Nhân vật

Phạm Xuân Ẩn, Tướng tình báo chiến lược (kỳ 3): Phạm Xuân Ẩn - người Việt đầu tiên đến Cali

Cập nhật lúc 13-05-2015 02:46:24 (GMT+1)
Một cuộc đời có một không hai, một điệp viên nhị trùng huyền thoại

 

Sau Hiệp định Genève, Mỹ thay chân Pháp ở miền Nam, Phạm Xuân Ẩn làm việc ở cơ quan quân sự liên hợp Mỹ - Việt - Pháp (TRIM), tiếp đó làm ở phái bộ huấn luyện quân sự Mỹ CATO. Tại vị trí mới này, ông đã tạo được mối quan hệ thân thiết với nhiều tướng lĩnh chế độ Sài Gòn sau này. 


>>Phạm Xuân Ẩn, Tướng tình báo chiến lược (kỳ 2): Nhập môn nghề tình báo

Lúc ấy, hàng loạt sĩ quan làm việc cho Pháp được đưa sang Mỹ đào tạo và chính ông là người làm thủ tục đưa Nguyễn Văn Thiệu (lúc đó là trung tá), Cao Văn Viên (lúc đó là thiếu tá), Nguyễn Chánh Thi, Lê Nguyên Khang (lúc đó là đại úy) và nhiều người khác sang Mỹ học.

“Mình lo thủ tục đưa người ta đi, liên lạc thông tin giữa họ và người nhà của họ, báo cho họ thời gian về nhà để đưa đón…Thành thân quen là từ những chuyện như vậy”, ông giải thích. Và mối thân quen đó ngày càng được củng cố sâu hơn khi ông trở thành ký giả của hãng thông tấn và báo chí nước ngoài. Thời kì này, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã tập kết ra Bắc (làm Bộ trưởng y tế nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa). Người trực tiếp chỉ huy ông là ông Trần Quốc Hương (Mười Hương) – một cán bộ lãnh đạo mà cuộc đời đầy những trang huyền thoại.

Năm 1957, theo yêu cầu của cấp trên ông giải ngũ và sang Mỹ du học. Đảng cho phép ông đi du học từ 4 đến 6 năm, thứ nhất là để nâng cao trình độ, mở rộng kiến thức, kế đó là để tìm hiểu về nước Mỹ. Ông tính, muốn làm cách mạng lâu dài thì phải có một nghệ thuật giỏi, trước hết là để sinh sống vì không ai làm cách mạng mà “ lãnh lương” của  cách mạng cả (trừ "sinh hoạt phí” cá nhân cần thiết), thứ nữa là cái nghề đó phải tạo ra điều kiện để "ăn sâu trèo cao, mở quan hệ lớn", đặng hoàn thành nhiệm vụ cách mạng giao. Vì vậy ông đã chọn nghề báo.

Người Mỹ cho ông đi nhưng hỏi: "Anh có làm báo chưa?".

Trả lời: “Rồi”

"Làm lúc nào?"

 "Làm trong quân đội. Đây thẻ báo chí của Phòng Chiến tranh tâm lý"

“Đã đi lính chưa ?"

"Rồi"

“Đi lính đủ niên hạn chưa?”

“Dư 9 tháng”...

Ông nói ông thi tiếng Anh, người Mỹ chấm bài cho đậu, nhưng "mấy cha" ở chính quyền Sài Gòn vẫn bắt phải thi lại vì “anh từng làm việc cho nó, ngộ nhỡ nó bồ với anh nó cho đi thì sao". Và đích thân Huỳnh Văn Điểm, Tổng Giám đốc Kế hoạch của chính quyền Ngộ Đình Diệm kiểm tra "đưa một bản tiếng Pháp về trồng cây cao su bảo dịch sang tiếng Anh, rồi đưa một văn bản khác bằng tiếng Việt bảo dịch sang tiếng Anh", ông làm tốt, họ cho đi, sau khi qua một đợt kiểm tra an ninh nghiêm ngặt của An ninh quân đội và Tổng nha Cảnh sát.

Sang Mỹ, ông được giới thiệu đến Đại học Cộng đồng quận Cam, California. Người ta nói ông là người Việt đầu tiên đến Cali là từ sự kiện này.

 

 

Phạm Xuân Ẩn ở ký túc xá trường Orange Coast - Nguồn: Jim Carnett, trường Orange Coast 

“ Ông Ẩn thường nói với các nhà báo nước ngoài, đồng nghiệp của mình rằng “có ba nền văn hóa trong tôi”. Còn các ký giả phương Tây lại cứ muốn tin rằng ông là sản phẩm của văn minh Mỹ, Vì sao vậy? Có phải vậy không ? Quả thật ông không bao giờ giấu giếm ý nghĩ rằng đã học được rất nhiều điều ở Mỹ và có thể coi thời gian đi học ở Trường Báo chí Orange Coast tại quận Cam, California là những năm quyết định quan trọng đối với ông. Người dân Mỹ trung thực, công bằng, cởi mở và tử tế.... ”. Họ chỉ cho tôi cách nhìn mọi sự theo con mắt của người khác, phê phán bản thân mình trước hết. Họ dạy các thế hệ biết lao động, biết trở về với thực tế. Tôi mong muốn con cái tôi được giáo dục ở Mỹ". Ký giả nước ngoài vẫn thường trích dẫn ý kiến này.

Nhưng họ không biết rằng việc Ẩn sang Mỹ du học vào cái năm 1957 trên danh nghĩa tự túc bằng tiền hưu trí thôi việc lúc mới 30 tuổi, có 7 năm làm việc, có đủ tiền máy bay lúc đó giá 600 đô - cuộc đi đó do Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định. Nếu không quá khó khăn, Đảng muốn Ẩn học từ 4 đến 6 năm để có bằng tiến sĩ. Mục đích của Đảng giao cho Ẩn phải học thật giỏi, và tìm hiểu nước Mỹ...".

Đó là một đoạn trích trong cuốn sách Phạm Xuân Ẩn, tên người như cuộc đời của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải (NXB Công an Nhân dân, 2002). Trong câu chuyện với chúng tôi về thời kỳ này, ông nói ông không chỉ học về nghề báo mà còn tranh thủ học lịch sử, chính trị, luật pháp, quân sự, kinh tế, tâm lý và con người Mỹ, vì "Tôn Tử dạy phải biết địch, biết ta”.

Nguồn: Hoàng Hải Vân, Tấn Tú/ Motthegioi

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo