Khoa học công nghệ

Mặt trăng và trái đất có thể cùng chung nguồn gốc

Cập nhật lúc 08-06-2011 09:44:01 (GMT+1)
Trái đất và mặt trăng (DR)

 

Trong lòng mặt trăng có rất nhiều nước giống như trái đất và đó là bằng chứng cho thấy hai hành tinh này có thể cùng chung nguồn gốc. Trên đây là nhận định của các chuyên gia địa chất thuộc trường đại học Case Western Reserve University, Ohio, Hoa Kỳ, trong một nghiên cứu vừa được đăng trên tạp chí khoa học Mỹ Science, ngày 26/05 vừa qua.


Khi phân tích các mẫu đất do các nhà du hành vũ trụ Hoa Kỳ tàu Apollo 17 mang về trái đất, sau chuyến thám hiểm mặt trăng cuối cùng vào tháng 12 năm 1972, các chuyên gia Mỹ đã tìm thấy những phân tử nước và một số chất dễ bay hơi khác ở bên trong nham thạch núi lửa (magma).

Giáo sư James Van Orman, một trong những tác giả của công trình nghiên cứu, giải thích, cách nay hàng tỷ năm, các núi lửa trên mặt trăng hoạt động và phun ra nham thạch có chứa các chất nằm sâu trong lòng hành tinh này. Các mẫu nham thạch núi lửa là thước đo tốt nhất để đánh giá được khối lượng nước ở trong lòng mặt trăng.

Về mặt phương pháp, để đánh giá lượng nước trong lòng trái đất, giới chuyên gia phân tích các nham thạch được phun ra từ núi lửa nằm trên dãy núi ngầm đại dương. Theo các nhà khoa học Mỹ, thì nham thạch núi lửa mặt trăng gần tương tự như nham thạch núi lửa dãy núi ngầm đại dương, chúng tích tụ nước và các chất fluor, chlore, soufre (lưu huỳnh). Hơn nữa, lượng nước ở trong lòng mặt trăng nhiều gấp 100 lần so với những dự đoán trước đây của giới khoa học.

Ông Erik Hauri, phụ trách nhóm nghiên cứu nhấn mạnh, « nước đóng vai trò chủ yếu trong việc xác định hoạt động kiến tạo bề mặt các hành tinh, những nơi đá bị nóng chảy nằm sâu trong lòng trái đất, vị trí và loại phun trào nham thạch núi lửa ».

Khám phá mới này củng cố giả thuyết trái đất và mặt trăng có cùng nguồn gốc, nhưng đồng thời, nó cũng buộc các nhà khoa học phải xem xét lại tiến trình hình thành mặt trăng.

Cho đến nay, giới chuyên gia vẫn cho rằng dường có một thiên thể khổng lồ va đập mạnh vào trái đất, làm văng ra một khối lượng rất lớn mảnh vỡ và bụi trên quỹ đạo ; các mảnh vỡ và bụi này tích tụ, kết dính với nhau tạo thành mặt trăng. Thế nhưng, nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy, phần bên trong mặt trăng và trái đất rất giống nhau.

Công trình này còn làm lung lay một giả thuyết khác, liên quan đến nguồn gốc của lớp nước bị đóng băng nằm sâu trong các miệng núi lửa ở gần hai cực của mặt trăng mà các nhà du hành vũ trụ Mỹ đã phát hiện ra trong các đợt thám hiểm. Trưóc đây, các chuyên gia nghĩ rằng có thể đó là nước do các thiên thể và sao chổi mang tới khi chúng va đập vào mặt trăng.

Theo nghiên cứu vừa được công bố, thì có thể lớp băng này được hình thành từ nguồn nước có trong lòng mặt trăng bị phun trào ra ngoài khi núi lửa hoạt động.

Đức Tâm

Nguồn RFI

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo