Hội NVN tại Ba Lan: Về cuộc biểu tình ở Trung tâm ASG ngày 24/07
![]() |
Biểu tình tại TTTM ASG Warszawa 24/07/2012. Ảnh queviet. |
QV là tiếng nói của Hội người Việt Nam tạ Ba Lan. Chủ tịch hội là ông Lê Thiết Hùng, một "chiến hữu" với ông Hoàng Mạnh Huê, một trong 4 chủ chính của TT ASG, nơi nổ ra cuộc biểu tình phản đối tiền vào cửa và tăng tiền quầy. Sau đây là quan điểm của QV- HNVN tại Ba Lan.
QV- Trưa ngày 24-07 hàng trăm bà con đang kinh doanh trong ASG và một số trung tâm khác đã tụ tập tại sảnh giữa đường lên văn phòng trung tâm ASG. Trước của vào văn phòng trung tâm có nhiều bảo vệ và một số người Ba Lan đứng chắn. Một số công an Ba Lan cũng đã có mặt để đảm bảo an ninh.
Đài truyền hình TVN , nhiều người làm báo Cộng đồng cũng có mặt để tác nghiệp và tìm hiểu tình hình. Vài người trong đám đông đạp cửa định xông vào nhưng bị bảo vệ ngăn cản. Đôi lúc đám đông hò reo, vỗ tay nhưng không có những hành động quá khích, phá hoại. Có vài người đã dán lên cửa ra vào trung tâm những khẩu hiệu.
Ngay từ sáng, Ban lãnh đạo Trung tâm đã cho đóng cửa chính đi vào Trung tâm và làm hàng rào ngăn đường lên văn phòng.
„Việc trung tâm đóng cửa, cản trở khách mua hàng vào trung tâm làm bà con rất bức xúc. Sáng nay Trung tâm còn bị mất điện khoảng 15 phút, không hiểu do sự cố hay do Trung tâm cắt điện”, một người trong đám đông nói.
„Lãnh đạo trung tâm đã biết trước có cuộc biểu tình nên có động thái này nhằm đề phòng bất trắc, đó là phản ứng bình thường”, một người khác nói lại
Ông Lê Thiết Hùng và một số người hoạt động Cộng đồng cũng có mặt tại nơi xẩy ra biểu tình. Ông đã cố truyền đạt lại nội dung cuộc nói chuyện với một số bà con và với lãnh đạo Trung tâm hôm 23/7 cũng như mong muốn dàn xếp ổn thỏa giữa hai bên.
Cuộc biểu tình kết thúc lúc 12h 30. Theo quan sát của chúng tôi thì đây có thể coi là một cuộc biểu tình ôn hòa tuy cũng có người đạp cửa làm rạn nứt cửa ra vào văn phòng Trung tâm.

„Việc trung tâm khẳng định mức cuối cùng họ đưa ra và không đàm phán nữa là nguyên nhân có cuộc biểu tình này vì bà con chưa nhất trí. Bà con chấp nhận tăng tiền Czynsz ở mức dưới 3000zt và không phải nộp tiền đặt cọc’. Anh H., một người kinh doanh ở ASG cho biết.
Hợp đồng đang tồn tại có giá trị 10 năm sẽ hết hạn vào tháng 9-2012. Bản HĐ mới đã được trung tâm soạn thảo và đưa cho bà con tham khảo. Lãnh đạo Trung tâm và bà con đã có hai cuộc thương thảo trên tinh thần xây dựng.
Theo lãnh đạo Trung tâm: Khi xây dựng bản hợp đồng mới, lãnh đạo Trung tâm đã tính đến nhiều vấn đề trong đó nhấn mạnh sự hợp tác giữa bà con thuê quầy và lãnh đạo trung tâm cũng như điều kiện thị trường. Mức ttiền Czynsz ấn định và tiền đặt cọc cũng được tham khảo sao cho tương đương với các trung tâm khác.
Trong cuộc đối thoại lần 1, Trung tâm giảm xuống 3 tháng tiền cọc (trước là 6 tháng) giữ nguyên tiền czynsz (những số liệu cụ thể bà con đã được thông báo), Trung tâm cũng nhất trí với bà con thay đổi một loạt điều khoản trong hợp đồng. Trong cuộc họp lần 2 Trung tâm đã giảm tiếp 5% tiền czynsz dự kiến đồng thời khẳng định đây là mức cuối cùng.
Lãnh đạo Trung tâm cũng cho biết: rất trăn trở, căn nhắc với những khó khăn của bà con hiện nay khi đưa ra các quyết định. Tuy đã quyết định mức tiền Czynsz và tiền đặt cọc như trên nhưng lãnh đạo Trung tâm vẫn sẵn sàng đàm phán với bà con để đi đến đồng thuận giữa Trung tâm và các công ty đứng tên thuê quầy…Lãnh đạo trung tâm cũng phàn nàn về một số người quá khích dùng những lời lẽ miệt thị và hăm dọa, những văn bản không có người ký để gây áp lực…
Chiều ngày 23/07/2012, trong cuộc gặp với một số đại diện của bà con đang buôn bán tại ASG, đại diện Hội NVNTBL đã đề nghị bà con nên có một ban đại diện chính thức (cho đến thời điểm này chưa có) để có thể đại diện cho bà con đàm phán với lãnh đạo trung tâm ASG. Phía Hội NVNTBL sẽ đảm nhiệm vai trò trung gian để hai bên (đại diện của bà con buôn bán và lãnh đạo TT ASG) thương thuyết. Cũng trong buổi chiều cùng ngày, đại diện Hội NVNTBL đã gặp lãnh đạo ASG để đề đạt ý kiến của bà con về việc tiếp tục thương thảo. Ban lãnh đạo ASG đã đồng ý và đề nghị đại diện của bà con ấn định ngày thích hợp để gặp mặt.
Tuy nhiên, có thể do cuộc biểu tình đã có chuẩn bị trước, những ý kiến của hội NVNTBL không kịp triển khai đến bà con nên đã xảy ra.

PVQV đã có cuộc trao đổi với một số bà con trong khi cuộc biểu tình xẩy ra và xin ghi lại những ý kiến này:
„Đang yên ổn, nào ai muốn đóng cửa biểu tình? Chỉ vì việc đưa ra một bản hợp đồng không đúng thời điểm, giữa lúc buôn bán đang khó khăn nên bà con phản ứng thôi. Nếu buôn bán „hầm hố” như cách đây vài năm thì tăng nghìn zt hay „đóng cọc” mấy tháng cũng vô tư”.
“Trong 10 năm qua, Trung tâm đã cơi nới, chèn thêm khá nhiều quầy cho thuê làm ảnh hưởng đến buôn bán, giao thông đi lại trong trung tâm. Việc thêm Hala 3 làm mất parking đỗ xe cho khách hàng đã gây nên sự phản đối rất mạnh cho nhiều người thuê quầy trong hala 1 và 2. Nhưng thôi, chuyện cũ đã qua, không nhắc lại nữa. Chúng em chỉ mong muốn các bác lãnh đạo xem xét lại mức tiền Czynsz và tiền đặt cọc cho hợp đồng mới thôi”
„Theo em thì lãnh đạo Trung tâm không nên thu tiền cọc của bà con. Tuy rằng tiền ấy sau này trả lại cho bà con cả gốc lẫn lãi nhưng cầm làm gì khi bà con không đồng ý?. Nếu lo chủ quầy không đóng tiền Czynsz thì cứ ghi rõ trong hợp đồng là nếu không đóng đến thời điểm nào thì…đóng quầy. Người thuê quầy „bùng” thì cứ chủ quầy mà nã. Dù sao thì quầy cũng có giá trị lớn, chủ nào dám bỏ?".
„Để xẩy ra cuộc biểu tình hôm nay trước hết là lỗi của lãnh đạo Trung tâm. Sao họ không thông báo trước cho bà con là ‘cuộc nói chuyện vẫn còn tiếp tục.’ Hai bên đều đã đưa ra những văn bản mang tính tối hậu thư rồi. Thật buồn.”
„Việc kinh doanh không thể nói một chiều, rằng chúng tôi nghèo thì các ông phải chiếu cố. Ngay cả những hộ đang buôn bán cũng có bao giờ nghĩ sẽ bán rẻ hàng cho những khách hàng của mình mà không có lý do chính đáng?. Chính vì vậy mà phải thương thuyết để sao cho 2 bên cùng có lợi. Cuộc đấu tranh này nên hiểu là tìm kiếm một sự đồng thuận để người Việt Nam cùng trụ được vững chắc trên mảnh đất này”
„Cuộc biểu tình đã xẩy ra. Nguyên nhân cũng chỉ vi tiền. Là những người Việt với nhau sao không tìm được tiếng nói chung? Hợp đồng cũ kết thúc thì hợp đồng mới ra đời là lẽ đương nhiên. Hợp đồng mới ấn định tiền Czynsz tăng hay giảm với mức độ thế nào nên được cân nhắc thỏa thuận thận trọng, hai bên cùng có lợi”.
Buôn bán càng ngày càng kém, Nhiều vụ „bùng hàng, trốn nợ” xẩy ra. Nhiều quầy thu không đủ chi, Bà con hàng ngày chăm chỉ chuyên cần từ sáng sớm đến chiều hôm rồi thẫn thờ chi trả những khoản tiền không thể không trả. Bây giờ đã thế còn nay mai sẽ ra sao?, Chợ „bừng lên” hay lại tiếp tục đi xuống?
Chợt nhớ câu ca dao „thương người như thể thương thân” rồi “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, nhìn lại cảnh bãi thị vừa qua mà buồn cho cuộc đời xa xứ. Mong ràng "cuộc chiến" sẽ đến hồi kết. Bà con và lãnh đạo Trung tâm lại ngồi bên nhau, quá khứ bỏ qua, hợp tác trong hiện tại và tương lai, xây dựng hình ảnh một Cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan thân ái, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong làm ăn sinh sống.
Mong lắm một sự yên bình…
QV