Góc Bạn Đọc

Học được gì sau vụ tai nạn thương tâm Lhota?

Cập nhật lúc 05-08-2018 16:49:24 (GMT+1)
Buổi tưởng niệm 2 cháu do người Séc tổ chức ngày 5/8/2018 với gần 200 người tham gia cạnh Hồ bơi Lhota. Ảnh eXtra.cz

 

Ngô Thúy Vân - Ý nghĩ đầu tiên đến với tôi, khi biết về việc hai em nhỏ người Việt bị chết đuối ở hồ Lhota, là tìm cách để hai bà mẹ và gia đình của hai em được hỗ trợ tâm lý. Bẵng đi một vài hôm, có thêm thông tin chi tiết về vụ việc, tôi không còn nghĩ thêm được gì nữa và tự hỏi mình, đó là sự thật? Sự thật là tôi sống trên một đất nước, nơi mà những người đi cầu cứu sự giúp đỡ bị từ chối vì yếu tố màu da và chủng tộc hay gốc gác? 


Đến tận lúc viết những dòng này tôi vẫn thầm hi vọng là cơ quan điều tra sẽ cho tôi một câu trả lời lạc quan hơn…

Vụ việc nói gì với tôi?

Tôi có dịp quan sát phản ứng của người Việt về vụ việc này và nhận thấy có hai luồng ý kiến chính. Một nhóm cho rằng ngoài việc thương cảm với gia đình của hai em thì cần mạnh dạn nhắc nhở sự vô trách nhiệm của hai bà mẹ. Luồng ý kiến thứ hai cho rằng điểm nhấn của vụ việc là sự lơ là, vô trách nhiệm của ban quản lý hồ bơi. Một sự lơ là mang tính phân biệt chủng tộc.

Trước khi đi đến phản ứng của mình đối với hai bà mẹ và vụ việc, tôi sẽ thử đặt mình vào địa vị của họ, xem họ đang phải trải qua những gì.

Tưởng tượng hai em nhỏ đó là em trai tôi và nghĩ đến phản ứng của mẹ, tôi thực sự thấy nhói đau tận trong tim và không dám nghĩ đến nữa. Đây là một sự kiện có thể thay đổi cuộc sống của gia đình hai em đến cuối đời. Có lẽ sự cố gắng của tôi cũng khó giúp tôi hình dung ra được những xáo trộn và nỗi đau mà hai người mẹ đó đang phải đối mặt.

Dầu không phải chuyên gia tâm lý, tôi vẫn tin rằng, một con người khỏe mạnh và được phát triển đầy đủ về mặt trí tuệ và tâm hồn, phải có cảm giác tội lỗi khi mình làm sai một điều gì đó. Cảm giác tội lỗi này chúng ta cảm nhận theo nhiều mức độ và chiều kích khác nhau, tùy vào sức nghiêm trọng và bối cảnh của sự việc.

Hai bà mẹ của hai em nhỏ bị tai nạn ở hồ bơi đã và đang trải qua những khoảnh khắc mà không phải ai cũng phải và nên trải qua. Ngay sau khi biết con bị lạc, họ lập tức đi tìm và sự tuyệt vọng của họ lớn tới nỗi, mặc dầu không biết bơi, một bà mẹ vẫn lao xuống hồ nước để cứu con. Nếu không có cảm giác là họ đã làm sai điều gì đó, họ sẽ không tìm cách sửa sai. Sai là đã lơ là con trong giây lát và để chúng lạc khỏi tầm kiểm soát. Họ sửa lỗi sai bằng cách đi tìm con và tìm sự trợ giúp, đồng thời gào thét trong tuyệt vọng.

Cảm giác tội lỗi có thể diễn ra bên trong, đối với chính chúng ta hoặc đối với người thứ hai, người mà chúng ta gây ra lỗi. Trong trường hợp của hai bà mẹ Việt, tôi tin là ngoài cảm giác tội lỗi vì đã không làm tròn trách nhiệm của một bà mẹ trong giây phút quan trọng đó, họ còn có cảm giác tội lỗi với hai đứa con đã mất và với gia đình họ nữa. Khi có thêm phản ứng từ cộng đồng, như lên án, kết tội hay „những lời tố cáo nhẹ“, cảm giác đó sẽ càng tăng lên.

Xét về khía cạnh con người, cảm giác tội lỗi là một cảm giác phải có, vì vậy hai bà mẹ chắc chắn đã và đang trải qua những cảm giác này và cảm giác đó không hề dễ chịu, cộng với việc truyền thông và xã hội đang bình luận về họ mỗi ngày, tôi cho rằng việc nhấn mạnh về tội lỗi của họ trong vụ việc này là không cần thiết, ít nhất là xét về thời điểm. Ngoài ra, nó còn có thể gây phản tác dụng, vì cảm giác mà hai bà mẹ đã và đang trải qua là một nỗi đau mà người ngoài không hình dung nổi, vì vậy, những “lời răn đe” của chúng ta chỉ làm cho họ thêm tuyệt vọng và tình hình có thể xấu đi, vì hậu quả do cảm giác tội lỗi một cách quá mức gây ra khó mà phán đoán được. Chúng ta có thể an ủi, nhưng không có quyền làm cho cuộc sống cuả gia đình nạn nhân thêm xấu đi. Hãy tôn trọng sự riêng tư của họ.

Luồng ý kiến thứ hai liên quan đến phản ứng của ban quản lý hồ bơi và sự chậm trễ của họ vì lý do sắc tộc.

Nếu những thông tin mà tôi đọc và nghe được đến thời điểm hiện tại là chính xác thì điều đó thực rất kinh khủng. Chúng ta thực sự đang sống trong địa ngục do chính chúng ta tạo ra. Tại sao trong xã hội phương Tây của thế kỷ 21, nơi đời sống kinh tế, khoa học, kỹ thuật và giáo dục đã đạt những thành tựu nhất định, lại có thể xảy ra một chuyện như trong phim? Tôi cố thử hình dung ra tình hình lúc đó, tôi-với tư cách là người quản lý hồ bơi, người được hai bà mẹ chạy đến thông báo tình hình và van xin sự giúp đỡ. Tôi nhìn thấy vẻ mặt lo lắng, hoảng loạn của họ và tôi lờ đi. Không những vậy, tôi còn tỏ ý miệt thị họ vì họ là người Việt? Tôi thực sự không thể hiểu được, trong lúc đó, điều gì đã nảy ra trong đầu những người quản lý hồ bơi và lúc đó tâm lý họ diễn biến ra sao. Có thể là họ cũng chỉ lơ là và đánh giá nhẹ tình hình? Không phải! Cũng có những khách hàng khác tới nhắc họ và cũng hoảng loạn không kém hai bà mẹ mà... Điều gì đã diễn ra bên trong họ lúc đó? Tôi không biết.

Tôi tin là những người quản lý hồ bơi cũng đang trải qua những ngày bất ổn nhất và tin là họ đang trải qua cảm giác tội lỗi vì đã không kịp thời giúp đỡ hai gia đình và còn có thái độ khiếm nhã với mẹ của hai nạn nhân. Tôi rất tin, vì vậy tôi không muốn đánh giá nhiều về trách nhiệm của họ nữa. Hãy đợi thêm thông tin của cảnh sát.

 Buổi lễ tưởng niệm do những người Séc đứng ra tổ chức 5/8/2018. Foto:  Adam Bejšovec |ČRo

Tôi thấy gì sau vụ việc này?

Tôi tự cảm thấy mình may mắn vì xung quanh tôi lúc nào cũng có những người bạn luôn cố gắng thấu hiểu và bênh vực tôi, khi tôi bị bắt nạt. Tự bản thân tôi cũng là một người ngoại trong mắt người Séc như những người Việt khác, nhưng tôi tự nhủ, mình đã cố gắng hội nhập nhiều, nên mình vẫn ít bị kỳ thị hơn những đồng hương khác.

Những tình huống kỳ thị mà tôi rơi vào, thường thì là va chạm với người Séc. Tôi chưa bao giờ bị kỳ thị bởi người Rom, nhóm người là một phần của xã hội Séc. Nhưng hổ thẹn thay, ở Séc, họ bị kỳ thị nhiều hơn so với các nước khác trong Liên minh Âu châu. 

Trong công việc và những lúc thông dịch, tôi thường nghe các phụ huynh nói, „giúp anh chị chuyển trường cho con, vì ở đó có nhiều “Mọi”đi học lắm“. „Giúp anh chị nói với thầy giáo, cho con chị chuyển chỗ ngỗi, vì không muốn ngồi cạnh “Mọi”. Các phụ huynh cũng thường nhắc con, chơi thì phải chọn bạn mà chơi, chơi với tụi “Mọi” kiểu gì mà chẳng hư. Tôi lấy những ví dụ này hoàn toàn không có ý biện minh cho những việc làm sai trái hay thiếu văn hóa của người Rom. Những ví dụ này cho chúng ta thấy, người Việt đã và đang kỳ thị những nhóm người khác cùng chung sống trong một nước. Chúng ta xem họ là công dân hạng hai. Ngay cả việc gọi tên, chúng ta cũng gọi họ là một giống người “mọi rợ”, không đáng để xem trọng.

Rời xa vụ việc hai em nhỏ chết đuối và quay lại với năm 2015, khi khủng hoảng nhập cư ở châu Âu  dâng cao. Có một bài báo trên tờ Reflex với nội dung tán thưởng người Việt và xem những người nhập cư, tị nạn từ Trung Đông là mối đe dọa cho châu Âu. Các trang chống Hồi giáo, chống người Hồi giáo chia sẻ bài này với một tốc độ chóng mặt. Tiếp sau đó, nhiều chính trị gia của Séc cũng có những phát biểu tương tự. Họ xem người Việt là sự chống đỡ trước làn sóng tị nạn ồ ạt từ Trung Đông. Nhiều người Việt tỏ ý vui mừng vì được khen là những người chăm chỉ, chịu khó làm ăn và còn là “bình chắn” cho người Séc.

Hi vọng là bạn đang nhìn thấy điều mà tôi thấy qua hai ví dụ trên: chúng ta bị kỳ thị và chúng ta kỳ thị lại một nhóm người khác. Chúng ta vui mừng vì mình được đặt lên cán cân với một sắc tộc khác và sắc tộc chúng ta trội hơn qua lời khen của người bản xứ. Thực ra, chúng ta đang là nạn nhân và cũng là những nhóm người bị đánh giá theo tiêu chuẩn của một nhóm người khác mà thôi. Điều mà tôi đang nói đến ngoài sắc màu phân biệt chủng tộc, còn mang một sắc màu có tên „Privilegium bílých“ (ưu tiên cho người da trắng). Trong trường hợp của người Việt, nó mang tên „Privilegium žlutých“ (ưu tiên cho người da vàng). Điều này có nghĩa là, bề ngoài thì chúng ta tỏ ra hòa đồng với mọi người và biết rằng, trước luật pháp, tất cả mọi người đều bình đẳng, không phân biệt màu da, tôn giáo, sắc tộc. Bên trong, chúng ta tự cài đặt một chức năng đánh giá con người và chức năng này phải có trách nhiệm ưu tiên cho sắc tộc của chúng ta. Dù người Việt có phạm lỗi gì đi nữa thì nó cũng không nặng và không kinh khủng bằng lỗi của một nhóm người nào đó. Nhiều khi, chúng ta không ý thức được điều này.

Tôi muốn nói với các bạn rằng, thứ nhất, trước khi là một người Việt, người Thái Lan hay người Séc thì chúng ta là CON NGƯỜI. Khi có ai đó đến kêu cầu sự giúp đỡ vì họ đang tuyệt vọng, hãy nhìn vào hoàn cảnh của họ, của chúng ta với tư cách là con người. Hãy nhớ, người đang đứng trước mặt chúng ta cũng có da, có thịt, có máu đỏ và biết đau như ta vậy.

Thứ hai, sự giúp đỡ mà chúng ta cần trong lúc khẩn cấp, nên và phải được đáp ứng. Đây không chỉ là sự tử tế mà chúng ta nên đối với nhau, nhưng nó còn là qui luật để giống người chúng ta tồn tại. Thiết nghĩ, thú rừng nó sống hoang sống dại, nhưng lúc cần phải sinh tồn, chúng không phân biệt mày là hổ Việt hay hổ Thái Lan.

Thứ ba, chúng ta hãy tự biết trân quí chính mình, trân quí người xung quanh, trân quí người cùng sắc tộc và trân quí sắc tộc bạn mà không đợi tới lời phán xét của sắc tộc thứ ba, xem chúng ta đứng ở đâu trong mắt họ. Việc nhận xét ai đó hay một sắc tộc nào đó là quyền của mỗi người, nhưng chúng ta sẽ đánh mất mình, không biết quyền của mình ở đâu, nên làm gì nếu chỉ dựa vào đánh giá đó. Mình không tự nhận ra giá trị của mình thì ai sẽ nhận ra? Quyền của mình bị xâm hại, ai sẽ lên tiếng thay?

Điều cuối cùng, những gì mà gia đình hai em và chúng ta đang trải qua thực sự rất kinh khủng. Điều mà chúng ta gọi là phân biệt chủng tộc ở vụ án Lhota, đối với tôi, là một sự man rợ mà tôi chưa từng nghĩ, là chúng ta dùng nó để đối xử với nhau. Xét lại mình, người Việt cũng đang đối xử tệ không kém với một số nhóm người khác. Chúng ta hãy biết lên án cái sai, cái xấu không chỉ đối với mình, nhưng đối với xã hội và hãy tránh xa nó. Chúng ta lên án sự kỳ thị của người Séc với ta rồi lại quay ra kỳ thị một nhóm người khác thì nó có ích gì và có gì khác đâu? Sự xem nhẹ điều sai trái vì cho rằng ai cũng làm, rồi im lặng chỉ khiến tình hình thêm tồi tệ. Tôi tin là chúng ta không muốn sống trong một xã hội chỉ có nhỏ nhen và thù hằn, vì vậy hãy dừng xét đoán và kỳ thị nhau. Người Việt chúng ta hãy biết thấu hiểu cho nỗi đau của người xung quanh hơn và dừng gọi người Rom là „Mọi“, ngừng dạy cho con cái tránh xa và phân biệt người Rom. Hãy đối xử với người xung quanh bằng cách mà ta muốn họ đối xử với ta. Bằng cách này, chúng ta mới thoát khỏi được cái vòng luẩn quẩn bất hạnh mà chúng ta đang mắc kẹt trong đó.

Qua đây, xin mạn phép nhắn với gia đình nạn nhân rằng, tôi đồng cảm với những gì mà họ đang trải qua và bất cứ một lời bình luận nào cũng là một sự phiền phức với họ, nhưng việc liên quan đến gia đình diễn ra trong không gian bán công cộng và sự nghiêm trọng của nó phần nào trở nên đề tài của cả xã hội. Mình là một phần của xã hội đó, vì vậy, lời ra tiếng vào là khó tránh khỏi và cầu mong gia đình vượt qua được ải này. Đồng thời, xin cám ơn gia đình nạn nhân đã cho phép những người xung quanh được thảo luận để học hỏi từ sự việc.

Praha, 5.8.2018
Ngô Thúy Vân
© Vietinfo.eu
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

  • #8 Nông Văn Dền: Nguời Tiệp không phân biệt màu da

    10-08-2018 10:16

    Nguời Tiệp không phân biệt màu da,chủng tộc như nhiều nguời Việt ta khẳng định.Thử hỏi nguời Mỹ,người Anh,người Pháp..... da đen sống và làm việc ở đây xem họ có bị người Tiệp khinh bỉ như người Việt nam anh hùng chúng ta không??.,
  • #7 Ký danh: Khâm phục tác giả

    10-08-2018 00:25

    Cảm ơn tác giả. Bài viết rất sâu sắc và chuẩn. Tiếng Séc của tác giả chuẩn gấp nhiều lần tiếng Việt mà. Khâm phục
  • #6 Ký danh: Vô trách nhiệm

    09-08-2018 10:53

    Tiên trách kỷ hậu trách nhân... 2 đứa trẻ vô tội vì sự thiếu quan tâm của 2 nguời mẹ... đi cùng con để check in fb tự suớng đến khi sự việc đáng tiếc sẩy ra thì đổ cho hồ bơi... haizzzz
  • #5 Tran Quang: Tôi không nghĩ người Séc phân biệt chủng tộc

    07-08-2018 07:43

    Những gì tác giả viết ra không sai, nhưng chúng ta có thể thấy rõ, rằng CH Séc là nơi người Việt có điều kiện sinh sống tốt nhất thế giới, nơi người Việt được công nhận là dân tộc thiểu số tại đây. Tuy vậy chúng la chỉ có quan tâm duy nhất là làm kinh tế, hưởng thụ phúc lợi đem lại bởi đất nước, xã hội này. Vụ việc xảy ra không mang t̉ính chất phân biệt chủng tộc, chỉ do sự thiếu suy nghĩ của tất cả các cá nhân liên quan, khi không ai cho rằng phải báo ngay cho cảnh sát, mặc dù điện thoại thì ai cũng có. Ngoài ra đây cũng là bài học cho tất cả những ai lười học tiếng Séc.
  • #4 Ngọc yến:

    06-08-2018 10:49

    Đừng kêu gọi lên án ai hay cái gì.
  • #3 Praha: Cheb

    05-08-2018 20:40

    Cảm ơn tác giả, presne tak !
  • #2 Ăn Mày: Hảy nhớ...

    05-08-2018 18:29

    Khi chúng ta là người châu Á tóc đen mủi tẹt ra vàng khi sống ở các nước khác màu ra thì không khỏi sự kỳ thị ở mọi lúc mọi nơi chỉ là họ thể hiện rỏ ra hay chỉ bằng ánh mắt... bởi vậy chúng ta hãy sống khiêm tốn đừng khệnh khạng ta đây giàu có hơ người, hay ồn ào nơi công cộng. Khi gặp những bẩ chắc nhờ ngưòi bên cạnh không được họ giúp đở thì hãy gọi ngay cho canh sat... để họ biết càng sớm càng tốt ắt dược trợ giúp kịp thòi.
  • #1 Ký danh: Cám ơn bạn

    05-08-2018 16:59

    Cảm ơn tác giả đã viết những dòng từ tâm của mình.
Quy định bình luận
Vietinfo tạo điều kiện cho bạn đọc bày tỏ chính kiến, song không chịu trách nhiệm cho quan điểm bạn đọc nêu trong bình luận của bạn đọc. Quan điểm bạn đọc không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của Vietinfo.eu. Khi bình luận tại đây, hãy:
- lịch sự, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau,
- bày tỏ quan điểm tập trung vào chủ đề bài viết,
- không dùng các từ ngữ thô tục, bậy bạ,
- không xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân hay một số cá nhân,
- không tỏ thái độ phân biệt trên bất cứ phương diện nào (dân tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp…).
Mọi nội dung không phù hợp với các tôn chỉ trên có thể bị sửa hoặc xóa.
Cách gõ tiếng Việt
Dấu mũ Â, Ê, Ô – gõ 2 lần: AA, EE, OO
Dấu móc Ă, Ơ, Ư – thêm phím W: AW, OW, UW
Dấu huyền – thêm phím F
Dấu sắc – thêm phím S
Dấu hỏi – thêm phím R
Dấu ngã – thêm phím X
Dấu nặng – thêm phím J
Xóa dấu – thêm phím Z

Ví dụ:
Casch gox tieesng Vieejt.
Cách gõ tiếng Việt.
Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo