Ba Lan

Ba Lan chi 6,5 tỷ USD mua chiến đấu cơ F-35 từ Mỹ để làm gì?

Cập nhật lúc 17-09-2019 14:30:03 (GMT+1)
F-35 của Lockheed Martin

 

Tin tức về việc chính phủ Donald Trump chuẩn thuận để Cộng hòa Ba Lan mua 32 chiến đấu cơ tàng hình F-35 từ Mỹ được bàn đến nhiều trong giới quan sát quân sự châu Âu tuần qua.


Dù đơn đặt hàng đã được Ba Lan gửi đến Mỹ từ lâu, quyết định của Ba Lan mua F-35, và quan trọng hơn, là sự đồng ý của Mỹ cho tập đoàn Lockheed Martin bán dàn phi cơ hiện đại nhất của Hoa Kỳ cho đồng minh Đông Âu, có ý nghĩa lớn.

Ngoài ra là vấn đề giá cả.

F-35 nổi tiếng là đắt tiền và thời giá năm 2012 cho thấy chương trình F-35 của Ngũ Giác Đài đã khiến ngân sách Hoa Kỳ tốn 400 tỷ USD.

Hôm 14/09/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan, Mariusz Błaszczak xác nhận với báo chí con số Ba Lan phải chi là 6,5 tỷ USD, tính từ nay đến 2026.

Đây là một khoản tiền rất lớn cho Ba Lan, và vì thế, khiến người ta đặt ra câu hỏi liệu Ba Lan có đủ khả năng sử dụng hết các tính năng của F-35 chưa.

Nói ngắn gọn thì có câu hỏi rằng nhu cầu phòng thủ của Không quân Ba Lan đã cần đến 32 chiếc F-35 thế hệ 5 hay chưa.

Nhu cầu hiện đại hóa không quân

Theo giới chức Ba Lan, nước họ thực sự có nhu cầu hiện đại hóa không quân, thay toàn bộ các phi cơ cũ do Liên Xô chế tạo.

Quả vậy, 20 năm sau khi gia nhập khối Nato, Ba Lan vẫn còn nhiều chiến đấu cơ cổ lỗ như Sukhoi Su-22, hoặc thậm chí MiG-29.

Để phù hợp với hoạt động tác chiến cùng Nato, Ba Lan đã dần dần mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ.

Hiện nay, Ba Lan có 48 chiếc F-16 nhưng có tiếng nói rằng Ba Lan chỉ cần tăng thêm các phi đội F-16 là đủ mà không cần đến F-35.

Tuy thế, ông Tomasz Smura, giám đốc văn phòng nghiên cứu thuộc quỹ Casimir Pulaski Foundation ở Warsaw được báo chí trích lời đánh giá rằng "phi cơ F-35 sẽ mở ra một loạt cơ hội mới cho Không lực Ba Lan trong mấy thập niên tới, nhờ tính năng tàng hình và khả năng tác chiến đa dạng mà hiện Ba Lan không có".

Theo trang defense24.pl của Ba Lan, có khả năng bốn chiếc F-35A đầu tiên sẽ được chuyển cho Ba Lan năm 2024.

Các phi cơ F-35 Lightning II có thể được chuyển cho Ba Lan năm 2026.

Tổng số 16 chiếc sẽ về Ba Lan năm 2026 và 16 chiếc còn lại vào 2030.

Ý nghĩa về chiến lược và uy tín

Hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ hiện đang sử dụng các phiên bản khác nhau của chiến đấu cơ tối tân F-35

Việc đem về các phi đội F-35 còn mang ý nghĩa chiến lược.

Chúng giúp Ba Lan tiến lên hàng đầu trong số các quốc gia Nato từng thuộc phe xã hội chủ nghĩa, và đứng ngang hàng với các nước Tây Âu đã và đang dùng F-35.

Theo hãng thông tấn nhà nước Ba Lan (PAP), nhờ dàn F-35 Ba Lan sẽ là đối tác không quân với Đan Mạch, Hà Lan, Anh và Ý tại châu Âu.

Ngoài EU, chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ, Úc và Canada được Mỹ bán cho F-35.

Trước mắt, không quân Ba Lan phải bắt đầu chương trình huấn luyện phi công của họ ở Hoa Kỳ để có thể tiếp nhận máy bay mới.

Xây Fort Trump làm doanh trại cho quân Mỹ?

Hồi tháng 6/2019, khi ở thăm Washington, Tổng thống thuộc cánh hữu của Ba Lan, ông Andrzej Duda đề xuất xây một căn cứ quân sự để Hoa Kỳ luân chuyển quân sang đóng.

Ba Lan muốn tự bỏ ra 2 tỷ USD cho dự án này và gọi nó không chính thức là Căn cứ Trump (Fort Trump).

Dù hoan nghênh ý tưởng đó từ tổng thống Ba Lan, ông Trump không xác nhận Mỹ sẽ đồng ý lập căn cứ vĩnh viễn tại quốc gia Đông Âu này.

Di sản từ khối Hiệp ước Warsaw

Thời xã hội chủ nghĩa, quân lực Ba Lan đặt ưu tiên vào thiết giáp và bộ binh chứ không chú trọng nhiều vào không quân, theo các tính toán của Moscow.

Tại Legnica (Legnitz) nằm ở phía Tây Nam Ba Lan có căn cứ xe tăng lớn của Liên Xô và Ba Lan, sẵn sàng tấn công sang các nước tư bản Nato nếu xảy ra chiến tranh.

Lực lượng Liên quân Khối Hiệp ước Warsaw chỉ trang bị cho Ba Lan các máy bay hạng nhẹ.

Quân Hoa Kỳ tham gia duyệt binh ở Warsaw năm 2017

Học sinh Ba Lan chụp ảnh với lính Mỹ trong ngày Nato ở Bydgoszcz năm 2017

Đã từng có sáng kiến để Ba Lan dùng cả máy bay ném bom mang được bom nguyên tử, nhưng sau bị bác bỏ.

Cho đến thập niên 1980, trong chương trình hiện đại hóa không quân 1981-85, Ba Lan mới được phép đặt hàng một loạt phi cơ hiện đại thời đó từ Liên Xô.

Đó là tám máy bay tiêm kích MiG-25P, 96 tiêm kích MiG-23MF, 82 máy bay ném bom Su-22, 36 phi cơ tấn công Su-25 và hàng chục trực thăng.

Tuy thế, chương trình này không thành hiện thực một cách toàn bộ vì các biến động chính trị và thay đổi thể chế năm 1989.

Sau đó khối Hiệp ước Warsaw giải tán và Liên Xô sụp đổ (1991).

Từ đó đến nay, không quân Ba Lan về cơ bản không có trang bị gì mới.

Nguồn: BBC

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo