Góc Bạn Đọc

Chủ nghĩa Dân tộc - Con dao hai lưỡi

Cập nhật lúc 21-05-2019 12:09:30 (GMT+1)
Ảnh minh họa

 

Những ngày gần đây, người Việt tại Séc bàn tán nhiều đến cuộc bầu cử vào Nghị viện châu Âu, nhờ có một người Séc gốc Việt tham gia ứng cử, đó là Kỹ sư Trần Văn Sang, một gương mặt quen thuộc của cộng đồng người Việt tại Séc.


 Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ Kỹ sư Trần Văn Sang nói riêng, cũng như bất cứ người Việt tại các quốc gia mình đang sống, tự do tham gia vào tranh cử trong các cuộc bầu cử chính trị của các đảng phái là một việc làm đáng hoan nghênh (rất tiếc là tại chính Việt Nam điều đó lại chưa thể thực hiện được). Tuy nhiên với nội dung tấm áp phích tranh cử của Kỹ sư Trần Văn Sang, vô tình hoặc cố ý lại thổi bùng lên tinh thần Chủ Nghĩa Dân Tộc trong cộng đồng người Việt tại Séc. Nhân việc này tôi mạn phép được bàn sơ qua về Chủ Nghĩa Dân Tộc (xin được viết tắt là CNDT).

Chủ nghĩa Dân tộc, theo nghĩa nguyên thủy của nó, là sự gắn bó, về mặt tâm lý, của người dân với một quốc gia cụ thể, dựa trên một lịch sử chung, ngôn ngữ chung, văn học chung, văn hóa chung, và một ước nguyện chung là giành được hoặc duy trì được độc lập chính trị. Hiện nay phần lớn các quốc gia trên thế giới tồn tại dựa trên Chủ Nghĩa Dân Tộc ( CNDT), ngoại trừ các quốc gia đa chủng tộc như Mỹ, Canada, Úc....  CNDT đã giúp các quốc gia được độc lập và thoát khỏi sự cai trị của các dân tộc khác, nó tạo ra tính liên kết của người dân trong quốc gia đó và đó chính là mặt tốt của CNDT. Rất buồn, đã có nhiều chính trị gia lợi dụng CNDT để phục vụ cho các mục đích chính trị của họ và đỉnh điểm là hai cuộc đại chiến thế giới ở thế kỷ 20, khởi nguồn cũng do CNDT tạo ra.

Sau cuộc Đại chiến thế giới lần thứ II, CNDT ít được nhắc tới ở các quốc gia phát triển nhưng lại được các quốc gia thuộc địa, sử dụng để giành độc lập khỏi các đế quốc. Việt Nam là một trong các nước thoát khỏi chế độ cai trị của người Pháp và thống nhất đất nước là nhờ CNDT, Chủ Nghĩa Yêu Nước chứ không phải là nhờ vào Chủ Nghĩa Cộng Sản. CNDT và Chủ Nghĩa Yêu Nước (CNYN) nếu xét về tính hình thức thì nó giống nhau như hai người anh em sinh đôi, thế nhưng nếu xét về tính cách thì nó lại khác nhau và dễ dẫn tới sự lầm tưởng. Trong khi CNDT dễ bị biến tướng thành Chủ Nghĩa Phát Xít, Chủ Nghĩa Dân Tộc Cực Đoan tạo ra các cuộc thảm sát chủng tộc hay khủng bố, vì tính tư duy hạn hẹp, mù quáng con người trong một khuôn khổ, thay vì để họ hòa vào các giá trị công lý và nhân văn của toàn thể nhân loại. Còn CNYN vẫn giữ gìn được ngôn ngữ, bản sắc văn hoá riêng của từng dân tộc, mà lại vẫn đưa con người đi đến sự hoà hợp, thịnh vượng, đoàn kết tất cả các dân tộc khác, để hình thành ra một quốc gia hay đa quốc gia như khối Schengen hay Liên Minh Châu Âu EU.

Tháng 11/2018, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi phát biểu ở Paris trong lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế Chiến I đã lưu ý rằng: “Chủ nghĩa dân tộc là sự phản bội lại chủ nghĩa yêu nước”. Tổng thống Pháp hàm ý nhắc đến phong trào Chủ Nghĩa Dân Tộc Dân Tuý, được các đảng phái chính trị trên thế giới đang sử dụng để làm chiêu bài cho các cuộc tranh cử, như Tổng thống Mỹ đã làm, hay để giữ sự độc quyền lãnh đạo như ở Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên. Những chính trị gia theo CNDT Dân Tuý hứa hẹn bảo vệ họ khỏi sự cạnh tranh của lao động nhập cư, đồng thời trả lại danh dự cũng như vị trí trung tâm cho họ trong lịch sử văn hóa dân tộc, đưa dân tộc lên một tầm cao mới, rực rỡ hơn, mà chưa bao giờ có trong lịch sử dân tộc,... tất cả các lời hứa hẹn đó đã giúp các chính trị gia giữ được quyền lực chính trị. Rất tiếc là Chủ Nghĩa Dân Tộc Dân Tuý cũng được nhiều các chính trị gia Séc sử dụng khá thành công trong các kỳ bầu cử gần đây. Đó là Thủ tướng đương nhiệm Andrej Babiš người Slovakia, hay thượng nghị sĩ Séc gốc Nhật Tomio Okamura, những người có nguồn gốc nước ngoài nhưng lại theo CNDT Dân Tuý và tư tưởng bài ngoại. Trong một xã hội phẳng như hiện nay, CNDT dân tuý hay cực đoan là không phù hợp. Mà đó phải là một thứ Chủ Nghĩa dung hợp được tất cả các dân tộc, đảm bảo quyền lợi cho cả những người đa số lẫn các dân tộc thiểu số. Cộng đồng người Việt tại Séc càng không nên ủng hộ CNDT, chúng ta đang sống trong một đất nước Séc, một đất nước thuộc Châu Âu, chứ không phải là một đất nước đa chủng tộc, đa văn hoá như Mỹ, Canada,... , CNDT chỉ khiến cho người Séc nói riêng và châu Âu nói chung thấy dân tộc đó khác biệt với họ. Dân tộc Do Thái tại Châu Âu từng bị thù ghét hoặc bị tàn sát có khá nhiều luận thuyết để các dân tộc khác đối xử với họ như vậy (Thuyết Chủng tộc, Thuyết Kinh tế, Thuyết Người ngoại lai, Thuyết "Con Dê Gánh Tội", Thuyết Giết Chúa, Thuyết Dân tộc được chọn lựa,...), tựu chung trong đó đều có bóng dáng của CNDT. Chính CNDT của các quốc gia có người Do Thái sinh sống đã tàn sát hoặc kỳ thị người Do Thái, mà điển hình là Chủ Nghĩa Phát Xít, một thứ quái thai có mầm mống từ CNDT. Cũng chính nhờ những mặt mạnh, mặt tốt của CNDT mà dân tộc Do Thái vẫn giữ được bản chất của dân tộc mình và nhờ đó phục quốc, sau hơn 1700 năm không có quốc gia.

 Còn người Việt đã có quốc gia của mình, nếu ai tôn thờ, ủng hộ CNDT, thì việc làm đó ở đây là không phù hợp hoặc có thể bị phản tác dụng. Ngược lại, Chủ Nghĩa Yêu Nước là hoàn toàn đáng hoan nghênh, như trên đã nói là chúng ta phải biết phân biệt đâu là Chủ Nghĩa Yêu Nước và đâu là CNDT. Đó không chỉ là trong chính trị, mà ngay cả trong kinh tế cũng vậy. Mục đích bán hàng của phần đông người Việt tại Séc là phục vụ cho người dân bản xứ , người Séc cơ mà phải không các bạn? Với một kiến thức ít ỏi và sự khác biệt do ngôn ngữ cá nhân tôi mạn phép cho rằng: Việc dùng chiêu bài CNDT tại Séc là sai lầm nghiêm trọng. Nó có thể là cái cớ để các doanh nghiệp bản xứ phát động một phong trào theo kiểu “Người Séc mua hàng của người Séc”.

NGƯỜI VIỆT TẠI SÉC CÓ NÊN DÙNG CNDT ĐỂ TRANH CỬ HAY KHÔNG? Nếu ai hỏi tôi câu đó, tôi sẽ trả lời là: KHÔNG! Cộng đồng người Việt tại Séc chỉ hình thành tại Séc từ sau khi chính quyền Cộng Sản Tiệp Khắc sụp đổ, còn trước đó người Việt đi lao động và học tập hết thời hạn là phải về nước. Hiện nay mặc dù cộng đồng người Việt có khoảng hơn 60 000 người nhưng có rất ít là đã nhập quốc tịch Séc, để có quyền bầu cử và ứng cử. Trong những năm gần đây khá nhiều người Séc gốc Việt tham gia vào các cuộc tranh cử vào chính trường Séc cũng như Châu Âu nhưng đều không có kết quả, ngoại trừ ông Phạm Hữu Uyển, được chính phủ Séc chỉ định là thành viên Hội đồng các dân tộc thiểu số trực thuộc Chính phủ Séc. Thế nhưng tất cả đều không làm dư luận cộng đồng người Việt tại Séc quan tâm bằng cuộc bầu cử của Kỹ sư Trần Văn Sang.

Với nội dung nổi bật trong tấm áp phích, được quảng bá ở nhiều cửa hàng của người Việt tại Séc với câu hỏi: “ první vietnamský europoslanec?!” (tạm dịch : Nghị sĩ Châu Âu gốc Việt đầu tiên?!) vô tình hay hữu ý đã thổi bùng CNDT trong cộng đồng người Việt tại Séc. Một phong trào kêu gọi, trợ giúp cho cuộc bầu cử của Kỹ sư Trần Văn Sang đã được người Việt tại Séc hưởng ứng nhiệt tình, ngay cả những lời kêu gọi cộng đồng người Việt tại Séc bán hạ giá cho những ai bầu cho Kỹ sư Trần Văn Sang, một việc làm bị coi là vi phạm luật pháp Séc. Những cuộc ném đá, chỉ trích những tư tưởng không ủng hộ Kỹ sư Trần Văn Sang được rất nhiều thành viên trong một diễn đàn có đông đảo người Việt tại Séc, đó là diễn đàn Hiệp Hội POTRAVINY. Ngay cả những cá nhân, tổ chức im lặng không thể hiện ủng hộ cho Kỹ sư Trần Văn Sang, cũng bị chỉ trích. Đó chính là sự cực đoan của CNDT! Nếu cuộc bầu cử này chỉ dành cho cộng đồng người Việt tại Séc thì tôi chắc chắn Kỹ sư Trần Văn Sang sẽ trúng cử, mặc dù không được 99,79% thì cũng phải được trên 60%. Thế nhưng rất tiếc là cuộc bầu cử này lại chỉ dành cho người Séc, và với nội dung như tấm áp phích đã thể hiện thì người Séc có bầu cho Kỹ sư Trần Văn Sang hay không thì chúng ta phải đợi vào kết quả bầu cử xảy ra vào vài ngày tới. Cá nhân tôi cho rằng: Trước hết thì cuộc bầu cử Nghị sĩ Châu Âu là tìm ra những người đại diện cho nước Séc tại EU, chứ không phải tìm người Việt đại diện trong EU, cho nên nội dung chính của tấm áp phích là không phù hợp với tiêu chí của những cử tri bỏ phiếu. Thứ hai muốn có khả năng thắng cử trong cuộc bầu cử này phải nêu ra được khả năng nổi trội của mình trong việc hoà hợp dân tộc, tính dung nạp của các quốc gia trong khối EU, thu hẹp sự cách biệt giữa các dân tộc trong EU và với kinh nghiệm của một người gốc Việt đã từng giúp cộng đồng hoà nhập vào xã hội Séc, là một trong các thế mạnh của Kỹ sư Trần Văn Sang. Đó cũng chính là một mục đích mà EU và Séc đang theo đuổi.

Cho nên, mặc dù tôi biết khi viết ra những dòng này sẽ nhận được khá nhiều gạch đá của những người theo CNDT cực đoan, đó là: KHẢ NĂNG THẮNG CỬ CỦA KỸ SƯ TRẦN VĂN SANG CỰC KỲ NHỎ BÉ! Hy vọng đó là nhận định sai, thế nhưng nếu điều đó là sự thật thì dù sao cũng chúc mừng Kỹ sư Nguyễn Văn Sang đã thành công trong việc tạo dấu ấn trong cộng đồng người Việt tại Séc, cũng như trong dư luận Séc thời gian vừa qua Mong rằng Kỹ sư Trần Văn Sang, cùng các ứng cử viên người Séc gốc Việt khác vẫn giữ được lòng nhiệt huyết tham gia vào chính trường Séc và tôi tin sẽ có lúc thành công. “Thành công bao gồm việc đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không đánh mất lòng nhiệt huyết. - Success consists of going from failure to failure without loss of enthusiasm.” (Winston Churchill )

Hoàng Hùng. Gửii Vietinfo.eu

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

  • #2 Bầu cử: Bầu cử

    22-05-2019 12:07

    Lập luận lộn xộn không logic.
  • #1 Ký danh: ký danh

    21-05-2019 16:17

    một bài đáng để đọc
Quy định bình luận
Vietinfo tạo điều kiện cho bạn đọc bày tỏ chính kiến, song không chịu trách nhiệm cho quan điểm bạn đọc nêu trong bình luận của bạn đọc. Quan điểm bạn đọc không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của Vietinfo.eu. Khi bình luận tại đây, hãy:
- lịch sự, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau,
- bày tỏ quan điểm tập trung vào chủ đề bài viết,
- không dùng các từ ngữ thô tục, bậy bạ,
- không xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân hay một số cá nhân,
- không tỏ thái độ phân biệt trên bất cứ phương diện nào (dân tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp…).
Mọi nội dung không phù hợp với các tôn chỉ trên có thể bị sửa hoặc xóa.
Cách gõ tiếng Việt
Dấu mũ Â, Ê, Ô – gõ 2 lần: AA, EE, OO
Dấu móc Ă, Ơ, Ư – thêm phím W: AW, OW, UW
Dấu huyền – thêm phím F
Dấu sắc – thêm phím S
Dấu hỏi – thêm phím R
Dấu ngã – thêm phím X
Dấu nặng – thêm phím J
Xóa dấu – thêm phím Z

Ví dụ:
Casch gox tieesng Vieejt.
Cách gõ tiếng Việt.
Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo