Khoa học công nghệ

Động đất ở Nhật “kích hoạt” nhiều núi lửa

Cập nhật lúc 30-03-2011 13:02:39 (GMT+1)

 

Trong khi đó cuộc khủng hoảng hạt nhân ở nước này ngày càng nghiêm trọng. Phóng xạ trong nước biển gần Fukushima 1 gấp 3.335 lần giới hạn, Nhật đã tính đến phương án phá bỏ 4 trong số 6 lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1.


 

Trận động đất mạnh 9 độ richter ở Nhật hôm 11/3 vừa qua khiến ít nhất 13 núi lửa tăng cường hoạt động trở lại.

Makoto Oyama, một nhà núi lửa học thuộc Đại học Shizuoka cho biết: “Trận động đất 9 độ richter đã làm thay đổi áp suất lên lớp vỏ trái đất ở nhiều khu vực khác nhau, ở Đông Bắc Nhật Bản, lớp vỏ này hiện đang ở tình trạng không ổn định”.

Núi lửa Shinmoedake phun khói và nham thạch, hai ngày sau trận động đất 11/3

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết, hiện lớp vỏ của 13 ngọn núi này đã thay đổi nhưng các dữ liệu khác không thay đổi. Vì vậy, rất khó để cho rằng những ngọn núi lửa này phun trào ngay lập tức. Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo tình trạng của lớp vỏ núi lửa tại khu vực phía đông Nhật Bản không ổn định. Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo cần theo dõi kỹ lưỡng tình hình của các núi lửa này này trong vòng từ 1-2 tháng.

13 ngọn núi lửa bị kích hoạt bao gồm Phú Sĩ, các ngọn núi tại khu vực Kanto, miền Trung, và miền Nam Nhật Bản.

Thực tế, ngay sau khi xảy ra trận động đất 2 ngày, hôm 13/3, núi lửa Shinmoedake tại miền Nam đã phun khói và nham thạch dữ dội tới độ cao khoảng 2.000 m trên không trung. Núi lửa Shinmoedake là một trong những ngọn núi thuộc rặng Kirishima trên đảo Kyushu, miền Nam Nhật Bản, cách tâm chấn của trận động đất hôm 11/3 khoảng hơn 1.000km. Đây được cho là lần phun trào mạnh nhất của núi lửa Shinmoedake trong 52 năm trở lại đây.

Phóng xạ tăng kỷ lục, Nhật tính chuyện phá bỏ 4 lò phản ứng

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng hoạt nhân ở Nhật Bản hôm nay đã trở nên nghiêm trọng hơn khi mức độ phóng xạ được phát hiện trong nước biển ở nước này đã lên mức cao kỷ lục.

Theo Cơ quan an toàn hạt nhân và công nghiệp Nhật (NISA), nước biển gần lò phản ứng số 1 của nhà máy điện đang gặp sự cố Fukushima I chứa phóng xạ iot cao gấp 3.335 lần giới hạn cho phép.

Tuy nhiên, ông Hidehiko Nishiyama, phó tổng giám đốc NISA, hạ thấp khả năng ảnh hưởng của phóng xạ này trong nước biển bởi người dân ở khu vực đã được sơ tán và không có hoạt động đánh bắt cá ở đây.

“Iot 131 có chu kỳ nửa phân rã là 8 ngày và khi ảnh hưởng tới con người thì mức độ nguy hiểm đã giảm rất nhiều”, ông  Nishiyama cho biết.

Trước đó, vào cuối tuần qua, lượng phóng xạ iot 131 trong nước biển gần nhà máy cao gấp 1.850 lần giới hạn cho phép.

Trước tình hình này, Công ty điện lực Tokyo (Tepco) đưa ra thông báo về khả năng phá bỏ các lò phản ứng số 1,2,3 và 4. Trước đó, AFP đưa tin giới chức Nhật đang tính chuyện sẽ che phủ các lò phản ứng ở Fukushima I để hạn chế phóng xạ rò rỉ ra không khí và bơm nước đã bị nhiễm xạ vào thùng chứa.

Theo giới chức Nhật, việc hủy 4 lò phản ứng trong tổng số 6 lò tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 là điều đương nhiên. Các chuyên gia dự tính sẽ phải mất tới ba thập kỷ để phá những lò phản ứng trên. Chi phí cho quá trình này sẽ lên tới 12 tỷ USD.

Cho đến nay, số người thiệt mạng trong trận siêu động đất, sóng thần đã vượt 11.000. Ngoài ra, hơn 17.000 người khác vẫn mất tích. Thiệt hại do thảm họa kép này gây ra lên đến con số kỷ lục 309 tỷ USD./.

Võ Vân

Nguồn TQ

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo