Du lịch

Việt Nam có di sản thứ bảy

Cập nhật lúc 17-06-2012 11:31:56 (GMT+1)
Lễ trao bằng công nhận di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ tại Thanh Hóa. Ảnh: TTXVN.

 

Đại diện UNESCO cho biết, sự công nhận cho Thành Nhà Hồ chính là lời cam kết trong việc bảo vệ tài sản quốc gia phù hợp với công ước di sản quốc tế.


Tối 16-6, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ ngay tại di sản văn hóa này ở huyện Vĩnh Lộc.

Tham dự buổi lễ có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, ngài Eric Falt- trợ lý tổng giám đốc- đại diện Tổng giám đốc UNESCO và gần 100 đại biểu đại diện cho 35 Ủy ban quốc gia UNESCO các nước Châu Á- Thái Bình Dương.

Năm 1395, Hồ Quý Ly quyết định dời đô từ Thăng Long vào Thanh Hóa. Thành Nhà Hồ được xây dựng vào năm 1397, gồm Thành Nội, La Thành và Đàn tế Nam Giao, rộng 155,5 ha và được bao bọc bởi một vùng đệm 5078,5ha.

Vị trí của Thành Nhà Hồ được lựa chọn theo những nguyên tắc phong thủy trong một cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp giữa hai dòng sông Mã và Bưởi ở huyện Vĩnh Lộc.

Thành Nội được xây dựng từ những khối đá lớn, biểu hiện cho một sự phát triển mới về kỹ thuật kiến trúc và quy hoạch đô thị trong bối cảnh Đông Á và Đông Nam Á.

Là kinh đô của Việt Nam từ 1398 đến 1407 và đồng thời là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của Bắc Trung Bộ Việt Nam từ thế kỷ XVI đến XVIII, Thành Nhà Hồ vừa là loại kiến trúc kinh thành độc đáo vừa là loại kiến trúc mang tính chất phòng vệ quân sự điển hình với đặc điểm nổi bật là có bốn cửa thành và bốn bức tường được xây dựng bằng đá chắc chắn, uy nghiêm.

Các khối đã xây tường Thành Nhà Hồ có kích thước trung bình 2,2m x 1,5m x 1,2m, cá biệt có khối, có kích thước tới 4,2m x 1,7m x 1,5m và 5,1m x 1 x 1,2m, những khối đá lớn nặng nhất tới 26,7 tấn.

Trong quá trình tồn tại hơn 600 năm, Thành Nhà Hồ đã trải quy nhiều biến cố, chứng kiến nhiều sự kiện cải cách quan trọng của nhà Hồ và nhiều cuộc giao tranh. Tuy nhiên, chất lượng và trạng thái bảo tồn còn nguyên vẹn.

Từ nửa thế kỷ trước, L.Bezacier, một kiến trúc sư người Pháp đã viết: “Tòa thành này là một ví dụ độc đáo về việc sử dựng những khối đá vôi khổng lồ được đẽo gọt và lắp ghép một cách cực kỳ hoàn hảo” và “...

Việc sử dụng đá để xây dựng lên một công trình đồ sộ như Thành Nhà Hồ là một hiện tượng đột khởi vô tiền khoáng hậu trong lịch sử kiến trúc Việt Nam”.

Sau nhiều năm xây dựng hồ sơ, ngày 27-6-2011, Thành Nhà Hồ đã được UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa Thế giới.

Phát biểu tại buổi lễ, ngài Eric Falt nói: Thành Nhà Hồ được công nhận là di sản văn hóa thế giới đã ghi nhận những giá trị văn hóa nổi bật của di sản.

Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, sự công nhận này chính là lời cam kết trong việc bảo vệ tài sản quốc gia phù hợp với công ước di sản quốc tế.

Đây là di sản thứ 7 của Việt Nam ghi vào danh sách di sản thế giới. Chúng tôi hy vọng rằng, việc công nhận di sản thế giới sẽ góp phần cho việc bảo tồn bền vững Thành Nhà Hồ...

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng biểu dương các bộ, ngành liên quan và nhân dân, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trong việc gìn giữ, bảo tồn để Thành Nhà Hồ trở thành di sản văn hóa thế giới.

Thành Nhà Hồ được gìn giữ hơn 600 năm qua, được công nhận di sản văn hóa thế giới là niềm vui, tự hào của nhân dân Thanh Hóa và nhân dân cả nước, tô đậm thêm với quốc tế về nền văn hoá ngàn năm phong phú của dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Từ nay Thành Nhà Hồ trở thành tài sản chung của nhân loại.

Đây là niềm tự hào, vinh dự, là cơ hội để chúng ta tiếp tục gìn giữ, phát huy tốt hơn những giá trị của di sản.

Đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu hết sức nghiêm túc trong việc bảo tồn di sản, nghiên cứu làm rõ thêm các hiện vật còn nằm trong lòng đất”.

Trước đó, nhiều hoạt động chào mừng đã diễn ra ở Thanh Hóa như hội chợ quê, liên hoan trò diễn dân gian thời Trần- Hồ, trưng bày hiện vật, tranh ảnh, sách báo liên quan đến Thành Nhà Hồ, Vương triều Hồ...

Cũng dịp này, từ ngày 16 đến 18- 6, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tham vấn Ủy ban quốc gia UNESCO khu vực Châu Á- Thái Bình Dương về chương trình ngân sách để xây dựng chiến lược trung hạn giai đoạn 2014-2021 và tài khóa 2014-2015 của UNESCO tại TP Thanh Hóa.

Tham dự hội nghị có ngài Eric Falt- trợ lý tổng giám đốc- đại diện cho bà Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova; cùng 80 đại biểu là chủ tịch hoặc tổng thư ký đến từ 37 Ủy ban quốc gia khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Đây là hội nghị quốc tế quan trọng của UNESCO, hai năm tổ chức một lần.

Nguồn: Hoàng Lam/ TP

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo