Liên bang Đức

Chuẩn bị cho kỷ nguyên “hậu Merkel”

Cập nhật lúc 31-10-2018 16:15:44 (GMT+1)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

 

Sau hơn một thập kỷ lãnh đạo nước Đức và thống lĩnh chính trường châu Âu, “bà đầm thép” Angela Merkel mới đây tuyên bố sẽ từ chức Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) cầm quyền vào tháng 12 tới, cũng như không tìm kiếm nhiệm kỳ Thủ tướng thứ năm. Mặc dù quyết định này có thể được đoán trước, nhưng vẫn khiến dư luận không khỏi sửng sốt.


Thời điểm phù hợp

Tại cuộc họp báo ở Thủ đô Berlin ngày 29.10, bà Merkel cho biết, sẽ không tranh cử chức Chủ tịch CDU tại Đại hội đảng diễn ra vào đầu tháng 12 tới và sẵn sàng tiếp tục đảm nhiệm cương vị Thủ tướng đến khi nhiệm kỳ thứ tư kết thúc vào năm 2021. Theo hãng tin DPA, nữ chính khách 64 tuổi sẽ không ứng cử nghị sĩ Quốc hội hay đảm nhiệm bất kỳ cương vị nào tại Liên minh châu Âu thời gian tới.
Quyết định trên được bà Merkel công bố sau khi liên minh cầm quyền liên tiếp hứng chịu thất bại trong các cuộc bầu cử khu vực quan trọng ở các bang Hessen và Bavaria. Trong cuộc bầu cử ở bang Hessen ngày 28.10, đảng CDU chỉ giành được 27,9% phiếu, mất tới 10,4% số phiếu so với cuộc bầu cử năm 2013. Đảng SPD cũng chỉ giành được 19,9% phiếu, giảm 10,8% số phiếu so với kỳ bầu cử trước. Trước đó vài tuần, liên minh cầm quyền cũng nhận thất bại cay đắng trong cuộc bầu cử khu vực ở bang Bavaria. Trong cuộc bầu cử này, đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), đảng kết nghĩa với CDU ở vùng Bayern, đã mất tới 10,5% số phiếu bầu, trong khi SPD cũng mất đúng 10,9% phiếu.

Trên thực tế, vị thế của liên minh cầm quyền đã bị lung lay từ lâu. Trong cuộc bầu cử Quốc hội liên bang tháng 9 năm ngoái, liên minh CDU/CSU chỉ giành 32,9% phiếu, và phải tìm kiếm thêm đối tác để thành lập Chính phủ đại liên minh. Sau cuộc tổng tuyển cử đầy sóng gió này, CDU/CSU mất tới hơn nửa năm mới đạt được thỏa thuận liên minh với SPD.

Những thất bại trong bầu cử vừa qua cũng cho thấy tỷ lệ cử tri không ủng hộ các chính sách của bà Merkel về người nhập cư và tỵ nạn ngày càng tăng, khi những lá phiếu bị mất của CDU/CSU và SPD được chuyển sang cho đảng cực hữu Sự lựa chọn cho nước Đức (AfD) chủ trương bài người nhập cư. Kể từ sau cuộc tổng tuyển cử năm ngoái, AfD đã tăng cường sự hiện diện tại các cơ quan lập pháp ở cả 16 bang. Trong cuộc bầu cử khu vực ở bang Hessian, đảng này giành được 13,2% phiếu và đứng ở vị trí thứ 4.

Thừa nhận các kết quả bầu cử đáng thất vọng vừa qua, Thủ tướng Merkel cho rằng, đây là tín hiệu rõ ràng cho thấy “mọi thứ không thể tiếp tục” và đã đến lúc bà cần nhường chỗ cho những nhà lãnh đạo mới lên nắm quyền trong CDU. Bà Merkel hy vọng, kế hoạch ra đi của mình sẽ giúp chấm dứt những tranh cãi gây chia rẽ trong liên minh cầm quyền tả - hữu hiện nay, cho phép Chính phủ có thể tập trung vào điều hành tốt đất nước.

Viễn cảnh bất ổn

Với hơn 18 năm lãnh đạo đảng CDU và 13 năm trên cương vị Thủ tướng, bà Merkel được xem như nhân vật bất bại trên chính trường Đức và sự ra đi của nhà lãnh đạo này dường như “không thể tính tới”. Tuy nhiên, quyết định mà Thủ tướng Merkel cống bố ngày 29.10 đã phát đi thông điệp rõ ràng, không riêng nhà lãnh đạo này, hay nước Đức, có thể “miễn nhiễm” trước những lực lượng đang tái định hình cục diện chính trị trên khắp châu lục. Đức cũng như châu Âu cần chuẩn bị cho thời kỳ “hậu Merkel”.

Mặc dù bà Merkel có thể vẫn đảm nhiệm cương vị Thủ tướng trong vài tháng tới, nhưng ít nhà quan sát tin rằng, bà Merkel có thể tại nhiệm đến hết nhiệm kỳ và không loại trừ khả năng Đức sẽ phải tổ chức bầu cử sớm vào năm tới. Trước đó, Chủ tịch đảng SPD Andrea Nahles đã gây sức ép đối với bà Merkel sau những thất bại bầu cử khi cảnh báo, sẽ chấm dứt thỏa thuận liên minh chính trị với CDU/CSU, nếu Chính phủ đại liên minh không thực hiện được những chính sách đã cam kết theo lộ trình, tính đến giữa nhiệm kỳ vào năm tới. Trong trường hợp liên minh cầm quyền sụp đổ, bà Merkel có thể phải kết thúc sớm nhiệm kỳ Thủ tướng.

Các nhà phân tích cho rằng, sự ra đi của bà Merkel có thể khiến Đức lâm vào tình thế bất ổn và khó có khả năng dẫn dắt châu Âu, đúng vào thời điểm lục địa già đang cần sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn bao giờ hết. “Kỷ nguyên Merkel” chấm dứt sẽ là cơn ác mộng thật sự với châu Âu, khi các lãnh đạo cực hữu bắt đầu xuất hiện và chủ nghĩa dân túy đang lan rộng ở lục địa già. Trong khi đó nước Anh, một đồng minh thân cận của Berlin trước đây và cũng là quốc gia có tầm ảnh hưởng trong khu vực, giờ đã trở thành gánh nặng với sự hỗn loạn mang tên Brexit. Việc Anh rút khỏi EU cũng tạo nên một tiền lệ nguy hiểm, đe dọa sự ổn định của EU.

Các nhà phân tích cho rằng, chưa khi nào kể từ những năm 1930, sự ổn định và liên kết của châu Âu lại bị đe dọa như lúc này. Bức tranh càng trở nên u ám trước kế hoạch nghỉ hưu của bà Angela Merkel tại Đức. Nếu mọi thứ không được kiểm soát, không những nỗ lực tăng cường liên kết của châu Âu nhiều khả năng thất bại, mà quá trình chia rẽ chính trị ở lục địa già sẽ diễn ra nhanh hơn.

Nguồn: Nhật An/Báo Đại biểu nhân dân

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo