Huyền bí

Chuyện ‘vong nhập’ ám ảnh nhất Việt Nam

Cập nhật lúc 14-01-2012 15:24:31 (GMT+1)
Ảnh minh họa internet

 

Vong nhập hướng dẫn người nhà tìm mộ; gia chủ thỏa hiệp để "chung sống với ma"... là những câu chuyện tưởng hoang đường nhưng vẫn tồn tại khiến người ta không khỏi bị ám ảnh.


'Vong' nhập chỉ đường tìm mộ 

Câu chuyện về cậu bé Đỗ Văn Bình, làm cả thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) xôn xao. Câu chuyện khó tin này bắt nguồn từ việc đi tìm mộ liệt sĩ của gia đình bà Đỗ Thị Tơ, thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Bà Tơ là em gái của liệt sĩ Đỗ Văn Vi, nhập ngũ năm 1947, đến năm 1948 thì bị giặc Pháp bắt và giết chết.

Anh bà, ông Vi, ngày nhập ngũ tuổi vừa đôi mươi, vợ ông còn chưa kịp sinh cho ông một đứa con thì đã nghe tin dữ. Sau khi ông Vi hy sinh, bà ấy cũng bỏ xứ đi nơi khác. Nghĩ anh mình bạc phận, không có con cái, lại hy sinh đau đớn nên dù 60 năm trôi qua, nhưng bà Tơ và cả gia đình vẫn luôn canh cánh, day dứt vì chưa tìm được hài cốt của ông Vi về thờ cúng.

Cuối tháng 7/2011, bà Tơ tập hợp tất cả anh em con cháu trong nhà đến cậy nhờ bà Hương, vốn “nổi danh” là người được “ăn lộc trời” có khả năng gọi hồn. Đặt lễ xong, như nhiều gia đình khác, các thành viên trong đoàn của bà Tơ được hướng dẫn xếp hàng ngay ngắn, khoanh chân bắt khuyết ngồi thiền, chờ “vong” nhập. Ngồi gật gù mãi thì “vong” cũng về.

Thấy Bình, cháu gọi “vong” bằng ông họ cứ liên tục lắc lư đầu, bà Hương vội vàng đến bên cạnh, chắp hai tay miệng liên hồi: “Nhập sâu vào, sâu nữa vào. Cố gắng lên, đồng chí cố gắng lên”. “Quay quay” một lúc, Bình bỗng bật dậy, hai mắt đỏ ngầu, khi thì quát tháo ầm ĩ, khi thì lại ôm mặt nức nở.

Trong khi “mượn xác” Bình, liệt sĩ Vi đã kể lại việc bị giặc Pháp giết và địa điểm chính xác nơi bị chúng vứt xác. Theo đó, liệt sĩ Vi bị chúng mổ bụng, chặt chân chặt tay rồi ném xác xuống dòng sông Đáy. “Vong” còn chỉ rõ, xương ở phía cong của khúc sông. Ngay sát có cái cống hình vòm.

Theo như mô tả, gia đình bà Tơ xác định nơi có bộ hài cốt liệt sĩ Vi nằm ở nhánh sông Đáy, thuộc khu vực Bãi nổi, thôn My Dương, xã Thanh Mai, Thanh Oai, Hà Nội, cách nhà bà Tơ khoảng 15 km. Tìm được vị trí như lời chỉ vẽ của “vong”, khoảng 1 tuần sau khi Bình bị "vong" nhập, cả gia đình bà Tơ, lập đàn thờ cúng tại khúc sông để tìm hài cốt.

4, 5 chiếc thuyền cùng đồ lặn đã được chuẩn bị sẵn. Người nhà bà Tơ cũng nhờ một số người dân quanh làng trợ giúp. Sẵn sàng khi nào “vong lệnh” thì nhảy xuống sông tìm hài cốt.

Lập đàn thờ cúng từ 1 giờ chiều mãi đến 5 giờ vẫn chưa có kết quả gì. Nhiều người trong đoàn nhà bà Tơ cũng đã tỏ ra đuối sức, dần mất kiên nhẫn. Những người dân xúm đông xúm đỏ bên căn lều dựng lên để thờ cúng cũng bắt đầu bàn tán râm ran, nhiều ban đầu hoảng sợ, giờ cũng chậc lưỡi tỏ vẻ bán tín bán nghi.

Đến khoảng hơn 6 giờ chờ đợi, "vong" chỉ tay vào từng người, cho phép xuống tìm hài cốt. Chỉ vài phút sau, một vài người đã hô lên, cho là tìm được những mảnh xương vụn. 

Gia chủ thỏa hiệp để ‘sống với ma'

Chuyện xảy ra tại nhà ông Phạm Quang Tứ (SN 1954, ngụ thôn Hà My, xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Theo lời ông, vào năm 1999, khi xây xong ngôi nhà tại xã Điện Dương để vợ chồng cùng bốn đứa con có một chốn đi về, gia đình ông bỗng dưng nảy sinh rất nhiều vấn đề chưa từng gặp: con cái hư hỏng, ăn chơi phá phách; ông bị tai nạn giao thông; vợ nổi cơn đau viêm đường ruột cấp tính và theo chồng nhập viện; con trai gây hấn với người khác bị đâm trọng thương…

Đặc biệt, sau khi thoát chết, trở về thăm nhà, con trai ông rủ bạn là anh Phạm Anh Tuấn (SN 1980, ngụ tỉnh Kon Tum) cùng về chơi. Ông Tứ bố trí cho bạn của con trai ở trong căn phòng trên tầng 2, nơi mà các con ông dành để học bài. Sáng hôm sau, khi gọi khách dậy đánh răng rửa mặt ăn sáng, cả chục lần gọi mà không thấy thưa nên ông vào lay người khách. Không có tiếng đáp trả mà chỉ thấy người khách cứng đơ. Thì ra khách đến chơi nhà trong đêm đầu tiên đã chết “bất đắc kỳ tử”, không khi nào tỉnh lại. Công an khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi điều tra nguyên nhân cái chết của nạn nhân đã nhanh chóng xác định người này đột tử vì cảm gió. 

Ông Phạm Quang Tứ thỏa hiệp để "sống chung với ma". Ảnh: Pháp luật VN.

Chưa đầy một tuần sau khi gia đình nạn nhân nhận xác con để đưa về quê an táng, ba mẹ Tuấn tiếp tục quay lại nhà ông Tứ để cầu siêu và xin đưa “hồn” Tuấn theo xác. Thế nhưng bất ngờ “hồn” Tuấn không chịu theo xác về cùng ba mẹ ruột. Ông thầy cúng đi cùng gia đình nạn nhân sau khi làm lễ cầu an, cầu siêu, xin kêu (thảy đồng xu, một tập tục cúng bái theo quan niệm mê tín để “hỏi” xem “người chết” có đồng ý hay không ) bỗng “phán”: “Nó thấy cả nhà mình xuống nên lẩn tránh không chịu về. Nó nói rằng vốn là con của ông bà Tứ, trước đây được đầu thai và phải mượn tạm xác để sống cùng nhà ông bà trên Kon Tum. Nay khi cần yên nghỉ thì Tuấn muốn về lại ngay nhà ba mẹ ruột của mình. Bây giờ Tuấn chỉ ở đây chứ không theo xác đi đâu cả”.

Cả hai bên gia đình khi nghe đến đây đều điếng hồn nhưng khi ngẫm lại họ mới thấy có nhiều điều trùng hợp: Tuấn cũng mang họ Phạm như ông Tứ; ngày Tuấn còn ở Kon Tum chưa đi học, gia đình Tuấn cũng đôi lần thấy con trai nói về chuyện sẽ đi Quảng Nam để tìm người thân ở đó nhưng người cha lúc này không hề để ý đến vì nghĩ con mình học hành xa, có quen biết, kết thân người ở nơi khác cũng là chuyện thường.

Vậy là sau khi bàn bạc với nhau, hai bên gia đình chọn giải pháp cho nạn nhân “hồn một nơi, xác một nơi”; để ông Tứ thờ cúng cho Tuấn và coi cậu sinh viên trước đây là người dưng nay thành… con trong nhà.

Mệt phờ người sau chuỗi ngày tai ương, khi chưa kịp nghỉ lại sức sau hết những chuyện bệnh tật, án từ, người chết rồi “con đầu thai” thì một buổi trưa, chuyện lạ lại tiếp tục tìm đến. Chị Võ Thị Phước (27 tuổi, em vợ của ông Tứ) đang là giáo viên của một trường tiểu học trong xã bất ngờ ghé nhà chơi. Không hiểu sao hôm ấy chị Phước cứ “nhơn nhơn” tiến thẳng đến phòng ông anh. Vừa bước vào phòng, chị đã la lối, quát tháo ông Tứ và cả nhà khiến ai nấy cũng đều kinh ngạc. Bà Phước tự xưng là “bà”, “ta”, gọi mọi người trong nhà là “nhà ngươi” rồi ra lệnh cho ông Tứ đến để nói chuyện. 

Ông Tứ liền kéo ghế ngồi đối diện chuyện trò. Lúc ấy, cô gái Phước xưng “bà” và cho rằng “bà chính là một trong 5 người đã chết ở khu đất bên cạnh, đang nằm yên ổn thì nhà ngươi quấy rầy”. “Vậy tôi quấy rầy gì “bà”?”. “Lại còn cãi à? Khi làm nhà, nhà ngươi đã hốt đất có nắm xương của chúng ta cho vào nền nhà. Bây giờ “bà” yêu cầu cả nhà chúng bay phải đến nơi khác mà ở. Nhà này thuộc về “bà” rồi. Nếu không đi thì cả nhà nhà ngươi sẽ liên tiếp gặp những chuyện chẳng lành”.

Phát hoảng vì căn nhà cả đời dành dụm xây dựng có nguy cơ bị mất, ông Tứ chẳng cần tin hay không tin chuyện có ma mà cứ gân cổ “cãi chày cãi cối” không chịu. Cuộc cãi vã giữa ông chủ nhà và cô gái “ma nhập” cứ thế kéo dài cả nửa tiếng đồng hồ mà “bất phân thắng bại”. Cuối cùng hai bên thống nhất dành một không gian riêng cho các hồn ma cùng ở trong ngôi nhà này và sẽ được gia đình thờ cúng đàng hoàng.

Cũng theo ông Tứ, không chỉ dừng lại ở đây, “con ma” còn có lần hiện về bày cho ông cách… chữa phong thủy xấu. Chuyện là khu đất vốn là nền nhà ông trước đây có một cái giếng. Khi xây nhà, ông đã không lấp giếng đi mà chỉ đúc một tấm bê tông để đậy lên miệng giếng rồi xây nhà ở lên trên. Chính vì việc làm “trái khoáy” này mà có lẽ phong thủy nhà ông “có vấn đề”. 

Thiếu nữ 19 tuổi “hoán đổi linh hồn”

Báo Bưu điện Việt Nam từng dẫn câu chuyện “đầu thai” lạ lùng tại Cà Mau. Câu chuyện này xảy ra vào khoảng năm 1990 tại gia đình ông Cả Hiêu ở làng Tân Việt, Đầm Dơi, Cà Mau. Nhà ông Cả Hiêu có cô con gái được ông rất yêu thương, nhưng không may bị bệnh và qua đời lúc mới 19 tuổi.

Tuy nhiên, sau cái chết của cô con gái ông Cả Hiêu đã xuất hiện một câu chuyện kì lạ. Cách làng Tân Việt khoảng 100 cây số là làng Vĩnh Mỹ, Bạc Liêu cũng có một cô gái bị bệnh (cùng thời gian với cô con gái ông Cả Hiêu) và qua đời.

Vào lúc người nhà đau đớn chuẩn bị lo việc khâm liệm cho cô gái xấu số thì bất ngờ cô gái sống lại. Điều lạ lùng là từ khi sống lại, cô gái này cứ một mực đòi người trong gia đình đưa cô đến nhà ông Cả Hiêu ở làng Tân Việt. Kì lạ hơn cô còn khẳng định ông Cả Hiêu chính là cha đẻ của cô.

Người nhà hết sức lo lắng nghĩ rằng cô có bệnh. Nhưng cô gái vẫn khăng khăng đòi đi gặp cha mình. Cuối cùng cha mẹ cô gái buộc lòng phải đến làng Tân Việt để tìm hiểu thực hư. Khi đến bến xe, mọi người xuống xe còn đang bỡ ngỡ không biết đi theo hướng nào thì cô gái nhanh chóng dẫn đường trong sự ngỡ ngàng của đoàn người. Đến nhà ông Cả Hiêu, cô gái chạy lại ôm chầm lấy ông Cả Hiêu vừa khóc vừa nói: "Ba ơi, con đây ba ơi!".

Hai vợ chồng ông Cả Hiêu còn đang ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra thì vừa lúc cha mẹ cô gái bước vào nhà kể lại chi tiết câu chuyện cho vợ chồng ông Cả Hiêu nghe. Trong khi đó cô gái mới đến cứ đi lại trong nhà tự nhiên như là người đã ở đó lâu lắm rồi.

Những chuyện lạ lùng ở bản Cọi

Hiện tượng “đầu thai” ở bản Cọi làm dư luận cả nước xôn xao vì ngoài trường hợp cháu Bình, tại đây, còn xuất hiện hai trường hợp “đầu thai” khác. Câu chuyện “con lộn” của Bùi Thị Hồng Thắm ở bản Cọi, Lạc Sơn, Hòa Bình được đăng tải trên báo Thể thao & văn hóa cũng là một trường hợp tương tự. Thắm sinh năm 1991, chị Bùi Thị Toàn, mẹ Thắm cho biết, từ bé cháu đã có những biểu hiện rất lạ lùng.

Theo lời chị Toàn, khi Thắm bi bô biết nói, một lần hai mẹ con đang chơi đùa bỗng cháu “xị” mặt rồi nằng nặc đòi: “mẹ đưa con về nhà” dù lúc đó cháu đang ở trong nhà mình. Một hôm, đang chơi đùa, Thắm nói với bà nội: “mẹ cháu kia kìa”. Người Thắm chỉ là bà Nguyễn Thị Nghe, người ở đầu làng.

Lúc Thắm được 5 tuổi, hôm đó, cháu được bố mẹ cho ra đồng. Khi trở về đi qua nhà bà Nghe cháu chỉ tay rồi bảo với bố mẹ “nhà con đây này”. Chị Toàn bảo lại con “con thích thì mẹ đưa vào nhà con”, thế nhưng khi vừa bước vào cổng Thắm đột nhiên dừng lại: “Con không vào nữa đâu, chị Hằng đang ở trong đó, con ghét chị ấy vì chị đã xui con trèo cây làm con ngã chết”.

Từ hôm đó chị Toàn mới “xâu chuỗi” lại toàn bộ những biểu hiện lạ thường từ ngày con bé cứ đòi chị “đưa về nhà con”. Chị bắt đầu nghĩ đến chuyện cháu Ly (con bà Nghe) nó đã “lộn” về con Thắm nhà mình.

Ly là con trai bà Nghe. Năm Ly được 7 tuổi, một hôm Ly được chị gái tên Hằng dẫn đi hái ổi ở bên triền núi. Trong lúc Ly trèo ra hái ổi, em bị ngã rơi xuống đất. Ly bị chấn thương sọ não và mất ngay sau đó.

Ông Bùi Văn Tỉnh, xóm trưởng xóm Cọi cho biết: “Ở xóm Cọi đã ghi nhận ba trường hợp con lộn. Người Mường quan niệm, những đứa trẻ dưới 12 tuổi bị chết bất đắc kỳ tử có khả năng “lộn” về và vào một người nào đó”.

Những trường hợp “đầu thai” đầy kì lạ này không chỉ khiến dư luận xôn xao mà còn làm gia đình hai bên đều rất bối rối, khó xử khi cháu bé “đầu thai” nhất quyết đòi về nhà bố mẹ trước đây để ở mà không chịu ở với bố mẹ đẻ. Tuy nhiên, theo thời gian, hầu hết các gia đình hai bên đều thông cảm, hiểu cho nỗi đau của nhau và giải quyết vấn đề hợp lí, hợp tình. Nhiều gia đình là “bố mẹ kiếp trước” đã nhận cháu bé làm con nuôi hay như trường hợp cháu Bình (ở Lạc Sơn, Hòa Bình) thì bố mẹ đẻ đã đồng ý để cháu về nhà ở với bố mẹ trước theo ý nguyện của cậu bé này.

Nguồn: Baodatviet

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo