Văn nghệ

'Nổ' như pháo Tết

Cập nhật lúc 06-02-2016 18:33:35 (GMT+1)
Ảnh minh họa. (Nguồn: queviet.eu)

 

Tết đến lại nhớ đến pháo ngày xưa. Vì chỉ có 3 ngày Tết là mọi người bình đẳng như nhau trong việc đốt pháo dù họ giàu hay nghèo. Ngoài Bắc, pháo Bình Đà nổi tiếng nhất về độ dòn dã và rất ít pháo lép. Đấy là những năm chưa bị cấm đốt pháo, giờ đây Tết im ắng không còn tiếng đùng, đoàng, tạch tạch...và những vầng sáng do pháo nổ xé tan màn đêm.


Là người con xa xứ, mình cũng phiêu dạt ở đất người lập nghiệp. Những vất vả mệt nhọc cũng từng trải qua. Khi Tết đến cho dù lệch múi giờ nhưng cứ 18 giờ( giờ Ba Lan)của ngày tận cùng, tháng âm lịch tận cùng mình lại nghĩ về quê nhà với tiếng pháo nổ lúc giao thừa ngày ấy.  

     Chính vì tiếng" nổ" của pháo rất ấn tượng, tiếng nổ phát ra không phân biệt sự giàu sang hay nghèo hèn của người chơi pháo. Ngày nay những ai mở mồm là thao thao bất tuyệt, nhiều khi họ nói cho đã miệng. Nói mà không sợ bị quy tội huyên hoang, nói để phô trương cái sự rỗng tuyêch của mình với bàn dân thiên hạ. Cái thói đấy cũng được gắn tên:" Nổ như pháo". Thì rất đúng đấy thôi!!!  

      Mình có nhiều câu chuyện tai nghe, mắt thấy về" nổ" của đám bạn"Việt Kiểu" như cách gọi của bà con trong nước. Có hôm đang ngồi uống nước ở Hà Nội, trong khi mình đang nhâm nhi thưởng thức hương vị Hà Thành, bỗng giật mình vì câu nói oang oang: 

     "A lô! Thằng em về Tết chưa? Anh mày đang ngồi cà phê phố cổ đây. Nhớ cầm về kha khá nhé, có vụ này hay lắm. Cỡ vài trăm nghìn đô thôi, thu xếp rồi anh mày tư vấn cho mà đầu tư. Anh mày vừa xong một phi vụ ngon lành lắm... Ừ, cần cứ chuyển dịch vụ qua nhà bên Tàu 3...ok, ok...!". Sau câu nói như kiểu độc thoại đầy ngạo mạn là những cặp mắt của mọi người có mặt nhìn sang. Chẳng hiểu họ nghĩ sao khi buộc phải nghe anh bạn bô bô nói, những ai trong số họ thán phục? Những ai trong số họ bực mình?

     Giọng nói to, đĩnh đạc lại hơi quen quen. Mình tò mò quay đầu nhìn lại. Trời ạ! Thằng M, con bà Hoà bán hàng vải. Sao nhìn nó oách thế, nhìn đúng là Việt Kiều với cái đồng hồ to sù sụ ở tay và cái giây chuyền vàng choé to như cái xích chó quàng quanh cổ. Chỉ có giọng nói to và khẩu khí hoành tráng là khác thôi. Tự nhiên mình thắc mắc"chỉ vài trăm ngàn đô"( cỡ hơn 4 tỷ Việt Nam đồng)mà nó nhắc đến nhẹ như lông ngỗng. Mẹ con nó mình còn lạ gì, cứ tầm chiều khi chủ hàng xách sổ đến tính tiền là vắng mặt mẹ. Ông con mắt dán vào màn hình và luôn mồm nói:"-Bác chờ mẹ cháu, mẹ cháu vừa chạy lấy hàng cho khách". Chờ mãi chủ hàng cắp sổ đi nhà khác, chuyện thường xuyên như thế. Điều đấy cũng biết mẹ con nhà nó túng bấn chứ không dư giả. Vậy mà trước mặt mình giờ đây là một"Kiều"oai hơn Cóc cụ. Chả trách"Kiều"về các em bám như đỉa và lấy vợ dễ ợt!...  

      Lại có chị bạn phàn nàn về ông xã chị như sau: 

" Tớ tức lão nhà tớ quá, đợt này về Tết, đã bảo tiết kiệm chút vì 2 năm vừa rồi thất thu. Buôn bán toàn ăn vào vốn, có chút tiền hàng tồn cả vào kho. Vậy mà về quê, lão chồng vẫn bệnh sỹ, đi đâu cũng bô bô cái mồm khoe nhà cửa với ô tô đẹp. Ừ thì nhà, ừ thì ô tô toàn đồ trả góp, mỗi tháng cứ phải trả hơn ngàn đô chứ ít đâu. Chỉ khổ mình đi thăm bà con là phải tính toán tiền biếu xén, lỳ xì. Ít thì bị chê là giàu mà kẹt xỉ. Nhiều thì chẳng có vì dành dùm được ít tiền( nói thật tiền chủ hàng chưa thanh toán vội). Lần nào cũng thế cứ về thăm nhà xong khi sang đều trắng tay. Ông chồng phởn phơ, xúng xính com lê cà vạt. Vợ đi sau cũng mát mặt nếu xủng xẻng tiền. Gặp khi túng bấn, quả cứ nghe chồng"nổ"là vợ hãi. Giống trẻ con đứng cạnh pháo Tết ngày trước...!"  

       Nghe chị bạn tâm sự cũng hình dung được bộ mặt đỏ vì chút men rượu của ông chồng bạn và da mặt tai tái của chị bạn đi cạnh mỗi lần về thăm quê.  

      Người Việt có câu:" Tốt phô ra, xấu xa đậy lại!", câu này cũng tốt thôi. Vì rằng nếu gia đình mình có chuyện không vui, nhất là con cái chẳng may hư hỏng không như ý cha mẹ dạy bảo, hoặc chẳng may thất thoát tiền bạc trong kinh doanh, hay nhất càng kín càng tốt. Biết đâu thiên hạ lắm kẻ độc mồm thêm mắm, thêm muối càng buồn lòng hơn, đấy là sự kín đáo tự mình cam chịu. Đằng này, cái thói huyênh hoang chẳng biết với mục đích gì, nhưng nếu không có mà tự khoe ra chứng tỏ mình hiểu biết, mình giàu sang thì đúng là rất nực cười. 

     Lại có người khoe ngược lại, tức là khoe của ở quê nhà. Có người rất thích chứng tỏ mình thành đạt khi cất bước ra đi với hai bàn tay trắng. Nào là nhà chỗ nọ, đất chỗ kia. Nào là đầu tư mấy chục tỷ tiền Việt vào dự án nọ, dự án kia. Nghe họ khoe mình cũng bái phục thật, không biết cũng buôn bán, cũng đầu tắt mặt tối với mưa tuyết xứ người sao họ giàu thế. Mãi sau này, khi nói chuyện thường xuyên với nhau, bạn mới bật mí:"- Ai đánh thuế cái đứa bốc phét, nói cho thiên hạ biết cũng có sao đâu, cho bọn nó không khinh mình kém cỏi. Hơn nữa bốc lên cho bạn hàng và đối tác tin tưởng dễ hợp tác làm ăn...!" Ôi chao! Hoá ra" nổ như pháo Bình Đà" kiểu gì cũng có mục đích cả. Trẻ thì cho bạn bè đồng môn, đồng lứa không coi thường vì cái sự ra đi làm ăn xứ người. Với lại cũng là một trong những mục đích dễ"cua gái"ở nhà, dễ kiếm vợ xinh, vợ trẻ. Già thì cũng vênh với bà con chòm xóm về sự thành đạt của mình, của con cái mình.  

      Muôn vẻ của kẻ xa xứ lam lũ làm ăn để khi Tết đến họ ra sân bay với những thùng hàng quấn băng dính và địa chỉ ghi rõ họ tên nơi đi, nơi đến. Muôn vẻ của không khí sân bay hai chiều đưa và đón nói lên nỗi lòng của những đứa con xa quê chỉ chờ Tết đến sẽ về đoàn tụ với người thân. Nhìn họ, mình cũng đoán được họ đang nghĩ gì: hồi hộp, vui mừng, bỏ lại sau lưng tất cả nhọc nhằn trên đất khách. Trong những thùng hành lý là những món quà to, nhỏ khác nhau nhưng chứa đựng tất cả tấm lòng hướng về nguồn cội. Chỉ những người xa xứ mới hiểu và thông cảm cho nhau. Nhưng muốn người nhận quà trân trọng nó, xin hãy đừng"nổ như pháo Tết". Điều này đều tốt cho người đã ra đi và người đang ở lại.  

      Chúc mọi người đón xuân, đón Tết cổ truyền Bính Thân dù ở đất khách hay trên quê nhà thật vui vẻ và đầm ấm.   

04/2/2016( 25 tháng chạp Ất Mùi) 

Nguyễn Mai Lê
Nguồn: Queviet.eu

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo