Kinh doanh

Cây sưa 200 tuổi bán 50 tỷ, còn cây 400 tuổi?

Cập nhật lúc 10-12-2016 05:34:11 (GMT+1)
Cây sưa 400 trăm tuổi tỏa bóng mát trước sân Đình Đông Cốc

 

Ngoài cây sưa 200 tuổi đang được rao bán, trong khi di tích Đình Đông Cốc còn có một cây sưa cổ thụ hơn 400 tuổi nằm trong sân đình.


Ngày 7/12, tại đình thôn Đông Cốc, xã Hà Mãn (Thuận Thành, Bắc Ninh), chính quyền đã tổ chức buổi họp tiếp dân về việc đấu giá cây sưa từng được rao bán với giá 50 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngay khi bắt đầu cuộc họp thì đã xảy ra màn ẩu đả, thậm chí có người bị đánh chảy máu đầm đìa ở đầu. Mâu thuẫn xảy ra khi người dân cho rằng, cây sưa đỏ này đã có người trả số tiền lên đến 49 tỷ đồng nhưng chính quyền lại bán với giá chỉ 24 tỷ đồng.

Ngay sau đó, Thường trực Huyện ủy Thuận Thành đã tổ chức Hội nghị mở rộng và ngày 8/12, UBND huyện đã ra văn bản chỉ đạo số 859/CV-UBND, yêu cầu UBND xã Hà Mãn chỉ đạo tạm dừng khai thác cây gỗ sưa tại đình làng Đông Cốc.

Ngoài ra, Thường trực Huyện ủy cũng chỉ đạo Công an huyện điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật, ẩu đả, gây rối tại hội nghị tiếp dân.

Trao đổi với báo chí chiều 8/12, ông Nguyễn Tiến Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) xác nhận thông tin về vụ ẩu đả trong buổi họp trên. Theo ông, ngay sau khi nhận được thông tin, UBND tỉnh Bắc Ninh đã giao cho UBND huyện Thuận Thành điều tra, làm rõ vụ việc.

"UBND huyện đã có công văn yêu cầu công an huyện điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng kích động, gây rối", ông Hoàng nêu rõ.

Theo Ban quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh, cây sưa đỏ 200 tuổi nằm trong khuôn viên Đình Đông Cốc, đây là một di tích đã được xếp hạng, hơn nữa đây là loại cây nằm trong sách đỏ muốn khai thác và sử dụng phải được sự đồng thuận, cho phép của các cấp có thẩm quyền. Nếu được khai thác thì phải sử dụng nguồn tài chính trên đúng mục đích.

Ông Lê Xuân Bắc, Trưởng phòng Văn hóa huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) cũng cho biết, việc xin được bán cây sưa để trùng tu di tích Đình Đông Cốc là có thật.

Cụ thể, vào năm 2012, xã Hà Mãn có làm đơn gửi lên cả Sở NN-PTNT, cơ quan quản lý về lâm nghiệp của tỉnh xin được bán cây sưa. Đến tháng 11/2012, khi xuống kiểm tra được biết có đơn vị định đặt cọc 200 triệu đồng nhưng do có sự chấn chỉnh nên không đặt nữa.

Theo ông Bắc, những cây sưa cổ thụ trên có từ lâu đời, nằm trong khuôn viên đình Đông Cốc nên thuộc sở hữu của BQL di tích đình. Tuy nhiên, đây là di tích quốc gia nên việc khai thác tài sản trong di tích phải được sự cho phép của cấp Bộ. Còn việc cây sưa 200 năm tuổi được rao bán 50 tỷ là tin đồn.

Được biết, ngoài cây sưa 200 tuổi đang được rao bán, trong khi di tích Đình Đông Cốc còn có một cây sưa cổ thụ hơn 400 tuổi nằm trong sân đình.

Nguồn: Thu Giang/ Baodatviet.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo