Liên bang Đức

Bầu cử Đức: Di sản của bà Merkel và sự trở lại của đảng Dân chủ Xã hội

Cập nhật lúc 23-09-2021 17:43:54 (GMT+1)
Một phiên họp của Hạ viện Đức (Bundestag). Ảnh: BUNDESTAG

 

Ngày 26/9, nước Đức sẽ bước vào cuộc bầu cử để chọn ra liên minh cầm quyền mới, cũng như người kế nhiệm vị trí Thủ tướng của bà Angela Merkel.


Vào chủ nhật tuần này, ngày 26-9, cả nước Đức sẽ bước vào cuộc bầu cử toàn quốc để chọn ra liên minh lãnh đạo mới, cũng như người kế nhiệm vị trí Thủ tướng của bà Angela Merkel để lại sau 16 năm cầm quyền. Trong lần này, sự trỗi dậy của các đảng cánh tả, đặc biệt là đảng Dân chủ Xã hội (SPD) là một chi tiết đặc biệt thú vị.

Nước Đức 16 năm dưới chính quyền Merkel

Với hệ thống bầu cử hỗn hợp, đại diện theo tỷ lệ (mixed-member proportional representation) như ở Đức, việc một chính trị gia hay một đảng phái có quyền lực tuyệt đối rất khó xảy ra. Kể từ khi thống nhất đất nước tới nay, Đức luôn được lãnh đạo bởi một liên minh hai đảng. Những quyết sách quan trọng vì thế luôn được tạo nên bởi sự đồng thuận và nhượng bộ giữa các nhóm lợi ích trong xã hội.

Nói như vậy để thấy dù đứng ở vị trí thủ tướng, vai trò của bà Merkel, ngoài việc đưa ra quyết định trong những thời điểm khó khăn, còn là xoa dịu và đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan ít nhất được cân bằng. Khả năng dung hòa các nhóm lợi ích đối lập cũng chính là một trong những điểm mạnh nhất mà bà Merkel thể hiện trong gần hai thập kỷ cầm quyền. 

Dễ thấy điều này qua cách mà chính quyền bà Merkel đối phó các cuộc khủng hoảng lớn. Trong cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu khoảng cuối năm 2009, Đức dưới sự lãnh đạo của Merkel đã phải loay hoay để vừa tìm cách đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan, vừa đảm bảo sự sống còn của khối đồng tiền chung. Hàng loạt gói giải cứu kinh tế được tung ra, các biện pháp thắt lưng buộc bụng bắt buộc để đổi lấy các gói cứu trợ ở các nền kinh tế Nam Âu, các gói giải cứu cho các ngân hàng lớn, cũng như xoa dịu dư luận Đức trước việc chi trả hàng tỷ euro cho “dự án châu Âu”, bà Merkel đã làm mọi cách để đảm bảo cỗ máy khổng lồ tiếp tục hoạt động. Như lời bà từng nói: “Nếu đồng euro thất bại, châu Âu sẽ thất bại” (“If the euro fails, Europe fails”).

Đến năm 2015, khi hơn một triệu người nhập cư đổ vào châu Âu qua biển Địa Trung Hải, chính quyền bà Merkel lại một lần nữa đứng giữa sự kêu gọi của các nhóm nhân quyền, sự phản đối của các nước đồng minh châu Âu trong việc phân chia lượng người nhập cư, cũng như những lo ngại bên trong nước Đức về sự ổn định của nền kinh tế cũng như an ninh xã hội. Sự trỗi dậy của các đảng cực hữu khắp châu Âu (trong đó có đảng AfD ở Đức), cũng như cuộc “ly hôn” tốn nhiều giấy mực giữa EU và Anh (Brexit) một phần là hệ quả của cuộc khủng hoảng này.

Ở một mặt nào đó, cách tiếp cận của bà Merkel có thể xem là thành công. Liên minh châu Âu và khối đồng tiền chung euro vẫn tiếp tục tồn tại sau nhiều biến động. Một lượng lớn người nhập cư được đón nhận vào Đức và châu Âu, đóng góp không nhỏ vào lực lượng lao động trẻ ở các quốc gia này. Trong nước, theo khảo sát chung xã hội của Đức (ALLBUS), mức độ hài lòng trung bình với chính quyền bà Merkel trong hai lần khảo sát vào năm 2008 và 2018 cao hơn hẳn hai lần khảo sát trước đó. Cụ thể, có khoảng 50 – 53% trong hàng nghìn người được hỏi cảm thấy hài lòng với chính phủ, so với mức 40% ở năm 1992 và 33.6% ở năm 1998.

Tuy vậy, theo các nhà phê bình, cách làm “dĩ hòa vi quý” của chính phủ bà Merkel để lại nhiều vấn đề mang tính hệ thống không được giải quyết triệt để. Trong cuộc khủng hoảng kép tài chính – nợ công, việc ép buộc các biện pháp thắt lưng buộc bụng lên các nền kinh tế phía Nam trong khi không giải quyết được tình trạng một chính sách tiền tệ chung - nhiều mô hình kinh tế đã bị nhiều nhà nghiên cứu kinh tế và khoa học xã hội chỉ trích.

Trong khi đó, dù tạm thời giải quyết ổn thỏa vấn đề người nhập cư, một châu Âu ngày càng chia rẽ, phân cực là dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng nhập cư đã châm ngòi cho những mâu thuẫn xã hội lớn hơn, chạm đến những vấn đề cốt lõi như văn hóa, tôn giáo, hay chủng tộc.  

Ở góc độ mô hình kinh tế và hệ thống phúc lợi, không có cuộc cải cách triệt để nào thật sự diễn ra trong bốn nhiệm kỳ của bà Merkel. Đức vẫn tiếp tục là một nền kinh tế xuất khẩu hưởng lợi không ít từ thị trường chung và mức lãi suất cũng như thâm hụt ngân sách thấp.

Về chính sách xã hội, Đức dưới thời bà Merkel tiếp tục xu hướng tự do hóa và thu hẹp nhà nước phúc lợi của giai đoạn trước. Dù chế độ phúc lợi cho các nhóm yếu thế như phụ nữ nghỉ thai sản hay người về hưu được cải thiện, việc thúc đẩy lao động bằng các hợp đồng bán thời gian hoặc ngắn hạn đã tạo ra một mô hình phúc lợi song song. Trong mô hình này, những người trong cuộc (lực lượng lao động truyền thống) tiếp tục hưởng được những gói phúc lợi rộng rãi từ nhà nước, trong khi nhóm ngoài cuộc là các lao động mới chấp nhận các công việc thu nhập thấp với mức hỗ trợ tối thiểu. Trong khi đó, ngân sách chi tiêu cho xã hội ngày càng phình to cùng với dân số đang già đi càng làm cấp bách thêm nhu cầu của một cuộc cải cách triệt để.

Có thể nói, điểm mạnh của bà Merkel – khả năng dung hòa những nhóm lợi ích đối lập – cũng chính là trở ngại lớn nhất trong việc thực hiện các cải cách chính trị - kinh tế - xã hội cần thiết ở cả trong nước và bình diện quốc tế. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận được những đóng góp về mặt xã hội mà bà Merkel đã làm được trong bốn nhiệm kỳ của mình, một trong số đó là mở đường cho những tiến bộ xã hội như nhận thức về môi trường, quyền lợi của người nhập cư, hay quyền phụ nữ. Những di sản của bà, vì vậy, cần có thời gian để có một cái nhìn đầy đủ và công bằng nhất. Ở hiện tại, có thể xem bà Merkel đã hoàn thành công việc của một người xử lý khủng hoảng bằng cách tiếp cận của một nhà khoa học và thái độ của một chính trị gia trung lập.

Hậu Merkel: sự trở lại bất ngờ của đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD)

Liên minh Dân chủ Kitô giáo (CDU/CSU) sau khi bà Merkel tuyên bố rời chính trường lại không giữ được sự ủng hộ cần thiết. Với người thay thế là ông Armin Laschet, liên minh CDU/CSU vẫn dẫn đầu trong các khảo sát tiền bầu cử, có lúc đến hơn 15 điểm phần trăm, cho đến khoảng giữa tháng trước.

Sau hai cuộc tranh luận trực tiếp với đại diện của đảng SPD là ông Olaf Scholz, và đại diện đảng Xanh là bà Annalena Baerbock (Die Gruenen/Bundnis 90), sự ủng hộ giành cho liên minh CDU/CSU sụt giảm dần, nhường chỗ cho sự nổi lên của SPD sau nhiều năm lép vế.

Theo khảo sát mới nhất ngày 21/9 của Forsa, CDU/CSU đang tụt lại 3 điểm phần trăm so với SPD, lần lượt ở mức 22% và 25%. Theo sau hai lực lượng chính trị chủ đạo này là đảng Xanh (Die Grünen) với 17%, đảng thân doanh nghiệp FDP với 11%, đảng cánh hữu AfD 11%, và đảng cánh tả (Die Linke) với 6%. 

 

Các ứng viên bầu cử liên bang Đức là ông Armin Laschet (phải - đảng CDU), bà Annalena Baerbock (giữa - đảng Xanh), ông Olaf Scholz (trái - đảng SPD). Ảnh: REUTERS

Có nhiều nguyên nhân cho những thay đổi bất ngờ này này. Về mặt sức hút cá nhân, bản thân ông Laschet vướng vào nhiều vụ lùm xùm bên lề, chẳng hạn như các cáo buộc đạo văn, hoặc việc ông cười đùa khi đến thăm người dân ở vùng lũ lụt bị bắt trên ống kính truyền hình.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, sự sụt giảm của liên minh cầm quyền đến từ những nguyên nhân sâu xa hơn, một trong số đó là những chỉ dấu cho thấy cách quản trị của ông Larschet có nhiều điểm tương đồng với người tiền nhiệm là bà Angela Merkel. Nói cách khác, chính việc đưa ra những lựa chọn an toàn về chính sách cũng như nhân sự trong chiến dịch tranh cử của cá nhân ông Laschet và liên minh CDU/CSU nói chung đã phần nào dẫn đến sự hoài nghi của công chúng.

Khác với giai đoạn mà bà Merkel cầm quyền, Đức hiện nay đứng trước nhu cầu cải cách lớn hơn bao giờ hết, cả ở trong nước và trên trường quốc tế. Vì thế, việc giữ nguyên quan điểm và cách làm của người tiền nhiệm có vẻ như đang đặt ông Laschet vào thế khó.

Ở phía bên kia chiến tuyến, đảng SPD do ông Scholz lãnh đạo lại có sự hồi sinh mạnh mẽ sau hai nhiệm kỳ ở trong liên minh cầm quyền với CDU/CSU. Trong chiến dịch tranh cử của mình, SPD đang cố gắng trở về với nhóm cử tri truyền thống là giai cấp lao động với những lời hứa về việc tăng lương tối thiểu, áp thuế tài sản, hoặc giảm thuế cho người thu nhập trung bình – thấp. Đồng thời, SPD cũng đánh mạnh vào nhóm cử tri trẻ hơn với nhiều chính sách môi trường, năng lượng sạch, cũng như quyền lợi của nhóm LGBTQ+ và quyền của người nhập cư. Cá nhân ông Scholz cũng được đánh giá là người trầm tĩnh và điềm đạm, tạo ra sức hút cá nhân nhất định đối với các cử tri lớn tuổi truyền thống.

Một liên minh cánh tả cầm quyền?

Trong bối cảnh này, nhiều liên minh lãnh đạo có thể được thành lập. Việc SPD chỉ dẫn trước vài điểm phần trăm trong các cuộc khảo sát không đảm bảo việc ông Scholz sẽ trở thành thủ tướng mới. Với đặc điểm chính trị của Đức, thường sẽ rất khó cho hai đảng cực tả và hữu là AfD và Die Linke tham gia vào liên minh cầm quyền.

Tuy nhiên, ở lần này, nhiều người đang nói về khả năng sẽ có một liên minh thiên tả được thành lập, nếu như ba đảng SPD, đảng Xanh, và đảng cánh tả đạt đủ số ghế để chiếm đa số trong quốc hội. Nếu điều này xảy ra, nhiều nhà phân tích lo ngại các mức thuế và quy định mới về môi trường có thể làm giảm sức hút đối với các nhà đầu tư. Các doanh nghiệp trong nước có thể sẽ chuyển ra nước ngoài để giảm chi phí sản xuất và gia tăng lợi nhuận.

Mặc dù vậy, đây là khả năng ít xảy ra nhất, đặc biệt khi đảng Xanh đang không còn được sự ủng hộ như những tháng đầu năm, trong khi đảng SPD và cá nhân ông Scholz luôn có xu hướng trung lập trong cách đưa ra quyết định. Kỳ bầu cử lần này, vì vậy, có thể sẽ là bản lề cho nhiều sự thay đổi trong tương lai của nước Đức. 

Nguồn: Nguyễn Hưng/ Plo.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo