Nhân vật

Tác giả 'em bé Napalm' và mối tình với cô gái Việt

Cập nhật lúc 30-04-2013 09:12:33 (GMT+1)
Nick Út và bà Phan Thị Kim Phúc, nhân vật chính trong bức ảnh “Em bé Napalm.

 

“Với cái đầu, tấm hình của bạn trong cùng một hoàn cảnh mới khác biệt so với những tấm hình khác”, Nick Út – tác giả bức ảnh nổi tiếng “Em bé Napalm”.


Cuộc nói chuyện giữa tôi và Nick Út trong sảnh một khách sạn trung tâm Sài Gòn đôi lúc lại bị gián đoạn bởi lại có một người nhận ra và đến chào ông.

Tác giả của bức ảnh “Cô bé Napalm” ngày nào giờ đã bước qua tuổi lục tuần, sống hạnh phúc bên gia đình tại Los Angeles, nhưng kỷ niệm về những ngày khói lửa trong cuộc chiến tranh Việt Nam dường như vẫn vẹn nguyên trong ông. Trong niềm vui chứng kiến sự đổi thay của xã hội, thi thoảng lại thấy ông trầm ngâm khinhắc về chuyện cũ.

Từng làm phóng viên chiến trường nhiều năm liền, ông có bị ám ảnh bởi những cảnh chết chóc không?

- Có chứ. Tôi đã từng chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh tang thương. Có điều lúc đó còn trẻ, độc thân nên cứ mỗi khi đối diện với bom đạn, tôi lại xác định trước sau gì thì cũng chết. Chiến tranh mà, mình tránh đạn chứ đạn nó có tránh mình đâu. Tôi đã bị thương 3 lần. Nhưng có lẽ do mạng mình lớn nên nhiều lần thoát chết một cách thần kỳ.

Cựu phóng viên ảnh chiến trường Nick Út.

Có lần nhóm phóng viên chúng tôi được phân công bay từ Quảng Trị qua Lào. Một anh bạn đồng nghiệp lúc đó đề nghị tôi nhường chỗ vì anh ấy đi nghỉ phép. 3 giờ đồng hồ sau thì tôi được tin chiếc máy bay đó đã bị nổ tung trên đường sang Lào. Đồng nghiệp của tôi 4, 5 người trên chuyến bay đó đều thiệt mạng cả.

Ông chuẩn bị tâm lý thế nào mỗi khi bước vào một chiến trường mới?

- Chiến trường Việt Nam có lẽ là ác liệt nhất. Những chiến trường khác ở Iraq, Bosnia hay Afghanistan… không nguy hiểm như ở Việt Nam do quân đội Mỹ chỉ đổ bộ chớp nhoáng rồi rút ra, không đóng đồn đóng bốt hẳn như ở Việt Nam.

Hình thức tấn công đa phần là đánh bom tự sát, không mang tính quy mô, dội bom ào ào như cuộc chiến Việt Nam nên số thương vong không cao.

“Em bé Napalm”, bức ảnh chụp ngày 8/6/1972 tại Trảng Bàng, Tây Ninh, mang lại cho Nick Út giải Pulitzer.

Bức ảnh “Em bé Napalm” mà ông chụp được xem là giúp châm ngòi cho phong trào biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam trên toàn thế giới. Điều tôi thắc mắc là giữa bao nhiêu phóng viên, vì sao chỉ mình ông chụp được cảnh đó?

- Đúng là có rất nhiều ký giả từ các hãng thông tấn khác, nhưng có thể vì trước đó họ đã dồn dập chụp những cảnh khác nên khi gặp cảnh một em bé chạy ra từ đám cháy do bom napalm Mỹ thả xuống thì không ai còn phim để chụp nữa. Nhiều khi tôi nghĩ, hay đó là ý trời muốn để cho một người Việt Nam chứ không phải một người nước nào khác tố cáo những tội ác chiến tranh xảy ra trên chính đất nước họ.

Ông từng làm phóng viên của một hãng thông tấn quốc tế và cũng là một trong những người ra đi vào thời điểm cuộc chiến gần đến hồi kết. Đó là lựa chọn chủ động hay vì hoàn cảnh?

- Hồi đó tôi đi vì thuộc biên chế của AP. Bản thân tôi lúc đó chưa muốn đi mà muốn ở lại để chứng kiến thời khắc chuyển giao chính quyền ở Việt Nam, nhưng hãng muốn tôi đi để nhận công tác mới. Trong mắt mọi người trước giờ, tôi luôn là một nhà báo quốc tế, có nhiệm vụ ghi lại chân thực những gì xảy ra ở chiến trường mà không nghiêng về phía nào cả.

Tôi vẫn luôn có những người bạn rất tốt ở cả miền Bắc và miền Nam. Khi về miền Bắc, tôi vẫn được mọi người quý mến. Có những cụ già ôm tôi khóc. Có người còn đến bắt tay tôi, nói “nhờ ông mà đất nước này được hòa bình”. Có bà cô ở Hà Nội, hồi đó cứ muốn gả con gái cho tôi nữa đấy (cười).

Cho đến bây giờ, một bộ phận những người ra đi sau chiến tranh vẫn thù nghịch đối với chính quyền trong nước. Ông nghĩ sao về điều này?

- Điều này có thể hiểu được. Họ là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc chiến, khi ra đi phải dời bỏ nhà cửa, tài sản, quê hương ở lại. Qua đến Mỹ, họ tiếp tục phải chịu nhiều đau khổ, khủng hoảng mà không phải ai cũng hiểu.Đó là những vết thương chiến tranh khó tránh khỏi, nhưng rồi sẽ lành lại theo thời gian.

Nước Mỹ trước kia cũng từng xảy ra xung đột giữa các vùng đất trước khi đến được vớihòa bình như hiện nay. Bản thân người Mỹ cũng có sự phân biệt giữa dân Taxas, dân Iowa… cũng như dân mình chia miền Bắc, miền Trung, miền Nam thôi. Nhưng khi đi ra ngoài, thế giới vẫn chỉ gọi họ là người Mỹ vậy.

Ông có cho rằng các phóng viên ảnh ngày nay khó có điều kiện để thành công như thời của ông không?

- Họ có nhiều điều kiện hơn chứ, máy móc hiện đại, công nghệ số… Nhưng dù sao thì đó cũng chỉ là phương tiện hỗ trợ. Quan trọng là với “cái đầu”, tấm hình của bạn trong cùng một hoàn cảnh mới khác biệt so với những tấm hình khác. Chính vì thế mà tôi vẫn khuyên các bạn trẻ cần cân nhắc kỹ mỗi khi nhấn nút chụp hình.

Hồi cô Paris Hilton bị đi tù, tôi được giao đến nhà cô ấy chụp hình. Phóng viên lúc đó tập trung rất đông trước lối gara, ai cũng cao to hơn tôi cả nhưng chỉ có tôi chụp được hình cô ấy khóc.

Là do gần lối ra là nơi ba mẹ cô ấy đứng, và tôi biết chắc thế nào Paris Hilton cũng phải đi qua đó và dừng lại chào ba mẹ. Một mình tôi đã đứng chờ ở đó để chụp qua cửa sổ. Trong nghề này mình cũng cần phải biết phân tích, phán đoán nữa.

Nhưng với công nghệ số không tốn phim như hồi xưa, liệu có nhất thiết phải cẩn trọng quá như vậy không?

- Ở AP, bạn sẽ bị sa thải nếu gửi một đĩa hình mà xác suất sử dụng được thấp. Người ta không có thời gian chờ tải hình để nhận được một mớ sản phẩm vô nghĩa.

Từng chinh chiến nhiều năm ở chiến trường, giờ đây chỉ chụp hình những sự kiện đời thường, ông có cảm thấy nhàm chán không?

- Hồi xưa mình còn trẻ, độc thân nên không ngại xông pha. Còn giờ đây đã lớn tuổi, có gia đình rồi, mình cũng nên nhường bước cho các bạn trẻ.

Những câu chuyện của ông thường gắn liền với nhân vật “cô bé Napalm” Kim Phúc, nhưng không thấy ông chia sẻ gì về gia đình mình?

- Vợ tôi là người Hà Đông nhưng không phải trải qua chiến tranh ở Việt Nam do sống ở Anh quốc rồi Nhật Bản từ nhỏ. Hồi trước năm 1975 tôi có qua Nhật chơi. Lúc đó tôi đã được thế giới biết đến với tấm hình “Em bé Napalm” nên cô ấy gọi điện xin gặp.

Hai năm sau, tôi gặp lại cô ấy ở Mỹ. Cô ấy mời tôi về nhà ăn cơm. Biết cô ấy còn độc thân, tôi mới đùa: “Sao cô không cưới tôi đi cho rồi”. Và rồi mọi chuyện trở thành thật. Chúng tôi hiện sống ở Los Angeles, có hai con, con lớn giờ đã 34 tuổi.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: VNN

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo