Du lịch

Lễ hội Nhật Bản

Cập nhật lúc 27-11-2013 17:31:19 (GMT+1)
Hina Matsuri. Nguồn: ichinen-fourseasonsinjapan.blogspot.com

 

Hòa lẫn với muôn màu sắc, các lễ hội truyền thống Nhật Bản cũng được khởi nguồn theo thời điểm từng giai đoạn chuyển mùa.


Phù tang ký sự: Lễ hội Nhật Bản

Bên cạnh đặc điểm của một đảo quốc có 4 mùa rõ nét cùng những phong cảnh thiên nhiên xinh đẹp nổi tiếng thế giới, nước Nhật còn luôn được tô điểm bằng đủ màu sắc nổi bật trong suốt một năm trải dài theo thời tiết từng mùa với hoa Anh Đào tỏa màu hồng nhạt nở rộ trên toàn quốc trong những tia nắng Xuân ấm áp, và màu xanh của lá cây là hình ảnh tiêu biểu cho mùa Hè oi bức, kế đến khi những làn gió Thu tươi mát kéo về thì đồi núi phủ kín một màu đỏ rực của loại lá Hồng Diệp Momiji và mùa Đông phủ tuyết trắng xoá.

Hòa lẫn với muôn màu sắc, các lễ hội truyền thống Nhật Bản cũng được khởi nguồn theo thời điểm từng giai đoạn chuyển mùa. Từ sau đời vua Minh Trị Thiên Hoàng, tất cả các lễ hội này đều tính theo dương lịch với nội dung tạ ơn Thần Phật và các bậc tiền nhân có công lao cống hiến cho xã hội cũng như cầu nguyện cho sức khỏe an khang, công việc thuận lợi, gia đình yên ấm.

Khởi đầu là lễ Mừng Năm Mới Shogatsu với ý nghĩa tương tự như ngày Tết truyền thống của Việt Nam và Trung Hoa nhưng do sử dụng dương lịch nên không bị nhầm lẫn với tết âm lịch của người Tàu. Vì vậy, tuy người Nhật đón năm mới vào dịp Tết Dương Lịch nhưng ngày Tết của họ vẫn mang đậm nét văn hóa Á Đông riêng biệt của xứ Phù Tang. Bắt đầu từ 27/12 người Nhật Bản đã chuẩn bị đón Tết với nhiều công việc bận rộn như dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa và nhất là nấu nướng những món ăn đặc biệt dành cho ngày Tết gọi là Osechi Ryori, được diễn dịch là món ăn Ngự Tiết

 

Kado Matsu. Nguồn: http://fani73.com

Trong suốt tháng Giêng, người Nhật đặt trước nhà một cái chậu bằng gỗ hoặc bằng nhựa trong đó có dựng 3 cây tre thân to được cắt ngắn đưa đầu nhọn hướng lên trên và những cành thông nhỏ cắm chung quanh gọi là Kado Matsu (Môn Tùng) là cổng chào để tiếp đón khách đến nhà chúc mừng năm mới. Ngoài ra, còn những sợi rơm bện cùng với những giải băng giấy ngũ sắc được quấn quanh 3 cây tre trong hàm ý tạo sự gắn bó, kết thân, hòa đồng với mọi người. Trong một tuần lễ tính từ ngày đầu năm là thời gian người Nhật đi thăm viếng người thân, bạn bè và đây cũng là dịp để họ cùng thưởng thức các món ăn Ngự Tiết Osechi Ryori truyền thống rất đa dạng, phong phú và đặc biệt là đầy màu sắc được đựng trong một chiếc hộp sơn mài gọi là Jubako rất trang nhã. Mỗi món ăn và các thành phần trong Osechi Ryori đềy có ý nghĩa riêng tượng trưng cho lời cầu nguyện về sức khoẻ, công việc và những điều may mắn tốt lành.

Người Nhật ăn Osechi Ryori trong suốt kỳ nghỉ của năm mới từ khoảng ngày 28 cuối năm đến mồng 5 đầu năm mới. Theo truyền thống, họ nấu nhiều món ăn Ngự Tiết này để dùng trong dịp Tết nên thức ăn được cất giữ trong tủ lạnh. Ngày nay, người Nhật còn có thể mua các món ăn Ngự Tiết được làm tại các siêu thị thực phẩm thay vì phải nấu nướng ở nhà.

Ngày Mùng 2 tết là lúc khai trương những nếp sinh hoạt thường nhật của năm mới. Mọi thứ vào ngày hôm đó đều diễn ra lần đầu: quét dọn, vui chơi và giấc ngủ đầu tiên trong năm mới được gọi là Hatsuyume (Sơ Mộng) vốn xuất phát từ tập quán xưa kia là trước khi ngủ, người Nhật thường đặt dưới gối bức vẽ những chiếc thuyền chở đầy vàng bạc, châu báu để cầu mong nó sẽ đem lại may mắn cho năm mới.

Vào ngày mùng 7, người Nhật cùng gia đình quây quần bên mâm cháo nấu bằng 7 thứ rau theo phong tục tẩy trừ ma quỷ và những điều xui xẻo. Tuy hiện nay, việc đón mừng năm mới của người Nhật không còn cầu kỳ, trang trọng như trước khi một số nghi thức được lược bỏ qua nhất là ở các đô thị lớn, nhưng vẫn còn khá nhiều phong tục được duy trì như đi chùa cầu an, hái lộc, khai bút đầu xuân, gửi thiệp Tết, trao tặng tiền lì xì gọi là Otoshidama cho các em thanh thiếu niên, và đặc sắc nhất vẫn là tập quán mặc bộ kimono truyền thống có quấn khăn choàng bằng lông màu trắng rất xinh xắn của phụ nữ Nhật Bản.

Kế đến là Lễ hội Hina Matsuri, tức ngày lễ Búp Bê dành cho các thiếu nữ.

Tùy theo từng địa phương, lễ hội Hina Matsuri diễn ra khác nhau theo ngày tháng từ giữa tháng Hai đến đầu tháng Ba, nhưng riêng tại thủ đô Tokyo và cố đô Kyoto thì ngày 3/3 được chọn là ngày Tết dành cho các bé gái tức Hina Matsuri hau còn gọi là “Tết ngẫu nhân” với chữ ngẫu mang ý nghĩa là những pho tượng hình người. Theo phong tục của Nhật Bản, ngày Tết Ngẫu Nhân này là dịp cầu chúc cho hạnh phúc sẽ đến với các thiếu nữ trong tương lai. Vào ngày này, những gia đình có các em bé gái sẽ thực hiện một số nghi lễ phong tục như đến đền Thần cúng bái cầu nguyện và mua về cho con mình những bộ búp bê thật đẹp. Thông Thường một bộ có đến 10 búp bê trong đó 2 con búp bê Thiên Hoàng và Hoàng Hậu được chưng bày trên kệ ở hàng cao nhất hoặc để trong lồng kính. Búp bê thường được bày cùng với những đồ đạc và thức ăn, đồ chơi được chế tạo công phu, trang nhã và tinh xảo. Kèm theo đó là những loại bánh kẹo đặc biệt cùng với loại rượu sake nồng độ rất nhẹ được mang ra để cả gia đình thưởng thức. Và các cô bé gái sẽ đóng vai chủ nhà tiếp đãi các cậu bạn trai cùng bạn bè đến chơi để chiêm ngưỡng những con búp bê xinh đẹp. Tóm lại, Lễ Hội Hina Matsuri là ngày dành riêng cho các bé gái, trong khi những bé trai cũng có một ngày hội tưng bừng khác là ngày mồng 5/5 gọi là ngày trẻ em Kodomo No Hi với phong tục treo cờ hình hình con cá chép tượng trưng cho các bé trai.

Khoảng từ giữa tháng Ba đến tháng Tư là mùa hoa anh đào nở rộ, và Nhật Bản đã chọn khoảng thời gian từ 15/3 đến 15/4 là dịp “Tết anh đào” thường được gọi là lễ Hội Ngắm Hoa Anh Đào thu hút rất nhiều du khách ngoại quốc đến thưởng thức nên đây là một trong những lễ hội nổi tiếng nhất của xứ Phù Tang vốn diễn ra trong thời điển mùa Xuân ấm áp, cây cỏ xanh tươi. Vào đầu tháng Tư hàng năm, tại Tokyo còn tổ chức buổi lễ hội ngắm hoa Anh Đào do Thủ Tướng Nhật chủ tọa để thiết đãi các quý khách quốc tế và những nhân vật có địa vị cao trong xã hội.

Nói cách khác, đây chính là dịp quan trọng để người Nhật chuẩn bị tổ chức những buổi du ngoạn, vui chơi ngoài trời với thú tiêu khiển “ngắm hoa” mang tính cách truyền thống đặc biệt, được gọi theo Nhật ngữ là Hanami với chữ Hana là “Hoa” và Mi là cách đọc tắt của động từ “Miru” có ý nghĩa là nhìn, xem.

 

Hanami. Nguồn: tokyotimes.org

Do đó, chúng ta cũng không thể không đề cập đến tập tục ngắm hoa của người Nhật với đặc tính của loại hoa Anh Đào vốn được xem là quốc hoa của xứ Phù Tang, có tên gọi Sakura và đã trở thành một biểu tượng gắn liền với Nhật Bản từ khoảng thế kỷ thứ 9.

Theo những câu chuyện huyền thoại Nhật Bản được ghi trong quyển “Cổ Sự Ký” (Kojiki), có truyền thuyết cho rằng Sakura là cách đọc biến âm của chữ “Sakuya”, lấy từ tên của nữ thần Konohana Sakuya. Truyền thuyết cho rằng nữ thần Sakuya chính là người đầu tiên gieo hạt giống cây hoa anh đào trên núi Phú Sĩ nên được xem là nữ thần Sakura.

Tuy có thân cây sần sùi màu xám tro trông rất bình thường, nhưng khi đến thời kỳ khai hoa nở nhụy, Sakura lại trổ hoa tràn ngập khắp các nhánh cây và tỏa sức quyến rũ lạ lùng khi đồng loạt che rợp cả một vùng không gian rộng lớn trải dài theo những hàng cây anh đào được trồng dọc ven các bờ sông, trong công viên, đền thần hay chung quanh những di tích thành quách còn lưu lại từ thời xa xưa ở Nhật Bản.

Mặt khác, với hình dáng của loại hoa 5 cánh, Sakura có 3 màu sắc chính yếu gồm trắng, hồng nhạt và đỏ tươi tùy theo các giống hoa anh đào. Tính từ lúc nở rộ cho đến khi tàn phai rồi bay phất phơ trong làn gió Xuân, Sakura chỉ xuất hiện cho người đời chiêm ngưỡng trong khoảng thời gian ngắn ngủi, vỏn vẹn chưa đầy hai tuần lễ. Thế nhưng, hình ảnh mong manh, mềm mại ấy lại là nguồn cảm hứng dạt dào cho biết bao kiệt tác văn chương, nghệ thuật và còn đi sâu vào đời sống nội tâm của người Nhật khi trở thành một nét văn hóa tiêu biểu của xứ sở Mặt Trời qua thú tiêu khiển ngắm hoa “Hanami”.

Vào lúc hoa nở rộ từ cuối tháng Ba đến đầu tháng Tư, người Nhật tụ họp cùng gia đình, thân hữu, hàn huyên trò chuyện, ăn uống, ca hát ngay dưới gốc những cội anh đào, trong bầu không khí mang ý nghĩa lễ hội vui nhộn tưng bừng của ngày đầu Xuân. Hơn nữa, tháng Tư hàng năm tại Nhật Bản cũng là dấu mốc khởi đầu cho một niên khóa mới trong toàn bộ các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục nên người thưởng ngoạn ngắm hoa càng có nhiều đề tài trao đổi. Theo cách nhìn của người ngoại quốc, lễ hội ngắm hoa còn là một trong những cơ hội hiếm hoi giúp người Nhật có tạm thời quên đi cá tính khép kín của họ để hòa mình vào nét đẹp thanh khiết được tô điểm bằng những đường cọ “thiên nhiên” với một rừng hoa đầy màu sắc trắng, hồng được vẽ trên nền trời xanh trong, bên cạnh mùi hương anh đào thoáng vương nhẹ đâu đó như một cô thiếu nữ e ấp thẹn thùng.

Thông thường, các buổi ngắm hoa ở Nhật kéo dài từ trưa đến tối khuya gọi là Yozakura, tức “Dạ Anh”, nên có rất nhiều địa điểm được thiết trí đèn lồng hoặc hệ thống ánh sáng đủ màu sắc rực rỡ càng khiến bầu không khí thanh bình an lạc tăng thêm phần tưng bừng vui nhộn. Ngoài các món ẩm thực truyền thống như cá sống, thịt nướng, rượu sake, thú vui ngắm hoa cũng không thể nào thiếu vắng phần âm thanh ca nhạc từ máy hát karaoke với những ca khúc đậm đà âm hưởng dân ca của loại nhạc Diễn Ca (Enka) vốn rất được giới thí trức và trung niên Nhật Bản yêu chuộng.

Ngoài giới trẻ nam thanh nữ tú từng cặp dìu nhau đi giữa các hàng cây anh đào hoặc tổ chức cắm trại ở đêm tại các địa điểm ngắm hoa, giới trung niên và cao niên Nhật Bản còn có sở thích uống rượu sake xem hoa với niềm tin rằng nếu có một cánh hoa nào đó rơi vào cốc rượu của họ thì sẽ mang lại điềm lành nhiều may mắn.

Nhìn vào bức tranh vừa sống động vừa bi tráng của những “trận mưa Sakura” đưa cánh hoa anh đào bay lượn trong gió, có lẽ không một ai có thể dằn được cảm xúc trước “kiếp hoa” sớm nở tối tàn, tựa như đời người vụt thoáng qua một kiếp nhân sinh phù du, hư ảo. Chính vì vậy, từ thời xưa, giới võ sĩ Samurai rất yêu thích Sakura với câu châm ngôn “sống và chết như loài hoa anh đào” mang hàm ý rằng dù đời người ngắn ngủi nhưng phải sống một cách xứng đáng và có ích cho xã hội.

Theo sử liệu, tập tục ngắm hoa của Nhật Bản xuất phát từ hình thức giải trí dành cho tầng lớp vua chúa, quý tộc trong thời đại Nara (từ năm 710 đến năm 794). Thế nhưng, đương thời họ chỉ có thú thưởng ngoạn loại hoa mơ mà tiếng Nhật gọi là “Ume” vốn có nguồn giống từ Trung Hoa. Sau đó, đến thời đại Heian (từ năm 794 đến năm 1185) thì giới quý tộc mới chuyển sang trào lưu yêu thích hoa anh đào. Sự chuyển hướng này còn được thể hiện rất rõ nét trong những tác phẩm thi ca thời trung cổ Nhật Bản. Điển hình là trong số hơn 4500 bài thơ của 20 quyển “Vạn Diệp Tập” (Manyo Shu) là tập sách thi ca vĩ đại và cổ xưa của Nhật Bản được biên tập từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 8, chỉ có khoảng 40 bài nói về Sakura trong khi hoa mơ lại trở thành chủ đề của hơn 100 bài thơ. Nhưng trong quyển “Cổ Kim Hòa Ca Tập” (Kokin Waka Shu) ra đời vào thời đại Heian sau đó thì Sakura đã chinh phục giới văn nhân thi sĩ với số lượng tác phẩm thi ca gia tăng rất nhiều rồi được truyền tụng rộng khắp trong dân gian. Từ đó, người Nhật có khuynh hướng chỉ sử dụng vắn tắt danh từ “hana” là hoa để ám chỉ hoa anh đào.

Mặt khác, trong quyển “Nhật Bản Hậu Ký” (Nihon Koki) cũng ghi lại việc vua Tha Nga Thiên Hoàng ra chiếu mở yến tiệc ngắm hoa tại vườn ngự uyển Thần Tuyền tại một ngôi tự viện ở Kyoto vào năm 812. Đây được coi là sự kiện khởi nguồn cho tập tục “uống rượu ngắm hoa anh đào” ở Nhật Bản. Tuy nhiên, từ năm 831 trở đi các vị Thiên Hoàng lại chuyển địa điểm ngắm hoa vào vườn Thượng Uyển trong cung đình. Sau đó, từ đầu thế kỷ 11, hầu như các tác phẩm tiểu thuyết viết về giai cấp vua chúa, quan lại trong thời kỳ phong kiến đều có đề cập đến những buổi yến tiệc ngắm hoa được gọi tắt là “Hoa Yến”.

Ngoài ra, theo quyển tùy bút “ Đồ Nhiên Thảo’’ ghi chép những mẫu chuyện dân gian của tác giả Yoshida Kenko (Cát Điền Kiêm Hảo) vào giữa thế kỷ 14, thì thú tiêu khiển uống rượu ngắm hoa anh đào cũng trở thành một trào lưu thịnh hành trong giới võ sĩ tại các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh. Riêng về tác giả Yoshida Kenko vốn là quan nhân triều đình nhưng sau đó ông chán cảnh hồng trần nên xin về hưu và xuất gia thành một Tì Khưu, tức Khất Sĩ của Phật Giáo. Ngoài văn tài về thể loại tùy bút, ông còn là một thi nhân nổi tiếng lúc đương thời với nhiều bài văn thơ vẫn còn được trích giảng trong môn Quốc Ngữ của bậc Trung Học Nhật Bản hiện nay.

Đến thời đại Azuchi Momoyama (từ năm1568 đến năm1603), hay còn gọi là thời kỳ Trung Ương Tập Quyền do hai võ tướng Oda Nobugawa và Toyotomi Hideyoshi thay nhau nắm giữ quyền hành tuyệt đối, hàng loạt tác phẩm hội họa vẽ cảnh uống rượu ngắm hoa anh đào lần lượt ra đời. Cũng trong thời kỳ này, một buổi yến tiệc ngắm hoa anh đào linh đình nhất được ghi lại trong lịch sử Nhật Bản là buổi thưởng ngoạn Sakura do võ tướng Toyotomi Hideyoshi thiết đãi hơn 1300 quan khách gồm toàn những cận thần dưới trướng tại ngôi chùa Thể Hồ Tự (Daigoji) ở kinh đô Kyoto.
Bước sang thế kỷ thứ 17, tập quán ngắm hoa anh đào bắt đầu lan rộng đầu trong mọi tầng lớp dân chúng qua việc võ tướng Tokugawa Yoshimune cho trồng cây Sakura khắp nơi tại thành Edo và ra bố cáo khuyến khích dân chúng hưởng ứng thú vui thanh nhã này.

Từ đó, Sakura trở thành loài hoa quen thuộc, luôn gắn liền với nét văn hóa đặc sắc của người dân Nhật và được thi vị hóa như một triết lý hiện sinh về cuộc sống qua thú tiêu khiển ngắm hoa anh đào còn lưu truyền mãi đến nay.

Trải dài theo hình thể đường cong uốn lượn từ miền cực Nam là đảo Okinawa ấm áp cho đến vùng đất Bắc Hokkaido quanh năm giá rét, trên toàn cõi nước Nhật đều có trồng Sakura với hàng ngàn địa danh ngắm hoa Sakura. Do ảnh hưởng sự khác biệt về khí hậu ở từng khu vực địa phương, nên thời điểm Sakura nở hoa cũng chênh lệch theo ngày tháng. Vì lẽ này, khi nhìn trên bản đồ nước Nhật trong các bản tin dự báo thời kỳ Sakura nở rộ ở các địa danh, người ta sẽ thấy những điểm chấm liên tục tạo thành một tuyến đường kéo dài từ Nam đến Bắc gọi là “Sakura Zensen”, tức tuyến đường hoa anh đào.

Sakura Zensen được hình thành dựa vào tiêu chuẩn thời kỳ nở hoa của loại Sakura mang tên Somei Yoshino vốn chiếm phần đa số trong 5 loại hoa anh đào chính yếu ở Nhật Bản. Với mùi hương nhẹ nhàng, sắc lá màu hồng nhạt, thân cây thon thả và có trái nhỏ hơi ngọt, Somei Yoshino là giống cây xuất hiện từ lâu đời và rất phổ biến khi chiếm hơn phân nửa khu vực gieo trồng Sakara trên toàn quốc Nhật Bản.

Thời kỳ nở rộ của hoa Somei Yoshino thường là vào tháng Tư hàng năm nên được xem là thời điểm chính thức của mùa hoa anh đào. Trong khi đó, khí hậu ấm áp ở miền Nam là vùng Cửu Châu (Kyushu) khiến Sakura nở rất sớm, có lúc bắt đầu từ cuối tháng Giêng. Còn vùng Hokkaido cũng có khi trổ hoa vào tháng 5. Vì vậy, giới thưởng ngoạn có thể kéo dài cuộc hành trình ngắm hoa từ Nam chí Bắc hàng tháng trời. Điều này ngược lại với những cuộc lữ hành vào mùa Thu khi du khách phải đi theo lộ trình từ Bắc đến Nam để ngắm lá Hồng Diệp (Momiji) tỏa sắc tươi thắm, nhuộm đỏ cả những vùng đồi núi rộng lớn.

Riêng tại đảo Okinawa, trên thực tế tuy xưa kia không có tập tục ngắm hoa nhưng lại trồng rất nhiều hoa anh đào loại “Kanhi Zakura”, tức cây “Hàn Phi Anh” có nguồn giống từ Đài Loan với màu sắc hồng tươi sặc sỡ. Ngày nay, Kanhi Zakura đã trở thành biểu tượng bên cạnh các di tích thắng cảnh ở Okinawa, luôn thu hút nhiều du khách ngoại quốc đến thăm. Ngoài ra, tại Nhật Bản còn có một loài anh đào rất đặc biệt khiến người xem phải say đắm trước hình dáng lạ lùng của các nhánh cây rủ xuống giống như cây liễu gọi là “Shidare Zakura” do chữ Shidare có nghĩa là thòng xuống phía dưới.

Nếu có dịp viếng thăm thủ đô Nhật Bản vào những ngày cuối tháng Ba, có lẽ du khách phải tấm tắc trầm trồ và ngạc nhiên thích thú trước khung cảnh hoa anh đào nở bung trắng xóa ngợp trời rồi thỉnh thoảng bay lả tả trong làn gió Xuân mát mẻ. Từ khu công viên của ngôi thành cổ Himeji ở tỉnh Hyogo cho đến thành Osaka sừng sững hiên ngang sau nhiều biến động lịch sử, Sakura vẫn chung thủy cùng dòng thời gian trôi chảy để mang niềm vui đến cho đời. Tiếp đến là hàng ngàn cây anh đào đồng loạt khai hoa tại các đền thần, chùa chiền, công viên và hai bên đường ở cố đô Kyoto và thành phố hiền hòa Nara của loài nai ngơ ngác dạo bước trên đường, vốn là hai địa danh từng chứng kiến bao cảnh hưng vong của nhiều triều đại phong kiến trong thời chiến quốc loạn lạc.

 

Thành Edo. Nguồn: campaya.co.uk

Từ đó, tiến về hướng Đông, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những hàng cây Sakura ngút ngàn tầm mắt dưới chân ngọn Phú Sĩ Sơn quanh năm tuyết phủ rồi tiếp bước đến thủ đô Tokyo với ngôi đền thần Yasukuni nổi tiếng và không thể không ghé vào khu công viên bao bọc quanh hào nước của cung điện hoàng gia Nhật Bản với một rừng hoa anh đào tỏa hương khoe sắc. Khi ánh nắng chiều của buổi hoàng hôn vừa lắng dịu cũng là lúc du khách hòa mình vào cõi thiền tịnh, tâm thần an lạc tại ngôi chùa linh thiêng Asakusa Kannon, tức Thiển Thảo Quan Âm Tự và tiếp bước lữ hành vào hôm sau đến công viên Ueno Onshi là nơi ngắm hoa trứ danh nhất của thủ đô Tokyo. Địa danh này còn được ví như chốn bồng lai tiên cảnh với hơn 1000 cây anh đào trồng dọc theo lối đi khiến người xem có cảm giác như đang lạc bước vào đám mây Sakura trắng hồng đầy mùi hương thơm ngát.

So với các tỉnh thành và địa phương khác trên toàn quốc, cố đô Kyoto là nơi còn lưu lại rất nhiều di tích lịch sử với những ngôi chùa trang nghiêm, đền thờ cổ kính và các khu phố cổ đậm nét hoài niệm về một thời vàng son rực rỡ của triều đại vua chúa, giúp cho du khách dễ dàng cảm nhận hơn về nét văn hóa độc đáo của xứ Hoa Anh Đào mà qua đó các lễ hội như càng làm sống lại các thời kỳ xa xưa.

Vào mùa Xuân, đế đô Kyoto có hai lễ hội lớn được liệt vào hàng cổ xưa nhất thế giới luôn thu hút người dân lẫn du khách ngoại quốc viếng thăm là lễ hội Aoi Matsuri (Quỳ Tế) và Mifune Matsuri (Tam Thuyền Tế).

 

Aoi Matsuri. trekearth.com

Lễ hội Aoi Matsuri khởi nguồn từ thời đại Heian, tức vào thế kỷ thứ 6 với danh xưng được đặt tên theo những chiếc lá màu sẫm, láng bóng của cây Aoi, tức cây thục quì hay còn gọi là Mãn Đình Hồng có nguồn gốc từ các quốc gia Trung Âu và Trung Hoa với phần lá và rễ cây có rất nhiều công dụng về dược tính. Trong khi tại Nhật theo ý nghĩa của lễ hội Aoi, lá cây thục quỳ là biểu tượng chống lại các thiên tai nên được trang trí trong suốt thời gian diễn ra dịp lễ hội tưng bừng này.

Với hai phần chính là các cuộc diễn hành và các nghi lễ linh thiêng, Aoi Matsuri được tổ chức vào ngày 15/5 hàng năm là thời điểm những cánh hoa anh đào cuối cùng sặp rụng hết để nhường chỗ cho là hoa diên vĩ đua nhau chớm nở. Sống động nhất là đoàn diễn hành được gọi là đám rước hoàng gia gồm 2 xe bò, 36 con ngựa và hàng trăm người trong trang phục của thời kỳ Heian đầy màu sắc, nhất là có tay áo rộng cùng chiếc mũ ngộ nghĩnh. Qua đó, cũng có nhiều nhân vật lịch sử được tái hiện và trở thành trung tâm của đám rước khi họ đứng trên những chiếc kiệu lộng lẫy để cho mọi người chiêm ngưởng, chẳng hạn như các vị Thiên Hoàng hoặc nàng công chúa Saio Dai thường được nhắc đến trong sử thi Nhật Bản. Bên cạnh đó là những quan lại, binh lính và đoàn tùy tùng cầm lọng che to lớn, trang trí bằng nhiều loại hoa gọi Furyu Gasa, càng làm cho buổi diễn hành được bắt đầu từ 10 giờ sáng thêm phần đặc sắc. Kế đến, phần nghi lễ được được cử hành tại hai đền thần nổi tiếng vùng Kyoto là Kamomi Oya Jinja (Hạ Mậu Ngự Tổ Thần Xã) và Kamowake Ikazuchi Jinja (Hạ Mậu Biệt Lôi Thần Xã)

Lễ hội mùa Xuân thứ hai của Kyoto là Mifune Matsuri tức lễ hội tam thuyền), diễn ra vào ngày chủ nhật của tuần thứ 3 trong tháng Năm, tại địa danh Arashiyama, gần trung tâm Kyoto, vốn là nơi có nhiều thắng cảnh đặc biệt là những ngôi nhà được xếp vào danh sách di tích lịch sử. Lễ hội này nhằm kỷ niệm thời kỳ thanh bình thịnh vượng của Nhật Bản vào thời đại Heian. Có khoảng 30 chiếc thuyền rồng dùng cho buổi lễ này kèm theo những đội thuyền nhỏ làm lễ chèo ngược dòng, chở những người trong trang phục truyền thống, có long thuyền của hoàng gia dẫn đầu. Còn lại những chiếc thuyền khác chuyên về các tiết mục giải trí như ca múa, trình diễn nhạc cụ, trà đạo và ngâm thơ. Người thưởng ngoạn sẽ có dịp thưởng thức phần biểu diễn của nhạc công, nghệ sĩ ca múa và các phần trích đoạn của thể loại kịch No rất nổi tiếng của Nhật Bản. Riêng về thể loại Gagaku, tức Nhã Nhạc là một loại nhạc có âm điệu truyền thống, trau chuốt và thanh nhã của Nhật, thì được biểu diễn trên chiếc long thuyền cho hoàng tộc thưởng lãm. Du khách có thể thuê những chiếc thuyền có bàn đạp hay mái chèo để đến gần các thuyền biểu diễn ca múa, ngâm thơ. Thông thường, có đến hàng ngàn người đứng dọc hai bên bờ sông đến xem lễ hội Tam Thuyền.

 

Mifune Matsuri. kojikisankyoto.wordpress.com

Tương tự như những lễ hội khác, lễ hội “tam thuyền” nhằm biểu hiện sự trân trọng của người Nhật đối với di sản quốc gia và tinh thần kế thừa đặc tính văn hóa đất nước.

Ngoài ra, Kyoto còn là vùng đất được vinh dự tổ chức một trong 3 lễ hội truyền thống lớn nhất của nước Nhật là Gion Matsuri, tức lễ hội Kỳ Viên vào dịp mùa Hè hàng năm. So với 2 lễ hội lớn khác là lễ hội Kanda (Thần Điền) ở Tokyo và lễ hội Tenjin (Thiên Thần) ở Osaka, Gion Matsuri ở Kyoto nhiều phần trang trọng, rực rỡ và quy mô hơn nên đây cũng được coi là kỳ lễ hội lớn nhất tại xứ sở Hoa anh đào. Bởi lẽ, lễ hội Gion bao gồm các nghi lễ thể hiện phong tục tập quán cổ xưa của người Nhật kéo dài liên tục gần một tháng từ ngày 1/7 đến 29/7 hàng năm tại ngôi đền thiêng Yasaka Jinja (Bát Phản Thần Xã) ở khu vực Gion tại Kyoto.

 

Gion Matsuri. alljapantours.com

Tuy nhiên, tâm điểm của lễ hội Gion chỉ dành trọn trong ngày 17/7 với hàng chục cổ xe kéo được trang trí thành những chiếc kiệu diễn hành qua các đường phố trung tâm Kyoto diễn ra từ 9 giờ sáng đến 1 giờ trưa. Cũng trong thời gian này thành phố Kyoto tuy luôn khoác bộ mặt cổ kính, hiền hòa bổng nhiên chợt trở nên nhộn nhịp náo động với những sinh hoạt lễ hội tấp nập người xem, tạo thành bầu không khí vui tươi đầy sức sống trong cảnh an lạc thái bình.

Lễ hội Gion có lịch sử khoảng 1100 năm và được duy trì đều đặn cho đến nay với mục đích phô bày nét văn hóa truyền thống và sự phồn thịnh của Kyoto. Cho đến đời vua Minh Trị Thiên Hoàng, lễ hội này từng được gọi Kỳ Viên Ngự Linh Hội (Gion Goryoe). Theo lịch sử Nhật Bản, vào năm 869 tức niên hiệu Trinh Quan Thiên Hoàng (Jokan Tenno) năm thứ 11, khắp nước Nhật bổng xảy ra một trận dịch bệnh lan tràn nguy cấp khiến vua Trinh Quan phải đến ngôi đền Yasaka để cầu an cho dân chúng thoát qua bệnh dịch nguy hiểm. Lúc đó, nhà vua Nhật đã cho làm 66 cỗ xe trang trọng tượng trưng cho 66 đơn vị hành chính lúc đương thời để cùng người dân tham gia vào buổi cầu nguyện.

Sau đó, cơn đại dịch chấm dứt nên nhà vua ban chiếu đặt ra lễ hội cầu an Gion hàng năm để cầu cho quốc thái dân an, tránh được bệnh tật. Tuy vậy, mãi đến năm 970 lễ hội Gion mới được tổ chức đều đặn hàng năm vào ngày 14 tháng 6. Kế đến, do nhiều biến động lịch sử nên Gion Matsuri cũng bị gián đoạn nhiều lần. Và đến tháng 6 năm 1500, lễ hội này mới thực sự được khôi phục đúng với hình thức rực rỡ và bầu không khí tưng bừng như lúc ban đầu. Cũng từ đó việc trang trí các cỗ xe diễn hành trong lễ hội được giao cho cư dân Kyoto đảm trách. Chính vì lẽ này mà mỗi cỗ xe, gọi là Hoko về cả nội dung lẫn hình thức đều mang nhiều nét đa dạng phong phú do sự sáng tạo riêng biệt của từng nhóm thiết kế. Đặc biệt là từ thời kỳ Momoyama đến thời kỳ Edo khi hoạt động mậu dịch ngoại thương phát đạt và các ngành nghề dệt, thêu ở Kyoto trở nên phồn thịnh thì hình thức trang trí cho các cỗ xe Hoko vào mỗi dịp lễ hội Gion cũng là cách để người dân Kyoto thể hiện sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, văn hóa của vùng kinh đô một thời vang bóng.
Ngày nay, tham dự trong đoàn diễn hành tại lễ hội Gion càng có nhiều loại xe được trang trí đủ màu sắc và hình dáng đẹp mắt với những mảnh lụa được thêu tinh xảo và các tặng vật từ nhiều quốc gia trên thế giới cùng với những món đồ thủ công mang đậm nét văn hoá truyền thống của Nhật. Một cỗ xe lớn thường nặng khỏang 12 tấn, cao khoảng 26 mét và để kéo cỗ xe này cần hơn 40 thanh niên khỏe mạnh. Mỗi cỗ xe này hàng năm sau khi sử dụng xong được tháo gỡ, cất giữ cẩn thận ở đền thần Yasaka. Theo phương pháp truyền thống công việc láp rắp thiết kế và tạo dụng cho cổ xe thường mất khoảng 3 ngày.

Cùng với đoàn xe diễn hành rộn rịp qua các đường phố vào ngày 17/7, du khách cũng sẽ được nhìn thấy những cô gái Nhật duyên dáng dịu dàng trong bộ kimomo đủ màu nổi bật dưới ánh nắng rạng ngời của mùa Hè và có lẽ sẽ thấy lòng mình bâng khuâng theo dòng hồi tưởng về những thời đại xa xưa của vùng cố đô Kyoto.
Mùa Hè còn là dịp để người Nhật tổ chức các buổi lễ nhảy múa cổ truyền dân tộc. Trong đó, nổi tiếng là nhất là lễ hội Bon Odori và Awa Odori.

Bon Odori xuất nguồn từ lễ Vu Lan mà tiếng Nhật gọi là O Bon, tương tự như Lễ Báo Hiếu của Phật Giáo và có cùng ý nghĩa theo quan niệm các nước Á Đông cho rằng vào ngày Rằm tháng 7 âm lịch là ngày xá tội vong nhân. Tại Nhật, đây là dịp để cử hành nghi lễ dâng lên Thần Phật những lời cầu nguyện và tổ chức những buổi múa hát để đón chào linh hồn tổ tiên trở về cùng gia đình. Từ thế kỉ 14 đến nay,phong tục này đã trở thành một lễ hội ca múa và treo đèn lồng vào mùa Hè. Ngoài ra, còn kèm theo tục thả trên sông những chiếc đèn lồng và các ngọn nến đặt trong chiếc thuyền nhỏ bằng giấy để hướng dẫn các linh hồn trở lại nơi chốn yên nghỉ sau khi được trở về cùng gia đình. Tại các bãi đất trống người Nhật dựng lên các ngọn tháp bằng tre và sân khấu có những người đánh trống để ca múa suốt đêm. Họ nắm tay nhau thành một vòng tròn đi quanh các ngọn tháp rồi lập đi lập lại những điệu múa đơn giản liên tục trông rất ngoạn mục. Trước đây ngày lễ này được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 âm lịch, nhưng hiện nay được quy định vào ngày 17/7 hoặc tháng 8 dương lịch, tùy theo từng địa phương. Vào dịp này, nhiều người Nhật làm việc ở xa nhà thường về thăm gia đình và viếng mộ người thân.

 

Awa Odori. insidejapantours.com

Trong khi đó Awa Odori là một lễ hội múa dân gian diễn ra vào giữa tháng 8 tại tỉnh Tokushima ở vùng Đông Bắc Nhật Bản. Tại buổi lễ này, có nhiều đoàn người đại diện cho đội múa của các khu vực trong tỉnh, mặc đồng phục cổ truyền với chiếc nón đặc biệt được gắp lại ép sát đầu và múa điệu múa đặc trưng đi diễn hành khắp các phố. Họ là những người được chọn để biểu diễn bài múa vốn là những động tác nhanh nhẹn, dứt khoát và đều đặn nên trông rất thu hút.

Cùng lúc, tại một tỉnh nằm sát Tokushima là tỉnh Kochi cũng có tập tục nhảy múa trong lễ hội Yosakoi, được xem là một hình thức nghệ thuật cận đại của Nhật Bản. Yosakoi là những động tác biến thể từ điệu múa mùa hè truyền thống Awa Odori, được hình thành tại tỉnh Kochi.

“Yosakoi” là tiếng địa phương của tỉnh của Kochi, có nghĩa là “Đêm nay mời bạn đến” và thành ngữ này đã trở thành tên gọi của điệu múa trong dịp lễ hội của tỉnh Kochi nên Yosakoi cũng trở thành tên của lễ hội vui nhộn này.

Lễ hội Yosakoi được bắt đầu từ năm vua Chiêu Hòa Thiên Hoàng thứ 29, tức năm 1954 tại một khu phố của thành phố Kochi với ý nghĩa cầu mong cho việc làm ăn phát đạt. Từ đó, cư dân tinh Kochi ở đây đã không ngừng cải tiến và tập luyện điệu múa Yosakoi để cạnh tranh với điệu múa Awa Odori của tỉnh Tokushima nên lễ hội Yosakoi còn được xem là một sự kết hợp đặc biệt giữa các động tác múa truyền thống Nhật Bản và âm nhạc hiện đại. Vì vậy, âm điệu và cách nhảy của Yosakoi rất sôi động và mạnh mẽ. Các điệu múa thường được dàn dựng cho những đội múa đông người, cũng như tất cả mọi người đều có thể tham gia đội múa Yosakoi, bất kể tuổi tác hay giới tính. Đây cũng là sự kiện nổi bật trong các kỳ lễ hội thể thao thường được các trường Trung Học ở Nhật tổ chức. Điệu múa đi kèm với các bài dân ca của Kochi với tên Yosakoi-Buchi, tức giai điệu Yosakoi.

 

Yosakoi Matsuri . asianoffbeat.com

Vào Năm 1991, lễ hội Yosakoi Matsuri được tổ chức lần đầu tiên tại thành phố Sapporo ở tỉnh Hokkaido cực Bắc Nhật Bản rồi từ đó lan rộng ra khắp các tỉnh thành trên toàn quốc. Do xuất phát từ tín ngưỡng về tự do buôn bán và có nền tảng âm nhạc hiện đại nên lễ hội này đã được giới trẻ địa phương đón nhận nồng nhiệt. Ngày nay, ngoại trừ tỉnh Tokushima, lễ hội Yosakoi được tổ chức tại khắp nơi ở Nhật. Hơn nữa, nó còn được tổ chức định kỳ tại Hawaii và một số nước Đông Nam Á.

Một đặc điểm thu hút khác của lễ hội Yosakoi là y phục đa dạng. Tuy vậy, loại áo Happi và trang phục Yutaka thường hay được dùng nhất và mặc dù có thể lựa chọn nhiều màu sắc nhưng các thành viên trong một đội múa phải mặc kiểu giống nhau. Áo Happi là loại áo khoác không có nút, tay áo rộng, có in những biểu tượng riêng biệt và thường được người Nhật dùng các dịp lễ hội hoặc dành cho các nhân viên bán hàng hay các tiệm ăn. Còn Yutaka là một loại kimono đơn giản.

Ngoài các điệu múa, điểm đặc biệt của Yosakoi là sử dụng Naruko là miếng gỗ nhỏ tạo tiếng gõ mà người múa cầm trong tay). Màu sắc truyền thống của naruko là đen và vàng nhưng những đội múa yosakoi thường sáng tạo những naruko của riêng mình, lựa chọn màu sắc và chất liệu phù hợp với trang phục của họ. Tuy việc sử dụng naruko là điều cần thiết trong điệu múa Yosakoi nhưng ngày nay có nhiều nhóm múa lại chọn nhạc cụ cầm tay khác như trống, những dụng cụ có thể tạo tiếng gõ, hay cầm cờ, gậy v.v.

Nền nhạc chính của lễ hội Yosakoi dựa trên bài hát gốc có tên gọi là “Yosakoi Naruko” do tác giả Takemasa Eisaku (Vũ Chính Anh Sách) sáng tác. Bài hát này dựa trên 3 ca khúc khác là “Yosakoi-bushi” (giai điệu yosakoi), “Yokkore” (một bài hát đồng dao), và “Jinma-mo” (một bài dân ca vùng Kochi ).

Trong cùng thời điểm từ đầu đến giữa tháng 7, cũng là lúc diễn ra lễ hội Hakata Gion Yamakasa tại thành phố Fukuoka ở vùng Kyushu, tức Cửu Châu ở phía Nam Nhật Bản.

Ngoài danh tiếng là một trong những thành phố lớn của Nhật Bản, Fukuoka còn được biết đến với nhiều nét đẹp văn hóa lâu đời mà qua đó lễ Hội Hakata Gion Yamakasa (Bác Đa Kỳ Viên Sơn Lạp) là một lễ hội trứ danh vào mùa hè được tổ chức từ ngày mồng Một đến 15 tháng 7 hàng năm tại ngôi đền Kushida Jinja (Trất Điền Thần Xã). Lễ hội này có lịch sử dài hơn 750 năm và từ năm 1979 lễ hội Hakata Gion Yamakasa được nhìn nhận là một tài sản văn hóa dân gian rất quan trọng của Nhật bản.

Theo truyền thuyết, vào năm 1241, một vị cao tăng tên Thánh Nhất trụ trì ngôi chùa Thừa Thiên tự đã được người dân trong vùng khiêng đi để rẩy nước thần dọc theo đường, nhằm trừ một cơn dịch hoành hành tại Hakata nên lễ hội Hakaga Gion Yamakasa mang hình thức rước kiệu thần đã có nguồn gốc từ sự kiện này.

Riêng về từ Yamakasa mang ý nghĩa là một hình thức chuyên chở dùng để tế thần gồm có kiệu gọi là Mikoshi và Dashi là cổ xe đẩy. Vì vậy, ý nghĩa của lễ hội này là rước kiệu và kéo các cổ xe, trên đó có đặt hình tượng các vị thần hoặc nhân vật thần thoại trong tín ngưỡng Nhật Bản. Có hai loại Yamakasa là Kazariyamakasa tức loại cổ xe rước có trang trí và Kakiyamakasa là loại kiệu rước để khiêng. Kazariyamakasa có hình dáng rất đẹp, với chiều cao khoảng 16 m và được trang trí nhiều loại búp bê lộng lẫy, diễn tả các câu chuyện lịch sử và thần thoại. Ngược lại, Kakiyamakasa thì có chiều cao khoảng 5-6 m, nhưng nặng gần 1 tấn. Có khoảng 7 chiếc xe rước được làm trong lễ hội, và ngày cuối cùng sẽ có cuộc đua kiệu rước được gọi là Oiyama.

 

Oiyama. STR/AFP/Getty Images

Trong cuộc đua kiệu Oiyama, những đội kiệu các địa phương khác nhau sẽ khiêng kiệu chạy đua trên một quãng đường khoảng 5km. Từ lúc 5 giờ sáng, cùng với tiếng trống đánh, đội đua đầu tiên sẽ khiêng kiệu bắt đầu xuất phát từ đền Kushida, và các đội khác sẽ tiếp nối lần lượt sau mỗi 5 phút. Đội nào vượt qua quãng đường trên trong thời gian nhanh nhất sẽ là đội chiến thắng. Mặc dù thời gian của cuộc đua vào buổi sáng sớm như vậy, nhưng mỗi năm đều có hàng trăm nghìn khách du lịch từ khắp nơi ở Nhật Bản đến xem cuộc đua từ sáng sớm và thích thú với những tiếng kêu “Oisshoi, Oisshoi” của các đội đua đang rước kiệu, có nghĩa tương tự như chữ “dô ta” của VN khi đang cùng làm một việc nặng nhọc nào đó. Có hàng trăm người thay nhau khiêng kiệu rước, và theo qui định có 32 người khiêng kiệu cùng một lúc. Tóm lại, lễ hội Hakata Gion Yamakasa là một nét đẹp văn hóa truyền thống của Fukuoka và cả vùng Kyushu.

Khôi Nguyên, HVR
 Nguồn: Hồn Việt Radio/ DCVOnline

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo