Góc Bạn Đọc

Nguyễn Kim Phụng - Những mảnh của cuộc đời (6)

Cập nhật lúc 01-06-2015 22:24:38 (GMT+1)
Ảnh minh hoạ, nguồn: google.

 

Cuốn tự truyện này tôi đã có ý định viết từ lâu xong cứ như mọi sự đều có duyên. Sau khi viết và được trang mạng vietinfo.eu đăng tải bài báo với tiêu đề  „30-4, Việt Nam sau 40 năm sau ngày thống nhất“, một bài báo có nhiều phản hồi, khen cũng nhiều mà chê trách, dọa nạt cũng có, tôi quyết định bắt đầu viết tự truyện này. Tôi hy vọng nó sẽ ít nhiều bổ ích cho nhân sinh quan – thế giới quan của bạn đọc và mong nhận được những ý kiến đóng góp chân thành của bạn đọc. 


Nguyễn Kim Phụng - Những mảnh của cuộc đời (5)

Cái thủa ban đầu lưu luyến ấy,
ngàn năm hồ dễ đã ai quên!

Không biết có phải do ảnh hưởng của tiểu thuyết hay không mà tới khi học lớp 7 trong tôi đã bắt đầu nảy sinh tình cảm yêu đương. Trong trường cấp II Ninh Xá này tồn tại một người nữa mà tới ngày hôm nay tôi vẫn không thể nào quên được.

Dương Kiều Hoa!

   Bạn thấy cái tên nghe có kêu, nghe có „sướng tai“ không? Kiều Hoa khiến tôi liên tưởng tới một người:

Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang,
Hoa cười, ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.

Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc, lại là phần hơn!
Làn thu thủy, nét xuân sơn,
Hoa ghen đua thắm,liễu hờn kém xanh.

Một hai nghiêng nước, nghiêng thành,
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai!

Cái ác là ở chỗ đây là một nữ sinh đã học giỏi, hát hay lại còn „hơi bị đẹp!“ Ai đã từng cắp sách tới trường ở miền Bắc trước đây hẳn còn nhớ, cứ sáng thứ hai hàng tuần là có buổi „chào cờ“ ở sân trường. Thường là thầy giáo hiệu trưởng hoặc hiệu phó lên tổng kết những gì của tuần trước hay tháng trước, sau đó tới „các nhiệm vụ cùng phương hướng sắp tới“ và phần kết thúc là một học sinh gương mẫu trong trường lên „hứa quyết tâm“ hay lên hát một bài hát.

Kiều Hoa là người hay được chọn lên đây nhất và tôi còn nhớ mãi bài hát mà cô nữ sinh năm dưới này thường hát  - bài „ Em mang cơm cho mẹ em đi cày“, trong đó có đoạn „Mẹ ơi mẹ nghỉ tay, trời trưa vừa tròn bóng, mẹ ăn cơm cho nóng, mẹ để trâu cho con chăn, ...“. Bài hát vốn được sáng tác trong thời gian chiến tranh Nam – Bắc đang khốc liệt, hầu hết trai tráng miền Bắc đều đi lính (đi bộ đội) hết, ở nhà chỉ còn đàn bà, trẻ em, nên người phụ nữ phải ra đồng cày ruộng, một công việc nặng nhọc mà người đàn ông phải gánh vác, thay cho người chồng hay con trai đang ở chiến trường.

Cứ mỗi sáng thứ hai, khi xếp hàng, tôi luôn cố đứng đầu hàng, chí ít cũng thứ hai, thứ ba để nhìn ngắm Kiều Hoa cho rõ. Đâu có phải như thời hiện đại này, muốn có thông tin về người mình „thầm yêu trộm nhớ“ chỉ cần bấm vài số telefon hay qua Fây (face book) hỏi giao lưu là biết được ngay. Tôi chỉ biết mẹ của Kiều Hoa tên là Trầm và cũng (từng) làm giáo viên. Mẹ tôi nói, rằng nhà cô giáo Trầm cũng thuộc gia đình có tài sản, sau năm 54 cũng đã „hiến cho nhà nước“ cả tòa nhà để làm trường học, chỉ giữ lại có một ngôi nhà nhỏ để ở.

Ngôi nhà này trông chéo qua bên kia đường là Cửa hàng bách hóa tổng hợp thị xã Bắc Ninh, và nếu đi xuôi xuống vài chục mét nữa là đến Đồn công an Bắc Ninh. Nhà Kiều Hoa ở lại gần với nhà cô Thủy, vừa là giáo viên chủ nhiệm lớp 7B chúng tôi, vừa là giáo viên dạy môn văn. Chồng cô Thủy tên là Phú, cũng là giáo viên dạy cấp 1. Gia đình cô Thủy có hai con, một trai, một gái. Cậu con trai học dưới chúng tôi 3 lớp, còn cô em gái, tên là Giang, thì tới 4 hay 5 lớp.

Thầy Phú rất cao ráo, đẹp trai và cô Thủy cũng rất xinh, ăn nói lại rất nhẹ nhàng. Hai đứa con thầy cô học hành đều giỏi và ngoan ngõan. Đến khi tôi vào Thanh Xuân học tiếng thì Giang lên lớp 7 thì phải và lúc này cô bé trông đã rất xinh. Có điều, tôi lại coi Giang như một đứa em gái, mặc dù sau này, khi tôi đã tốt nghiệp đại học ở Tiệp Khắc về nước năm 84, thầy Phú vẫn mong là tôi sẽ „để mắt“ tới Giang.

„Dưới mặt biển phẳng lặng là một cơn sóng ngầm cuồn cuộn

Dưới vẻ bình yên, đầm ấm của một gia đình là một bị kịch cao trào!“

Năm tôi học lớp 9 ở trường cấp 3 Quế Võ, một hôm tôi được bạn bè báo tin là cô Thủy đã mất, dù lúc này cô mới độ 40 tuổi. Chúng tôi đã cùng nhau đi viếng cô và lúc đó tôi mới biết nguyên nhân cái chết của cô Thủy – Cô đã nhảy xuống giếng tự tử!? Bạn bè kể lại, rằng nhà cô Thủy chuyển chỗ ở, từ cái gian nhà bé tí tì ti (chưa đầy 20 mét vuông) ở thị xã Bắc Ninh, về nhà bố mẹ thầy Phú ở gần Đáp cầu.

Nhà có cái giếng rất sâu và nước rất trong, rất ngọt vì đây thuộc khu vực sườn đồi, đào thật sâu mới tới mạch nước ngầm. Không hiểu quan hệ vợ chồng giữa thầy Phú – cô Thủy có gì sứt mẻ trầm trọng không mà cô Thủy phải tìm tới cái chết thảm thương như vậy? Chỉ biết rằng mấy năm sau, thầy Phú „tái giá“ lấy một người phụ nữ khác, nếu đem so sánh về nhan sắc với cô Thủy thì quả là „một trời – một vực“: Người vợ thứ hai của thầy Phú, người thấp lại hơi béo nên tạo ra cảm giác „tròn trùng trục“, mặt nhiều tàn nhang hay sẹo để lại do đậu mùa?, mũi to và lúc nào cũng đỏ.

Nếu xét về nhan sắc thì đúng là „chẳng còn gì để nói“. Trong khi đó, thầy Phú, khi đó vẫn trẻ (mới quanh quẩn 40 chứ đâu có nhiều), lại cao to đẹp trai, ăn nói đâu ra đấy. Thế mới biết:

Chữ Duyên đã buộc vào ai
Cố tình lẩn tránh – phí hòai thời gian!

Có lẽ, vẻ đẹp „ẩn“ mới là cái đẹp đích thực của con người và phải trai qua các kiểm nghiệm người ta mới hiểu sâu sắc được về nó. Bản thân tôi cũng gặp và tiếp xúc với người vợ hai này của Thầy Phú vài lần và tôi cũng cảm nhận được một điều – cô là người rất tốt.

   Nếu không lầm thì Kiều Hoa có tất cả 3 anh chị nữa, chị cả là Dương Thu Hương, thời còn trẻ đi Thanh niên xung phong. Hai anh trai là Dương (Thanh?) Phong và Dương Hoài Nam. Hoa là con út trong nhà. Dương Thu Hương sau này trở thành một văn sĩ khá nổi tiếng của Việt nam với các tiểu thuyết – Bên kia bờ ảo vọng, Những thiên đường mù...

Anh Phong thì vào học khoa văn đại học tổng hợp Hà Nội. Anh Nam, có vẻ „lẹt đẹt nhất nhà“, đi làm công nhân ở nhà máy thuốc lá Bắc Sơn (sản xuất loại thuốc Sông Cầu mà những người hút thuốc lá ai mà không biết!). Lên cấp 3, Kiều Hoa được chọn đi học chuyên tóan tại trường đại học tổng hợp Hà Nội, ít khi ở nhà Chuyện yêu đương ngày xưa nó „phức tạp và khó khăn“ lắm lắm! Thứ nhất, ngay với người lớn, yêu nhau cũng còn phải lén lén lút lút, thì thà thì thụt, huống chi là lũ choai choai.

Nếu thực sự muốn tìm hiểu và tiến tới hôn nhân thì trước tiên phải „báo cáo tổ chức“ cái việc này đã. Tổ chức đây là gì? Đó là các phòng tổ chức cán bộ, ban lãnh đạo cơ quan nơi làm việc hay các chi bộ đảng, nếu không dễ bị qui chụp là „quan hệ bất chính“, dễ bị kỷ luật và đuổi việc như chơi. Với học sinh thì là kỷ luật đuổi học thẳng cổ ngay. Hồi tôi học lớp 9, một bạn học cùng lớp, tên là Huy, đã bị ban giám hiệu nhà trường đuổi học vì „trót yêu bạn học khác“.

Nghĩ đến việc này tôi lại bật cười vì nhớ một câu chuyện có thật mà „như đùa“ sau đây. Chuyện này đã xảy ra vào năm 1979, khi tôi đang học tiếng Séc ở Đại học ngoại ngữ Thanh Xuân, chuẩn bị để đi Tây. Số là có một nữ sinh, học trường đại học X ở Hà Nội, bị đưa ra ban giám hiệu của trường để xem xét kỷ luật và cho thôi học vì đã có quan hệ yêu đương bất chính. Một ông thầy dạy trong trường X này, tất nhiên ông ta là đảng viên CSVN  (chí có đảng viên mới độc ác và vô lương tâm như vậy!

Chứ các giáo viên khác, nhất là đã dạy đại học, có tầm nhìn cao hơn và tấm lòng bao dung hơn nhiều!), đã bắt „quả tang“ cô sinh viên này cùng với bạn học đang ôm ấp nhau, trong trạng thái „tay người này trong quần người kia“. Trước khi ra quyết định kỷ luật, chủ tịch hội đồng có hỏi cô nữ sinh „Em có muốn nói gì trước khi chúng tôi ra quyết định không?“.

Cô nữ sinh mếu máo „Dạ, em chỉ muốn nói một điều, rằng từ trước tới nay, em cứ tưởng cái Ấy là của em chứ không biết nó là của Đòan (thanh niên), của Đảng nên em trót dại tự ý sử dụng!

Dạ, từ nay em xin cạch luôn và mỗi khi có ý định muốn làm gì, em sẽ báo cáo và xin phép tổ chức trước ạ!!! Sự thật về „tự do“ trong cái Trang trại gia súc nó thô thiển, nó trần truồng như vậy đấy. Vậy mà mới có 14, 15 tuổi đầu, trong trái tim tôi đã lởn vởn „một bóng hồng“, tôi quả là liều mạng!

Nhà tôi hai tầng lại ở mặt phố. Trên ban công mẹ và cả tôi nữa trồng rất nhiều loại hoa. Đặc biệt nhất là hoa quỳnh và hoa nhài, loại hay dùng để ướp trà. Hai loại hoa này hợp với khí hậu nóng ẩm nên phát triển tốt lắm. Cây hoa nhài nhà tôi khi rất sum suê và cao gần tới gần 1 mét, còn cây quỳnh có những năm ra tới cả chục bông hoa một lúc.

Qua sách vở tôi cũng biết là hoa quỳnh nở vào ban đêm vào thời điểm quanh quẩn 24 giờ. Hoa nở từ từ, ta có thể „chiêm ngưỡng tận mắt“, mùi thơm nhè nhẹ cứ lan tỏa khắp phòng. Có điều Hoa đẹp và thơm nhưng lại chóng tàn! Chỉ 1-2 tiếng sau là các cánh hoa đã cụp vào và rũ xuống. Có những lần tan trường, nếu không đi Hà Nội mua hàng cho mẹ, tôi lại cố đi nhanh về nhà, rồi chạy lên ban công để „ngóng“ xem Kiều Hoa đã đi qua chưa!

Năm 1975, đúng vào lúc chúng tôi sắp tốt nghiệp lớp 7 thì Miền nam „được giải phóng“. Như những chú cừu non và ngoan ngõan được „thưởng“ một mớ cỏ tươi, chúng tôi, lũ trẻ con, cũng như người lớn, đều vui mừng khôn xiết. Chúng ta đã đánh cho Mỹ, một Siêu cường thế giới, phải „cút“, chúng ta đã đánh cho Ngụy nhào. Nước ta từ nay đã liền một giải và không còn bất cứ trở ngại nào trên con đường đưa nước ta tới Thiên đường xã hội chủ nghĩa, nơi mọi người „làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu!“ Cái không khí tưng bừng phấn khởi, cái niềm „tự hào“ của người dân Việt Nam, như của David khi chiến thắng người khổng lồ Goliáš, tràn ngập trong từng người.

Vào dịp quốc khánh 2.9 năm 75 ấy có một chuyện khá động trời xảy ra ở cái thị xã Bắc Ninh êm đềm này, đó là chuyện đức cha giám mục của Tòa thánh xứ Bắc Ninh bị công an bắt. Thấy mọi người kể là mấy xe comăngca của công an chạy tới nhà thời Bắc ninh từ sáng sớm và còng tay ngài giám mục đưa đi. Nguyên nhân „nhìn thấy“ chính là việc Cha giám mục đã chỉ thị cho con chiên dùng đó, lờ, nơm (những thứ dùng để bắt tôm,cá, cua...) làm các vật trang trí cho chiếc cổng chào, cổng chính vào nhà thờ, nhân dịp quốc khánh. Mọi người bàn ra tán vào, cho đó là sự „nhục mạ quốc thể“, là bôi bác chế độ, là phản động nên công an mới bắt. Lũ chúng tôi đã làm sao có „trình“ để mà xen vào chuyện chính trị, chính em khi đó. Chỉ biết nghe và gật đầu mà thôi.

Rồi hai năm học lớp 6 lớp 7 cứ thế êm đềm trôi qua. Kết thúc lớp 7, tôi được lên thẳng lớp 8, không cần thi chuyển cấp vì cả 3 năm học cấp 2, điểm trung bình các môn đều trên 8 phẩy, trừ môn văn được 7,5 thì phải.

Vào một ngày cuối tháng 8 năm 75, chúng tôi được tập trung lại ở trường cấp 2 Ninh Xá để nghe ông hiệu phó trường cấp 3 Hàn Thuyên - Bắc Ninh, thầy Quí, huấn thị về việc thi tuyển sinh vào cấp 3 và công bố danh sách học sinh được nhận thẳng vào lớp 8. Chúng tôi ngồi bệt dưới đất theo hàng lối để nghe. Mấy đứa bạn ngồi phía sau cứ lấy sỏi, cát ném vào người tôi. Nói mãi không được, tôi đứng dậy quay lại phía sau và nói lớn tiếng „chúng mày thôi đi“.

Thật không may, thầy Quí nhìn và nghe thấy thế và tuyên bố luôn là tôi là đứa học sinh „vô kỷ luật“, trong giờ phút „nghiêm chỉnh, trọng đại như vậy mà vẫn đù nghịc, gây mất trật tự. Tôi trình bày luôn, rằng đó là tại mấy bạn ngồi đằng sau cứ ném sỏi, cát vào người tôi chứ „em có làm gì trêu các bạn đâu“. Thay vì nhắc nhở những bạn kia, ông Quí tuyên bố „đuổi học tôi“ luôn, dưới hình thức „Trường cấp 3 Hàn Thuyên không nhận loại học sinh vô kỷ luật như tôi“.

Đấy – ngay trong nhà trường đã có sự „mất dân chủ như vậy“, thử hỏi ngòai xã hội còn khiếp đến thế nào. Ngày hôm sau, tôi tự nguyện viết đơn xin chuyển trường và đưa lên thầy Quí. Không ngần ngừ, ông thầy này đã cầm bút ký ngay vào đơn. Lúc đầu, tôi cứ nghĩ là ông thầy này đã „nghĩ lại“ về quyết định hôm qua của mình là có hơi quá đáng nên đã ký nhưng đến sau này tôi mới hiểu lý do. Vào năm 1975 đó, trong tỉnh Hà Bắc có ban hành quyết định không cho học sinh chuyển trường khi thi hết cấp 2, ngoại trừ những lý do đặc biệt.

Việc tôi „tự ý“ xin chuyển trường chẳng khác nào tôi „tình nguyện bỏ học!“ và ông Thầy Quí – quí hóa này, đã giúp tôi thực hiện ý định bỏ học mà không bị áy náy dằn vò gì trong lương tâm. Tất nhiên mỗi người có một số phận của mình. Bố tôi khi đó có quen biết một số người trên sở giáo dục tỉnh Hà Bắc và vì thế đến phút chót họ đã ký quyết định cho tôi chuyển trường – về học tại Trường cấp 3 Quế Võ, nơi bố tôi đang công tác ở cơ quan thực phẩm của huyện này.

Kỹ sư Nguyễn Kim Phụng - gửi đăng
© Vietinfo.eu

>> Bình Luận tại bài 1: Những mảnh của cuộc đời (1)

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo