Khoa học công nghệ

Định danh người dùng Facebook có phải là cách để bảo vệ người dân?

Cập nhật lúc 22-08-2019 10:26:17 (GMT+1)
Mạng xã hội Facebook.

 

Định danh tài khoản người dùng có hợp lý?

Hôm 14/8/2019, báo chí trong nước đưa thông tin về việc Bộ Thông tin-Truyền thông làm việc với Facebook và đã yêu cầu Facebook tiến hành định danh tài khoản người dùng ở Việt Nam. Theo đó, Facebook được yêu cầu phải thực hiện định danh tài khoản của người dùng và chỉ có các tài khoản định danh mới được phép phát sóng trực tiếp (live stream); đồng thời Facebook cũng cần phải có chính sách kiểm tra trước và gỡ quảng cáo chính trị phát tán tin giả khi Chính phủ Việt Nam yêu cầu.


Đại diện Facebook tại Việt Nam ngày 19/8 cũng đã lên tiếng về điều này với truyền thông trong nước. Theo đại diện Facebook Việt Nam thì Facebook sẽ gỡ bỏ những tài khoản không sử dụng tên thật và yêu cầu người dùng phải cung cấp danh tính của mình.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho RFA biết ý kiến của ông về việc định danh tài khoản người dùng:

“Tôi thấy điều này sẽ gây ra rất nhiều phức tạp. Thứ nhất, định danh là phải rõ mặt người, vậy lực lượng Dư luận viên, AK47 của phía nhà cầm quyền CSVN - những kẻ mà người ta hay gọi là “cuồng đảng, yêu đảng” - họ không dám xuất hiện thì sẽ được giải quyết ra sao? Liệu có công bằng hay không?

Thứ hai, tôi nghĩ việc này là một bước đi mới của nhà cầm quyền CSVN đang muốn tăng cường việc bắt giữ những người bất đồng chính kiến bày tỏ ôn hòa trên mạng xã hội, trên Facebook.”

Ông cũng nêu ví dụ một người nào đó dùng tên thật của ông, dùng hình ảnh thật của ông để lập tài khoản thì làm sao biết ai thiệt, ai giả và Facebook sẽ giải quyết việc này ra sao?

Định danh là phải rõ mặt người, vậy lực lượng Dư luận viên, AK47 của phía nhà cầm quyền CSVN - những kẻ mà người ta hay gọi là “cuồng đảng, yêu đảng” - họ không dám xuất hiện thì sẽ được giải quyết ra sao? Liệu có công bằng hay không?

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già

Nhà báo Lê Trung Khoa, người được cho là hay “làm việc” với Facebook để đòi hỏi những quyền lợi cho các tài khoản người dùng ở Việt Nam cũng nêu sự bất hợp lý của việc định danh tài khoản người dùng:

“Như thế là chính quyền đã can thiệp vào quyền tự do cá nhân, tự do biểu đạt, tự do báo chí của người dân Việt Nam ở trong nước và điều đó là không đúng đắn và cần phải được bãi bỏ. Khi người dân có những tiếng nói phản ánh những sự thật đang diễn ra trong xã hội thì họ có thể gặp nguy hiểm nếu chính quyền biết thông tin họ là ai.”

Trả lời qua email với RFA về câu hỏi Facebook sẽ giải quyết yêu cầu của Bộ Thông tin-Truyền thông như thế nào, bà Amy Sawitta Lefevre, Quản lý chính sách truyền thông của Facebook cho biết:

"Facebook yêu cầu người dùng phải cung cấp danh tính thực của mình, và chúng tôi sẽ gỡ bỏ những tài khoản không sử dụng tên thật trên nền tảng của mình theo chính sách về thông tin sai lệch. Chúng tôi đầu tư rất nhiều vào công nghệ, con người để phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian dối, bao gồm chặn việc tạo và sử dụng tài khoản giả. Chúng tôi cũng sử dụng công nghệ để chủ động tìm và loại bỏ các trường hợp có hành vi này".

Trong khi đó, giới truyền thông trong nước cho biết, nguyên nhân Bộ Thông tin-Truyền thông yêu cầu Facebook phải định danh tài khoản người dùng tại Việt Nam là do Facebook không đồng ý gỡ các bài viết, nội dung theo yêu cầu của phía Việt Nam vì cho rằng không vi phạm chính sách cộng đồng của Facebook.

Về việc này, bà Amy Lefevre cho RFA biết quy trình phản hồi nội dung vi phạm của Facebook từ Chính phủ vẫn không thay đổi. Khi Facebook nhận được yêu cầu từ phía Chính phủ VN đề nghị gỡ xuống một nội dung, trước tiên Facebook sẽ xem xét báo cáo về việc không tuân thủ các Tiêu chuẩn cộng đồng và sẽ gỡ bỏ nội dung mà Facebook thấy vi phạm các tiêu chuẩn này. Nếu nội dung không vi phạm Tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook thì đội ngũ pháp lý của Facebook sẽ xem xét tính hợp lý của yêu cầu.

Cũng theo bà Amy Lefevre, nếu nội dung bị coi là bất hợp pháp ở Việt Nam thì Facebook có thể hạn chế quyền truy cập, và việc này được thực hiện ở Việt Nam cũng giống như những nơi khác trên thế giới.

Cách làm việc của Facebook

Ảnh minh họa hình ảnh biểu tượng Facebook. AFP

Theo số liệu của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đưa ra hôm 16/8/2019, Facebook đã gỡ bỏ 208/211 tài khoản giả mạo; 2.444 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp; hơn 200 link bài viết có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam; 215 fanpage quảng cáo game cờ bạc.

Nhà báo Lê Trung Khoa chia sẻ với RFA cách làm việc cũng như quan điểm của Facebook mà ông nhận thấy qua những lần làm việc chung:

“Thực ra Facebook là một công ty. Họ là doanh nghiệp nên bao giờ họ cũng mong muốn phát triển sản phẩm của họ, dịch vụ  của họ trên khắp thê giới, trong đó có Việt Nam. Họ mong muốn càng nhiều người dùng càng tốt để trên nền tảng đó họ khai thác dịch vụ quảng cáo và những dịch vụ giá trị gia tăng kèm theo. Tuy nhiên đối với Việt Nam, thì họ yêu cầu Facebook phải có những quan tâm hoặc giám sát, kiểm soát có lẽ rất lớn.”

Ông Lê Trung Khoa cho biết thêm, người đại diện của Facebook tại Đức (tức người quản lý Facebook tại Đức), khuyên những người dùng Việt Nam nên cố gắng đọc và tìm hiểu “Tiêu chuẩn cộng đồng” để tránh những sai phạm. Điều cụ thể nhất mà người dùng Việt Nam hay sai phạm là việc đưa những thông tin cá nhân của bản thân và của người khác lên trên mạng xã hội, ví dụ như đưa CMND, hộ chiếu hay thậm chí tấm hình có bảng tên, mã số nhân viên trên ngực áo…lên Facebook một cách vô tình cũng vi phạm “Tiêu chuẩn cộng đồng”.

Tuy nhiên có một số thông tin ở bên trong nói ra rằng, có thể có một số người trong bộ phận duyệt những status bị báo cáo trước khi khóa là người Việt Nam và thuộc cơ quan mật vụ Việt Nam trà trộn vào.

Nhà báo Lê Trung Khoa

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già từng bị khóa 5 tài khoản Facebook chỉ trong một thời gian ngắn, khẳng định ông không hề vi phạm “Tiêu chuẩn cộng đồng” vì ông viết báo bao nhiêu năm qua một cách nghiêm túc, không hề nói sai sự thật. Ông luôn để tên thật khi tạo tài khoản và thực hiện đúng những yêu cầu của Facebook khi đăng nhập mà tài khoản của ông vẫn bị khóa. Ông kể:

“Tài khoản Facebook đầu tiên của tôi, tôi lấy bút danh mà rất nhiều người biết từ trước khi tôi bị bắt, đó là Nguyễn Ngọc Già. Nhưng vì quá thương nhớ đứa con trai đã mất mà tôi lấy hình cháu làm ảnh đại diện. Sau đó tôi bị báo cáo giả mạo, tôi cũng làm đầy đủ thủ tục là gởi CMND, passport của con trai tôi, thậm chí tôi gửi cả số điện thoại của tôi để khẳng định tôi là Nguyễn Ngọc Già, đồng thời nói rõ đó là hình ảnh của con trai tôi. Nhưng Facebook vẫn không trả tài khoản cho tôi.”

Theo như lời nhà báo Nguyễn Ngọc Già kể thì sau khi mất tài khoản thứ nhất, ông đã lập tài khoản khác để sử dụng thì chỉ mấy tháng sau ông lại bị chặn tiếp dù vẫn thực hiện theo đúng yêu cầu của Facebook như gửi ảnh, gửi số điện thoại. Ông nhận định:

“Tôi nghĩ chắc chắn 100% Facebook ở Việt Nam đã nhận lệnh của ai đó - có thể là nhà cầm quyền Việt Nam, cũng có thể là thế lực nào đó tôi không chắc - để cố tình phá tôi.”

Rất nhiều người sử dụng Facebook ở Việt Nam bị khóa, bị chặn tài khoản một cách vô lý, nhất là những người có tiếng nói phản biện mạnh mẽ nhưng ôn hòa trên mạng xã hội khiến họ đặt nghi vấn, liệu có phải Facebook chỉ tuân theo những gì Chính phủ yêu cầu một cách máy móc?

Nhà báo Lê Trung Khoa dùng từ “mật vụ” trong trường hợp này và cho biết đến giờ phút này chưa thấy có bằng chứng nào nói rằng Facebook tiếp tay cho “mật vụ” Việt Nam hoặc là thực hiện những mong muốn của “mật vụ” Việt Nam, nhưng ông lưu ý:

“Tuy nhiên có một số thông tin ở bên trong nói ra rằng, có thể có một số người trong bộ phận duyệt những status bị báo cáo trước khi khóa là người Việt Nam và thuộc cơ quan mật vụ Việt Nam trà trộn vàoHọ đã dùng kỹ thuật cũng như những hiểu biết và khả năng của mình khi làm việc với Facebook để theo dõi cũng như là xóa, khóa tài khoản.”

Ở một luồng ý kiến khác thì báo chí trong nước lại cho rằng, việc định danh tài khoản như Bộ Thông tin-Truyền thông yêu cầu sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước bảo vệ quyền lợi cho công dân, trong trường hợp xảy ra việc mất cắp dữ liệu cá nhân, bị bán hoặc sử dụng sai mục đích. Nghĩa là khi tài khoản đã được định danh nếu bị “trục trặc” gì, nhà nước sẽ đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân. Tuy nhiên đó cũng chỉ là một trong những giả thuyết được đưa ra trong thời điểm này, khi mà việc định danh hoặc gỡ bỏ các trang fanpage không đủ tiêu chuẩn chưa được phổ biến và thực hiện đại trà…

Nguồn: Diễm Thi/ RFA

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo