Nhân vật

Liệu có một Angela Merkel ôn hòa hơn?

Cập nhật lúc 12-11-2013 17:05:23 (GMT+1)
Bà Angela Merkel

 

Các chính sách cứng rắn về châu Âu của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gây chia rẽ châu lục này và khiến bà mang tiếng lạnh lùng. Giờ đây, khi cuộc bầu cử đã tiếp thêm sức mạnh cho bà và giải phóng bà khỏi những đối tác khó chịu, bà có cơ hội định hình lại lập trường của mình.


Bất cứ người Hy Lạp, Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha nào thấy những hình ảnh trong bữa tiệc vào đêm bầu cử của đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Merkel, có thể cảm thấy kinh hãi bởi những gì họ thấy: Đây là Merkel đáng sợ đang nhẩy cỡn lên ăn mừng chiến thắng của đảng bà, kia là thủ lĩnh nhóm nghị sĩ quốc hội của CDU Volker Kauder đang hát cùng với mọi người “Những ngày như hôm nay…”, lời một một bài hát nhạc pop nổi tiếng của Đức. Đây chính là Kauder, người trong kỳ họp Quốc hội trước đã đe dọa rằng tiếng Đức giờ có thể trở thành ngôn ngữ của châu Âu. Nhưng liệu mọi người có sớm hát và nhẩy theo tiếng Đức không?

Sau chiến thắng ấn tượng của Merkel trong cuộc bầu cử, đang có một sự lo âu ngày càng tăng ở phần phía Nam của Khu vực đồng euro. Vào ngày 23/9, một ngày sau cuộc bầu cử, nhật báo Ta Nea của Hy Lạp chạy dòng tít “Châu Âu đang trở thành vùng đất của Merkel” với bức ảnh Merkel đội vương miện và ngồi trên ngai vàng. Còn nhật báo La Repubblica của Italy nhìn nhận nước Đức như là “quyền lực lãnh đạo không thể tranh cãi của châu lục”.

Những quan điểm như vậy cho thấy nhiều người đang lo sợ Merkel sẽ lợi dụng sức mạnh của thắng lợi này để áp đặt một chính sách thắt lưng buộc bụng còn khắc nghiệt hơn lên phần còn lại của Liên minh châu Âu. Nhưng cũng có nhiều điều thể hiện rằng mọi việc có thể phát triển theo chiều hướng khác. Quả thực, trong nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp của mình, Merkel có thể theo đuổi các chính sách về châu Âu mạnh bạo hơn và ủng hộ hội nhập hơn nhiều so với những gì các nhà quan sát trông đợi ở bà. Bất luận thế nào, sự sắp đặt quyền lực mới ở Đức, mà trong đó đảng bảo thủ của Merkel sẽ không còn phải nhượng bộ đối tác liên minh trước đây của họ, đảng Dân chủ Tự do (FDP) ủng hộ ngành kinh doanh, ít nhất sẽ đem lại cho bà vô số cơ hội để thực hiện những chính sách nói trên.

Quyền lực

Trên thực tế, tầm quan trọng của kết quả cuộc bầu cử này đã vượt xa biên giới nước Đức. Bằng cách giành được hơn 41% số phiếu bầu, tăng 7,7 điểm phần trăm so với kết quả của cuộc bầu cử năm 2009, Merkel sẽ giữ vững vị trí nhà lãnh đạo quốc gia lớn nhất và quan trọng nhất châu Âu. Quả thực, chỉ riêng việc tiếp tục nắm giữ quyền lực đã khiến bà khác hẳn với những nhà lãnh đạo chính phủ khác ở châu Âu. Kể từ buổi đầu của cuộc khủng hoảng kinh tế cách đây khoảng 3 năm rưỡi, không ai trong số những nhà lãnh đạo chính phủ của các nước lớn thuộc Khu vực đồng euro tại vị qua một cuộc bầu cử. Cho dù đó là Sarkozy, Berlusconi, Monti hay Zapatero, họ đều phải từ bỏ chức vụ của mình. Hơn nữa, tất cả những người kế nhiệm họ cũng đều gặp rắc rối. Nhưng Merkel không chỉ tại vị qua một cuộc bầu cử, cuộc bầu cử hôm 22/9 đã củng cố sức mạnh của bà và cho bà một khoảnh khắc hân hoan chiến thắng.

Thêm vào đó, cuộc bầu cử này còn khiến Merkel mạnh hơn bao giờ hết ở châu Âu. Nhưng điều này vẫn còn xa mới đồng nghĩa với việc bà sẽ nhất thiết coi đây là một sự khuyến khích theo đuổi một cách hăng hái hơn những chính sách mà bà ủng hộ. Ngược lại, sự sắp xếp quyền lực tại Đức, với một số đảng trở nên mạnh hơn, một số bị suy yếu, một số bị đẩy ra khỏi quốc hội và các liên minh mới sắp được thành lập, cũng đem lại cho quốc gia này cơ hội để hành xử như là một “quyền lực lãnh đạo rộng lượng”, như nhà đầu tư hàng đầu George Soros đánh giá, hay nói cách khác là quyền lực duy nhất để củng cố đồng thời giúp đỡ châu Âu.      

Lịch sử

Động cơ thúc đẩy Merkel theo đuổi các chính sách về châu Âu ôn hòa hơn có thể rất lớn. Nhiều khả năng 4 năm tiếp theo sẽ đánh dấu nhiệm kỳ cuối cùng của bà. Và ai lại cảm thấy vui vẻ khi được ghi nhớ như là “Quý bà bủn xỉn của châu Âu”?

Trong nhiệm kỳ thứ hai của bà (từ năm 2009 đến nay), Merkel đã đóng một vai trò đáng kể trong việc tạo ra những vết nứt đã gây chia rẽ châu Âu. Thay vì lợi dụng cuộc khủng hoảng để thúc đẩy sự hội nhập về kinh tế và chính trị của châu Âu, ngay từ đầu Merkel đã luôn là một nhân vật gây chia rẽ. Bà lạnh lùng thông báo với các quốc gia gặp khủng hoảng đang tìm kiếm sự giúp đỡ rằng mỗi nước sẽ phải vui lòng tự trả nợ. Đương nhiên là sẽ có sự giúp đỡ, nhưng chỉ dưới hình thức các khoản cho vay và đảm bảo, và theo nhũng điều kiện khắt khe.

Kết quả là các quốc gia như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và đảo Cyprus trở nên phụ thuộc hơn vào các chủ nợ của họ. Trong khi nhiều người Đức coi các nước láng giềng của họ ở châu Âu chủ yếu là những người van xin đầy phiền toái, các quốc gia gặp khủng hoảng lại phải chịu đựng nhiều năm suy thoái và tác động của các chính sách thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt mà Chính phủ Đức buộc họ phải thực hiện.

Các chính trị gia trong Chính phủ Đức, như Thủ tướng Merkel và Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schauble của CDU, đã trở thành những nhân vật bị căm ghét tại nhiều quốc gia châu Âu. Tương tự, không cuộc biểu tình nào trọn vẹn mà thiếu đi biểu tượng chữ thập ngoặc hay đồng phục SS của Đức Quốc xã. Vào tháng 6/2012, trang bìa tạp chí New Statesman của Anh thậm chí còn đăng hình ảnh Merkel trông giống nhân vật trong phim “Kẻ hủy diệt” với dòng tít “Nhà lãnh đạo nguy hiểm nhất châu Âu”.

Đương nhiên đây không phải là kiểu biệt danh mà bất cứ ai muốn có khi tới lúc nghỉ hưu. Việc này đã thúc đẩy Merkel điều chỉnh từ từ các chính sách của bà. Từ lối nói về trách nhiệm và sự trừng phạt mà ban đầu chiếm ưu thế mỗi khi thảo luận về các quốc gia như Hy Lạp, Merkel giờ đã chuyển sang một quan điểm ủng hộ sự đoàn kết. Quả thực, không còn những lời nói về việc buộc các quốc gia rời khỏi Khu vực đồng euro hay cắt đứt khả năng tiếp cận của họ với các khoản cho vay giải cứu. Trên thực tế các điều kiện đi kèm với các khoản cho vay thậm chí đã được nới lỏng. Và Bộ trương Tài chính Schauble cũng đã chuẩn bị tinh thần cho các cử tri trong CDU và đảng anh em của nó ở bang Bayern, Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), chấp nhận một gói cứu trợ khác cho Hy Lạp. Căn cứ vào những điều này, người ta có thể nói rằng quan điểm khác của Merkel và đảng của bà đã được báo trước từ lâu.

Đối tác

Trong 4 năm qua, Merkel đã buộc phải cân nhắc những mong muốn của đối tác liên minh nhỏ hơn của bà khi hình thành các chính sách về châu Âu. Cho dù đó là trợ giúp cho Hy Lạp hay các quỹ giải cứu đồng euro, vật cản lớn nhất luôn đến từ FDP. Chủ tịch FDP Philipp Rosier vẫn đang công khai cân nhắc ý tưởng loại bỏ Hy Lạp khỏi Khu vực đồng euro sau khi Merkel ra tín hiệu cho thấy một sự mềm hóa chính sách của bà.

Nhưng giờ khi FDP đã thất bại ngay cả trong việc giành được 5% số phiếu bầu, đảng này sẽ không còn có đại diện trong quốc hội, và những vấn đề trên sẽ không còn tồn tại. Bất kể Merkel sẽ điều hành đất nước với đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD) hay đảng Xanh, cả hai đảng này đều ủng hộ thêm sự hội nhập và đoàn kết trong châu Âu và phản đối lối nói về tội lỗi và sự trừng phạt mà Merkel trước đó đã sử dụng. Với những điều kiện như vậy, một đối tác mới thậm chí có thể giúp Merkel biện minh cho sự  thay đổi trong quan điểm của bà.

Nguy hiểm từ cánh hữu

Những người theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu trong đảng mới. Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AFD) suýt nữa giành được một số ghế trong Quốc hội Đức. Cuối cùng, đảng này chỉ cách ngưỡng cần thiết 5% có 0,3% số phiếu bầu. Liệu Merkel có nên coi đây là một dấu hiệu rõ ràng rằng bà nên thay đổi các chính sách của mình và xem xét một cách nghiêm túc những lo lắng của người dân Đức về việc hội nhập nhiều hơn vào châu Âu?

Điều này chỉ đúng một phần. Cứ cho là kết quả tốt của AFD là một sự cảnh báo cho tất cả các đảng phái. Nhưng điều này không nhất thiết có nghĩa là tất cả mọi người phải chuyển sang ủng hộ đường lối mà AFD đấu tranh cho. Nếu như vậy, điều này sẽ có nghĩa là chỉ 4,7% số phiếu bầu đã ấn định đường lối cho cả một đất nước.

Nếu Merkel có ý định không để bản thân bị thúc đẩy bởi một thiểu số như vậy, bà sẽ phải giải thích tốt hơn cuộc khủng hoảng đồng euro và tất cả mọi điều bà làm để cố gắng giải quyết nó. Bà phải thể hiện rõ với cử tri Đức rằng tại sao đáng phải chiến đấu vì Liên minh châu Âu và đồng tiền chung của khối này, và tại sao họ cũng sẽ phải hợp tác với các quỹ để khiến điều này thành hiện thực. Quả thực, sao lãng không làm việc này là sai lầm lớn nhất trong nhiệm kỳ thứ hai của Merkel.

Merkel giờ có cơ hội thay đổi đường lối của mình một lần nữa. Phải thừa nhận rằng điều này có thể rất khó khăn, đặc biệt khi xét tới việc chính phủ và giới truyền thông đã nuôi dưỡng những quan điểm tiêu cực về “những người Hy Lạp phá sản” và “liên minh nợ” như thế nào, và những quan điểm này đã được đóng dấu sâu trong ý thức chung của nhiều người dân Đức. Và nếu Merkel muốn đánh bật những định kiến này, bà sẽ phải dũng cảm hơn so với những gì bà đã thể hiện từ trước tới nay.

*** 

Một tiếng thở phào, nhẹ nhõm có thể được nghe thấy trên toàn châu Âu, nơi mà nhiều quc gia đang hy vọng một đi tác liên minh theo cánh tả có thể hướng Thủ tướng Đức Angela Merkel đi theo một đường li mềm mỏng hơn và giảm bớt sử dụng chính sách thắt lưng buộc bụng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng đồng euro.

Vào tối ngày 22/9/2013, Gunther Oettinger được tài xế chở tới trụ sở của phe bảo thủ tại Berlin để tham dự bữa tiệc tranh cử của họ. Kết quả mà đảng của ông đạt được là rất ấn tượng, nhưng ủy viên phụ trách về Năng lượng của Liên minh châu Âu lại không ở trong trạng thái ăn mừng. “Khỉ gió”, Oettinger nói như vậy khi ông ngả người vào ghế sau chiếc xe ôtô mui kín màu đen của ông. Các thống kê cho thấy đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Merkel và đảng anh em của nó tại bang Bayern, Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử và đạt được một đa số tuyệt đối mong manh trong Quốc hội Liên bang Đức.

Oettinger nhăn mặt. Theo quan điểm của các quan chức Liên minh châu Âu ở Brussels, sẽ là một thảm họa nếu phe bảo thủ cố gắng lãnh đạo đất nước hoàn toàn theo ý họ. Thủ tướng Merkel có thể sẽ phải thúc đẩy các chính sách của bà về châu Âu với một đa số ủng hộ, mà điều này khiến việc vượt qua sự phản kháng bên trong chính đảng của bà trở nên cực kỳ khó khăn, chưa kể đến việc vượt qua đa số rất lớn của phe đối lập tại Hội đồng Liên bang, cơ quan lập pháp cao hơn đại diện cho các bang. Oettinger thậm chí còn không muốn nghĩ tới khả năng đó.

Một lúc sau, khi các thống kê cho thấy ít có khả năng phe bảo thủ giành được một đa số tuyệt đối, Oettinger lại cảm thấy thoải mái. Ông tin tưởng chắc chắn rằng sẽ có một đại liên minh giữa CDU và đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD), cho dù ông cũng thấy sức hấp dẫn của một liên minh giữa phe bảo thủ và đảng Xanh theo xu hướng bảo vệ môi trường. Ông nói: “Một đại liên minh sẽ tốt cho châu Âu”.

Phản ứng của ủy viên người Đức đối với kết quả bầu cử của nước này cũng giống với phản ứng của hầu hết các đối tác của Đức ở châu Âu. Một tiếng thở phào chung đầy nhẹ nhõm được cảm thấy xuyên suốt châu lục này. Một đa số tuyệt đối mong manh cho phe bảo thủ của Đức có thể tạo ra một chướng ngại khổng lồ cho những nỗ lực tiếp theo nhằm cứu đồng euro. Với rất nhiều thành viên theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu trong hàng ngũ của CDU và CSU, một loạt các gói giải cứu khác sẽ châm ngòi lại trạng thái lo lắng trên các thị trường tài chính.

Hy vọng đưc nối lại về một chính sách châu Âu mềm mỏng hơn

Sự kết thúc của liên minh giữa phe bảo thủ và đảng Dân chủ Tự do (FDP) theo chủ trương thân thiện với ngành kinh doanh đã thắp lại những hy vọng từ Athens tới Paris và Vacsava rằng Đức, với tư cách là nhà bảo trợ chính cho các chương trình giải cứu đồng euro, giờ sẽ theo đuổi một chính sách bót cứng rắn hơn. Một liên minh giữa phe bảo thủ và SPD, hay thậm chí một liên minh với đảng Xanh, sẽ giảm bót căng thẳng giữa Đức và các nước láng giềng của nước này, đặc biệt là ở Nam Âu.

Sau khi chúc mừng nhà lãnh đạo của CDU qua điện thoại, Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker nói rằng Merkel nhận thức được gánh nặng trách nhiệm của mình. Juncker nói với tờ Der Spiegel rằng ông trông đợi chính phủ mới của Đức sẽ thực hiện “những cách tiếp cận mềm mỏng hơn” so với trước đây đối với các đối tác châu Âu. Đồng thời, ông cũng ca ngợi “sự cân bằng tuyệt vời giữa sự đoàn kết và sự vững chắc” trong chính sách của SPD về châu Âu cho tới nay.

Brussels và nhiều nước thành viên châu Âu chủ yếu chỉ có một sự phản đối dành cho liên minh sắp mãn nhiệm của Merkel: sự không thương xót của liên minh này. Họ chỉ trích mệnh lệnh thắt lưng buộc bụng của Đức và cáo buộc Thủ tướng Đức thiếu sự nhậy cảm khi xét đến lịch sử châu Âu,

Chủ tịch Nghị viện châu-Âu Martin Schulz cho biết: “Merkel sẽ không thể tiếp tục theo đuổi chính sách này với SPD”. Chính trị gia của SPD này nói rằng những lo ngại về mặt xã hội của mọi người cuối cùng phải được xem xét một cách nghiêm túc, và ông nêu tỷ lệ thất nghiệp cao trong thanh niên tại các quốc gia Nam Âu gặp khủng hoảng là một ưu tiên hàng đầu. Merkel đã cố gắng làm dịu vấn đề này với một hội nghị thượng đỉnh thu hút nhiều sự chú ý tại Berlin. Schulz lập luận: “Sau khi chỉ nói suông về các vấn đề xã hội, Merkel cuối cùng phải có hành động”.

Chính sách trong các đường lối của đảng 

Cho dù cương lĩnh tranh cử của hai đảng chính của Đức có thể giống nhau về một số khía cạnh, chúng lại khác nhau đáng kể khi xét tới chính sách về châu Âu. Chúng bất đồng về việc nên có bao nhiêu sự đoàn kết giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu. SPD ủng hộ một phần việc tập thể hóa nợ trong toàn bộ Khu vực đồng euro, trong khi CDU lại phản đối đề xuất này. Cương lĩnh của SPD tuyên bố: “Chúng ta không thể để vấn đề trách nhiệm pháp lý chung tiếp tục không được đề cập tới”. Ngược lại, tuyên ngôn tranh cử của phe bảo thủ lại cảnh báo rằng trách nhiệm pháp lý chung “sẽ là con đường dẫn tới một liên minh nợ trong châu Âu”.

Khoảng cách này sẽ phải được lấp lại trong các cuộc đàm phán thành lập liên minh. Mọi chuyện cũng không trở nên dễ dàng hơn cho Merkel khi liên minh với đảng Xanh. Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, đảng Xanh cũng chỉ trích “chính sách thắt lưng buộc bụng một chiều và thiếu đi sự đoàn kết” của bà.

Điều mỉa mai là người chiến thắng theo phe bảo thủ trong cuộc bầu cử này giờ có thể phải dựa vào SPD. Trong chiến dịch tranh cử mới đây, Merkel đã cáo buộc SPD là “hoàn toàn không đáng tin cậy” trong vấn đề chính sách châu Âu. Bà sẽ phải trả giá cho điều này trong các cuộc đàm phán thành lập liên minh.

Merkel sẽ không đồng ý về một hệ thống trách nhiệm pháp lý chung dựa trên trái phiếu châu Âu, nghĩa là trái phiếu chung cho tất cả các quốc gia châu Âu. Bà cùng lắm sẽ chấp thuận một quỹ trả nợ tạm thời, mà sẽ chỉ bao gồm một phần số nợ chưa trả hiện nay của các nước thành viên Khu vực đồng euro. Ý tưởng này bắt nguồn từ Hội đồng các chuyên gia kinh tế của Đức, một nhóm chuyên gia có uy tín cố vấn cho chính phủ.

Việc Merkel mới đây loại bỏ ý tưởng về một quỹ trả nợ trong cuộc mít tinh kết thúc chiến dịch tranh cử của CDU tại Berlin vào ngày 21/9 không nhất thiết có ý nghĩa quan trọng. Đây sẽ không phải là lần đầu tiên bà thay đổi ý kiến. Hơn nữa, bà có thể khiến sự chấp thuận của mình phụ thuộc vào việc những quy tắc của EU mới được giới thiệu gần đây về giám sát ngân sách quốc gia trên thực tế có hiệu quả như thế nào.

Đồng hồ đang điểm

Những người tham gia đàm phán không có nhiều thời gian. Đang có một áp lực ngày càng lớn đòi đưa ra các quyết định tại châu Âu vì chiến dịch tranh cử ở Đức. Berlin đã ngăn chặn nhiều chương trình khác nhau của Liên minh châu Âu trong vài tháng qua, và các nước châu Âu khác đã cố gắng hết mức khi chỉ đưa ra một số lượng tối thiểu các yêu cầu mới.

Các rắc rối của Hy Lạp được cho là sẽ tăng lên ngay vào mùa Thu năm 2013. Vào giữa chiến dịch tranh cử, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble đã đưa ra một tuyên bố được cho là tự phát nhằm chuẩn bị kĩ lưỡng cho công chúng trước điều không thể tránh khỏi: “Hy Lạp sẽ cần thêm một gói cứu trợ mới”.

Ngân hàng Banque de France và một số ngân hàng trung ương của châu Âu khác không còn có ý định kéo dài các kỳ hạn phải thanh toán của trái phiếu Chính phủ Hy Lạp có trị giá khoảng 4 tỷ euro (tương đương 5,4 tỷ USD), ngược lại với nhũng gì đã được thỏa thuận vào cuối năm 2012. Giờ đây, khi mà Hy Lạp có mức nợ công lên đến 160% GDP, các ngân hàng nói trên không còn tin rằng quốc gia đang gặp khủng hoảng này sẽ tránh được việc chiết khấu nợ (mua nợ với giá rẻ) nữa.

Nhiều khả năng các ngân hàng trung ương sẽ bị thúc ép kéo dài lần nữa các kỳ hạn thanh toán cho trái phiếu của họ. Chính phủ mới của Đức có lẽ sẽ tìm cách nới lỏng các điều kiện trả nợ trong một nỗ lực nhằm trì hoãn giờ phút quyết định. Bất chấp việc này, nhiều quan chức của Liên minh châu Âu tại Brussels và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang chờ đợi một sự chiết khấu nợ lớn trong thời kỳ lập pháp sắp tới.

Một sự chiết khấu nợ nhiều khả năng sẽ xẩy ra nếu Đức có một đại liên minh. Khi hợp tác cùng nhau, CDU và SPD có thể dễ dàng tập hợp đủ đa số nếu một cuộc bỏ phiếu về sự hỗ trợ tốn kém và không được nhiều người ủng hộ cho Hy Lạp được tiến hành tại Quốc hội Đức.

Các quốc gia khác cần vốn mi

Các quốc gia nợ nần chồng chất khác của châu Âu cũng đang thở phào nhẹ nhõm, vì họ hy vọng SPD sẽ tỏ ra thông cảm hơn với những vấn đề của họ. Quả thực, Hy Lạp không phải là nước duy nhất cần vốn mới. Các chương trình cứu trợ dành cho Ireland và Tây Ban Nha sẽ kết thúc vào cuối năm 2013. Có một điều rõ ràng là Cơ chế Bình ổn Châu Âu (ESM), quỹ giải cứu thường trực của Khu vực đồng euro, sẽ phải can thiệp với những đảm bảo có trị giá hàng tỷ euro.

Ứng cử viên đầu tiên là Ireland. Cho dù Dublin giờ đã có thể vay tiền từ các thị trường tài chính theo những điều kiện tốt hơn, Bộ trưởng Tài chính nước này đang đề nghị được cung cấp một hạn mức tín dụng bổ sung có trị giá 10 tỷ euro như là một biện pháp phòng ngừa.

Thêm vào đó, người Tây Ban Nha nhiều khả năng sẽ cần thêm sự trợ giúp cho các ngân hàng của họ. Madrid đã vay 41 tỷ euro để hỗ trợ khu vực tài chính của mình. Chương trình này sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2013. Các cuộc kiểm tra tính ổn định (stress tests) được thực hiện dưới danh nghĩa của Ngân hàng Trung ưng châu Âu (ECB) sẽ cho thấy liệu sự tái cấp vốn cho các tổ chức tài chính của nước này đã đủ chưa.

Các vấn đề tại Slovenia thậm chí còn cấp thiết hơn. Rất có thể một trong số những vấn đề đầu tiên mà Quốc hội mới của Đức sẽ bỏ phiếu là về ứng cử viên mới cho sự trợ giúp tài chính này. Thống đốc các ngân hàng trung ương nói rằng giờ họ phải thừa nhận là Slovenia không còn có thể tự giải quyết những rắc rối trong các ngân hàng của họ.

Các cơ quan xếp hạng tín nhiệm mới đây đã hạ bậc tín nhiệm trái phiếu chính phủ của Slovenia xuống mức rủi ro cao nhất. Trong kỳ họp tháng 9 của mình, ban lãnh đạo ECB và các bộ trưởng tài chính của châu Âu đã thảo luận mạnh mẽ về những việc cần làm để cứu quốc gia nhỏ bé này. Slovenia đã giải thể hai tổ chức cho vay nhỏ, nhưng các ngân hàng lớn hơn của nước này vẫn phải xóa bỏ một số lượng khổng lồ các khoản nợ xấu.

Giám sát các ngân hàng của châu Âu

Để ngăn chặn việc ngành tài chính đẩy các quốc gia vào tình trạng hỗn loạn trong tương lai, Brussels đang thúc giục hoàn tất liên minh ngân hàng trong Khu vực đồng euro nhanh nhất có thể. Vào mùa Thu năm 2014, ECB sẽ bắt đầu giám sát các ngân hàng của châu Âu. Nhưng vẫn chưa có một quá trình tái cấu trúc hiệu quả có thể cho phép một ngân hàng gặp khó khăn phá sản mà không gây ra thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế.

Đây là một lĩnh vực khác mà các nước láng giềng châu Âu của Đức háo hức chờ đợi cuộc bầu cử Quốc hội nước này. Trong nhiều tháng qua, Bộ trưởng Tài chính Schauble đã trì hoãn vấn đề này với những lập luận cũ rích về mặt pháp lý, vì ông từ chối có thêm bất cứ sự nhượng bộ nào trước cuộc bầu cử. Giải thể các ngân hàng đòi hỏi phải có một quỹ của châu Âu mà nếu cần thiết có thể can thiệp khi các cổ đông, chủ nợ của ngân hàng và các quốc gia riêng lẻ không có đủ nguồn lực. Ngân hàng Deutsche Bank cho hay: “Không có một cơ chế tài chính đáng tin cậy, một cơ quan giám sát ngân hàng chung không thể hoạt động”.

Jorg Asmussen, môt cựu quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Đức và thành viên Hội đồng quản trị của ECB, nói sau một cuộc họp mới đây giữa các bộ trưởng tài chính của châu Âu tại Vilnius, thủ đô Litva: “Tôi chưa bàn về vấn đề này với cấp trên cũ của tôi”. Nhưng có thông tin là các chuyên gia pháp lý tại ECB, ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu đã đi đến kết luận rằng một quá trình tái cấu trúc trong châu Âu là có thể thực hiện được mà không cần phải sửa đồi các hiệp ước của châu lục này.

Chính phủ mới của Đức giờ sẽ phải bỏ phiếu về một quỹ tái cấu trúc mới.

Tương tự như vậy, Bộ trưởng Tài chính mới của Đức, mà có thể lại là Schäuble, sẽ vận động hành lang cho một giải pháp không chỉ buộc các cổ đông mà cả các chủ nợ của ngân hàng phải chịu trách nhiệm trong trường hợp phá sản. Hơn nữa, Thủ tướng Merkel có ý định ngăn chặn ủy ban châu Âu có được tiếng nói quyết định về việc đóng cửa ngân hàng. Thay vào đó, bà muốn một cơ quan đứng ra đảm nhận trách nhiệm phối hợp. Chính trị gia của SPD Schulz nói: “Chính phủ mới của Đức phải đạt được tiến bộ với liên minh ngân hàng”.

Sự nhẹ nhõm ở châu Âu

Đang có một cảm giác thỏa mãn có thể cảm thấy được với kết quả cuộc bầu cử ở Đức tại nhiều khu vực của châu Âu. Các nước con nợ cảm thấy nhẹ nhõm vì Thủ tướng Merkel phải nhờ cậy một đảng cánh tả, và có thể sẽ phải thay đổi đường lối cúng rắn của mình về châu Âu. Đồng thời, phần lớn các nhà lãnh đạo nhà nước và chính phủ cũng chào đón việc Merkel sẽ tiếp tục giữ chức thủ tướng và đảm bảo tính liên tục tại các quốc gia quan trọng trong Liên minh châu Âu.

Sự tính toán một liên minh mới cũng có thể có kết quả vượt ra ngoài việc giải cứu đồng euro. Ví dụ, liên minh trung hữu cầm quyền hiện nay cương quyết từ chối một sáng kiến của ủy viên châu Âu về Tư pháp Viviane Reding về chỉ tiêu nữ giới trong hội đồng giám sát của các công ty niêm yết đại chúng trên toàn châu lục. SPD sẽ cố gắng đưa chỉ tiêu này vào một thỏa thuận liên minh.

Ủy viên châu Âu về Năng lượng Oettinger hy vọng Đức sẽ lại đạt được tiến bộ trong chính sách về khí hậu. Trong chính phủ sắp mãn nhiệm của Đức, hai bộ trưởng chịu trách nhiệm về chính sách này, Bộ trưởng Môi trường Peter Altmaier của CDU và Bộ trưởng Kinh tế Philipp Rosler của FDP, luôn ngăn cản các đề xuất của nhau. Theo Oettinger, hệ quả của việc này là trong vài tháng qua, Đức thậm chí không thể đảm nhận một vị trí trong các mục tiêu bảo vệ khí hậu của Liên minh châu Âu cho tới năm 2013.

Energiewende, chương trình thúc đẩy từ bỏ năng lượng hạt nhân và khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, không chỉ có nhiều vấn đề theo quan điểm của những người dùng điện tại Đức. Oettinger cho biết một số điều khoản trong đạo luật về năng lượng tái tạo của Đức rất khó hài hòa với bộ luật của Liên minh châu Âu và nhiều ngoại lệ dành cho những người tiêu thụ điện năng lớn là điều khó giải quyết. Ủy viên người Đức này lập luận: “Chính phủ mới của Đức cần khẩn trương hành động về chủ đề này”.

Thi điểm cho cải cách

Nói chung, sự ủy thác của cử tri Đức trong cuộc bầu cử ngày 22/9 phải cải thiện những triển vọng về cải cách cơ bản của Liên minh châu Âu. Cho tới nay, Merkel đã phản đối việc mở rộng quyền lực của Ủy ban châu Âu. Bà có một tầm nhìn về châu Âu mà trong đó chính phủ của các nước thành viên đóng vai trò dẫn dắt.

Ngược lại, SPD lại đang thúc giục ban lãnh đạo tại Brussels đóng một vai trò lớn hơn. Bản tuyên ngôn tranh cử của SPD tuyên bố rằng Ủy ban châu Âu cần được mở rộng để trở thành một chính phủ “được bầu lên và giám sát bởi Nghị viện châu Âu”. Đảng Xanh cũng có quan điểm tương tự. Quả thực, ý tưởng về một hiệp định công khai sẽ chuẩn bị cho những thay đổi trong các hiệp ước của châu Âu đang lấy lại được đà.

Merkel giờ sẽ không còn có thể giấu mình đằng sau công tác quản lý khủng hoảng thuần túy. Các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5/2014 sẽ buộc bà phải đưa ra những khẳng định có ảnh hưởng sâu rộng lên chính sách châu Âu. Sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri dành cho đảng bảo thủ, theo đường lối chống lại đồng euro. Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AFD) là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Merkel đã thất bại trong việc giải thích đường lối chính trị của bà một cách thỏa đáng. Cho dù AFD không đạt được ngưỡng 5% để tham gia Quốc hội, Thủ tướng Luxemburg Juncker cho rằng không nên đánh giá thấp kết quả này và cảnh báo: “Thành công của AFD đồng nghĩa với việc chúng ta đang có vấn đề trong việc giải thích về đồng euro”.

Nhiều khả năng đảng chống lại đồng euro này của Đức sẽ giành được ghế trong Nghị viện châu Ầu vào năm 2014. Oettinger dự kiến khoảng 1/3 số ghế trong Nghị viện châu Âu sẽ về tay các đảng theo chủ nghĩa dân túy và chống Liên minh châu Âu, nhiều hơn bất cứ lần bầu cử nào.

Các đảng phái chính trị lâu đời phải chống lại sự phát triển này với một sự lựa chọn đáng tin cậy, và điều này bao gồm có được những ứng cử viên phù hợp. SPD có được một chính trị gia xuất sắc theo quan điểm ủng hộ châu Âu với Martin Schultz. Merkel vẫn đang tìm kiếm một ứng cử viên hàng đầu cho đảng bảo thủ Nhân dân châu Âu. Tuy nhiên, bà không còn nhiều thời gian./.

 Nguồn: TTXVN/Basam

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo