Nhân vật

Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay (6): Ai đặt máy nghe lén trong buồng của Mao?

Cập nhật lúc 30-06-2014 23:20:52 (GMT+1)
Mao Trạch Đông (trái) và Lưu Thiếu Kỳ

 

Khi phát hiện buồng ngủ của mình trên toa xe lửa “tuần du” đến Hồ Nam bị đặt máy nghe lén hiện đại, Mao Trạch Đông không khỏi kinh ngạc, gọi ngay những người có trách nhiệm cao nhất về an ninh đang ở quanh mình và cả Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ từ Bắc Kinh bay đến giải trình…


>Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay (5): Đại tướng La Thụy Khanh nhảy lầu tự vẫn

Tháng 2.1961, chuyến xe lửa tuần du phương nam của Mao Trạch Đông dừng lại tại thủ phủ tỉnh Hồ Nam, một nữ nhân viên xinh đẹp trong tổ phục vụ của Mao Trạch Đông đã bất thần báo cáo với ông:

“Thưa Chủ tịch, có người nào đó đã đặt máy nghe trộm trong buồng ngủ của Chủ tịch!”. Ông hỏi đôi ba lần vì sao biết?. Cô ta trả lời vì người bạn trai cùng tổ của cô tiết lộ: “Anh đã nghe được tiếng nói của em trong buồng ngủ của Mao Chủ tịch”. Mao Trạch Đông gọi ngay Dương Thượng Côn (*) đến, hỏi thẳng mặt: “Ai bảo các ông đặt máy nghe trộm trên xe lửa?”. Tài liệu Tân Tử Lăng cho biết câu đáp của Dương Thượng Côn và chi tiết tiếp đó  (tóm lược) như sau:

- “Thưa Chủ tịch, từ ngày phát động “bước tiến nhảy vọt” đến nay, Chủ tịch thường tiếp một số đồng chí trên xe lửa, triển khai nhiều ý kiến mà thư ký không thể ghi chép đầy đủ hết, bỏ sót nhiều chỉ thị quan trọng của Chủ tịch. Vì thế Ban Bí thư quyết định đặt máy nghe trên xe lửa để ghi lại những gì Chủ tịch nói ra…”.

Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ bị Hồng vệ binh đấu tố

Giận lắm, nhưng bản lĩnh tự kiềm chế của Mao Trạch Đông rất thượng thừa, nên ông chỉ nói nhỏ nhẹ, vừa phải: “Các ông tốn nhiều công sức tôi không trách. Tôi hỏi thiết bị nghe lén do ai cung cấp?”. Dương Thượng Côn đáp: “Thưa Chủ tịch, thiết bị nghe lén hiện đại nhập từ nước ngoài thông qua con đường hữu quan với danh nghĩa của Văn phòng Trung ương Đảng ta”. Mao tiếp: “Lắp đặt từ bao giờ?”. “Dạ, từ tháng 1 năm 1959 đến nay”. Mao Trạch Đông hỏi: “Đã hơn hai năm rồi đấy, mà tôi chả biết chút nào. Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình có biết không?”. Dương Thượng Côn đáp: “Hai đồng chí ấy tán thành”.

Rời khỏi cuộc tra vấn trên, Dương Thượng Côn lạnh toát mồ hôi, điện thoại ngay cho Lưu Thiếu Kỳ. Lưu Thiếu Kỳ lập tức đáp máy bay đến gặp Mao Trạch Đông để “trình nghị quyết của Ban Bí thư tháng 12.1958 về việc đặt máy ghi âm tại buồng ngủ của Mao trên xe lửa và giải thích việc này chỉ nhằm bám sát, học tập chỉ thị của Mao không có ý gì khác” và đề nghị kiểm tra, tiêu hủy toàn bộ số băng ghi âm cùng các bản chỉnh lý lưu trữ tại phòng bảo mật của văn phòng Trung ương. Lưu Thiếu Kỳ nói tuy đây là chủ kiến của Ban Bí thư, nhưng Lưu đã “tán thành cho làm, nên ông xin lỗi Mao Trạch Đông và sẵn sàng chịu kỷ luật”. Mao làm bộ tươi cười: “Các ông rõ là tốt bụng…” song thòng thêm một câu có ý trách Lưu Thiếu Kỳ đã “làm một việc không hay lắm”.

Từ đó, theo nhận định của Tân Tử Lăng: “Mao Trạch Đông không tin cậy Lưu Thiếu Kỳ và Ban Bí thư nữa, nó là bước ngoặt khiến quan hệ Mao Trạch Đông - Lưu Thiếu Kỳ trở nên thù địch”. Tế nhị và “nguy hiểm” nhất là: Lưu Thiếu Kỳ thấy rõ sai lầm của Mao Trạch Đông trong “bước tiến nhảy vọt” - điều mà Mao Trạch Đông rất “kỵ” - tất yếu dẫn đến bi kịch cuối đời Lưu Thiếu Kỳ như sau:

Ngày 6.1.1967 Giang Thanh đạo diễn việc đưa phu nhân Vương Quang Mỹ (vợ Lưu Thiếu Kỳ) đến Đại học Thanh Hoa phê đấu. Đêm 13.1, Lưu Thiếu Kỳ đến gặp Mao Trạch Đông lần cuối xin từ chức Chủ tịch nước để “cùng vợ con về quê làm ruộng”. Nhưng vẫn không xong, vì sau đó Giang Thanh vận động hơn 300.000 người dự đại hội phê phán Vương Quang Mỹ “Từ sáng sớm, ôtô của Hồng vệ binh đã vào Trung Nam  Hải bắt người. Vương Quang Mỹ bị dẫn đến tầng 7 tòa nhà chính của Đại học Thanh Hoa, bị cưỡng bức mặc bộ trang phục hồi đi thăm Indonesia và bị choàng lên cổ một chiếc “dây chuyền” cực lớn xâu bằng những quả bóng bàn (…). Hôm sau, tin ảnh về “ba lần thẩm vấn Vương Quang Mỹ” xuất hiện trên các bản tin của Hồng vệ binh làm chấn động dư luận thế giới”, vì qua đó “sự tôn nghiêm của Lưu Thiếu Kỳ trên cương vị Chủ tịch nhà nước Trung Quốc bị quét sạch trơn”.

Ngày 5.8.1967, Giang Thanh và đồng đảng triệu tập hơn 1 triệu người tụ về quảng trường Thiên An Môn để hỏi tội Lưu Thiếu Kỳ (và Đặng Tiểu Bình, Đào Chú) rồi đấu tố họ tại chỗ. Riêng Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ bị đánh sưng mặt, tuột cả giày, lảo đảo đi hai chân không rời khỏi quảng trường. Khoảng hơn một tháng sau, ngày 13.9.1967 mới thực sự là ngày đại nạn, ly tan của gia đình Lưu Thiếu Kỳ, phu nhân Vương Quang Mỹ bị bắt, ba người con ở tuổi đi học phải chịu thẩm tra và ông “bị giam ngay trong văn phòng Chủ tịch nước (…) mấy lần đấu đá khiến bị thương nặng nề (…) mỗi bữa ăn khoảng cách đến nhà ăn chỉ chừng 30 mét, mà ông phải lê đôi chân bị thương đi mất 50 phút. Người ta đã nhắc nhở lính canh không được đỡ giúp” - năm ấy ông 69 tuổi...

Nguồn: Giao Hưởng/Motthegioi

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo