Nước Nga những năm 1990: Những 'tỷ phú không giờ' (2)
![]() |
Người dân xếp hàng chờ mua hàng bên ngoài một cửa hàng giày dép ở Moscow |
Thời kỳ “tranh tối tranh sáng”, nước Nga sản sinh ra thế hệ những “tỷ phú không giờ” thâu tóm hầu hết các tập đoàn kinh tế huyết mạch của đất nước, nắm giữ khối tài sản kếch xù, trong khi đa số người dân sống trong cảnh cơ cực. Báo Điện tử Tổ Quốc trở lại vấn đề này để giúp bạn đọc hiểu thêm về một giai đoạn đầy biến động ở xứ Bạch Dương, và tại sao từ một siêu cường nước Nga lại trở thành đống đổ nát, khi cả nền chính trị và kinh tế đều trở thành một loại hàng hóa đặc biệt, nơi mà bất cứ ai có tiền đều có thể mua được gần như bất cứ thứ gì.
Bài 1: Kinh tế ảo và sự ỷ lại vào năng lượng
Khi Vladimir Putin nhậm chức Tổng thống thời điểm bắt đầu thiên niên kỷ thứ ba, ông đã tiếp nhận một “đống đổ nát”. Dân số Nga đang giảm mạnh; xã hội rối ren; nền kinh tế ảo và sự ỷ lại vào năng lượng; số ít người “siêu giàu” – những ông trùm tài phiệt thao túng hệ thống kinh tế-chính trị.
Vấn đề lớn nhất mà Putin phải đối mặt sau khi lên nắm quyền là thiếu vốn trong quốc khố. Dự trữ ngoại tệ và vàng vào thời điểm đó chỉ khoảng gần 20 tỷ USD trong khi tổng các khoản nợ đã gần gấp 10 lần con số này. Nền kinh tế Nga nếu không trông chờ vào các khoản đầu tư và viện trợ từ các nước phát triển về ngắn hạn sẽ không thể thoát khỏi khủng hoảng.
Mức sống của dân cư lại càng thê thảm. Đến cuối năm 2000, tổng lượng thu nhập tiền tệ của người Nga không bằng 10% của người Mỹ, tuổi thọ trung bình và tình trạng sức khỏe cũng đang xấu đi. Có chuyên gia đánh giá, GDP bình quân đầu người của Nga muốn đạt tới mức của Bồ Đào Nha hoặc Tây Ban Nha, mỗi năm duy trì được tốc độ tăng trưởng 8%, cũng phải mất 15 năm.
Các nhà thống kê dân số Nga lo lắng sâu sắc về hiện trạng dân số của Nga, vì nước này đang đứng trước cuộc khủng hoảng dân số to lớn, dân số Nga mỗi năm đều giảm mạnh, nếu cứ tiếp tục, trong vòng 50 năm nữa, dân số của nước này sẽ chỉ còn một nửa.
Mười năm trước, Nga có 149 triệu người, nhưng nước Nga ngày nay chỉ có khoảng 143 triệu người. Tuổi thọ trung bình của đàn ông Nga ở mức khiến người ta lo lắng, chỉ có 59 tuổi, chết trẻ đã trở thành một bi kịch lớn của Nga. Các nhà thống kê dân số nói, mấy năm gần đây, mỗi năm Nga mất đi một triệu dân, hơn nữa, tốc độ giảm đi ngày một nhanh.
Vì sao từ một siêu cường nước Nga lại trở thành đống đổ nát như vậy?
Kinh tế ảo và sự ỷ lại vào năng lượng
Nước Nga “hình thức” và nước Nga “thực tế” là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Lấy Kaliningrad ở gần châu Âu nhất của Nga làm ví dụ. Theo con số thống kê của chính quyền, mức sống ở đó thấp hơn mức trung bình của Nga là 28%. Xét về đầu tư nước ngoài bình quần đầu người, mức của Kaliningrad thấp hơn các khu vực trung bình 50%, xét về sức hấp dẫn đầu tư, nó chỉ đứng thứ 35. Thế nhưng, cứ ba người dân của bang này thì có một người có ô tô, điều này lại cao gấp đôi so với mức trung bình của Nga. Số lượng doanh nghiệp nhỏ của bang này chỉ đứng sau Moscow.
Mâu thuẫn bề ngoài này rất dễ lý giải: có tới 90% tổng giá trị sản xuất khu vực của bang Kaliningrad là đến từ kinh tế ảo. Nhiều thu nhập ở đây đến từ hoạt động bất hợp pháp: chế tạo và phân phối chất ma túy, buôn lậu (chủ yếu là hổ phách) và bán dâm. Điều này chủ yếu do vị trí “đất bay” của bang quyết định. Phần chiếm trong hoạt động kinh doanh bất hợp pháp bình thường (chỉ việc không đăng ký) cũng không nhỏ: 17% nhập khẩu, 15% xuất khẩu. Sản phẩm chế tạo bất hợp pháp từ 10% (trong lĩnh vực giáo dục) đến 30% (lĩnh vực công nghiệp). Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân của nền kinh tế ảo ở khu vực này hoành hành là thu thuế cao, khủng hoảng thể chế tài chính tiền tệ, chế độ pháp luật không hoàn thiện và mức sống của cư dân thấp.
Kết quả điều tra nền kinh tế Nga của một trung tâm nghiên cứu độc lập khiến nhiều người phải giật mình: kinh tế ảo vượt xa con số thống kê mà cục thống kê nhà nước đưa ra. Theo tư liệu của cục thống kê nhà nước, kinh tế ảo trong ngành công nghiệp của thành phó St Pertecburg chỉ chiếm 23%, còn kết quả mà trung tâm nói trên có được thì lại là không dưới 43%. Nghiệp vụ không đăng ký chiếm từ 25-30% trong giai đoạn mua nguyên liệu, chiếm 70 – 75% trong giai đoạn sản xuất và tiêu thụ, chiếm 70% trong ngành xây dựng. Tỷ lệ trốn thuế của thành phố này chiếm gần 50% trong ngành công nghiệp, 47% trong ngành xây dựng, 41% trong ngành thương nghiệp.
Tư liệu của Cục trưởng Cục Thống kê nhà nước cho thấy giá trị sản xuất chưa được tính vào chiếm 25% tổng giá trị sản phẩm trong nước. Con số này rõ rang không đúng thực tế. Hơn nữa, bộ phận chủ yếu của kinh tế ảo ở Nga không phải là buôn lậu chất ma túy và bán dâm, mà là hiện tượng không có ở các nước phương Tây – doanh nghiệp không đăng ký.
Theo số liệu của Bộ phát triển kinh tế, tăng trưởng GDP của Nga năm 2002 là 3,6%, 2003 là 3,4 – 4,4%, 2004 là 4 – 5,4%, năm 2005 là 4,4 – 5,9%. Tuy nhiên các chuyên gia độc lập lại không đồng ý với những số liệu này.
Kinh tế Nga phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu năng lượng và giá cả năng lượng trên thị trường thế giới. Giá dầu mỏ tăng trước đây, bây giờ vẫn là nhân tố quan trọng trong tăng trưởng. Vì vậy, một khi giá dầu thế giới sụt giảm, tốc độ phát triển kinh tế Nga sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Thời điểm đầu những năm 2000, chính phủ Nga còn nắm được không ít đòn bẩy kích thích kinh tế: do tháng 8/1998, đồng rúp mất giá và giá dầu vẫn cao, kinh tế Nga ít nhất có 3 năm giữ được xu hướng phát triển. Thế nhưng thời kỳ này, mức độ ỷ lại vào xuất khẩu năng lượng của nền kinh tế lại không suy giảm.
Tai ương lớn với nền kinh tế Nga là ỷ lại vào xuất khẩu năng lượng và kinh tế ảo hoành hành, ngược lại đem lại cho người ta lợi nhuận to lớn. Chỉ cần giá dầu không tụt, chỉ cần kinh tế ảo tiếp tục phát triển thì cuộc sống sẽ tốt! Cục thống kê liên bang cho biết, mức sống của người Nga đã khôi phục lại được mức trước khủng hoảng năm 1998, thậm chí còn vượt trên cả mức này. Chỉ có điều mức sống là do “vàng đen” và thương mại “xám” cấu thành nên. Sự phối hợp màu sắc như vậy không khỏi quá u ám.
Thất bại của “liệu pháp sốc”
Nền kinh tế Nga rơi vào đống đổ nát một phần do di chứng của “liệu pháp sốc”.
Liệu pháp sốc vốn là thuật ngữ trong y học giữa những năm 80 của thế kỷ trước được nhà kinh tế học Mỹ Saxo đưa vào lĩnh vực kinh tế. Khi ấy, Bolivia xảy ra khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, tỷ lệ lạm phát lên tới 24000%, kinh tế tăng trưởng âm 12%, người dân sống cơ cực, chính phủ chao đảo. Saxo được bổ nhiệm vào lúc nguy nan, hiến cho nước này một diệu kế: từ bỏ chính sách kinh tế mở rộng, thắt chặt tiền tệ và tài chính, thả lỏng vật giá, thực hiện mậu dịch tự do, đẩy nhanh bước đi tư hữu hóa, phát huy đầy đủ vai trò của cơ chế thị trường. Cách làm trên đi ngược với quy luật thông thường, trong một thời gian ngắn khiến nền kinh tế dao động mạnh, giống như bệnh nhân đi vào trạng thái sốc, nhưng cùng với cung cầu thị trường khôi cục cân bằng, sự vận hành của nền kinh tế cũng trở lại bình thường. Hai năm sau, tỷ lệ lạm phát của Bolivia giảm xuống còn 15%, tăng trưởng GDP 2,1%, dự trữ ngoại tệ tăng lên hơn 20 lần. Biện pháp chống khủng hoảng của Saxo đã thu được thành công lớn, liệu pháp sốc cũng nổi tiếng khắp thế giới.
Egor Gaidar, với "liệu pháp sốc" đã bán tống bán tháo tài sản quốc gia trong chính sách tư nhân hóa, đẩy nền kinh tế Nga vào tình trạng thê thảm hơn trước
Cuối năm 1991, Liên Xô giải thể, Liên bang Nga độc lập, kế thừa phần lớn vốn liếng của Liên Xô cũ. Nền kinh tế Nga lúc đó là một đống doanh nghiệp sống dở chết dở, 1000 tỷ rúp nợ trong nước và 120 tỷ USD nợ nước ngoài.
Tổng thống Boris Eltsin đã bổ nhiệm Egor Gaidar, khi ấy mới 35 tuổi, làm thủ tướng, và với sự cố vấn của Saxo, đầu năm 1992, một cuộc cải cách lấy liệu pháp sốc làm mô thức được triển khai toàn diện tại Liên bang Nga.
Màn chính của liệu pháp sốc, cũng chính là nước cờ đầu tiên là thả lỏng vật giá. Chính phủ Nga quy định. Bắt đầu từ ngày 2/1/1992, thả lỏng giá cả 90% hàng tiêu dùng và giá cả 80% tư liệu sản xuất. Đồng thời, xóa bỏ hạn chế đối với tăng trưởng thu nhập, tăng lương của viên chức nhà nước lên 90%, tiền trợ cấp hưu trí nâng lên mỗi tháng 900 rúp, trợ cấp gia đình, trợ cấp thất nghiệp cũng theo đó nâng lên.
Ba tháng đầu thả lỏng vật giá, hiệu quả rõ rệt được nhận thấy: không còn cảnh xếp hàng dài mua hàng, người Nga quen với tem phiếu và xếp hàng dài chờ đợi đã cảm thấy được cái lợi của cải cách. Thế nhưng không được bao lâu, vật giá như chiếc diều đứt dây tăng vọt lên, đến tháng 4/1992, giá cả hàng tiêu dùng tăng 6,5 lần so với tháng 12/1991. Chính phủ vốn muốn thông qua cửa hàng quốc doanh dìm vật giá xuống, không ngờ con buôn chợ đen lại cấu kết với nhân viên cửa hàng quốc doanh, bán hàng hóa trao tay, thu lãi lớn, con bài của chính phủ mất linh nghiệm, thị trường rối như bòng bong. Do giá cả nhiên nguyên liệu thả lỏng quá sớm, giá thành sản xuất của các doanh nghiệp tăng mạnh, đến tháng 6, giá cả bán buôn sản phẩm công nghiệp tăng lên 14 lần, giá cả cao ngất như vậy khiến cho người mua nhìn thấy mà sợ, thì trường tiêu dùng liên tục ế ẩm, nhu cầu kém ngược lại đã kìm nén cùng, các doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất hàng loạt, cung cầu thị trường bước vào vòng tuần hoàn chết.
Nước cờ thứ hai được thực hiện gần như đồng thời với thả lỏng vật giá là thắt chặt tài chính tiền tệ. Mục tiêu chính sách này nhằm khơi thông luồng lạch, tăng thu hạn chế chi. Tất cả ưu đãi thuế đều bị hủy bỏ, tăng thuế tiêu dùng nhập khẩu. Đồng bộ tăng thu, chính phủ thắt chặt chi tiêu, đầu tư công, chi phí quân sự và chi phí làm việc, đưa quỹ ngoài dự toán vào trong ngân sách liên bang, hạn chế việc chính quyền địa phương dùng tiền vay ngân hàng để bù lấp thâm hụt. Chính sách tiền tệ thắt chặt bao gồm nâng cao lãi suất cho vay, xây dựng chế độ tiền dự trữ gửi tiết kiệm, thực hiện quản lý hạn ngạch cho vay, lấy đó để kiểm soát lưu lượng tiền tệ, kiềm chế lạm phát ngay từ đầu nguồn.
Thế nhưng, lần này chính phủ lại tính toán sai. Do nợ thuế quá lớn, sản xuất doanh nghiệp lại bị co hẹp thêm, số người thất nghiệp tăng mạnh, chính phủ đành phải gia tăng trợ cấp cứu tế và đầu tư trực tiếp, thâm hụt ngân sách không những không giảm mà còn tăng. Thắt chặt tín dụng khiến tiền vốn lưu động của các doanh nghiệp bị thiếu hụt nghiêm trọng. Chính phủ bắt buộc phải nới lỏng, năm 1992 phát hành thêm 1800 tỷ rúp, gấp 20 lần lượng phát hành năm 1991. Trong tiếng vang của máy in tiền, chính sách thắt chặt tài chính tiền tệ đã chết yểu.
Nước cờ thứ ba của liệu pháp sốc là thực hiện tư hữu hóa quy mô lớn. Thủ tướng Gaidar cho rằng, cải cách sở dĩ liên tục gặp rủi ro, đầy rẫy nguy cơ, chủ yếu là ở chỗ doanh nghiệp quốc hữu không phải là chủ thể thị trường, cơ chế cạnh tranh không phát huy tác dụng, cải cách giá cả giống như xây nhà trên cát, một khi gặp sóng gió sẽ sụp đổ tan tành. Để đẩy nhanh tiến trình tư hữu hóa, biện pháp chính phủ áp dụng đầu tiên là tặng không. Qua chuyên gia hữu quan đánh giá, tổng giá trị tài sản quốc hữu của Nga là 15000 tỷ rúp, vừa vặn dân số là 150 triệu người, trước đây tài sản là của mọi người, nay phân cho cá nhân, cũng cần phải công bằng với cả người già và trẻ em. Thế nên mỗi người Nga nhận được một tờ chứng khoán tư hữu hóa 10 ngàn rúp, có thể cầm tờ phiếu đó tự do mua cổ phiếu. Tuy nhiên, đến khi tư hữu hóa chính thức khởi động, tháng 10/1992, 10 ngàn rúp lúc này chỉ có thế mua được một đôi giày cao cấp. Vì vậy, biện pháp này khiến cho hàng loạt doanh nghiệp quốc hữu hóa rơi vào tay tầng lớp đặc quyền và nhóm người giàu phất lên, điều mà họ quan tâm không phải là sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp mà là nhanh chóng bán trao tay kiếm lời – đây chính là nguồn gốc ra đời thế hệ những tỷ phú không giờ ở Nga, sau này, những trùm tài phiệt này tiếp tục lũng đoạn nền kinh tế và chính trị Nga.
Tháng 12/1992, chính phủ Gaidar giải tán. Liệu pháp sốc thất bại, GDP của Nga gần như giảm một nửa, Tổng GDP lúc này chỉ bằng chưa tới 1/10 GDP Mỹ./.
Khánh An (Theo các báo Nga, Sách: Bản lĩnh Putin, Putin từ Trung tá KGB đến Tổng thống Liên bang Nga, Putin – Sự trỗi dậy của một con người )
Nguồn: Toquoc