

Ngân hàng liên bang Đức cho rằng, kinh tế quý 2 tăng trưởng mạnh mẽ, chủ yếu được lợi từ đầu tư doanh nghiệp tăng mạnh, ngoại thương tăng, tiêu dùng cá nhân và chính phủ tăng. Vì thế, ngân hàng này mới nâng mạnh dự đoán tăng trưởng kinh tế của năm nay.

Đối với nửa năm sau, theo ngân hàng liên bang Đức: “trải qua lần tăng trưởng siêu mạnh mẽ của quý 2, tiếp theo đó là nhịp độ tăng trưởng kinh tế sẽ dần dần bình thường, nói tóm lại, tình hình kinh tế Đức hiện nay vô cùng có lợi”. Nhưng cũng theo ngân hàng này, cùng với việc tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu nửa cuối năm nay chậm lại, động lực chính của phục hồi kinh tế Đức – xuất khẩu sẽ bị kìm hãm. Song, do tình hình việc làm trong nước dần được cải thiện, nên chi tiêu của người tiêu dùng và các doanh nghiệp sẽ tăng lên, nhu cầu nội địa sẽ trở thành động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Đức.

Sau khi “nỗi đau suy thoái” được xoa dịu, Ngân hàng liên bang Đức lại cảnh bảo về “nỗi lo lạm phát”. Họ cho rằng, nửa cuối năm nay, đồng thời với việc kinh tế tiếp tục tăng trưởng, “tình hình giá tăng một cách ổn định dự đoán sẽ tiếp tục kéo dài”. Ngoài chỉ số giá sản xuất tăng, chỉ số giá tiêu dùng Đức cũng tiếp tục tăng tương tự, sau khi tăng tới 0,8% trong tháng 6, biên độ tăng trong tháng 7 đạt 1,2%.

Mặc dù hai thông tin “vừa mừng vừa lo” nói trên cùng công bố đồng thời, nhưng tâm lý “lo” của thị trường Đức vẫn chiếm ưu thế hơn. Hôm 19/8, chỉ số Dax của thị trường chứng khoán Đức sụt giảm 1,8%, 30 cổ phiếu hầu như đều đi xuống. Do tâm lý né tránh rủi ro của các nhà đầu tư quay trở lại, trái phiếu chính phủ Đức – “bến đỗ tránh rủi ro” được ưa chuộng, giá trái phiếu tăng mạnh.

Đứng trước tình hình mới này, Ngân hàng liên bang Đức đã đưa việc ngăn chặn lạm phát vào chương trình nghị sự, thái độ chấp hành chính sách “thu hồi” cũng trở nên kiên quyết hơn. Họ nhấn mạnh, đến năm 2011, tỷ lệ thâm hụt tài chính của chính phủ Đức chiếm trong GDP sẽ giảm từ 5,5% của năm nay xuống còn khoảng 4%, đến năm 2012 giảm xuống dưới 3%.

“Nỗi đau suy thoái” của Đức đang biến thành “nỗi lo lạm phát”, khiến ngân hàng trung ương và chính phủ chuyển hướng chính sách, một loạt chính sách nới lỏng đã áp dụng trong khoảng thời gian khủng hoảng kinh tế sẽ từng bước bị thu hồi, chính sách thắt chặt sẽ từ từ được đề cập trong chương trình nghị sự. Giới đầu tư và các hãng sản xuất Đức đang đứng trước bắt ngoặt mới về chu kỳ kinh tế và chính sách điều tiết kinh tế.

Theo Vitifo

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo