Nước Nga những năm 1990: Putin 'vung gươm'
![]() |
Putin không muốn “nhảy múa theo tiếng sáo” của các nhà tài phiệt phất to dưới thời Yeltsin. Ông cũng không cho phép những người khác làm như vậy. Và cuộc đụng độ giữa ông với các nhà tài phiệt như Khodorkovsky, Nezvlin, Berezovski là không thể tránh khỏi.
> “Tỷ phú không giờ”, họ là ai?
Cuộc chuyển giao quyền lực bí mật giữa hai thiên niên kỷ
Vào đêm 31/12/1999, đêm giao thừa không chỉ giữa năm cũ và năm mới mà còn là giữa hai thiên niên kỷ, Tổng thống Nga hồi đó là Boris Yeltsin đã đưa ra một quyết định chưa từng có tiền lệ. Ông tuyên bố tự nguyện từ chức trước thời hạn và chuyển giao mọi quyền lực Tổng thống cho nhà chính khách trẻ Vladimir Putin.
Mặc dù được giữ trong vòng tuyệt mật nhưng căn cứ vào những diễn biến về sau, người ta vẫn có thể phỏng đoán được những nét chính của bản thỏa thuận Yeltsin – Putin.
Trước hết, đó là thỏa thuận về việc ông Yeltsin sau khi từ chức sẽ được hưởng quyền miễn trừ tư pháp, tức là không bị bất kỳ sự truy tố hoặc điều tra nào đối với những việc mà ông đã làm trên cương vị Tổng thống.
Tiếp đó là thỏa thuận về những quyền lợi vật chất mà ông được hưởng cũng như guồng máy bảo vệ ông. Một điểm nữa của bản thỏa thuận là việc giữ nguyên trạng trong một thời hạn nhất định các chức vụ của những nhân vật chủ chốt trong bộ máy quyền lực ông Yeltsin.
Hiển nhiên bản thỏa thuận còn đề cập đến việc ông Putin cam kết trung thành với Hiến pháp Nga, kể cả việc ông Putin cam kết không làm Tổng thống quá hai nhiệm kỳ.
Qua đó có thể thấy ông Yeltsin đã chuẩn bị rất kỹ không chỉ hình thức và thời gian chuyển giao quyền lực mà chủ yếu là chuẩn bị nhân vật kế nhiệm. Nhân vật đó phải mạnh, có ảnh hưởng, nhưng lại sẵn sàng chấp nhận các điều kiện thỏa hiệp.
Hơn thế nữa, đó còn phải là nhân vật biết giữ lời hứa, trung thực, coi trọng chữ tín. Ông Yeltsin biết rõ một nhân vật như vậy không thể có trong giới thân cận của ông, vì vậy, ông đã quyết định lựa chọn ông Putin, người không phải của “gia đình” Yeltsin.
Nhưng với ông Putin cũng không hề dễ dàng. Tuy ông có lợi thế là lên nắm chính quyền với sự đồng ý của “gia đình” Yeltsin nhưng di sản mà ông phải gánh vác quá nặng nề.
Tình hình đó đòi hỏi ông phải kiên quyết, dũng cảm và cứng rắn mới thoát khỏi hình ảnh là người của “gia đình” Yeltsin. Tức là để giành được sự ủng hộ và thiện cảm của đông đảo người dân Nga.
Chống lại mưu toan cướp chính quyền của giới tài phiệt
Tân Tổng thống Putin đã giữ trọn mọi lời cam kết. Nhưng giới thân cận và giới tài phiệt gần gũi với ông Yeltsin (trước hết là Khodorkovsky) lại mưu toan giành chính quyền theo kịch bản “mềm”.
Ai cũng biết, bất kỳ nhân vật nào mới xuất hiện trên đỉnh cao quyền lực đều vấp phải thái độ cảnh giác, đề phòng, và đôi khi cả sự chống đối nữa.
Ông Putin thi hành một chiến lược lãnh đạo khác hẳn. Ông từng bước củng cố những thành tố quyền lực như bộ máy quan chức cao cấp, quân đội, các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Ông khuyến khích việc thành lập một chính đảng có uy tín với đông đảo quần chúng (đảng Nước Nga thống nhất), đề cao hệ tư tưởng yêu nước và tự hào dân tộc.
Mặc dù ông không đưa ra những khẩu hiệu chống lại quyền tư hữu nhưng giới tài phiệt Nga vẫn cảm thấy bất an dưới chính quyền như vậy và trong hệ thống giá trị như vậy.
Dĩ nhiên, ông Putin không muốn “nhảy múa theo tiếng sáo” của các nhà tài phiệt phất to dưới thời ông Yeltsin. Ông cũng không cho phép những người khác làm như vậy. Và cuộc đụng độ giữa ông và các nhà tài phiệt như Khodorkovsky, Nezvlin, Berezovski là không thể tránh khỏi.
Putin “vung gươm”
Putin nói: “Có một số người Nga trong chớp mắt bỗng trở nên giàu có, đó là do họ thông qua phương thức ăn sống nuốt chửng tài sản của nhà nước mà có được”. Câu nói này đương nhiên ám chỉ những kẻ như Gusinski. Và Putin đã khai đao với ông trùm truyền thông này.
Người giàu nhất nước Nga Khodorkovsky trong song sắt
Năm 1993, Gusinski bước vào ngành truyền thông và là người tiên phong trong cuộc cạnh tranh ở ngành này.
Ông ta tự bỏ vốn lập ra một kênh mới trên đài truyền hình độc lập ở Nga, sau này đã bán 77% cổ phần. Ông ta cũng nắm giữ các báo lớn có ảnh hưởng ở Nga như: Báo ngày nay, Báo thứ Bảy, ngoài ra còn mua tiếp “Đài tiếng nói Moscow”, hợp tác với tạp chí Tin tức của Mỹ cho ra đời “Tuần báo Tổng kết”. Ông ta còn đặt mục tiêu phấn đấu thành lập “Tập đoàn truyền thông Murdoch và Time Warner”.
Sau khi hai ông chủ truyền thông Gusinski và Boris Berezovsky cùng nhau giúp đỡ Yelsin trúng cử tổng thống liên tiếp hai nhiệm kỳ và họ đã trở thành hạt nhân chính quyền.
Cuối năm 1997 đầu 1998, các ông trùm tài chính bắt đầu cuộc đại chiến truyền thông xung quanh việc mua cổ phần công ty thông tin.
Gusinski nhờ sự trợ giúp của tư bản phương Tây đã lập ra công ty thông tin truyền hình hiện đại, cự tuyệt mọi điều đình của chính phủ và bắt đầu cuộc chiến đầy cam go với các ông trùm khác. Điều này dẫn đến hai lần khủng hoảng chính trị nghiêm trọng và một lần khủng hoảng tài chính ở Nga.
Cuộc đại chiến truyền thông lần này đã khiến cho kinh tế nước Nga suy thoái nghiêm trọng, phá vỡ tính ổn định của cơ chế nhà nước.
Tháng 3/2000, Putin trúng cử tổng thống Nga. Ông quyết tâm xây dựng lại hình ảnh một nước Nga hùng mạnh vốn có. Putin đã phân rõ giới hạn cho những ông trùm và đã có 3 chương pháp lệnh để nói rõ, các ông trùm chỉ có thể kinh doanh chứ không được can thiệp vào chính trị. Putin thi hành hàng loạt chính sách cứng rắn, thực hiện lời hứa với các cử tri trong cuộc bầu cử là “sẽ hạ bệ các ông trùm”.
Chỉ vài tuần sau khi Putin lên nắm quyền, ông đã tiến hành “khai đao” ông trùm tài phiệt Vladimir Gusinkki, một trong bảy tập đoàn truyền thông lớn ở Nga.
Putin đã tiến hành kế hoạch làm suy yếu vai trò và ngăn chặn sự lộng quyền của các ông trùm đối với chính phủ. Ông sa thải một bộ phận quan chức đã tiếp tay cho các ông trùm tài phiệt.
Ủy ban cảnh vệ Điện Kremlin là một cơ quan trọng yếu bảo vệ an toàn và thực thi quyền lực của tổng thống.
Tháng 6/2000, Gusinski bị tạm giữ 3 ngày, sau đó được thả tự do, rồi bị khởi tố vì tội lừa đảo tài sản nhà nước. Tháng 12 ông ta bị truy nã. Mấy tháng sau Gusinski bị bắt ở Tây Ban Nha rồi lại được thả sau khi được bảo lãnh. Gusinski một lần nữa bị bắt ở Hy Lạp nhưng rồi lại được thả. Các nhà chức trách Nga hiện vẫn đang tiếp tục truy đuổi Gusinsky với thêm một cáo buộc mới là tham ô 300 triệu USD từ Tập đoàn Gazprom. Hiện tỉ phú một thời của Nga được cấp quyền công dân ở Israel và Tây Ban Nha và lập một tập đoàn truyền thông mới bao gồm truyền hình, phát thanh, tạp chí, sản xuất phim và kinh doanh cổng internet…
Ngày 8/7/2002, Putin cảnh báo các ông trùm tài phiệt: Nước Nga sẽ không chấp nhận bất cứ một tập đoàn nào rửa tiền ra nước ngoài, thành lập các tổ chức bảo vệ ngầm kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế thị trường của Nga.
Phương châm của Putin đối với việc trừng trị các ông trùm kinh tế rất rõ ràng, đó là: “tước đoạt tài sản của họ trả lại cho nhân dân”.
Gusinski là mục tiêu thứ nhất trong chiến dịch “hạ bệ các ông trùm” của Tổng thống Putin. Sau Gusinski là Khodorkovsky đang thụ án tù còn Boris Berezovsky chạy thoát sang Anh, và vẫn đối mặt với nỗ lực dẫn độ của Nga. Rồi Alex Konanykhin, trùm tài chính ngân hàng và bất động sản, bị buộc tội tham ô và đào tẩu khỏi Nga, trở thành công dân Nga đầu tiên xin tị nạn ở nước ngoài khi được Mỹ cho nương náu.
Trong lúc trốn chạy ở nước ngoài, các ông trùm lừng lẫy một thời của Nga vẫn đối mặt với nguy cơ luôn chực chờ do lối làm ăn gây tranh cãi và nhiều khuất tất của mình. Điển hình nhất là vụ German Gorbuntsov, chủ ngân hàng Nga đang trốn ở Anh, đã bị bắn 6 phát trên đường phố London vào tháng 3/2012. May mắn là ông này hồi phục sau cơn thập tử nhất sinh. Gorbuntsov đã chạy sang London từ năm 2010 sau khi đối tác của ông này bị ám sát trước đó.
Sau gần 10 năm, những vấn đề liên quan đến nỗ lực trấn áp các ông trùm tài phiệt do Tổng thống Putin tiến hành vẫn chưa kết thúc./.
Khánh An(Theo các báo Nga, sách: Bản lĩnh Putin, Putin từ Trung tá KGB đến Tổng thống Liên bang Nga)
Nguồn: Toquoc