Du lịch

Visa ngắn ngày, lại phải bay vòng: Khách Tây ngán đến Việt Nam

Cập nhật lúc 17-10-2021 17:22:27 (GMT+1)
So với gần 23 triệu lượt khách đi du lịch nước ngoài thì Việt Nam chưa phải điểm đến của nhiều du khách Tây Ban Nha (ảnh minh

 

23 triệu khách Tây Ban Nha đi du lịch nước ngoài năm 2019 thì Việt Nam đón được chưa đến 0,5%. Lưu trú dài ngày, có mức chi tiêu bình quân cao, trung bình gần 1.500 USD, Việt Nam muốn đẩy mạnh đón dòng khách 5 sao này.  


Bùng nổ lượng khách

5 năm gần đây, khách Tây Ban Nha chọn đến Việt Nam du lịch ngày càng đông.

Là một trong những công ty đầu tiên làm thị trường Tây Ban Nha tại Việt Nam, bà Lê Thu Phương, Trưởng phòng bán hàng thị trường Tây Ban Nha (Công ty du lịch Aurora Travel) từng chứng kiến sự chuyển mình của thị trường khách du lịch Tây Ban Nha, từ lúc chỉ có những nhóm khách gia đình nhỏ lẻ hay đoàn với 15-20 khách, cho đến khi bùng nổ với số lượng khách đoàn lên đến 60-100 người, thậm chí Việt Nam cũng là lựa chọn của các đoàn Mice/Incentive đến từ Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Vinh, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch), đánh giá, con số này là quá nhỏ bé so với một thị trường khách có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, đi du lịch nhiều như Tây Ban Nha.

Cụ thể, năm 2013, khách Tây Ban Nha đến Việt Nam đạt 33.183 lượt, năm 2019 lên gần 83.600 lượt, tăng trưởng trung bình giai đoạn 2013-2019 là 17%/năm. So với con số xấp xỉ 23 triệu khách Tây Ban Nha đi du lịch nước ngoài năm 2019, số khách đến Việt Nam chiếm chưa tới 0,5%.

Trong khi, Tây Ban Nha nằm trong số những thị trường nguồn khách du lịch hàng đầu thế giới, kể cả về mức chi tiêu và số lượng khách đi du lịch. Giai đoạn 2008-2019, lượng khách Tây Ban Nha đi du lịch nước ngoài từ 13-23 triệu lượt, chiếm khoảng 48% dân số nước này.

Khách Tây Ban Nha thường đi du lịch vào mùa hè, mỗi chuyến đi tới những điểm đến xa thường dài hơn hai tuần. Du lịch văn hóa, tham quan bảo tàng, trải nghiệm văn hóa bản địa, mua sắm, nghỉ dưỡng là mục đích chủ yếu của khách du lịch Tây Ban Nha. Họ thường lên kế hoạch du lịch từ rất sớm cho chuyến đi dài ngày.

Bình quân một khách Tây Ban Nha đến Việt Nam tiêu hơn 1.477 USD, trong đó khách tự đi tiêu 1.043 USD, khách theo tour tiêu 1.757 USD. Trong đó, tiền thuê phòng chiếm gần 33,4% tổng chi tiêu của khách, các khoản khác lần lượt là ăn uống (23,3%), đi lại (18%), mua hàng (10%)...

Nhắc đến khách Tây Ban Nha, do điều kiện địa lý và lịch sử, đã tạo ra những vị khách với sự phóng khoáng đặc trưng của các điệu nhảy Flamenco, sự cuồng nhiệt với môn thể thao vua.

Điển hình, khách Tây Ban Nha thường đi du lịch theo chủ đề, trọng tâm là những trải nghiệm địa phương độc đáo và đích thực. Một trong những lý do chính để đi du lịch là nghệ thuật và văn hóa. Tuy nhiên, ẩm thực ngày càng trở nên quan trọng và ngày càng ảnh hưởng đến trải nghiệm chuyến đi của họ.

Khách Tây Ban Nha cũng rất quan tâm đến giá cả. Họ rất sẵn sàng chi trả một số tiền cao để sử dụng một loại hình dịch vụ hoặc tiêu dùng một loại sản phẩm, hàng hóa địa phương, nhưng chất lượng và giá trị phải tương xứng với số tiền đó. Vì vậy, đây là một trong những vấn đề du lịch Việt Nam cần lưu tâm.

Cần sớm mở đường bay thẳng

TS. Nguyễn Đức Thắng, Viện Du lịch, Đại học Kinh Bắc, cho rằng, để thu hút được nhiều khách Tây Ban Nha đến Việt Nam, việc mở đường bay thẳng là vấn đề sống còn. 100% khách Tây Ban Nha đến Việt Nam năm 2019 là bay quá cảnh. Tỷ lệ rất nhiều trong số đó là đi du lịch Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan rồi mới qua Việt Nam.

Ông Thắng giải thích, đó là do chúng ta chưa có đường bay thẳng sang Madrid hoặc Barcelona và ngược lại. Đó là bất lợi rất lớn. Nếu bay thẳng, thời gian bay từ Tây Ban Nha đến Hà Nội, TP.HCM,... hết trung bình 11 tiếng, còn bay nối chuyến mất ít nhất 13 tiếng hoặc nhiều hơn.

 

Quá cảnh qua nước thứ ba khiến thời gian bay từ Việt Nam - Tây Ban Nha dài hơn 

Quan trọng là khi bay nối chuyến sang châu Á, khách châu Âu, khách thường có xu hướng đi du lịch tại điểm đến đầu tiên trước khi sang nước thứ hai, thứ ba. Khi đó, chi tiêu và thời gian ở lại Việt Nam sẽ ít đi và bị rút ngắn.

Do đó, Tổng cục Du lịch nên trao đổi với các hãng hàng không trong nước như Vietjet, Vietnam Airlines, Bamboo Airway và kể cả Vietravel Airlines về việc sớm mở đường bay thẳng sang Tây Ban Nha.

"Chúng ta phải chủ động vì nhu cầu hai chiều sẽ ngày càng cao, không nên trông chờ các hãng châu Âu sẽ mở đường bay thẳng sang Việt Nam khi họ chưa nhìn thấy lợi ích của mình", ông Thắng lưu ý.

Ths. Phan Anh Vũ (Bộ VH-T&DL), nhận xét, cũng do chưa có đường bay thẳng nên điểm đến Việt Nam kém tính cạnh tranh, giá tour cao hơn rất nhiều. Trước mắt, cần xem xét liên kết với các điểm đến trong khu vực, như “1 chuyến bay 3 điểm đến”, kết hợp với Lào, Campuchia hoặc Thái Lan để có sản phẩm phù hợp. Đồng thời, xem xét lựa chọn, khuyến khích 1-3 điểm đến ở Việt Nam làm sản phẩm du lịch mẫu phục vụ thị trường Tây Ban Nha, từ đó xúc tiến mở đường bay charter (thuê chuyến).

Một hạn chế nữa cần sớm khắc phục là thiếu trầm trọng hướng dẫn viên nói tiếng Tây Ban Nha, đặc biệt là các HDV giỏi.

Theo Tổng cục Du lịch, cả nước mới có 260 HDV tiếng Tây Ban Nha (năm 2019). Tỷ lệ giữa hướng dẫn viên và khách du lịch đang là 1/321, chưa kể 68.500 lượt khách đến từ các quốc gia Mỹ latinh (chủ yếu nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha). Trong khi, tỷ lệ vàng là 1 HDV/300 du khách.

ThS. Nguyễn Văn Gia, Hiệp hội Hướng dẫn viên Du lịch, nhìn nhận, về lý thuyết, số lượng HDV tiếng Tây Ban Nha trên tạm vừa đủ. Tuy nhiên, do HDV tập trung chủ yếu tại các thành phố du lịch lớn nên mùa cao điểm, từ tháng 10 đến tháng 4 hàng năm, dễ xảy ra hiện tượng “cháy” HDV cục bộ do không kịp quay đầu, gối tour. Khách lại đi bằng đường hàng không và hay bị trùng tour, trùng lịch nên tình trạng khan hiếm HDV mùa cao điểm càng trầm trọng.

Để khắc phục tình trạng này, cần đẩy mạnh việc đào tạo để có thể đạt 1.000 HDV tiếng Tây Ban Nha được cấp thẻ hành nghề.

Theo bà Lê Thu Phương, cần có cách quảng bá ấn tượng hơn nữa hình ảnh du lịch Việt Nam qua các kỳ hội chợ, để từ đó điểm châu Á của họ không chỉ là những quốc gia quen thuộc lâu năm, mà hướng đến điểm đến Việt Nam.

Ngoài ra, thay vì miễn visa 15 ngày, có thể nới lỏng lên 30 ngày thậm chí miễn phí cho visa cho khách quay lại Việt Nam sau khi kết hợp thăm một số nước Đông Dương. Hay để kích cầu du lịch hậu Covid-19, nên miễn phí thăm quan một số điểm du lịch.

Tại châu Âu, Việt Nam mới chỉ có đường bay thẳng sang Paris, Moscow, Frankfut của Vietnam Airlines. Năm 2020, thêm Bamboo Airways mở đường bay thẳng sang Munich (Đức) và Prague (Cộng hòa Séc) với mục tiêu thương mại nhiều hơn là du lịch, trong khi các thị trường lớn như Tây Ban Nha, Ý, Anh,... chúng ta vẫn chưa có đường bay thẳng.

Trong khi đó Vietjet lại chưa có đường bay xa ngoài Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Ấn Độ, các đường bay quốc tế của hãng này chủ yếu tập trung vào các nước khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hongkong.

Nguồn: Ngọc Hà/ Vietnamnet.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo