Sức khỏe

Người Việt hại người Việt bằng hộp cơm nhựa gây ung thư

Cập nhật lúc 02-07-2015 05:01:24 (GMT+1)
Ảnh minh họa. (Nguồn: internet)

 

20 năm trôi qua, một làng nghề tự phát đầu độc người tiêu dùng và đầu độc chính người làm nghề, nhưng cơ quan chức năng vẫn vô cùng lúng túng trong việc xử lý triệt để vấn đề. Làng Khoai chỉ là ví dụ cho cả một hệ thống các làng nghề, các khu công nghiệp nhỏ lẻ làm khổ bà con và xã hội. Đâu là lối ra để cứu đồng bào mình? Lãnh đạo địa phương nghĩ gì, các chuyên gia hàng đầu về an toàn thực phẩm và hóa học nói gì? 


Chúng tôi tìm gặp ông Đỗ Thế Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, ông cho biết: “Văn Lâm là huyện có rất nhiều làng nghề, 16 làng nghề, trong đó 6 làng nghề được công nhận là làng nghề cấp tỉnh. Nghề tái chế nhựa và nilon của thôn Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh phát triển sớm, đã hơn 20 năm rồi. Họ đi khắp nơi thu mua phế liệu, chủ yếu là nhựa và nilon về để tái chế. Qua quá trình phát triển, ban đầu số lượng người tham gia ít, sau đó số hộ tham gia ngày càng tăng. 

Hiện nay, hơn 80% số hộ tham gia thu mua, tái chế nhựa. Với tình trạng thu mua tái chế như hiện nay dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tình trạng ô nhiễm đã xảy ra nhiều năm nay. Từ 2004, nhận thấy vấn đề này là bức xúc, cần tổ chức giải quyết, huyện đã đề nghị với tỉnh di dời các hộ tham gia thu mua tái chế nhựa nilon ra khỏi khu dân cư. Sau 1 thời gian, năm 2011, chính thức cụm làng nghề 1 đi vào hoạt động. Chúng tôi tách được 143 hộ ra ngoài khu dân cư tại làng nghề 1. Nhưng còn 1 bộ phận hộ dân vẫn sản xuất trong khu dân cư, vì diện tích chật hẹp không cho phép xây dựng đủ. 

Năm 2010, huyện đã đề nghị UBND tỉnh tiếp tục cho thu hồi đất để mở rộng làng nghề 2 đáp ứng nhu cầu của nhân dân, với tinh thần khắc phục triệt để ô nhiễm môi trường thì dứt khoát phải đưa ra ngoài khu dân cư. Vì khi vào cụm Công nghiệp làng nghề, chúng tôi có đầy đủ các hệ thống xử lý rác thải, nước thải và quản lý quá trình sản xuất kinh doanh* sẽ thuận tiện, chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn”.

Tuy nhiên, với những gì trong quá trình khảo sát của chúng tôi mấy ngày qua, dù có 2 “chiến dịch” di chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, nhưng làng vẫn còn nhiều hộ đang sản xuất trong khu dân cư và ô nhiễm nghiêm trọng.

Trong khi đó, việc di dời và quản lý các hộ sản xuất vẫn còn chưa đâu vào đâu. Chính quyền địa phương chỉ còn biết phản ứng rất... giật cục, rất “trẻ con”, ấy là chủ hộ nào không nghe lời thì... cắt điện. Cắt điện họ vẫn có điện để làm thì sao? Ông Phúc báo cáo về cách làm “sáng tạo” của địa phương: “Hiện nay, đối với các hộ đang sản xuất trong khu dân cư mà chưa ra ngoài, do nhiều lý do, có lý do vì khu làng nghề 2 đang tiến hành xây dựng hoàn thiện, trước mắt, trên địa bàn huyện chúng tôi không cấp thêm giấy phép hoạt động cho bất cứ hộ dân nào trong khu dân cư. Không cấp giấy phép thì ngành điện không cấp điện, ngành điện không cấp điện thì họ không thể sản xuất. Đối với các hộ có giấy phép trước kia, thì tăng cường kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm thì xử lý, thu hồi giấy phép kinh doanh”.

Ông Phúc nói vậy, nhưng thực tế, 80% số hộ ở làng Khoai vẫn ầm ĩ tái chế rác thải. Theo khảo sát của các cơ quan chuyên môn, các hộ trong khu dân cư cơ bản chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xử lý nước thải. “Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân”, ông Phúc thừa nhận. Rác thải quốc tế ào về ầm ầm, chính quyền huyện chỉ còn biết liên tục có yêu cầu tỉnh, Trung ương lên tiếng dừng mang rác về Văn Lâm nữa để cứu dân. Nhưng chuyện chẳng đâu vào đâu và các sản phẩm như ống hút, hộp đựng cơm, túi nilon đựng thức ăn vẫn ra đời từ làng rác. 

Người làng Khoai khôn ngoan không dùng sản phẩm mình làm ra, vì hơn ai hết, họ biết nó độc hại đến nhường nào. Và ông Phó Chủ tịch huyện, khi được hỏi: “Cá nhân ông, ông thấy những sản phẩm đó bán ra thị trường liệu có an toàn không?”, thì ông thở dài: “Cấp huyện chưa có đủ điều kiện xác định có đủ chất lượng không. Nhưng, theo quan điểm của tôi, tôi chưa tin tưởng về chất lượng của chúng!”

Nguồn: Tuổi trẻ & Đời sống

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo