Luật VN

VN: Mong manh quyền xuất nhập cảnh

Cập nhật lúc 07-11-2017 08:34:00 (GMT+1)
Thẩm quyền của công an càng rộng thì quyền xuất nhập cảnh của công dân càng mong manh.

 

Xuất nhập cảnh là một quyền được Hiến pháp tu chính năm 2013 minh thị công nhận tại điều 23. Tuy là một quyền hiến định, nhưng khi nữ nhà báo Dương Thị Hằng Nga của tạp chí Giao thông – Vận tải thực hiện quyền này thì mới biết cơ quan công an đã vô hiệu hóa quyền của mình tự bao giờ.


Sự kiện này xảy ra trong thời gian gần đây đã gây xôn xao công luận. Trước đó, công chúng cũng đã từng biết hai trường hợp khác khá nổi tiếng là trường hợp xuất cảnh của ông Lê Thanh Liêm, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An và trường hợp nhập cảnh của ông Phan Châu Thành, một doanh nhân có quốc tịch Việt Nam và Ba Lan.

Thật ra, việc xảy ra với nhà báo Hằng Nga, ông Thanh Liêm hay ông Phan Châu Thành không phải là hiếm hoi. Tôi biết riêng trong phạm vi Sài Gòn đã có đến hàng chục công dân cũng đang bị cấm xuất nhập cảnh như thế khi họ đều là thân chủ đến văn phòng của tôi để nhờ tư vấn. Trong số đó, đã có một thân chủ “may mắn” là bà Đỗ T.X.T. được giải tỏa lệnh cấm xuất nhập cảnh để đi đoàn tụ với chồng và con gái nhỏ ở Áo sau rất nhiều nỗ lực can thiệp từ nhiều phía.

Vô hiệu hoá Hiến pháp dựa trên một đơn tố giác tội phạm

Tất cả các thân chủ của tôi đều có điểm chung là bị ngăn chặn xuất nhập cảnh bởi văn bản của Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh thuộc Bộ Công an. Đồng thời, họ đều không hề được cơ quan chức năng thông báo về việc này cho đến khi họ xách va-li đến sân bay hay cửa khẩu biên giới làm thủ tục. Đương nhiên, trước mắt họ phải chịu các khoản thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần như: mất khoản tiền mua vé cho hai chiều đi và về, lỡ làng các kế hoạch đã hoạch định cho chuyến đi, mất uy tín với đối tác kinh doanh (nếu có), tâm lý bất an, v.v.

Kể ra, cấm xuất nhập cảnh đối với một công dân không phải là khái niệm lạ lẫm gì đối với những người làm việc trong lĩnh vực tư pháp khi đó là một biện pháp để bảo đảm thủ tục tố tụng, bảo đảm thi hành nghĩa vụ dân sự cũng như trách nhiệm hình sự.

Là một thủ tục hạn chế quyền công dân, lẽ ra nó phải do Quốc hội quy định và giao cho các cơ quan tố tụng và thi hành án tiến hành. Quốc hội, với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, có quyền lập hiến và công nhận các quyền công dân nên cũng phải là nơi có quyền quy định trường hợp nào thì quyền công dân bị hạn chế hay tước bỏ vì mục đích bảo vệ xã hội, trật tự chung.

Nhưng trường hợp của cô Hằng Nga, ông Thanh Liêm, ông Phan Châu Thành và nhiều thân chủ của tôi thì đều rất khác. Họ bị cấm xuất nhập cảnh dựa trên một văn bản do cơ quan hành pháp ban hành: Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Chính phủ.

Như vậy, xem ra có một nghịch lý ở đây là một nghị định của nhánh hành pháp lại mặc nhiên có thẩm quyền tương đương với một đạo luật do nhánh lập pháp ban hành.

Chưa kể rằng, việc hạn chế quyền xuất nhập cảnh có thể không được thông báo cho công dân biết với lý do giữ bí mật điều tra hoặc vì lý do an ninh. Thậm chí, kể cả khi đã biết bị ngăn chặn xuất nhập cảnh tại sân bay hoặc cửa khẩu biên giới, thì sau đó không phải “nạn nhân” nào cũng có thể được biết cơ quan nào đã đề nghị ngăn chặn, lý do và thời hạn bị ngăn chặn. Trong khi đó, Thông tư 21/2011/TT-BCA của Bộ Công an quy định thời hạn cấm xuất nhập cảnh có thể kéo dài đến tận ba năm.

Thêm nữa, Nghị định 136 còn trao cho Bộ Công an một thẩm quyền đặc biệt: cấm xuất nhập cảnh đối với một người “có liên quan đến công tác điều tra tội phạm”. Với một phạm vi thẩm quyền rộng và không rõ ràng như vậy, đôi khi “công tác điều tra tội phạm” chỉ khởi đầu bằng một tin tố giác tội phạm, mà trường hợp của nữ nhà báo Hằng Nga là điển hình.

Khi ấy, thậm chí người ta chẳng cần đến các cơ quan tư pháp hay một vụ án dân sự đã được thụ lý hoặc một vụ án hình sự đã được khởi tố mà chỉ cần một tin tố giác tội phạm là đủ để công an vô hiệu hoá một quyền hiến định của người dân. Điều đó rõ ràng là cánh cửa rộng mở cho sự lạm quyền. Thẩm quyền của công an càng rộng thì quyền xuất nhập cảnh của công dân càng mong manh.

Quyền công dân thì trả về cho công dân

Hiện nay, tình trạng công dân bị cấm xuất nhập cảnh vì lý do an ninh là không hề ít, ít nhất đối với các trường hợp mà chính bản thân tôi biết rõ. Thế nên, vào một ngày đẹp trời nào đó, chúng ta hứng thú xách va-li ra phi trường rồi tiu nghỉu đứng nhìn chiếc máy bay mình đã mua vé cất cánh nhưng không có mình thì cũng đừng quá thắc mắc, vì luật pháp của chúng ta đã “lỡ” vận hành theo cung cách như vậy.

Về phương diện lập pháp, việc ban hành Nghị định 136 là hành vi tự trao quyền của cơ quan hành pháp. Nghĩa là Hiến pháp và luật của Quốc hội không trao quyền nhưng họ tự ý quy định và thực thi. Đồng thời, văn bản này cũng có nội dung hạn chế quyền công dân chỉ bằng một lý do hết sức trừu tượng là “bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội” mà không cần thông qua quy trình xét xử của hệ thống tài phán tư pháp. Điều này hiển nhiên là vi hiến, cả về thẩm quyền lẫn nội dung. Thế nên, lẽ ra không nên ban hành Nghị định số 136 với nội dung như đang có.

Thay vào đó, các cơ quan tư pháp và thi hành án sẽ được Quốc hội, thông qua việc ban hành một đạo luật, trao cho quyền cấm xuất nhập cảnh đối với một người nào đó.

Thẩm quyền cấm xuất nhập cảnh có thể được mở rộng cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh với điều kiện thời hạn cấm xuất cảnh tương tự với thời hạn tạm giữ một người theo quy định tố tụng hình sự là không quá ba ngày. Quá hạn định này, nếu không có một vụ án hình sự được khởi tố cùng lệnh cấm xuất nhập cảnh để bảo đảm công tác điều tra, thì lệnh cấm xuất nhập cảnh mặc nhiên hết hiệu lực và công dân có quyền tự do thực hiện quyền của mình.

Và dù bất cứ trường hợp nào kể cả vì lý do an ninh, lệnh cấm xuất nhập cảnh chính thức đều phải được thông báo công khai cho đương sự biết để họ có thể hợp tác trong công tác điều tra hay vận dụng quyền khiếu nại hoặc khởi kiện để bảo vệ quyền của mình. Đó mới là biểu hiện của một nhà nước pháp quyền mà thể chế hiện nay kêu gọi xây dựng.

Hiện nay, đã có ít nhất một công dân khởi kiện sự việc ra trước tòa án và nơi này vẫn đang xem xét hồ sơ khởi kiện. Tôi nghĩ rằng, bản thân việc khởi kiện để buộc cơ quan cấm xuất nhập cảnh ra trước tòa án để đối thoại đã là một giải pháp đáng khuyến khích.

Nếu không xây dựng được cơ chế vận hành theo hướng nêu trên thì quyền xuất nhập cảnh của công dân do hiến pháp công nhận chỉ còn là cái bánh vẽ đẹp đẽ, công chúng chỉ có thể thưởng thức nếu như không có tin tố giác tội phạm đề tên họ.

Nguồn: Luật sư Đặng Đình Mạnh/Luật Khoa


 

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo