Luật VN

Quyền con người ở Việt Nam: Hiểu thế nào cho đúng?

Cập nhật lúc 10-12-2018 12:37:00 (GMT+1)
Hiến pháp 2013 thể hiện thay đổi lớn trong nhận thức về quyền con người ở Việt Nam.

 

Những thành tựu về quyền con người ở Việt Nam được quốc tế ghi nhận nhưng không phải không có những khác biệt trong nhận thức về vấn đề này.


Cách đây 70 năm, ngày 10/12/1948, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân quyền (TNQTNQ), thể hiện khát vọng chung của nhân loại về những gì tốt đẹp nhất cần phải có để mỗi con người được sống như một con người. 70 năm qua, TNQTNQ tạo ra động lực to lớn, là nguồn cảm hứng cho mọi cá nhân, tổ chức xã hội và các thực thể xã hội khác đẩy mạnh mọi hoạt động của mình vì một cuộc sống tốt đẹp.

Đối với Việt Nam, nỗ lực đảm bảo và thúc đẩy quyền con người đã trở thành mục tiêu quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước, nhất là 30 năm đổi mới. Những thành tựu về quyền con người ở Việt Nam được quốc tế ghi nhận nhưng không phải không có những khác biệt trong nhận thức về vấn đề này. Đối với người dân trong nước, mặc dù đã có rất nhiều cải thiện trong thực thi quyền con người nhưng không phải ai cũng nhận thức đầy đủ. Vậy, quyền con người ở Việt Nam, cần hiểu thế nào cho đúng?

Sửa đổi và xây mới 96 văn bản luật và dưới luật về quyền con người 

Đảm bảo quyền con người, đặt con người ở trung tâm của mọi chính sách phát triển, thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên...Đó là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đặc biệt, với việc thông qua Hiến pháp 2013 đã thể hiện một thay đổi lớn trong nhận thức về quyền con người và việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 đã tạo cơ sở pháp lý và là tiền đề quan trọng để Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan khác tiếp tục việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về quyền con người nói riêng.

Ngay sau khi thông qua, dư luận trong nước và nước ngoài đặc biệt đánh giá cao những quy định cởi mở về quyền con người, được thể hiện trong chương II cũng như xuyên suốt toàn bộ Hiến pháp sửa đổi 2013. Theo đó, Hiến pháp quy định, mọi người có quyền sống, quyền có nơi ở hợp pháp, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, về nhà ở, về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; được pháp luật bảo hộ quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác theo quy định của luật. 

Kể từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới 96 luật, pháp lệnh liên quan đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Một số đạo luật quan trọng được Quốc hội thông qua trong thời gian này như: Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật nhà ở, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật trưng cầu ý dân (xây mới), Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Luật trẻ em, Luật báo chí, Luật tiếp cận thông tin (xây mới), Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp…   

Hàng năm, việc rà soát các quy định của pháp luật về quyền con người luôn được bộ ngành thực hiện trên cơ sở đối chiếu với các cam kết quốc tế về quyền con người để qua đó có đề xuất ban hành sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật. 

Nhiều người Việt Nam chưa nhận thức đầy đủ về quyền của mình

Sự tiến bộ về nhân quyền trong những năm qua là điều đáng ghi nhận, nhưng thực tế là việc phổ cập, tuyền truyền về quyền con người vẫn còn hạn chế. Nhiều người dân thực sự không biết quyền lợi của mình khi bị người khác xâm phạm.

Rất nhiều vụ việc xảy ra cho thấy, vì không nhận thức đầy đủ về quyền con người đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, chẳng hạn như việc công khai hình ảnh, danh tính của những phụ nữ bán dâm, lạm dụng quyền lực trong trường học của các thầy cô giáo, cha mẹ xâm phạm đời tư của con cái, tung clip đánh ghen hay nhục mạ, vu khống người khác trên môi trường mạng…

 

Ông Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp.

Trong cuộc giao lưu trực tuyến mới đây do Báo Pháp luật tổ chức, ông Bạch Quốc An - Vụ trưởng Vụ pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp cho rằng, hạn chế về nhận thức là khó khăn lớn nhất trong thực hiện quyền con người ở Việt Nam. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền con người chưa được chú trọng. Việc  đưa nội dung giáo dục về quyền con người vào các cấp học còn là nội dung mới, chưa được quan tâm thích đáng cả về nội dung và thời lượng.

Bên cạnh đó, ý thức pháp luật của người dân nói chung còn hạn chế mà cụ thể là ý thức tuân thủ pháp luật, sử dụng luật sư hoặc tư vấn pháp luật trong hoạt động hàng ngày còn chưa được quan tâm. Cuối cùng là nguồn lực dành cho công tác phổ cập tuyên truyền về quyền con người còn chưa được đầu tư thích đáng.

Từ thực tế trên, tháng 9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đó, nội dung quyền con người được giáo dục từ bậc mầm non đến đại học. Mục tiêu của Đề án là đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức giáo dục quyền con người cho người học. Đề án được kỳ vọng sẽ khắc phục được căn bản những hành vi vi phạm nói trên về quyền con người.

Hay như Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Tại điều 17 của Luật Tiếp cận thông tin quy định 46 loại thông tin bắt buộc các cơ quan Nhà nước, từ cấp phường xã trở lên phải công khai rộng rãi, trong đó có những thông tin rất quan trọng như: Thông tin về mua sắm tài sản công, dự án đầu tư công, dự toán và thực hiện ngân sách nhà nước, thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… Những thông tin liên quan mật thiết đến đời sống, sản xuất kinh doanh của người dân thì họ đều có quyền được biết. 

 

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính (Bộ Tư pháp).

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết, song song với việc chủ động, tích cực đôn đốc các bộ, ngành triển khai thực hiện Luật, Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định của luật, tổ chức các hội thảo, các lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cung cấp thông tin, phát hành tài liệu, sổ tay hướng dẫn thực hiện luật cho cả cơ quan nhà nước và công dân.

Còn có những nhận thức khác nhau về quyền tự do ngôn luận, báo chí…ở Việt Nam

Vấn đề quyền con người, mà cụ thể là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí… ở Việt nam được một số nước và tổ chức quốc tế quan tâm, thậm chí gây sức ép đối với Việt Nam. Theo PGS.TS Đặng Dũng Chí, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhân quyền là một lĩnh vực khá phong phú, đa diện nên luôn có những nhận thức khác nhau. Việc đánh giá nhân quyền của một quốc gia cần tuân thủ pháp luật nhân quyền quốc tế, thông qua các cơ chế hiện có của LHQ và khu vực. 

 

PGS.TS Đặng Dũng Chí, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Trong những năm qua, Việt Nam luôn chú trọng bảo đảm quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tiếp cận thông tin... của người dân. Với hệ thống truyền thông báo chí khá phong phú, đa dạng, các cơ quan báo chí không chỉ là cơ quan ngôn luận của các ngành, các cấp mà còn là diễn đàn của nhân dân. Thông qua các cơ quan báo chí, người dân có thể bày tỏ quan điểm, nguyện vọng…về mọi vấn đề của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, với sự xuất hiện của mạng internet, người dân còn có cơ hội chia sẻ nhiều hơn nữa những sự quan tâm của mình.  

Trên thực tế, Hiến pháp 2013 cũng xác nhận quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình… Các quyền trên trên chỉ có thể bị hạn chế “vì lợi ích an ninh quốc gia, trật tự xã hội…”. PGS.TS Đặng Dũng Chí cho rằng, việc quan tâm đến tự do ngôn luận, tự do báo chí của các nước đối với Việt Nam, cần phải phân biệt giữa một bên là sự quan tâm từ một nền tảng dân chủ, nhân quyền được xây dựng qua hàng trăm năm với một bên là sử dụng dân chủ, nhân quyền như một công cụ cho các mục tiêu chính trị.

Đối với những góp ý thiện chí thì chắc chắn sẽ được chia sẻ, còn những hoạt động vì những động cơ chính trị thì chúng ta cần phê phán.

Hương Giang
Nguồn: vov.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo