Sức khỏe

Người Việt ăn uống thế nào mà khiến tỉ lệ béo phì tăng chóng mặt?

Cập nhật lúc 17-04-2021 12:30:27 (GMT+1)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

 

Mức ăn rau và hoa quả đã được chú trọng hơn, nhưng lượng thịt cũng không hề giảm đi, tỉ lệ thừa cân béo phì đang gia tăng chóng mặt qua 10 năm.


Nhiều chỉ tiêu dinh dưỡng năm 2020 đã có sự thay đổi đáng kể so với 10 năm trước - theo kết quả Tổng Điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019-2020 do Viện Dinh dưỡng quốc gia, Bộ Y tế công bố. Cụ thể:

Rau quả tốt nhưng lại "nghiền" thức ăn nhanh, nước ngọt

Viện Dinh dưỡng cho biết, năng lượng trung bình trong khẩu phần ăn năm 2020 của người Việt Nam đạt 2.023kcal/người/ngày, tăng nhẹ so với mức năng lượng 1.925kcal/người/ngày năm 2010.

Cơ cấu sinh năng lượng từ Protein, Lipid, và Glucid (2020) là: 15,8% : 20,2% : 64,0% (% so với tổng năng lượng ăn vào), cơ cấu này được coi là cân đối theo khuyến nghị cho người Việt Nam (2016).

Mức ăn rau quả của người dân đã tăng bình quân đầu người từ 190,4g rau/người/ngày; 60,9g quả chín/người/ngày (2010) lên thành 231,0g rau/người/ngày; 140,7g quả chín/người/ngày (2020).

Tuy nhiên, mức tiêu thụ rau quả mới chỉ đạt khoảng 66,4% - 77,4% so với nhu cầu khuyến nghị của Tháp Dinh dưỡng cho người trưởng thành.

Trong khi đó, mức tiêu thụ thịt tăng nhanh; từ 84,0g/người/ngày (là mức tiêu thụ thịt bình quân trên toàn quốc vào năm 2010) tăng lên 136,4g/người/ngày (năm 2020); khu vực thành phố tiêu thụ cao hơn, ở mức 155,3g/người/ngày (năm 2020).

Mức tiêu thụ gạo có xu hướng giảm.

Tại các trường học ở thành phố có xu hướng tăng tiêu thụ các loại nước ngọt và thức ăn nhanh.

Rất đáng lưu ý là tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng từ 8,5% (năm 2010) lên thành 19,0% (năm 2020), trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.

Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng gấp 3 về dinh dưỡng gồm: suy dinh dưỡng thấp còi, thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng.

Cần thay đổi thói quen

Chia sẻ với Suckhoedoisong.vn, BS. Trần Thị Thanh Nga - Phụ trách khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết, trong thực tế quá trình thăm khám cho bệnh nhi, có rất nhiều phụ huynh đưa con đến khám viện dẫn lý do rằng trẻ lười ăn rau, không thích ăn rau, chỉ thích thịt cá và không có cách nào để trẻ hứng thú với món rau.

Trong khi đó, BS. Thanh Nga cho rằng, rau xanh và quả chín là thực phẩm cung cấp vitamin và khoáng chất rất cần thiết cho trẻ em nhưng trong bữa ăn trẻ rất lười ăn rau dẫn đến thiếu vitamin, khoáng chất, táo bón biếng ăn…

Theo chuyên gia dinh dưỡng, một chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng là trong bữa ăn của trẻ phải có đủ 4 nhóm dinh dưỡng: nhóm tinh bột, nhóm đạm, nhóm chất béo, vitamin và khoáng chất. Trong số đó, nhóm đường bột, chất béo, chất đạm được coi là nhóm sinh năng lượng, còn chất xơ và khoáng chất là những dưỡng chất thiết yếu giúp các chức năng cơ thể hoạt động hiệu quả và ngăn ngừa bệnh tật. 

Nhưng một số bố mẹ thường thích cho con ăn nhiều cơm, thịt vì nghĩ như vậy mới no bụng và chắc dạ - thậm chí cho con ăn nhiều thức ăn nhanh và nước ngọt trong khi đó lại thờ ơ với rau, chế độ như vậy là mất cân bằng dinh dưỡng dẫn đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Khi cơ thể mất cân bằng dinh dưỡng nghiêm trọng, sẽ có những dấu hiệu rất điển hình. 

BS. Trần Thị Thanh Nga

Ví dụ: Mệt mỏi thường xuyên cho thấy cơ thể thiếu hụt nhiều dưỡng chất khác nhau như máu, sắt, vitamin B12 và kali;

- Rụng tóc, tóc khô và gãy nhiều là dấu hiệu của thiếu vitamin B6, vitamin A;

- Tê bì chân tay là triệu chứng thiếu các vitamin B như B6 và B12 cùng với axit folic;

- Da rất dễ bị những vết thâm tím là dấu hiệu thiếu canxi, vitamin C, axit folic, vitamin K và vitamin B12;

- Hay bị viêm lợi, chảy máu chân răng, tụ máu dưới màng xương, đốm xuất huyết, tăng sừng hóa ở nang lông có thể do thiếu vitamin C trầm trọng;

- Hay bị tiêu chảy không rõ nguyên nhân rất có thể cho cơ thể có hàm lượng vitamin B12 thấp, thiếu kẽm, vitamin D, vitamin C…

Tuy nhiên, đáng quan ngại mất cân bằng dinh dưỡng sẽ khiến cơ thể không hoạt động bình thường, dẫn đến mất cân bằng chuyển hóa, mất cân bằng hóc-môn. Bởi vì, rối loạn chuyển hóa là yếu tố nguy cơ sinh học của thừa cân, béo phì, về lâu dài có thể dẫn tới các bệnh mạn tính như rối loạn mỡ máu, tiểu đường, cao huyết áp, ung thư...

Chính vì vậy, BS. Nga đưa ra lời khuyên cho bố mẹ giúp trẻ dễ dàng tiếp nhận món rau, quả chín đó chính là bố mẹ phải là tấm gương cho trẻ noi theo.

- Bố mẹ nên ăn nhiều rau xanh giúp trẻ hiểu vai trò của rau xanh, quả chín.

- Hãy cho trẻ cùng tham gia chế biến, chuẩn bị món ăn: Cho trẻ tự nhặt rau, rửa rau chế biến cùng thì đến bữa ăn trẻ sẽ hào hứng hơn với thành quả mình làm ra.

- Bố mẹ trang trí món ăn nhiều màu sắc tạo thành những hình thù ngộ ngĩnh, đáng yêu giúp trẻ hứng thú hơn với bữa ăn.

- Bố mẹ chế biến đa dạng phong phú, thay đổi thực đơn hằng ngày: như món rau luộc, hấp, xào, salad.. các loại rau theo mùa cũng giúp trẻ thích thú hơn với món rau. Các loại quả có thể làm sinh tố, sữa chua…

- Bố mẹ nên khen ngợi, động viên trẻ tạo không khí vui vẻ thoải mái trong bữa ăn cũng giúp trẻ ăn uống hào hứng hơn. 

Ngoài việc tạo chế độ ăn lành mạnh cha mẹ cần hướng cho trẻ việc thích vận động, tăng cường các hoạt động ngoài trời, tránh ngồi một chỗ lướt mạng internet, chơi game...

Dương Hải
Nguồn: suckhoedoisong.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo