Góc Bạn Đọc

Biểu tình - Một nét văn hoá Pháp?

Cập nhật lúc 04-12-2019 14:29:29 (GMT+1)
Biểu tình “máy cày máy kéo” trên quốc lộ A6 dẫn thẳng vào đại lộ chính Champs Elysee của Paris hôm 27-11-2019 - Ảnh: Internet

 

“Có nơi nào như cái xứ này, biểu tình chắc là một phần của đời sống văn hóa rồi chăng?”.


Sáng vừa đến công ty, bà sếp vừa vội vã hỏi ngay: “Mọi người có gặp đoàn biểu tình máy cày máy kéo trên quốc lộ không? Tắc suốt nhỉ? Nhưng mà đoàn máy cày đẹp thật đấy!”. Bà vừa cười vừa kể thêm: “Mà mọi người đi qua còn hò reo cổ vũ “phải thế chứ, cố lên, cố lên!”.

Ngắm cả đám đồng nghiệp cùng lao xao kể về đoàn máy kéo máy cày gặp sáng nay. Dù buổi sáng đi làm tắc nghẽn trên đường quốc lộ thì chắc cũng chẳng sung sướng gì. Nhưng họ chỉ trao đổi với nhau lý do vì sao nông dân biểu tình, rồi bàn xem tuần sau 5-12 sẽ đi lại ra sao trong đợt “đại biểu tình” ngưng trệ toàn mạng lưới giao thông cả nước. Mình cười thầm “có nơi nào như cái xứ này, biểu tình chắc là một phần của đời sống văn hóa rồi chăng?”.

Nhớ lại mới thứ Bảy, lâu mới được ra phố một mình, vừa đi tàu được vài bến đã thấy đám con gái đông đông vác biểu ngữ. Mình tò mò cố rướn cổ nhìn ra ngoài để đọc các dòng chữ trên đó xem họ biểu tình vì lý do gì, để nếu việc mình quan tâm thì sẽ... đi luôn! Hóa ra là biểu tình để tăng áp lực lên chính phủ, nhân đang xem xét mở rộng các luật về bạo hành phụ nữ trong gia đình. Thế này hay xong việc mình tham gia nhỉ?

Thật vô tình, buổi hội thảo kiến trúc mình đi nghe lại có phần trình bày đầu tiên về việc thiết kế một trung tâm bảo trợ và lánh nạn cho phụ nữ bị ngược đãi! Bà giám đốc hiệp hội đó vừa kết thúc buổi nói chuyện vừa nói với cử toạ “xin lỗi quý vị tôi phải rời cuộc hội thảo sớm để ra cho kịp đi biểu tình hôm nay”.

Quay sang rủ cô bạn đi cùng - đứa bạn gái Việt Nam duy nhất đã hai lần cùng nhau đi biểu tình ở đất Paris này, thì đúng lúc nó đau đầu đòi bỏ về sớm. Thế là đành lỡ biểu tình. Nhưng hai đứa vẫn có buổi bàn luận sôi nổi về chủ đề đó. Thôi cũng an ủi.

*

Thứ Bảy từ hơn 1 năm nay là ngày biểu tình của “Áo vàng”, bất kể mưa nắng, lễ lạt. Mình ủng hộ những cuộc biểu tình, “Gilet jaune” (Áo vàng) hay mấy năm trc có “Manifestation pour tous​” (Biểu tình cho mọi người), là tiếng nói của mọi tầng lớp, mang đặc trưng người dân các nước dân chủ: có quan điểm về chính trị và biểu đạt quan điểm không khoan nhượng.

Sống giữa vùng Paris luôn chịu ảnh hưởng nặng nhất của các xáo trộn, mình cũng như 80% dân số ủng hộ phong trào biểu tình những tháng đầu. Ngay cả những đòi hỏi mình ít ủng hộ như về quyền lợi của ngành hỏa xa, mình vẫn nghĩ quan trọng là họ được nói lên sự bất mãn của họ, và chính phủ phải có đối thoại.

Những rối ren mà người từ xa nhìn vào thấy ghê gớm, nhất là báo chí chỉ tìm cảnh tượng khủng khiếp nhất để quay đi quay lại, thực ra được khoanh vùng và lên kế hoạch phong tỏa kiểm soát. Việc đụng độ và phá phách không lạ, vài năm gần đây bắt đầu gây hậu quả càng nặng và ảnh hưởng đến hình ảnh đoàn biểu tình. Nhưng người Pháp phân biệt khá rõ, họ vẫn ủng hộ và tham gia biểu tình, nhưng lên án việc phá phách, đòi hỏi cảnh sát ngăn chặn, và họ không đánh đồng tất cả.

Lịch sử không thể quên Pháp là đất nước đầu tiên đấu tranh cho nền dân chủ từ cuối thế kỷ 18, dù sơ khai và sau đó trải qua bao chìm nổi. Nhưng đó vẫn là khởi đầu cho những khái niệm về dân chủ, tự do và quyền con người mà ngày nay người dân trên toàn thế giới được thụ hưởng ít nhiều thành quả của nó. Ngay cả tận bây giờ, nền dân chủ ấy vẫn luôn phải vững lòng củng cố, bảo vệ, trước sự suy thoái, cực đoan... Chính vì thế đã hình thành một đặc trưng mà có người gọi là “tính cách văn hóa chính trị” trong mỗi người dân Pháp.

Còn mình, hơn chục năm sống ở đây, mình vẫn luôn sống và học hỏi từ tinh thần ấy của người Pháp.

Bùi Uyên, từ Paris
Nguồn: nhipcauthegioi.hu

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo