Đức: Sẽ áp dụng lệ phí đường sá như thế nào?
![]() |
Ngày 7/7, Bộ trưởng Giao thông Đức Alexander Dobrindt (CSU) dự kiến sẽ công bố kế hoạch thu lệ phí đường sá đối với xe ô tô cá nhân (PKW-Maut). Đây là một kế hoạch gây tranh cãi gay gắt giữa các đảng khi thương lượng để thành lập đại liên minh cầm quyền, nhưng cuối cùng cũng được đưa vào Hiệp ước liên minh với điều kiện ràng buộc là phải "phù hợp với luật pháp EU".
Người dân Đức lo ngại rằng thuế đường sá sẽ chất thêm gánh nặng cho ngân sách gia đình. Nhưng CSU cho rằng, sẽ là bất hợp lý khi người Đức đi ô tô sang các nước láng giềng thì phải đóng thuế đường sa lộ, trong khi người nước ngoài vào Đức thì không và chính phủ cần tiền để sửa sang đường sá. Trong thâm tâm, họ muốn áp dụng một loại lệ phí đường sa lộ dành riêng cho người nước ngoài, nhưng kế hoạch này không thể thực hiện được vì phân biệt đối xử, trái với luật pháp trong EU.
Theo tạp chí Tấm gương (Der Spiegel), lệ phí mới đánh vào xe ô tô cá nhân sẽ không chỉ áp dụng đối với đường sa lộ, mà đối với tất cả các đường sá, qua đó ngăn chặn khả năng người nước ngoài trốn lệ phí bằng cách tránh đường sa lộ. Theo báo Hình ảnh Chủ nhật (Bild am Sonntag), lệ phí đường sá mới, được gọi chính thức là Thuế cơ sở hạ tầng, sẽ từ 20 tới 150 Euro một năm/một xe, phụ thuộc phân khối xe và hàm lượng khí thải. Những người lái xe ô tô ở Đức sẽ được bù lại bằng cách giảm thuế đánh vào xe ô tô hàng năm hiện nay. Mức lệ phí được tính phụ thuộc rất nhiều vào năm sản xuất xe, xe càng cũ càng phải trả nhiều, theo đó, những xe ô tô cá nhân (Pkw) sử dụng động cơ Otto, được phép lưu hành sau tháng 7/2009 sẽ phải đóng lệ phí đường sá 2 Euro cho mỗi 100 phân khối. Nếu là xe chạy dầu Diesel, lệ phí đường sá sẽ tăng lên 9,50 Euro cho mỗi 100 phân khối.
Đối với những xe được lưu hành trước tháng 7/2009 sẽ được lưu ý thêm về mức đô gây ô nhiễm theo tiêu chuẩn châu Âu (Euro 3 hay 4...). Ví dụ, một xe Golf chạy dầu Diesel 5 được lưu hành từ 2003 tới 2009 sẽ phải đóng 15,44 Euro cho mỗi 100 phân khối (nhưng tính mức trần tối đa là 700 phân khối). Như vậy, lệ phí một năm của xe này sẽ là 108,08 Euro. Để bù lại, trong trường hợp này, thuế xe cá nhân (Pkw-Steuer) hàng năm sẽ giảm từ 293,36 Euro xuống còn 185,28 Euro. Với việc giảm thuế xe cá nhân, Dobrindt sẽ duy trì được cam kết của mình là lệ phí đường sá mới sẽ không chất thêm gánh nặng cho người lái xe Đức.
Với việc áp dụng thuế cơ sở hạ tầng, Dobrindt ước tính sẽ thu thêm được 2,5 tỉ Euro trong nhiệm kỳ 4 năm cho việc xây dựng, sửa chữa đường sá.
Ủy ban châu Âu và nhiều nghị sĩ hàng đầu châu Âu đã tỏ ra phê phán kế hoạch thu lệ phí đường sá của Đức. Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng Áo Doris Bures đã nhiều lần lên tiếng đe dọa sẽ kiện việc ban hành lệ phi loại này của Đức. Đồng nghiệp người Hà Lan, bà Melanie Schultz van Haagen cho biết, Chính phủ Hà Lan cũng sẽ cùng phát đơn kiện.
Ủy viên Ủy ban châu Âu phụ trách về giao thông Siim Kallas khẳng định rằng không thể đơn giản lấy thuế xe bù lại lệ phí đường sá. Phải có cùng một mức giá và cùng một phương thức thanh toán đối với tất cả những người sử dụng đường sa lộ ở Đức.
Đứng trước việc cãi dai dẳng về ban hành thuế đường sá ở Đức, ông Volker Kauder, Chủ tịch Nhóm nghị sĩ Quốc hội CDU/CSU đã nhấn mạnh đề xuất của mình về việc muốn áp dụng thuế đường sá chung cho các nước EU. Trả lời phỏng vấn tạp chí Tiêu điểm (Focus), ông Kauder nêu rõ: "Về trung hạn, chúng ta cần có lệ phí đường sá toàn châu Âu. Chỉ như vậy mới có kinh phí để hoàn thiện và duy trì cơ sở hạ tầng tốt ở châu Âu". Một loại lệ phí như vậy là cần thiết để "khẳng định mình trong cuộc thi đua toàn thế giới".
Nguồn: Văn Long/ Thoibao.de