Góc Bạn Đọc

Ngôn ngữ và thói tự kỷ của trẻ em Việt trong trường học ở Séc

Cập nhật lúc 09-05-2019 21:14:01 (GMT+1)
Ảnh: Ladislav Němec, MAFRA

 

Thực ra việc bất đồng ngôn ngữ trong giao tiếp không chỉ làm ảnh hưởng tới đời sống của các thế hệ người lớn tuổi mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới thế hệ trẻ hiện đang sống ở Séc. Nó gây ra nhiều sự hiểu lầm đáng tiếc và khi có câu chuyện gì đó xảy ra không có lợi cho cộng đồng, lập tức bị thổi phồng lên theo chiều hướng không tích cực mà đôi khi sự việc đó chỉ là do suy đoán qua hành vi chứ không phải qua lời nói.


Sở dĩ phải viết hơi động chạm tới tầng lớp trên ấy là bởi chính chúng ta đã tạo ra hàng rào vô hình để con cháu ta gánh chịu. Chỉ cặm cụi tính toán làm ăn, chỉ ép con học giỏi nhưng khi con về báo đi họp phụ huynh thì hoặc nhờ người, hoặc không đi mà có đi cũng chả hiểu cô giáo họ nói gì.

Một người tôi quen làm việc ở một văn phòng nên buổi chiều thường có thời gian rỗi. Lúc đầu vì thân nhau nên anh nhận lời đi đón hộ con người bạn gửi trong nhà trẻ. Đến đấy anh mới biết rằng, trong đó có rất nhiều trẻ em người Việt đang gửi và đều có trung một đặc điểm là không một đứa nào biết nói tiếng Séc. Các cô giáo khẩn thiết đề nghị với anh hãy nói lại với các phụ huynh rằng, cố gắng giao tiếp với các cháu bằng tiếng Séc hoặc thuê người dạy thêm, có như vậy các cháu mới có thể đến trường đi học được. Khổ thay bố mẹ các cháu còn mải miết những công việc khác và nếu có cũng chỉ loanh quanh câu: Neumím Cesky! Thế thôi. Con phải học chứ bố mẹ cần gì!

Theo khảo sát của Trung tâm hội nhập văn hóa Séc, số trẻ em trước khi nhập học vào các trường cơ sở gặp khó khăn về ngôn ngữ nhiều nhất là trẻ em Việt Nam. Phần lớn các cháu đều không biết hoặc biết rất ít tiếng Séc và vì thế chúng thường co mình lại, không giao tiếp. Khi chơi cùng các bạn trong lớp thường tự ti, khó hòa đồng vì không biết nói gì. Khi bị bạn nào đó giật đồ chơi cũng chỉ biết âm thầm khóc, không biết phải phản ứng thế nào, nói lại với cô giáo ra sao. Đến chiều bố mẹ đón thấy con khóc sưng mắt rồi qua lời kể, rằng con bị chúng nó cướp đồ chơi, bố mẹ mới nóng mắt:”Thế là cùng, chúng nó phân biệt gớm thật, mà cô giáo ở đấy làm gì không biết?”. Rồi đến gặp cô giáo nhưng niềm tin của phụ huynh bị lung lay. Họ đâu biết lý do không nằm ở vị trí phân biệt màu da, sắc tộc mà nằm ở chính họ, không chuẩn bị cho con mình những bước thật tốt trước khi con đến trường.

Rồi các cháu phải tự thân vận động. Phải tự tìm tòi trong trí óc ngây ngô của mình những gì có thể nhất để biết những bài cô giáo dạy trên lớp. Có phụ huynh tìm người hướng dẫn kèm thêm con học ngoài giờ nhưng số đó chưa phải nhiều. Trong nhiều lần đi họp phụ huynh cho các cháu ở các địa phương khác nhau tôi mới nhận ra rằng, sự phấn đấu của con em mình thật ghê gớm. Qua tiếp xúc với các giáo viên mới thấy, dù ở cấp học nào con em chúng ta cũng sống rất khép kín và có chiều hướng tự kỷ.

Sức ép về việc học sao cho đạt kết quả tốt nhất cộng với việc ảnh hưởng tư duy từ bố mẹ, rằng dù gì mình cũng là dân ăn nhờ, ở đậu buôn bán linh tinh nên đã khiến cho một bộ phận các cháu không dám ngẩng cao đầu cho dù kết quả học tập đáng được như thế.

Vậy làm thế nào để con em chúng ta tự tin hơn khi đến trường? Câu trả lời không hề khó mà đơn giản chỉ là: Hãy gần gũi và nếu không biết tiếng hãy tìm người dạy con ngay từ khi còn nhỏ. Dạy con mình biết tự tin vào bản thân và đừng bao giờ gieo vào đầu chúng những cụm từ về phân biệt đất nước, giống nòi. Chúng sẽ tự tìm ra câu trả lời khi có tri thức.

Dòng chảy thời gian rồi sẽ lão hóa dần thế hệ cha mẹ. Ai cũng muốn con phải hơn cha nhưng xin đừng ám ảnh mãi câu:”Tôi không biết tiếng Séc” khi bị kiểm tra bởi chúng thừa biết trình độ tiếng của bố mẹ nằm ở mức nào khi xin hải quan ở sân bay không thu gói tôm và vài quả khế mang sang làm quà. Đừng lão hóa một thế hệ chưa già như vậy!

Thiều Quang

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Quy định bình luận
Vietinfo tạo điều kiện cho bạn đọc bày tỏ chính kiến, song không chịu trách nhiệm cho quan điểm bạn đọc nêu trong bình luận của bạn đọc. Quan điểm bạn đọc không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của Vietinfo.eu. Khi bình luận tại đây, hãy:
- lịch sự, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau,
- bày tỏ quan điểm tập trung vào chủ đề bài viết,
- không dùng các từ ngữ thô tục, bậy bạ,
- không xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân hay một số cá nhân,
- không tỏ thái độ phân biệt trên bất cứ phương diện nào (dân tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp…).
Mọi nội dung không phù hợp với các tôn chỉ trên có thể bị sửa hoặc xóa.
Cách gõ tiếng Việt
Dấu mũ Â, Ê, Ô – gõ 2 lần: AA, EE, OO
Dấu móc Ă, Ơ, Ư – thêm phím W: AW, OW, UW
Dấu huyền – thêm phím F
Dấu sắc – thêm phím S
Dấu hỏi – thêm phím R
Dấu ngã – thêm phím X
Dấu nặng – thêm phím J
Xóa dấu – thêm phím Z

Ví dụ:
Casch gox tieesng Vieejt.
Cách gõ tiếng Việt.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo