Kinh tế

10 sự kiện kinh tế thế giới năm 2008

Cập nhật lúc 24-12-2008 15:40:22 (GMT+1)
Sự bất ổn của kinh tế thế giới

 

Năm 2008 là một năm đầy biến động của kinh tế thế giới. Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật theo bình chọn của hãng tin AP.


1. Phố Wall rối loạn

Sự sụt giảm của giá bất động sản và sự tăng lên của số vụ tịch biên tài sản thế chấp đã tác động mạnh mẽ đến Phố Wall.

Washington Mutual Inc có  trị giá tài sản 307 tỉ USD sụp đổ trong tháng 9 đánh dấu sự thất bại lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Mỹ. Merrill Lynch đã đồng ý bị bán cho Bank of America. Wachovia bị Wells Fargo mua lại. Các ngân hàng đầu tư Goldman Sachs Group và Morgan Stanley chỉ sau một đêm đã trở thành các ngân hàng thương mại. Chính phủ Mỹ đã phải thông qua khoản vay 150 tỉ USD cho tập đoàn American International Group. Cuối tháng 11, Chính phủ Mỹ cũng phải chấp thuận   bơm 20 tỷ USD để cứu tập đoàn Citigroup.

2. Căng thẳng thị trường bất động sản

Bất chấp hàng loạt giải pháp, thị trường bất động sản Mỹ càng trở nên tồi tệ hơn trong năm 2008. Đây là năm thứ 3 bất động sản Mỹ liên tiếp sụt giảm, với mức thấp kỷ lục vào tháng 11. Tài sản bị tịch thu để thế nợ cũng tăng cao kỷ lục.

3. Quốc hội Mỹ thông qua gói cứu trợ 700 tỷ USD

Đề xuất dài 2 trang của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson trình lên Quốc hội để cứu ngành tài chính của nước này lúc đầu đã bị thất bại. Tuy nhiên, sau nỗ lực lần thứ hai, gói cứu trợ tài chính trị giá 700 tỷ USD đã được Quốc hội thông qua trong tháng 10.2008. Theo đó, Bộ Tài chính sử dụng phần lớn khoản tiền đầu tiên từ gói cứu trợ để đầu tư trực tiếp cho các ngân hàng và người vay. Trong vòng hai tháng, 350 tỷ USD đầu tiên đã được dành cho các ngân hàng, hãng bảo hiểm và nhà sản xuất ô tô.

4. Các nền kinh tế thế giới chao đảo

Dường như không có quốc gia nào miễn dịch trước cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, ngay thậm chí như Mông Cổ cũng phải bơm tiền vào các ngân hàng. Argentina quốc hữu hoá các quỹ hưu trí. Ba ngân hàng lớn và đồng nội tệ của Iceland cũng sụp đổ. Nhật Bản và nhiều quốc gia châu Âu rơi vào suy thoái. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm trong tháng 11, mức giảm lớn nhất trong 7 năm qua. Giá dầu mỏ giao dịch ở mức dưới 40 USD/thùng, khiến các nhà xuất khẩu dầu lớn như Nga, Venezuela và Iran chao đảo.

5. Giá dầu tăng kỷ lục rồi lại tụt dốc thảm hại

Sự kiện giá dầu đạt mức kỷ lục trên 147 USD/thùng vào tháng 7 năm 2008 đã thay đổi thói quen của người Mỹ, làm tăng đột biến số người sử dụng giao thông công cộng. Các nhà sản xuất xe tải phá sản. Sau đó, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến giá dầu tụt dốc không phanh từ đầu tháng 10 đến cuối tháng 11, hiện tại dao động xung quanh mức 40 USD/thùng.

6. Chứng khoán toàn cầu mất giá

Khi tâm lý hoảng loạn tràn ngập trong tháng 9.2008 và thị trường tín dụng đóng băng, chứng khoán toàn cầu ngập sắc đỏ, từ Hongkong đến Mexico. Nga đã đóng cửa thị trường chứng khoán Mátxcơva trong vài ngày để kiềm chế sự hỗn loạn. Chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ Wilshire 5000 đã mất hơn 7.000 tỷ USD trong năm nay.

7. Giải cứu ba "đại gia" ngành công nghiệp ô tô

Đến tháng 11 năm nay, doanh số của ngành công nghiệp ô tô Mỹ đã giảm 16%. General Motors, và Chrysler đã phải cầu cứu sự trợ giúp cho vay của Chính phủ Mỹ. Mặc dù Thượng viện đã bác bỏ gói cứu trợ được Hạ viện thông qua trước đó, nhưng chính quyền của Tổng thống Bush đã đưa ra các khoản vay trị giá 17,4 tỉ USD cho ngành ô tô trong nước.

8. Giá thực phẩm và hàng hoá leo thang

Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo giá lương thực tăng 5 đến 6% trong năm nay, cao hơn nhiều so với mức tăng trung bình hàng năm 2,5% trong 15 năm qua. Giá ngô, nhiên liệu và ngũ cốc tăng vọt, người Mỹ đã phải đối mặt với tình trạng giá thực phẩm leo thang lần đầu tiên trong 17 năm qua.

9. Vụ lừa đảo Madoff

Bằng cách nào mà Bernard Madoff kiếm đủ tiền để trả mức lãi 7 đến 9% một năm là một bí ẩn tại Phố Wall trong gần 20 năm. Tháng 12 vừa qua, Madoff đã thú nhận các khoản tiền lãi là "bịa đặt" và công ty đầu tư của ông ta thực chất là lừa đảo, với khoản tiền 50 tỷ USD đã bị "bốc hơi".

10. Quỹ Reserve Primary Fund thua lỗ

Sau khi Lehman Brothers xin bảo hộ phá sản, quỹ đầu tư tiền tệ Reserve Primary Fund, từng đầu tư lớn vào các khoản nợ của Lehman, đã gần như lâm vào tình trạng phá sản với giá trị tài sản chỉ còn 97 cent đối với mỗi đồng USD đầu tư. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 14 năm qua của ngành công nghiệp đầu tư tiền tệ xảy ra tình trạng này.

Theo AP

 

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo