Văn nghệ

Nhật ký mùa dịch

Cập nhật lúc 09-04-2020 15:58:22 (GMT+1)
Người dân tại thủ đô Paris cùng nhau vỗ tay cổ vũ cho đội ngũ y tế và nhân viên cảnh sát giữa đại dịch COVID-19. (Ảnh: AP)

 

Cuộc sống thiên nhiên có chu kỳ, trời tối và lại sáng, có lúc khó khăn và có lúc dễ dàng, lạc quan đi, rồi tất cả sẽ qua! Nhiều người coi Covid-19 là một thảm họa thế giới, nhưng hy vọng sau thảm họa này chúng ta cùng suy nghĩ để sửa đổi lại cách sống, về sức khỏe, môi trường sống, bảo vệ thiên nhiên và tuân theo luật tuần hoàn trái đất, nếu không chúng ta sẽ tự hủy diệt mình...


Hôm nay trời đẹp, nắng ấm. Đã 72 tiếng, thành phố của tôi cùng toàn nước Pháp bị phong tỏa. Tổng thống Pháp đã tuyên bố "Nous sommes en guerre" (Chúng ta đang có chiến tranh). Chiến tranh không người, kẻ thù vô hình và khó nắm bắt được đang trên đà tấn công vũ bão. Cảm xúc dâng trào từng giờ, từng phút như đang chờ đợi những gì sẽ xảy ra. Một tiếng động cũng khiến ta giật mình. Yên lặng quá! Không một ai ngoài phố, không một tiếng xe chạy... Kẻ địch vô hình như đang rình rập để bám lấy chúng ta.

Nạn nhân càng ngày càng tăng. Phong tỏa hoàn toàn nước Pháp với thời hạn 15 ngày, chỉ được đi ra ngoài khi cần thiết như mua thức ăn, khám bác sĩ, thăm bố mẹ đau ốm, đi làm hay có gì khẩn cấp. Lúc này mới thấy mọi người đoàn kết hơn, điện thoại cho nhau hỏi thăm tin tức hay sức khỏe… Và từ khi cả nước bị phong tỏa, hàng ngày, cứ 8 giờ tối là tất cả mọi nhà mở cửa sổ, cùng vỗ tay cổ vũ tinh thần, cảm ơn các chiến sĩ áo trắng đang chống giặc Covid-19. Nhiều người còn mang cơm tặng bác sĩ hay tài xế taxi, đề nghị đưa họ đến bệnh viện vì nhà xa, hay đề nghị họ tạm trú tại nhà người dân vì bệnh viện quá tải không có chỗ nghỉ ngơi… gần như 24/24 chuẩn bị khi cần. Rồi tàu hỏa, phương tiện công cộng chuyên chở những chiến sỹ áo trắng ra trận đều được miễn phí.

Đâu cũng thế, Việt Nam cũng thế - những chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm chống dịch Covid-19... Nous sommes en guerre, chúng ta phải tranh đấu lên để khống chế kẻ địch và chúng ta sẽ chiến thắng.

Nếu anh không về trong buổi chiều nay
Em đừng buồn và âu lo quá nhé
Nhớ đón con và động viên cha mẹ
Bởi Tổ quốc cần, anh chẳng thể ngồi yên.

(Nếu anh không về - bài thơ về các chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm chống dịch Covid-19)

Dịch Codiv-19 làm xáo trộn đời sống cũng như kinh tế thế giới, không biết kéo dài đến bao giờ.

Yên lặng quá! Nhưng lại không tập trung vào những việc đang làm được. Đầu óc cứ nghĩ vẩn vơ có gì sẽ xảy ra trong tương lai, nghĩ đến những kỷ niệm trong chuyến đi công tác và kỷ niệm về Việt Nam để quên đi hiện tại.

Mơ mộng và nhớ lại, đi từ Bắc tới Nam, số phận dừng chân tại đây như định mệnh sắp đặt tất cả. Gặp một người làm thay đổi cuộc sống, một cô gái cùng chuyến đi công tác. Lúc đầu không có ấn tượng gì, rồi năm này qua năm khác, nhiều lần tiếp xúc thấy xao xuyến trong lòng với giọng nói ấm áp, dịu dàng và rụt rè, nhưng có vẻ lo âu và hình như tâm trạng có gì buồn buồn. Rồi một ngày, tình yêu đến lúc nào không biết, trong sáng không chút vụ lợi.

Chúng ta cùng chí hướng, không mệt mỏi, sát cánh bên nhau trong những dự án đầy ý nghĩa và cùng nhau khăng khít trên một con đường để mang lại tình thương cho những trẻ bất hạnh không gia đình hay bị bỏ rơi lang thang trên đường phố, hay những trẻ bị khuyết tật vì hậu quả chiến tranh. Chúng ta chia sẻ những tâm tư và động viên nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống; rồi lại chia tay mỗi người một nơi, vì nhiệm vụ, vì cuộc sống và hoàn cảnh.

Còn nhớ lại mỗi lần đến nơi đó và mỗi buổi sáng đều điểm tâm với cháo lươn. Cháo lươn là món đặc sản vùng đó. Lươn đồng nấu cháo là ngon nhất vì giữ được vị ngọt tự nhiên, dai và thơm, đặc biệt dậy mùi hành lá và rau răm hòa quện trong mùi thơm đậm đà cùng với cháo nóng. Quả thật yêu người, yêu luôn cháo lươn.

Trời nắng ấm cuối mùa đông. Nhớ những hình ảnh chúng ta cùng đi trên chặng đường dài, cùng nắm tay nhau đi trên cánh đồng bên hồ sen thơm ngát hay cùng tận hưởng những phút êm đềm của biển để nghe tiếng thì thầm của phi lao hòa với tiếng sóng biển rì rào. Ngày mai anh đi rồi, còn gặp lại nữa không? Những câu hỏi ấy vẫn lặp đi lặp lại...

Chiến tranh Cô Vy này sẽ kéo dài bao lâu? Nếu là chiến tranh chống ngoại xâm, anh sẽ tình nguyện làm lính xung phong tham gia bảo vệ Tổ quốc, còn đây là cuộc chiến vô hình, không biên giới, không thấy rõ địch thủ. Hôm nay, tin tức đã lên hơn 10.000 người bị nhiễm, chừng nào đến phiên mình?

Người dân Paris chạy bộ trên phố không một bóng người. Ảnh: AP

Yên lặng quá! Thỉnh thoảng có xe chạy qua, như một bóng ma; tiếng nói người đi đường cũng như có chuyện gì xảy ra… Buồn cười nhỉ, nhưng nếu ở cùng hoàn cảnh hiện nay, sẽ hiểu hơn nỗi lo âu là gì.

Nous sommes en guerre - chúng ta đang thời kỳ chiến tranh. Anh tự hỏi em đang nghĩ gì ở nơi nửa vòng trái đất. Tới bao giờ mới hết? Chừng nào gặp nhau? Mơ đến ngày gặp nhau và nắm tay đi trên đường phố dưới bóng cây me cổ thụ trong bầu trời đầy nắng ấm.

*

Hôm nay là ngày thứ 7 và đã 7 ngày, số người nhiễm và chết mỗi ngày một tăng. Bầu trời ảm đạm như sắp mưa. Sáng lên đi, nắng lên đi để cho hoa hồng nở nụ cười, để trẻ em được chạy nhảy tung tăng trên đường phố. Đã 7 ngày chống lại nạn dịch. Covid-19 vẫn tiến lên không lùi bước, phong tỏa sẽ kéo dài hơn nữa.
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát căng thẳng tại châu Âu, trong đó có Pháp. Trong thời gian này, cộng đồng kiều bào ta tại Pháp hỗ trợ lẫn nhau, bảo nhau vững tâm, bình tĩnh và lạc quan, điện thoại thăm hỏi thường xuyên, đặc biệt các bác lớn tuổi và khi cần lại tổ chức cùng nhau giúp đỡ và chia sẻ. Nhận được điện thoại hỏi thăm, cũng thấy ấm lòng, bớt cô đơn trong lúc khó khăn.

Thời kỳ đại dịch cũng giúp chúng ta chứng kiến những câu chuyện cảm động về tình tương thân tương ái. Trong khu chung cư, mọi người cùng quan tâm hơn tới những người già, mọi người lo lắng cho nhau, có những mẩu giấy dán lên hộp thư với nội dung vô cùng cảm động: “Trong tình hình này, nếu bạn cần giúp đỡ, đừng ngần ngại hỏi chúng tôi qua điện thoại…”. “Nếu không thể ra ngoài và cần mua sắm hoặc bất cứ điều gì, đừng ngần ngại điện thoại cho tôi…”... Không nên đi ra ngoài nhiều nhưng chúng ta đoàn kết hơn bao giờ hết. Cầu mong cho mọi người bình an!

Trường học đóng cửa, hội phụ huynh của từng lớp lập nhóm để trao đổi với nhau và hỗ trợ qua mạng hay hội đàm cầu truyền hình - điều từ trước tới giờ chưa từng có. Các giáo viên liên lạc với học sinh qua hộp thư điện tử và các lớp chuẩn bị thi tú tài vẫn liên lạc thường xuyên với các thầy cô giáo để chuẩn bị mùa thi sắp tới.

*

Ngày thứ 15, hơn 2 tuần phong tỏa toàn nước Pháp, số nạn nhân tăng luỹ tiến từng ngày khiến tất cả chúng ta ít nhiều đều cảm thấy sợ hãi. Trong những ngày này, cả thế giới đang lao đao và chính phủ Pháp tuyên bố thêm hơn 15 ngày phong tỏa toàn quốc. Tụ họp trên 10 người và những chợ trời tụ họp ngoài đường bị cấm. Trong tương lai, kinh tế sẽ khủng hoảng, dịch Covid-19 có nguy cơ đưa nền kinh tế thế giới vào giai đoạn suy thoái trầm trọng nhất trong lịch sử hiện đại.

Nếu suy ngẫm lại, bệnh dịch Covid-19 này cho chúng ta thấy sự yếu ớt, bị phụ thuộc và không quyết định được cuộc sống của chúng ta trên luật tự nhiên. Luật tạo hóa không thể nào thoát được. Cái biên giới của mỗi xứ là biên giới giả tạo đặt ra cho con người, trái lại con virus không cần biên giới, không cần hộ chiếu và hiện nay đang định đoạt cuộc sống của chúng ta. Nó nhắc nhở rằng, định mệnh của chúng ta do chúng ta quyết định sống hay chết vì chúng ta đã và đang tự hủy hoại cuộc sống, tranh đua quyền lợi mà không màng đến môi trường sống!?

Các chính trị gia có giải quyết được không? Hậu quả hiện nay đã thấy, ô nhiễm môi trường và quyền lực, lúc nào cũng muốn khống chế thiên hạ nhưng ngày hôm nay nhìn lại cả thế giới bị khống chế bởi con virus. Covid-19 đã cho chúng ta một bài học để kìm hãm lại tham vọng, vĩ đại hay tuyệt vời thế nào, thì chúng ta cũng không phải là người điều khiển được cả vũ trụ, không thể vì quyền lợi cá nhân mà bất chấp cả luật tự nhiên. Cần xem lại những hậu quả của chúng ta để lại như thay đổi khí hậu, vì ham lợi chúng ta đã hủy hoại môi trường sống, rau, cây ăn trái hay những món ăn hàng ngày đầy chất hóa học và tự hào rằng mình mang lại nguồn sống cho nhân loại.

Cuộc sống thiên nhiên có chu kỳ, trời tối và lại sáng, có lúc khó khăn và có lúc dễ dàng, lạc quan đi, rồi tất cả sẽ qua! Nhiều người coi Covid-19 là một thảm họa thế giới, nhưng hy vọng sau thảm họa này chúng ta cùng suy nghĩ để sửa đổi lại cách sống, về sức khỏe, môi trường sống, bảo vệ thiên nhiên và tuân theo luật tuần hoàn trái đất, nếu không chúng ta sẽ tự hủy diệt mình.

Nhìn lên trời cao, dù sao còn cảm thấy niềm hy vọng và sự yên ổn, rồi an bình sẽ trở lại…

Tháng 3, mùa dịch Covid-19

Nguyễn Thanh Tòng (Pháp)
Nguồn: quehuongonline

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo