Nhân vật

Tôi trao lại với Chúa các khổ nạn của mình. Tôi tin, Chúa sẽ dẫn tôi vượt qua những đêm dài, cựu tù nhân lương tâm từ Việt nam nhớ lại

Cập nhật lúc 04-11-2018 19:43:48 (GMT+1)
Ảnh: Magdalena Slezáková - Deník N

 

28 tháng bị giam. Biệt giam, sự tàn nhẫn thường trực và bát canh đầy mùi nước tiểu. Và vụ một người Việt bị bắt cóc tại Berlin, mà nhờ thế, một người Việt khác được tự do. Ai là tên chung của tất cả các sự việc đó? Nguyễn Văn Đài, người tù nhân lương tâm mới được thả và một trong các tiếng nói phê phán chế độ nổi tiếng nhất tại Việt nam.  Cái gì là nguồn hy vọng của ông, khi mà tại quê hương ông, quyền lực đang mạnh tay hơn và tập trung trong tay một nhà lãnh đạo cứng rắn? Tại Đức, tôi đã chứng kiến những người dân ở đó đang thay đổi đất nước mình. Tôi muốn Việt nam cũng như thế, chúng ta không thể trông chờ vào một sự giáo điều đã kéo dài cả 80 năm", Đài giải thích trong một buổi nói chuyện đặc biệt với Denik N.


Chúng ta hãy bắt đầu với một số các con số - xin đừng ngại, nếu như thoạt tiên bạn thấy lộn xộn. Rất nhanh, các con số sẽ kết nối với nhau.
4, 6/12. 4, 28. 600, 73, 4. 23/7, 30/7. 5/4, 15, 7/6.

Bạn hãy hiểu 4 nhà hoạt động dân chủ mà ngày 6/12/15 đã bị một nhóm an ninh đông hơn, mạnh hơn và che kín mặt tấn công trong đêm trên xa lộ, họ bị lôi ra khỏi xe, bị đánh thô bạo. 4 lần bị kéo dài trong quá trình tạm giam kéo dài cả thảy 28 tháng. 600 ngày sau song sắt mà tháng 6 năm ngoái đã có một cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Việt nam tại Praha, để vẽ 600 vạch phấn trên vỉa hè để rồi sau đó, theo lệnh của cảnh sát Praha, những người biểu tình đã phải dội nước và cọ. 73 vị dân biểu từ 4 châu lục đã lên tiếng đòi tự do cho nhà bất đồng bị tù giam. 23/6/17, là ngày mà một cựu doanh nhân người Việt ở Berlin bị bắt cóc và bị chở đi trên một xe biển số Séc vòng qua lãnh thổ Slovakia và 30/7 là ngày quyết định khởi tố với tội danh "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". 5/4 năm nay, là ngày tuyên án "15 năm tù" và 7/6 là ngày mà tự do đã phải trả bằng cái giá là sự lưu đày.

Hay là nói một cách hoàn toàn đơn giản: thì đó là một giai đoạn trong cuộc đời của Nguyễn Văn Đài. Trong khi người dân Séc và Slovakia căng thẳng theo dõi vụ "một người Việt bị bắt cóc" (và ai có thể trách họ cho được, khi mà đó là câu chuyện gay cấn hơn cả âm mưu của bất cứ bộ phim gián điệp nào), tại Việt nam, điểm đến không tự nguyện của Trịnh Xuân Thanh, Đảng cộng sản lãnh đạo ở Việt nam đã xiết chặt bù loong. Và cho ra đời liên tiếp hết tù chính trị này đến tù chính trị khác.

Mới đây thôi, vị luật sư đáng kính và là người bảo vệ nhân quyền Nguyễn Văn Đài vẫn là một trong những người nổi tiếng nhất. Ngày nay (không chỉ) nhờ nước Đức mà ông được thả tự do, và nhờ thế mà chúng tôi có dịp gặp nhau tại Praha, bên một bữa cơm gia đình. Ẩm thực Việt nam không chỉ chỉ là món Phở được ưa chuộng và Việt nam không chỉ chỉ là ẩm thực. Không đời nào. Còn lâu mới thế.

Đồ ăn thiu, dùi cui và những bức thư không tới tay người nhận

Ở trong tù, ông có nhận được tin tức về các sự kiện đòi tự do cho ông tại rất nhiều nước trên thế giới?

Khi người ta bắt tôi (tháng 12/2015) người ta giữ tôi trong biệt giam, không được có bất cứ liên lạc gì với thế giới bên ngoài. Tôi được gặp vợ mình sau gần một năm và phải sau hai năm tôi mới được gặp luật sư, và trong cả hai buổi gặp, ban quản lý nhà tù cấm họ không được nói với tôi tất cả những gì không nằm trong phạm vi những điều mang tính chất chung chung, mà ở trên cho phép. Vì thế, chỉ sau phiên tòa sơ thẩm tôi mới biết ở bên ngoài, mọi người đã làm gì cho tôi. Và mãi sau này thì tôi mới được đọc một bài báo về việc đã có khoảng 50 tổ chức ký Kiến nghị đòi thả tôi.

Một buổi cầu nguyện cho Nguyễn Văn Đài tại nhà thờ Thái Hà, Hà nội, tháng 12/2015. Người phụ nữ đứng giữa là Vũ Minh Khánh, vợ của Đài cầm bức ảnh của chồng. Ảnh Reuters/Kham

Giai đoạn tạm giam của ông đã bị kéo dài nhiều lần, cuối cùng người ta đã giữ ông gần 30 tháng. Ông đã vượt qua thời gian đen tối mà không hề có luật pháp làm chỗ dựa như thế nào – nhất là khi ông lại là luật sư?

Một lần ông giám đốc trại tạm giam hỏi tôi: Anh đã sẵn sàng cộng tác chưa? Tôi trả lời "hẵng còn chưa". Ông ta nói "Tốt hơn hết anh nên quyết định nhanh ,bởi vì càng nhanh thì anh càng ít phải chịu đựng".

Lúc đó, tôi hiểu rằng đó sẽ là những ngày rất khắc nghiệt trong tù. Họ tìm đủ mọi cách để xói mòn tinh thần của tôi. Họ muốn làm tôi tức giận, tìm cách dồn tâm lý tôi đến quá khích để làm tôi phát điên. Tôi biết ý đồ của họ và tôi cố gắng không để mình mắc mưu và tôi xử sự khác với chờ đợi của họ, và thế là chính tôi lại làm họ tức giận. Và tôi làm việc này không đến nỗi nào.

Một số ví dụ để thấy các áp lực về mặt tinh thần: ví dụ như đồ ăn. Thức ăn trong trại thường là cơm, rau, một chút thịt và một bát canh nhỏ. Nhưng như tôi nhớ thì tôi đã ăn cơm gạo sống trong khoảng 20 ngày, và nhiều lần cả rau và canh thiu. Thỉnh thoảng họ còn cho cả xà phòng và bát canh đầy mùi! Một lần một người cùng phòng giam cảnh báo tôi bát canh có mùi nước tiểu rất lạ. Khác với anh ấy, tôi không ăn, và anh ấy đã ói... Hay là thuốc, mà tôi xin khi ốm và luôn tới giữa đêm người ta mới mang vào để làm tôi không ngủ được.

Quy định của trại cho phép người bị giam được viết thư cho gia đình mỗi tháng một lần. Tôi đã viết được 14 bức thư, nhưng sau này thì tôi mới biết là gia đình tôi chỉ nhận được 2 bức thư. 12 bức kia đã không được gửi đi, kể cả bức thư mà tôi viết, khi các nhân viên an ninh thông báo cha tôi đã mất.

Các câu chuyện tương tự trong suốt thời gian tôi bị giam giữ thì rất nhiều. Tôi không thể kể hết ở đây, nhưng tôi muốn nói rằng - và là để quay lại với câu hỏi của chị - đức tin đã giúp tôi vượt qua tất cả các chuyện này. Tôi là người Kitô giáo Tin lành. Tôi cầu nguyện hàng ngày và tôi trao lại cho Chúa các khổ nạn của mình. Tôi tin Chúa sẽ dẫn tôi vượt qua các đêm dài.

Ông không nói về các vụ bị đánh, nhưng tôi được biết là họ đã đánh ông không chỉ một lần. Ví dụ, không lâu trước khi ông bị bắt vào tháng 12/2015...

Họ đánh tôi nhiều lần! Lần đầu tiên là năm 2006, khi mà công an bắt giữ tôi và bạn bè ngay giữa đường, họ mang chúng tôi về đồn và đánh. Hay là vào tháng 5/2014, trong một quán café, khi chúng tôi cùng với nhiều nhà hoạt động khác bàn về một cuộc biểu tình phản đối dàn khoan Trung quốc vào vùng biển Việt nam (Tranh chấp về vụ dàn khoan tại biển Đông vào mùa xuân 2014 đã gây căng thẳng cả trên trường quốc tế và dẫn đến hàng loạt các cuộc biểu tình chống Trung quốc tại Việt nam - lời toàn soạn). Công an đã tới bàn của chúng tôi, mắng chửi, một người trong số họ cầm chiếc cốc đập vào đầu tôi, làm tôi bị thương và phải đi khâu. Tháng 1/2015 công an đến thẳng nhà tôi, chửi bới và tìm cách vào nhà, cuối cùng thì họ cũng phá được cửa. Chỉ hai tháng sau đó chuyện này lại diễn ra một lần nữa, họ đã phá cửa và một số đồ trong nhà.  

Vụ mà chị nhắc đến là vụ ngày 6/12/2015, gần hai tháng trước khi tôi bị bắt. Chúng tôi tổ chức một cuộc thảo luận về nhân quyền với khoảng 70 tín đồ Kitô giáo tại Nghệ an (cách Hà nội gần 200km về phía nam - lời tòa soạn). Công an biết được tin này và họ đến để giải tán. Nhưng tôi đề nghị họ ngồi lại nghe tôi giải thích. Và nếu như tôi có nói điều gì đó chống lại chế độ cộng sản thì họ có thể bắt tôi ngay lập tức. Thế là họ đồng ý.

Khi tôi nói xong, họ trách tôi: "Tại sao ông chỉ nói về quyền, mà không nói về trách nhiệm?!". Tôi trả lời họ "Sau hàng chục năm dưới chế độ cộng sản, người Việt đã hiểu quá rõ thế nào là nghĩa vụ. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc phải nói đến quyền". Có thể thấy, câu trả lời của tôi không làm họ hài lòng.

Vừa mở cửa, họ đã đánh anh ấy ngay

Họ bắt ông ngay lúc đó?

Không, họ không bắt ngay. Chúng tôi lần lượt đi khỏi nơi đã diễn ra thảo luận; lúc đầu là một nhóm nhỏ ra quan sát bên ngoài. Nhờ thế mới phát hiện ra, bên ngoài có những người đàn ông che kín mặt nào đó và một chiếc ô tô không có biển số xe. Cùng với bạn bè (nhà hoạt động Lý Quang Sơn, Vi Văn Minh và Lê Mạnh Thắng - lời toàn soạn)  chúng tôi ra đường quốc lộ để ra xe buýt về Hà nội, nhưng dọc đường chúng tôi thấy một xe taxi và tôi hỏi người lái xe, liệu anh có thể đưa chúng tôi về Hà nội.

Lúc đó là tháng 12, trời tối và rất lạnh. Sau đó chúng tôi thấy có một chiếc xe không biển số bám theo. Sau đó, lại có hai chiếc xe nữa và khoảng 10 chiếc xe máy xuất hiện thêm và giữa đường thì họ buộc chúng tôi phải dừng xe lại. Những người bịt mặt bao quanh xe chúng tôi, họ đều mang gậy gỗ và người lái xe taxi khóa cửa xe lại, nhưng họ bắt đầu đe dọa sẽ đập nát xe, nếu như không mở khóa. Sợ họ phá xe, anh đành phải nghe.

Họ có tấn công cả vào anh taxi?

Anh vừa mới mở khóa là họ đã xông vào, kéo anh ra đánh - và họ làm thế với cả chúng tôi. Họ không đánh bừa đâu, mà đánh có chọn lọc, chủ yếu vào vai và chân, để chúng tôi không chống cự được. Sau đó họ ném tôi lên xe và chở đển đến một bãi biển cách đó 20km. Họ đánh tôi suốt đường; một người ngồi ở ghế sau giữ tay tôi, một người khác chặn cổ tôi mà đấm thẳng vào mặt. Tới bãi biển, họ lấy hết áo, giày, ví và điện thoại rồi ném tôi ra ngoài và bỏ đi.

Rất may là có một ngôi nhà nhỏ ở đó. Tôi không đi được, nhưng ráng bò đến đó, người trong nhà cho tôi uống nước và cho mượn điện thoại, để tôi có thể liên lạc với bạn bè mà sau đó đã đến đón và chăm sóc tôi. Ngay khi về nhà, chúng tôi đã viết lại và gửi một báo cáo tới một đại diện cao cấp của Liên hiệp quốc về nhân quyền và ngay ngày hôm sau, ông đã đưa ra tuyên bố về trường hợp của tôi. Và tôi cũng gửi báo cáo tới Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, và cả về Ban giám đốc Công an tỉnh Nghệ an. Có thể chính vì những lá thư này mà họ tức giận và đã cho bắt giữ tôi vài ngày sau đó

Chiếc còng bị gạch chéo trên áo những người biểu tình phản đối điều luật 88 Bộ Luật hình sự. Bộ Luật này xác định hình phạt đối với việc" tuyên truyền chống nhà nước XHCN Việt nam" và thường được dùng để bức hại các nhà hoạt động dân chủ. Ảnh Reuters/Kham

Lật đổ chính quyền nhân dân ư?

Lời buộc tội mà theo đó, ông đã bị kết án, được tuyên bố từ tháng 7/2017, đến tháng 4 năm nay bản án mới được phán quyết. Tất cả là 28 tháng tù giam, tức là gần 2 năm rưỡi. Theo ông thì tại sao họ lại giữ ông lâu như thế?

Ngoài một số lý do khác thì họ muốn đè bẹp tôi. Trong ba tháng đầu họ giữ tôi trong biệt giam,rồi sau đó trong phòng giam cho hai người - trong các điều kiện như thế, hầu như họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn đối với tù nhân. Thêm nữa, cũng qua cách đó, họ đã cách ly tôi khỏi gia đình, bởi vì nếu như họ kết án ngay và tống tôi vào nhà tù, thì tôi sẽ được phép được gặp người thân hàng tháng, trong khi để tôi thế này thì tôi không thể báo tin gì cho ai.

Chị có biết là có một cách mà chế độ sử dụng để bịt miệng các nhà hoạt động dân chủ. Chế độ bắt giữ họ để họ không thể hoạt động. Sau đó, trong trại giam, người ta tìm cách làm tổn thương tâm lý của họ, để bẻ gẫy ý chí của họ trong việc đấu tranh cho tự do. Một số các nhà hoạt động đã tuyệt thực để phản đối cách đối xử tàn nhẫn đó, ví dụ như đợt tuyệt thực cách đây không lâu của Trần Huỳnh Duy Thức (nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng vào năm 2010 đã bị kết án 16 năm tù vì "các cố gắng nhằm lật đổ chính quyền - lời tòa soạn), và ngoài các vết thương về tâm lý, họ còn bị tổn thương cả về thể xác. Những tù nhân mà sau đó được ra tù, dưới các áp lực này thường bị thay đổi. Đôi khi họ trở thành những con người khác. Dễ bị xúc cảm hơn.

Họ đã cho ông 15 năm tù giam, cùng với ông là các anh em trong tổ chức Anh em dân chủ. Cả những người này cũng chịu các bản án nặng nề. Người ta đã kết án ông theo điều 79, tức là vì hoạt động nhằm "lật đổ chính quyền". Các hoạt động của ông hướng đến việc phản đối chế độ hiện hành - vậy không phải là ông định lật đổ chính quyền hay sao?

Trước chị đã có nhiều người hỏi tôi câu này. Cả bên an ninh, cả bên kiểm sát và cả quan tòa. Và lần nào cũng thế, tôi trả lời giống nhau: "Chưa bao giờ chúng tôi chưa nói điều gì, hay là viết điều gì ủng hộ cho việc lật đổ chính phủ, các ông không có bằng chứng". Điều duy nhất mà họ có thể sử dụng như là một cái cớ để luận tội, là bản tuyên bố của chúng tôi mà trong đó chúng tôi nói rằng chúng tôi ủng hộ việc thành lập một chế độ dân chủ tại Việt nam. Dân chủ và đa đảng.    

Họ nói rằng, Việt nam là chế độ độc đảng và anh sẽ phải lật đổ nó, nếu như anh muốn thiết lập chế độ đa đảng. "Tôi phản đối, rằng chúng tôi chỉ cổ súy cho dân chủ và đa đảng theo con đường ôn hòa, không bao giờ ủng hộ bạo lực và hận thù". "Được rồi" họ nói, "có thể điều đó là đúng cho Hội anh em dân chủ và có thể điều đó sẽ vẫn còn đúng nếu như các anh có một ngàn người, nhưng nếu cả triệu người xuống đường thì sao? Các anh sẽ không thể kiểm soát được họ, và cuối cùng sẽ dẫn đến bạo lực".

Tôi không đồng ý. rằng cho dù có hàng ngìn hay hàng triệu người tham gia vào phong trào của chúng tôi, thì chúng tôi cũng vẫn cổ súy cho các biện pháp phi bạo lực. Gôi nhấn mạnh, "việc mọi người sẽ đối xử với các ông như thế nào, sẽ phụ thuộc vào việc các ông hiện đang đối xử với họ ra sao"

Một công an Việt nam ngồi giữa những người đã bị an ninh bắt giữ trong cuộc biểu tình từ tháng 6, và là cuộc biểu tình lớn nhất từ trước đến nay. Ảnh Nguyễn Thanh/VNA Reuters

Tự do tín ngưỡng không đủ

Bản thân ông đã đối xử đầy bác ái với nhiều người Việt. Là luật sư, ông đã bảo vệ những người trong hoạn nạn trong cả các trường hợp mà những người khác chẳng mấy để ý. Ông đã có ý định như thế từ trước, khi mới học Luật? Hay là sau này ông mới dần dần tìm tới con đường bảo vệ nhân quyền?

Năm 1989 tôi có cơ hội tới Đông Đức. Tôi sang trước khi bức tường Berlin sụp đổ và rời đó vào khoảng giữa năm 90. Và tôi đã được chứng kiến cảnh người dân đã làm đất nước mình biến đổi như thế nào. Tôi rất ấn tượng và quyết định trở về Việt nam để thực hiện một điều tương tự cho đất nước. Vì thế mà tôi quyết định học luật và khi tôi tốt nghiệp, vào năm 1997 và là năm đầu tiên chính quyền Việt nam cho phép ứng cử viên tự do được tự ứng cử vào Quốc hội. Tôi không mấy thành công, nhưng một người bạn của tôi, cũng tự ứng cử như tôi, đã lọt vào vòng cuối. Nhưng họ đã không cho anh ấy vào tiếp.

Và vì thế chúng tôi hiểu ra rằng, chúng tôi sẽ không thể thay đổi được Việt nam bằng chiến thuật này; chế độ có quá nhiều cách để gạt bỏ những người không thích hợp với họ.

Vì thế, chúng tôi thay đổi chiến lược. Tôi tập trung vào công việc của một người luật sư và cố gắng giúp đỡ mọi người và cộng đồng, có lẽ cũng vì thế mà vào khoảng năm 2000 thì tôi cải sang đạo Kitô giáo. Sau đó tôi tập trung giúp đỡ những người theo đạo Tin lành, bởi vì trong những năm 2000-2006, khi mà phong trào dân chủ ở Việt nam mới manh nha, chính phủ đã coi tín đồ Tin lành là kẻ thù lớn nhất và đàn áp họ thẳng tay. Tuy nhiên thì vào khoảng năm 2005 thì tôi hiểu ra rằng, chỉ bảo vệ tự do tín ngưỡng không thôi thì không đủ. Rằng tôi phải thúc đẩy cả việc thay đổi chế độ.

Vì thế mà ông đã thành lập Ủy ban nhân quyền Việt nam?

Vâng, và tôi đã tham gia thành lập các tổ chức khác, kể cả việc khôi phục lại Đảng dân chủ Việt nam (là đảng đã hoạt động tại miền Bắc và sau đó trên toàn Việt nam từ 1944-1988, năm 2006 một tổ chức bất đồng dưới cùng tên gọi đã được hình thành - lời tòa soạn). Tôi cũng cố gắng truyền đạt giá trị nhân quyền tới các sinh viên của mình tại trường Đại học - mà thật ra, lần đầu tiên tôi bị bắt chính là tại trường Đại học.

Theo khuôn mẫu Trung quốc

Nhân đã nói tới chính trị Việt nam, thì hiện nay đang có thay đổi rất lớn. Tháng 9 vừa rồi, chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa mất. Ngay sau đó đã có tin là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thay thế vị trí này - trong đó đồng thời sẽ giữ cả chức vụ người đứng đầu của Đảng. Một sự tập trung quyền lực chưa từng có từ thời Hồ Chí Minh. Điều này có ý nghĩa thế nào đối với Việt nam?

Nguyễn Phú Trọng trước kia phụ trách ban tuyên truyền của Đảng và là người chịu trách nhiệm trong việc xây dựng Đảng. Đó là một người khá giáo điều và bảo thủ và là người bảo vệ chế độ cộng sản bằng bất cứ giá nào. Ông là người theo phái cứng rắn. Là Tổng Bí thư, đồng thời là Chủ tịch nước ông sẽ có dưới tay cả quân đội, cả công an, cả tư pháp và sẽ là quyền lực vô hạn.

Cần phải nhắc thêm rằng, ông không những chỉ chịu trách nhiệm cho các vụ bắt bớ trong phạm vi các chiến dịch chống tham nhũng, mà cả cho các vụ bức hại đối với các nhà hoạt động dân chủ, mà đã gia tăng mạnh dưới thời ông giữ chức Tổng Bí thư. Dưới trướng Nguyễn Phú Trọng, hy vọng cho quá trình dân chủ hóa tại Việt nam không còn tồn tại.

Tang lễ cố Chủ tịch Trần Đại Quang. Nguyễn Phú Trọng đỡ bên phải quan tài, bên trái là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Tri Dung/VNA Reuters

Sẽ là nhầm lẫn nếu tôi lưu ý đến sự tương đồng với Trung quốc dưới thời Tập Cận Bình?

Từ thời làm Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh con đường theo hình mẫu Trung hoa. Nay khi đã phát triển được quyền lực của mình, tôi tin rằng, ông sẽ tiếp tục các chiến dịch chống tham nhũng của mình và qua đó, dẹp sạch các đối thủ chính trị. Và áp lực đối với các nhà bất đồng sẽ không suy giảm, ngược lại. Vâng, tôi cho rằng trong mặt này, ông copy Trung quốc.

Mặt tối của Facebook

Có thể nói ông đã thoát ra khỏi áp lực ấy - chính quyền đã trả tự do cho ông chỉ hai tháng sau phiên tòa, tuy nhiên dưới một điều kiện là phải đi khỏi Việt nam. Về cơ bản, họ đã bắt ông phải lưu đày, mặc dù cuộc sống tại Đức có lẽ sẽ thoải mái hơn sao đó. Nhưng giờ đây, khi trực diện với tất cả những gì mà ông vừa kể lại cho tôi ở đây, liệu ông còn duy trì hy vọng mà ông đã nhắc tới?

Để được rõ ràng, tôi muốn nói là từ phía Nguyễn Phú Trọng quả thật không có một hy vọng nào về việc dân chủ hóa tại Việt nam. Ông sẽ không bao giờ thay đổi. Có điều tôi vẫn luôn tin rằng, chính ông ta là một cơ hội cho Việt nam. Bởi vì kể từ lúc này, sẽ có người để buộc tội vì tất cả những gì tồi tệ tại Việt nam.

Chị biết không, tại Việt nam có 90 triệu người, phần đông đều rất trẻ (Năm ngoái, tuổi trung bình ở Việt nam là 30,5, để so sánh, ở Séc là 42,1 - lời tòa soạn). Hàng trăm ngàn người được đào tạo ở nước ngoài, rất nhiều những người tài giỏi. Tôi nghĩ, những người trẻ này cần được giải thích rằng, không thể trông chờ vào một người duy nhất. Nhất là đó lại là một người giáo điều, bảo thủ 80 tuổi.

Về phần tôi ư? Tôi cho rằng tôi đã rất may mắn: mặc dù tôi đã phải rời khỏi quê hương, nhưng các mối quan hệ của tôi không bị đổ vỡ. Tôi vẫn còn tổ chức của mình, các quan hệ của tôi với người ở Việt nam vẫn còn và có lẽ trong tương lai còn có nhiều nữa. Ngày hôm nay bạn chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh và trên mạng xã hội bạn có thể giúp đỡ bất kỳ ai, cho dù người đó ở Hà nội, hay là Berlin. Tôi nghĩ là chính nhờ công nghệ thông tin mà chúng tôi làm Việt nam thay đổi.

Nhưng một mặt khác, chính quyền ý thức về điều này rất rõ. Năm nay họ đã thông qua được Luật An ninh mạng...

Đó là sự thật. Trước kia không có điều luật nào như thế này, nay thì an ninh có thể yêu cầu Facebook bất cứ thông tin nào mà họ muốn. Và vì thế, việc bắt bớ sẽ dễ dàng hơn. Luật pháp cũng hợp pháp hóa một số hành động mà trước đây là bất hợp pháp, ví dụ nghe trộm. Điều luật này mang lại cho chính quyền một vũ khí mới để đối phó với các nhà hoạt động, bởi vì trong những trường hợp mà họ không thể bắt giữ vì ngại bị quốc tế phê phán, thì nay họ có thể bịt miệng họ một cách dễ dàng: đơn giản là ra lệnh cho Facebook hoặc Google hủy tài khoản của các nhà hoạt động nọ. Và đồng thời, một cách dễ hiểu, việc tự kiểm duyệt cũng sẽ có chiều hướng gia tăng.

Tuy nhiên, mạng xã hội, mà trước hết là Facebook là quan trọng vào bậc nhất ở Việt nam, và nhiều khi còn là một kênh duy nhất để phê phán tình hình trong nước - trong việc chính quyền đàn áp biểu tình và các biểu hiện khác của tự do ngôn luận trong không gian công cộng. Vậy là sẽ không còn cả kênh này nữa sao?

Tôi không tin rằng Luật an ninh mạng sẽ bịt miệng được người dân. Họ kêu than là bởi vì Việt nam thực sự có nhiều vấn đề. Thực phẩm độc hại, ô nhiễm, thuốc giả, tham nhũng... Quá nhiều vấn đề! Thay vì tìm cách giải quyết, Đảng cộng sản lại tập trung năng lượng của mình vào những người chỉ trích các vấn đề này.

Dẫu vậy số lượng những người phê phán vẫn ngày càng tăng! Trong vòng 3 năm trở lại đây đã có bao nhiêu người là nạn nhân của sự đàn áp, trong đó hàng loạt người bị bắt, ngày nay ở Việt nam có khoảng 200 tù nhân lương tâm - vậy mà người ta vẫn lên tiếng, càng ngày càng nhiều. Điều đó có nghĩa là chính phủ đã thất bại trong nỗ lực của mình nhằm bịt miệng người dân.

Câu hỏi cuối cùng: sau khi được thả trong mùa hè vừa rồi, ông đã đến nước Đức, là nơi mà tháng bảy năm ngoái người ta đã bắt cóc một đồng hương của ông là Trịnh Xuân Thanh. Phải chẳng đó là  tình cờ? Tôi hỏi, bởi vì dấu vết của kẻ bắt cóc đã đi qua Séc và Slovakia, và vụ này có tiếng vang rất lớn tại đây.

Việc sang Đức thì tôi đã quyết định từ trước khi Thanh bị bắt cóc. Tháng 11/2016 Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức, ông Steinmeier đã sang Việt nam và chính phủ đã đồng ý thả tôi - dưới điều kiện là tôi sẽ đi khỏi Việt nam. Và ông Bộ trưởng (Steinmeier) có nói với vợ tôi, rằng nước Đức sẽ nhận tôi, nếu như tôi đồng ý. Sau đó, vợ tôi vào trại giam thăm tôi và hỏi, liệu tôi có muốn sang Đức, và tôi quyết định đồng ý.

Rồi sau này, ngay sau vụ bắt cóc (23/7/2017 - lời tòa soạn), họ cho tôi biết bản cáo trạng. Sau đó đến tháng 10 và họ có vẻ rất vội, họ nói rằng tôi sẽ rất sớm được ra tòa. Lúc đó tôi không hiểu tại sao lại có sự thay đổi đột ngột này. Chỉ sau khi được thả và tôi đọc lại tin tức cũ, thì tôi mới ý thức được rằng trong thời gian đó Đức đã hạn chế quan hệ ngoại giao với Việt nam và họ bắt đầu gay áp lực với chính phủ, buộc chính phủ thả tôi ra. Vì thế, câu trả lời của tôi cho câu hỏi của chị là: không, không phải là tình cờ. Tôi nghĩ là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã góp phần giúp tôi được tự do.

Nhân đây cũng xin nói thêm, tôi mới gặp luật sư của Thanh tại Berlin và luật sư nói với tôi rằng mặc dù bị án chung thân, Thanh vẫn ở trại tạm giam, họ vẫn chưa đưa Thanh về trại tù bình thường. Có thể là chính quyền cố tình giữ Thanh ở đó - như một quân bài, để có thể mang ra dùng trong ván bài với người Đức, vào một thời điểm thích hợp.

Nguồn: denikn.cz

Người dịch: Thanh Mai - vietinfo.eu

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Quy định bình luận
Vietinfo tạo điều kiện cho bạn đọc bày tỏ chính kiến, song không chịu trách nhiệm cho quan điểm bạn đọc nêu trong bình luận của bạn đọc. Quan điểm bạn đọc không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của Vietinfo.eu. Khi bình luận tại đây, hãy:
- lịch sự, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau,
- bày tỏ quan điểm tập trung vào chủ đề bài viết,
- không dùng các từ ngữ thô tục, bậy bạ,
- không xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân hay một số cá nhân,
- không tỏ thái độ phân biệt trên bất cứ phương diện nào (dân tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp…).
Mọi nội dung không phù hợp với các tôn chỉ trên có thể bị sửa hoặc xóa.
Cách gõ tiếng Việt
Dấu mũ Â, Ê, Ô – gõ 2 lần: AA, EE, OO
Dấu móc Ă, Ơ, Ư – thêm phím W: AW, OW, UW
Dấu huyền – thêm phím F
Dấu sắc – thêm phím S
Dấu hỏi – thêm phím R
Dấu ngã – thêm phím X
Dấu nặng – thêm phím J
Xóa dấu – thêm phím Z

Ví dụ:
Casch gox tieesng Vieejt.
Cách gõ tiếng Việt.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo