Thể thao

Ẩn số Euro 2016: An toàn là trên hết

Cập nhật lúc 09-06-2016 15:54:55 (GMT+1)
Cảnh sát Pháp diễn tập chống khủng bố ở sân vận động Ánh Sáng tại Decines, gần Lyon ngày 30-5 - Ảnh: Reuters

 

Giải Euro lần này, vấn đề an ninh là một ẩn số. Người ta đặt rất nhiều dấu hỏi ngờ vực về chuyện an ninh...


> Bắt cóc Euro 2016 làm con tin

“Cho dù có chuẩn bị đề phòng đến 100% thì không có nghĩa là nguy cơ khủng bố sẽ là 0%

Bernard Cazeneuve (bộ trưởng Nội vụ Pháp)

Kết quả mỗi trận đấu bóng luôn là một ẩn số. Điều đó khiến bóng đá thú vị, kích thích niềm đam mê toàn cầu. Nhưng với giải Euro lần này, vấn đề an ninh là một ẩn số không hề thú vị cho ban tổ chức và lực lượng bảo vệ.

Buộc phải thành công

Người ta đã đặt rất nhiều dấu hỏi ngờ vực về chuyện an ninh, đặc biệt từ sau vụ khủng bố ở Paris tháng 11-2015 và ở Brussels (Bỉ) tháng 3-2016. Thậm chí có không ít phương án đã được nêu ra, kể cả những phương án cực đoan nhất như hủy luôn giải Euro và gần đây nhất là đóng cửa các khu Fan-zone (khu tập trung xem bóng đá trên màn hình lớn cho những cổ động viên không vào được sân vận động).

Giờ đây thì các đội bóng đã bắt đầu đến, các cổ động viên cũng lục tục đặt chân lên đất nước hình lục giác. Không thể bàn lùi được nữa, đó không chỉ là chuyện lợi ích kinh tế mà trước hết chính là danh dự, là hình ảnh quốc gia của nước Pháp.

Về kinh tế đó là ước tính đón tiếp trong một tháng khoảng 2,5 triệu du khách - cổ động viên. Về danh dự của một nước lớn thì chính quyền của Tổng thống François Hollande không thể để cho một số nhỏ những kẻ cực đoan có thể phá hỏng bữa tiệc thể thao - kinh tế mà nước Pháp đã dày công chuẩn bị.

Vì lẽ đó, khi trả lời trên Đài phát thanh France Inter hôm 5-6, ông Hollande thừa nhận “nguy cơ khủng bố (vào dịp Euro) là có thật” nhưng đã làm nhẹ nó đi bằng thừa nhận tiếp theo rằng “nước Pháp sẽ phải sống với nguy cơ này trong một thời gian dài tới”.

Nhân dịp này, ông Hollande cũng kêu gọi các công đoàn ngừng đình công để lực lượng an ninh tập trung vào công tác bảo vệ an toàn cho sự kiện Euro mà ông hứa sẽ đảm bảo tổ chức an toàn và thành công trong hình ảnh “một sự kiện thể thao hội hè đẳng cấp châu Âu”.

Trong tình hình hiện tại thì phong trào đình công đang có dấu hiệu giảm xuống vì dư luận nói chung đã bắt đầu chán ngán với chuyện những người của Tổng liên đoàn Lao động (CGT) cánh tả cứ kéo dài đình công đòi yêu sách.

Nói gì thì nói, việc đình công kéo dài luôn đòi hỏi sự ủng hộ từ công luận mà nay “gió đã xoay chiều” thì ắt hẳn hai bên phải tìm ra một giải pháp khả dĩ nào đó, ít ra thì phải “đình chiến” trong giai đoạn quả bóng lăn, vừa để không gây thiệt hại kinh tế nói chung, vừa để không mất mặt chính quyền và cũng vừa để không mất lòng dân.

Cảnh sát Pháp diễn tập chống khủng bố

Cảnh sát căng như dây đàn

Cách đây 10 ngày, trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve đã tuyên bố mang tính trấn an dư luận: “Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo giải Euro phải là một đợt lễ hội sôi động nhưng chúng tôi cần nói với người dân Pháp sự thật. Nếu không có chuẩn bị đề phòng thì chắc chắn nguy cơ xảy ra khủng bố là 100%, nhưng có chuẩn bị đề phòng đến 100% thì không có nghĩa là nguy cơ sẽ là 0%. Chúng tôi làm mọi việc, hết mọi khả năng để tránh xảy ra khủng bố và chúng tôi đang chuẩn bị mọi phương án đáp trả”.

Vị bộ trưởng lo về an ninh nội địa cũng tuyên bố sẽ huy động 42.000 cảnh sát, 30.000 hiến binh và 10.000 binh sĩ để đảm bảo an ninh cho tháng bóng đá trên khắp nước Pháp. Hơn 80.000 nhân sự chính thức, có lẽ đây là đợt huy động bảo vệ an ninh lớn nhất của nước Pháp từ trước đến nay.

Lực lượng này sẽ đảm trách tuần tra bảo vệ các tuyến đường chính, sân bay, nhà ga xe lửa, ga điện ngầm và những khu vực xung quanh các Fan-zone. Đó là chưa kể khoảng 5.000 binh sĩ được huy động ở tất cả các chốt đường biên giới và trong giai đoạn này chính quyền Paris thực thi trở lại việc kiểm soát ở biên giới.

Chi phí cho chiến dịch an ninh lớn lao này vào khoảng 24 triệu euro. Bên cạnh đó sẽ có khoảng 12.000 nhân viên an ninh khối tư nhân tham gia bảo vệ ở các sân vận động và ở các cửa soát vé vào sân. Toàn bộ nhân lực tham gia công tác tổ chức của giải Euro cũng phải trải qua công tác kiểm tra nhân thân, lý lịch. Thực hiện công tác này là đơn vị chống khủng bố và tình báo!

Dù vị bộ trưởng lãnh đạo có tuyên bố hùng hồn về các biện pháp như thế nhưng một sĩ quan cảnh sát giấu tên đã thừa nhận với tôi: “Nguy cơ xảy ra khủng bố là rất lớn. Các khu Fan-zone khiến chúng tôi lo lắng nhất. Nguyên tắc ở khu vực này là rộng mở, là hội hè, là đông đúc nên nếu có xảy ra khủng bố thì nguy cơ thiệt hại rất cao xét ở khả năng hoảng sợ rồi giẫm đạp sau đó. Ở các sân vận động thì ổn hơn vì cấu trúc luôn có những cửa thoát an toàn và lực lượng chức năng đã được tập luyện để lên các phương án”.

Viên sĩ quan cảnh sát không phải vô cớ mà lo. Những Fan-zone lớn như tại thủ đô Paris (thiết lập ở khu công viên Champs-de-Mars bên cạnh tháp Eiffel trứ danh) dự kiến sẽ tiếp nhận đến 100.000 người mê bóng đá.

Viên sĩ quan tiết lộ một sơ hở khác: “Đáng quan tâm là lực lượng từ khối tư nhân tham gia lĩnh vực hỗ trợ an ninh hay công tác tổ chức. Đó là chưa kể lực lượng tình nguyện. Lực lượng này cũng đến 80.000 người. Chúng ta không thể tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng nhân thân lý lịch của hàng chục ngàn người được tuyển dụng làm việc trong dịp này. Thực tế thì có làm nhưng chỉ ở mức đọc qua giấy tờ nộp lên mà tất cả chúng ta đều biết rằng chỉ giấy tờ không thì làm sao biết người đó có bị tẩy não thành cực đoan hóa hay chưa!”.

Ngày chủ nhật, trong cuộc họp báo, Tổng thống Pháp Hollande đã khẳng định “nước Pháp không đánh giá thấp nguy cơ khủng bố và sẽ tiếp đón người hâm mộ đúng như không khí hội hè phải có”. Đến thời điểm quan trọng này thì đương nhiên lãnh đạo cao nhất phải lên tiếng cam kết.

Đây không phải là cuộc chơi chính trị của ông Hollande nữa, mà là cuộc chơi của cả nước Pháp. Thế giới, trong một tháng tới, sẽ đánh giá năng lực đảm bảo an ninh và tổ chức hội hè của nước Pháp. Nếu thành công, Pháp sẽ gặt hái thành quả cả về trung và dài hạn. Còn nếu thất bại, dù nhỏ nhất, thì kinh tế Pháp chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Mục tiêu mềm

Nhưng trong bảo vệ an ninh, cơ quan chức năng chỉ đề cập đến những “điểm nóng” như sân vận động, khu Fan-zone. Thực sự họ đâu thể bỏ qua những khu vực mà giới chuyên gia an ninh gọi là “mục tiêu mềm” - tức những vị trí nằm gần các điểm nóng như các quán cà phê, quán bar mà người dân hoặc cổ động viên có thể tụ tập ăn uống và hò hét với những trận bóng đá được truyền trực tiếp qua màn hình.

Chắc chắn ở đó không có sự bảo vệ tập trung của lực lượng chức năng rồi vì tìm đâu ra đủ nhân sự. Không ai dám đề cập góc độ này cả, dù nếu nhớ lại vụ tấn công 13-11 thì đó chính là mục tiêu của bọn khủng bố: quán cà phê, nhà hàng, rạp hát... Mục tiêu đa dạng, rất nhiều mà không có an ninh bảo vệ!

______________

Kỳ 3: Những mắt xích yếu kém

VÕ TRUNG DUNG (Từ Paris)
Nguồn: Tuoitre.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo