Nhân vật

Bốn ông họ Lê (1)

Cập nhật lúc 30-04-2013 07:27:18 (GMT+1)

 

“Bằng cách nào cũng phải chiếm lại Hoàng Sa” – câu nói của Lê Duẩn qua lời bà Bảy Vân, phu nhân của ông, trong một cuộc trả lời phỏng vấn Đài BBC. 


Cho đến nay, chưa có bất cứ lãnh đạo nào của VN thể hiện quan điểm và quyết tâm sắt đá lấy lại Hoàng Sa như Lê Duẩn. Tầm nhìn sâu sắc của Lê Duẩn về các mưu đồ đen tối của TQ đối với VN đã được lịch sử chứng minh đầy thuyết phục.

Trong khi Hồ Chí Minh với tài ngoại giao kiệt xuất của mình đã cân bằng mối quan hệ tam giác phức tạp giữa VN, TQ và LX, làm cả hai nước “đàn anh XHCN” đều trợ giúp VN trong cuộc chiến với người Mỹ thì Lê Duẩn – không ít trường hợp, không ngần ngại bày tỏ sự không hài lòng của ông đối với các nhà lãnh đạo TQ. Ông giao thiệp với Mao một cách bình đẳng, nhận ra lối chơi chữ của Mao rất nhanh. Một lần Mao hỏi Lê Duẩn: “Có phải Việt Nam đã đánh thắng quân Nguyên và quân Thanh không?”. Lê Duẩn đáp: “Đúng, còn đánh thắng cả quân Minh nữa” – quân Minh là người Hán, dân tộc đa số của TQ. Ý của Lê Duẩn là chúng tôi đã và sẽ đánh thắng các ông, chúng tôi không sợ các ông đâu.

Trong một lần gặp khác, chẳng biết Mao có ý gì khi nói với Lê Duẩn rằng hiện ở nông thôn TQ thì địa chủ trở lại thống trị, còn ở thành thị thì giai cấp tư sản thống trị, vì rằng các Chủ nhiệm hợp tác xã đều lấy vợ là con của địa chủ, các giám đốc Xí nghiệp đều cưới con của tư bản làm vợ? Mao rất đểu, nói theo kiểu bóng gió, ám chỉ…? Lê Duẩn rất bực, nói với Trần Quỳnh,  “Cha này lý luận lang bang, lấy vợ địa chủ trở thành giai cấp địa chủ” (theo hồi ký Trần Quỳnh). Sử dụng từ “cha này” để chỉ Mao, điều đó có nghĩa là Lê Duẩn không hề coi Mao là “thần thánh” hay “lãnh tụ” gì cả. Khác với Mười Cúc Nguyễn Văn Linh, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, khi nói chuyện với Mao, thường gọi Mao là “Bác Mao” (Uncle Mao) – Thưa bác Mao! Đúng vậy, bác Mao. Như bác Mao nói…

Đối với Mao như thế, thì đối với Chu Ân Lai hay Đặng Tiểu Bình, có gì đáng ngại?

Lê Duẩn đã trách cứ Chu về việc ép VN ký Hiệp nghị Geneve, chia cắt hai miền Nam – Bắc, Chu đã phải tỏ ý xin lỗi ông. Đến năm 1972, Chu sang Hà Nội thông báo về cuộc đi thăm TQ của Nixon, Chu lại bị Lê Duẩn chất vấn, rằng TQ đưa VN ra đổi chác và Chu – lần thứ hai, lại phải xin lỗi ông. Khi Chu trở về nước, Lê Duẩn thậm chí không tiễn ông ta theo phong cách ngoại giao! Nhớ lại những năm năm mươi thế kỷ trước, Lê Duẩn hoạt động bí mật ở miền Nam, thường lánh sang Cambodia. Tại Phnôm Pênh, có những khi ông lặng lẽ quan sát dòng người vô tận Cambodia vẫy cờ hoa đón Chu Ân Lai – khi đó Chu thật nổi danh trên toàn thế giới. Thế nhưng giờ đây, ông đang đối mặt ngang hàng với Chu, kiên quyết bảo vệ lợi ích của VN.

Còn Đặng – một con người ghê gớm, đã không thể nào thuyết phục nổi Lê Duẩn đi với TQ để chống LX, dù ông ta hứa cho không VN 2 tỷ nhân dân tệ. Cú đụng đầu lịch sử giữa TQ và VN vào tháng 2 năm 1979, cũng có thể coi là giữa Đặng và Lê Duẩn, kết thúc với thất bại thảm hại của Đặng.

Lê Duẩn – tất nhiên, không phải là nhà quân sự chuyên nghiệp, song ý kiến của ông trong nhiều chiến dịch rất sắc sảo. Ông đã trực tiếp viết một bức điện gửi Văn Tiến Dũng, đại diện A.75, trong trận Buôn Ma Thuột: “Hai ngày nay tôi không ngủ được vì các anh đánh phân tán – Ba”. Nhưng thế nào là “đánh phân tán” thì ông không chỉ ra.

Sau trận Buôn Ma Thuột, tình hình phát triển quá nhanh làm các nhà lãnh đạo Bắc VN quyết định chiếm miền Nam trước mùa mưa. Thấy đã chắc ăn, Lê Đức Thọ bèn xin Lê Duẩn vào Nam và được Lê Duẩn đồng ý với lời dặn dò: lần này vào, nếu có gì trắc trở, hãy ở lại, giải phóng miền Nam xong rồi mới về.

Ngày 28.3.1975, Lê Đức Thọ đến Buôn Ma Thuột. Các lực lượng tại đấy nhận lệnh gấp rút chuẩn bị cuộc đón tiếp. Một địa điểm được chọn là căn cứ Trung đoàn 45 ở phía Đông thị xã, vừa đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo bí mật và khang trang hơn nơi khác. Gần trưa, mọi công tác chuẩn bị đón tiếp tạm xong thì một tiếng nổ long trời vang lên, làm rung chuyển các cánh cửa chớp rồi xen kẽ là các tiếng nổ khác. Hóa ra, một kho đạn súng bộ binh nằm ngay cạnh phòng khách phát nổ. Thế là lại phải chạy nháo nhào tìm một địa điểm khác đón Lê Đức Thọ.

Đây không phải là lần đầu tiên Lê Đức Thọ vào Nam. Năm 1949, ông là Phó bí thư Xứ ủy Nam Bộ mà Bí thứ là Lê Duẩn. Năm 1955, ông tập kết ra Bắc và cuối năm đó, ông được bầu bổ sung vào Bộ chính trị. Trong cuộc tổng tấn công năm 1968, ông cũng vào Nam chỉ đạo nhưng đến tháng Năm, tình hình gần như không còn chút hy vọng gì vào một chiến thắng quân sự nữa, ông được gọi trở về Bắc để làm Cố vấn đặc biệt cho Đoàn đại biểu VNDCCH tại cuộc đàm phán Pari về VN. Ông có mặt ở nhiều sự kiện nổi bật của lịch sử VN, song hãy nghe Lê Duẩn nhận xét, “anh lạ thật… Những khi nào cần nổi danh là anh cứ xin tôi, đi Pari, rồi đi miền Nam khi sắp giành chiến thắng…”.

Và giờ đây, Lê Đức Thọ – người được giải thưởng Nobel Hòa bình với Kissinger, đang tiếp tục di chuyển vào Nam Bộ theo đường 14 với mục tiêu “giải phóng miền Nam”. Công binh được lệnh phải rà phá kỹ bom mìn, lại phải đưa nhiều xe tải chở đầy gạo chạy trước mở đường, tất cả tuyệt đối không đi chệch khỏi vệt bánh xe, khi nghỉ chỉ đứng giữa đường. Từ trạm đón tiếp của Trung ương Cục, một chiếc Honđa chở Lê Đức Thọ tới nơi làm việc của Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng đang nóng lòng đón đợi.

Nguồn: Lê Mai Blog

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo