Kinh doanh

Báu vật được săn lùng dữ dội ở Trung Quốc: Cơn sốt quét qua Việt Nam, chấn động thị trường

Cập nhật lúc 16-01-2022 14:41:28 (GMT+1)
Hình ảnh du khách đi tìm đồ thủ công mỹ nghệ bằng gỗ sưa. Ảnh: China Daily

 

Gỗ sưa đỏ từng tạo nên cơn sốt rất lớn ở cả Trung Quốc và Việt Nam.


Cơn sốt gỗ hoàng hoa lê ở Trung Quốc

The Independent năm 2011 đưa tin, trong một phòng đấu giá đông đúc ở Bắc Kinh, một người giấu tên đã bỏ ra số tiền đáng kinh ngạc là 32.5 triệu nhân dân tệ (gần 1.200 tỷ VND) cho một chiếc giường gỗ đơn làm bằng gỗ hoàng hoa lê Hải Nam (cùng dòng với cây sưa đỏ ở Việt Nam), loại gỗ kỳ lạ và hiếm nhất.

Một cặp ghế bằng cũng thuộc bộ sưu tập từng được trưng bày tại Tử Cấm Thành cũng được mua với giá 23 triệu nhân dân tệ (hơn 800 tỷ VND). Thương vụ đấu giá do các nhà đấu giá China Guardian tổ chức đã lập kỷ lục thế giới, khẳng định cơn sốt và giá trị của thứ gỗ được coi là đáng mong đợi nhất trên thị trường nghệ thuật Trung Quốc.

"Vào năm 2011, tại Trung Quốc ghi nhận giá của đồ nội thất hoàng hoa lê đã tăng gấp 25 năm trong 20 trước đó," Qiao Hoa - người thẩm định bộ sưu tập nói với hãng AFP.

Theo Qiao, có ít hơn 10.000 món đồ nội thất bằng gỗ hoàng hoa lê trên toàn thế giới và nguồn cung vật liệu quý hiếm này đang cạn kiệt nhanh chóng.

Tượng trưng cho lối sống tinh tế

Hoàng hoa lê ở Trung Quốc - là cây hoa lê vàng - chủ yếu được trồng trên đảo Hải Nam. Zhong Pingyuan - một chuyên gia về đồ nội thất cho biết: "Đó là một loại gỗ rất đặc."

Jean-Paul Desroches - người phụ trách chính tại bảo tàng nghệ thuật châu Á Guimet ở Paris cho biết, việc mua bán điên cuồng cho thấy sự "cải thiện thị hiếu" của các nhà sưu tập Trung Quốc, những người trước đây đã thích những tác phẩm hoàng gia sặc sỡ, giờ đây lại ưa chuộng những tác phẩm "có văn hóa hơn" thuộc sở hữu của các học giả văn minh.

Các tác phẩm từ hoàng hoa lê đẹp nhất được thực hiện bởi những người thợ làm tủ ở hạ lưu sông Dương Tử (Trung Quốc) trong thời kỳ hoàng kim của đồ nội thất nhà Minh vào cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17. Các tác phẩm bằng loại gỗ này là tượng trưng cho một lối sống cực kỳ tinh tế.

"Trong lịch sử, hoàng hoa lê được coi là một loại gỗ có giá trị cao và được dùng để làm đồ nội thất cho cung đình và cho tầng lớp học giả giàu có, thượng lưu," Christopher Engle, chuyên gia phụ trách các tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc tại Mỹ nói với AFP.

"Điều này bổ sung thêm giá trị cho mặt hàng vốn đã rất được mong đợi này."

Phó thư ký của Hiệp hội các nhà sưu tập hoàng hoa lê Wei Xiwang xác nhận rằng nguồn cung vào năm 2011 đã giảm rất nhanh, hầu hết các cây còn sót lại trên đảo Hải Nam lúc bấy giờ mới chỉ "to bằng miệng chai bia".

Sự bùng nổ của hoàng hoa lê - được thúc đẩy bởi số lượng các triệu phú ngày càng tăng ở Trung Quốc mong muốn trưng bày tài sản của họ và mua bất cứ thứ gì được coi là quý hiếm - không chỉ là đồ cổ, đồ cung đình.

Theo ông Wei, một tấm ván hoàng hoa lê dài hơn 3 mét, rộng 30cm, dày 5cm được bán với giá hơn 143 triệu đồng/kg. Ngay cả rễ cây cũng được sử dụng để làm cốc, chuỗi hạt và các đồ vật nhỏ khác.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, trộm hoạt động vô cùng tích cực ở Hải Nam để đánh cắp bàn thờ bằng gỗ để thờ cúng tổ tiên trong nhà người dân. Một số ngôi nhà truyền thống trên đảo đã bị phá bỏ để lấy gỗ. Những ngôi nhà khác cũng đã bị kẻ trộm "lột sạch" đồ nội thất bằng loại gỗ quý giá.

"Vua" các loại gỗ

Màu sắc gỗ hoàng hoa lê chuyển từ nâu đỏ đến vàng, các hạt trên bề mặt thường sáng bóng, vô cùng bắt mắt.

Chuyên gia về đồ nội thất cổ của Trung Quốc Wang Shixiang mô tả hoàng hoa lê là loại có màu sắc hoàn hảo, không quá dịu cũng không quá sặc sỡ. Nguồn cung gỗ hoàng hoa lê ở Hải Nam rất hạn chế. Bản thân gỗ được lấy từ lõi của câu hoàng lê, và lõi chỉ bắt đầu phát triển sau 15 năm kể từ khi cây non được trồng xuống. Cây hoàng hoa lê 20 tuổi sẽ có chu vi thân cây từ 17 đến 20 cm, tuy nhiên phần lõi chỉ có chu vi từ 2-5cm.

Hình ảnh lõi sưa đỏ bên trong thân gỗ

Một cây hoàng hoa lê phải mất 100 năm để trưởng thành, nhưng rất nhiều cây đã trưởng thành, phần lõi lại dần rỗng. Lịch sử ghi chép rằng ở Trung Quốc các thủ lĩnh Hải Nam đã cống loại gỗ quý này cho hoàng gia 3 năm 1 lần.

Khối lượng gỗ hoàng hoa lê mới, có nguồn gốc ở Hải Nam rất ít và đã được Trung Quốc bảo vệ. Chủ tịch hiệp hội các nhà sưu tập đồ cổ của Hải Nam Oi Zongwen cho biết, việc mua bán gỗ bị cấm.

China Daily cho hay, có một thời, ngay cả những con trâu nước ở các làng Hải Nam cũng đeo những chiếc chuông bằng gỗ hoàng hoa lê, nhưng những chiếc chuông như vậy giờ không còn nữa.

Gỗ quý ở Việt Nam

Dòng gỗ trên, khi được trồng ở Việt Nam được gọi là gỗ sưa đỏ, được xếp vào loại gỗ quý nhóm 1 - nhóm có các loại gỗ được xem là quý nhất, sở hữu những đường vân đẹp trên bề mặt và mang lại giá trị kinh tế cao.

Vào khoảng những năm 2000, cơn sốt gỗ sưa đỏ tràn tới Việt Nam, càn quét từ thành thị tới nông thôn. Theo VTC, những mẩu gỗ cũ kỹ được bán với cái giá giật mình khiến nhiều người sẵn sàng gỡ hoành phi câu đối, đồ thờ tự bằng gỗ sưa đỏ xuống để bán.

Cơn sốt được cho là bắt nguồn từ Trung Quốc, khi các thương lái nước này tích cực đi săn lùng loại gỗ quý thì giá trị gỗ mới được biết đến và nhanh chóng trở thành mặt hàng được săn lùng gắt gao.

Trồng ở đâu, được mệnh danh là "kho báu" ở đó

Xã Tiên Du, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ được mệnh danh là vùng đất mà nông dân toàn "chôn kho báu" trong vườn, do quá nửa số hộ trong xã trồng loại cây quý hiếm này.

Cận cảnh gỗ sưa đỏ nổi tiếng. Ảnh: GĐXH

Đáng chú ý, tại thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) từng sở hữu 2 cây sưa trăm tuổi được định giá cả trăm tỷ đồng. Sau nhiều biến cố, hiện số gỗ sưa từ 2 cây gỗ đã được cất giữ cẩn thận trong container ở sân nhà văn hóa thôn Phụ Chính và có người trông giữ cẩn thận. Trải qua 4 lần đấu giá, lô gỗ sưa vẫn "ế" trong container do giá trị rất cao.

Hiện nay, giá của gỗ sưa được cho là đã được quay lại với giá trị thật. Loại gỗ này vẫn được rất nhiều người ưa chuộng do các loại đồ gỗ mỹ nghệ được làm từ gỗ sưa rất sang trọng.

(Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị)
Nguồn: Vietnamnet.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo