Liên bang Đức

Các cựu lãnh đạo Volkswagen đồng ý bồi thường hơn 300 triệu USD

Cập nhật lúc 10-06-2021 16:51:34 (GMT+1)
Biểu tượng Volkswagen tại một đại lý của hãng này ở Hamm, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

 

Khoản tiền bồi thường cho Volkswagen gồm 270 triệu euro từ tiền thanh toán bảo hiểm trách nhiệm giám đốc và các cán bộ quản lý và một phần tiền từ cựu chủ tịch Rupert Stadler của hãng xe Audi.


Ngày 9/6, hãng sản xuất ôtô Volkswagen (Đức) thông báo đã đạt thỏa thuận với các cựu lãnh đạo của công ty, trong đó có cựu Giám đốc điều hành Martin Winterkorn, để dàn xếp và khắc phục hậu quả liên quan bê bối gian lận khí thải. Theo đó, Volkswagen sẽ được bồi thường 288 triệu euro (351 triệu USD).

Theo thỏa thuận, khoản tiền bồi thường cho Volkswagen gồm phần chính là 270 triệu euro từ tiền thanh toán bảo hiểm trách nhiệm giám đốc và các cán bộ quản lý (D&O) và một phần tiền từ cựu chủ tịch Rupert Stadler của hãng xe Audi.

Thỏa thuận này sẽ được đưa ra thảo luận và thông qua tại cuộc họp toàn thể thường niên của Volkswagen vào ngày 22/7 tới.

Hồi cuối tháng 3, Volkswagen cho biết sẽ yêu cầu ông Winterkorn và Stadley bồi thường vì vi phạm trách nhiệm theo luật công ty cổ phần, do không hoàn thành chức trách trong vụ bê bối sử dụng chức năng phần mềm trái phép trong một số xe động cơ diesel bán ra thị trường Bắc Mỹ trong giai đoạn 2009-2015.

CEO Winterkorn đã phải từ chức hồi tháng 9/2015, một tuần sau khi vụ việc bị phanh phui.

Cũng trong ngày 9/6, cơ quan công tố Berlin cáo buộc cựu CEO Winterkorn nói dối tại phiên điều trần trước Quốc hội Đức rằng ông không hề biết trước về việc các loại xe ôtô của hãng được cài đặt phần mềm cho phép hiển thị lượng khí thải ra thấp hơn thực tế.

Cụ thể, tại phiên điều trần trước ủy ban điều tra của Quốc hội Đức ngày 19/1/2017, ông Winterkorn trong vai trò là nhân chứng đã trả lời rằng ông chỉ biết thông tin về vụ việc vào tháng 9/2015.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra tin rằng ông này đã biết về hành vi gian lận từ trước tháng 5/2015 và vấn đề này cũng đã được nêu trong một cuộc họp của ban quản trị Volkswagen vào tháng 7/2015.

Trước khi bị cáo buộc gian dối trước quốc hội, ông Winterkorn cũng đã bị đưa ra xét xử tại Đức với các cáo buộc gồm gian lận thương mại có tổ chức và trốn thuế, đều liên quan tới bê bối gian lận khí thải.

Vụ bê bối bị phanh phui năm 2015 liên quan 11 triệu xe của Volkswagen lưu hành trên toàn thế giới được cài đặt phần mềm gian lận khí thải, đã đẩy hãng sản xuất ôtô hàng đầu thế giới vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

Tới nay, Volkswagen đã phải chi trả hơn 30 tỷ euro (35 tỷ USD) tiền phạt, chi phí luật pháp và bồi thường.

Cũng liên quan đến bê bối trên, ngày 9/6, Volkswagen thông báo cơ quan công tố Pháp đã chính thức cáo buộc hãng này có hành vi gian lận khí thải.

Hãng sản xuất ôtô của Đức khẳng định không làm gì gây tổn hại tới người tiêu dùng Pháp.

Một tòa án Pháp cũng đã yêu cầu Volkswagen nộp khoản bảo lãnh 10 triệu euro và khoảng 60 triệu euro tiền đảm bảo từ ngân hàng để dự trù cho các khoản bồi thường có thể phải trả.

Hiện không chỉ Volkswagen mà nhiều hãng ôtô đối thủ cũng đối mặt với những cáo buộc tương tự.

Ngày 8/6, Renault, hãng sản xuất ôtô của Pháp, thông báo các công tố viên nước này đã cáo buộc hãng có hành vi gian lận khí thải trong nhiều năm, Renault khẳng định không vi phạm và các phương tiện do hãng sản xuất không lắp đặt bất kỳ phần mềm gian lận nào.

Cuộc điều tra nhằm vào Renault đã được triển khai từ năm 2017. Các nhà điều tra cho rằng trong suốt 25 năm qua, các quản lý cấp cao tại Renault, trong đó có ông Carlos Ghosn, đã sử dụng các chiến lược không trung thực để điều chỉnh các kết quả kiểm tra lượng khí thải cho phù hợp với quy định của giới chức quản lý. Một hãng xe khác của Pháp là Peugeot cũng bị điều tra vì cáo buộc tương tự./.

Nguồn: Lê Ánh/ Vietnam+

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo