Doanh nhân

Cuộc sống bất an của những tỷ phú Trung Quốc

Cập nhật lúc 12-02-2017 14:28:10 (GMT+1)
Ông Tiêu Kiến Hoa đọc sách bên ngoài International Finance Centre ở Hồng Kông năm 2013. (Hình: Next Magazine via AP)

 

Trung Quốc là nước có nhiều tỷ phú nhất thế giới, 594, theo Hurun, tờ nguyệt san do một người Anh sáng lập ở Trung Quốc, chuyên xếp hạng các người giầu có, tương tự như tạp chí Forbes tại Mỹ.


Với kinh nghiệm khôn ngoan và truyền thống văn hóa, hiếm thấy các tỷ phú Trung Quốc vướng mắc vào những chuyện lôi thôi tai tiếng về phụ nữ. Nhưng ra tòa, vào tù, bị bắt cóc hay lưu vong trốn tránh là một phần trong cuộc sống thường xuyên bất ổn của hầu hết những người quá nhiều tiền bạc ấy.

Ông Tiêu Kiến Hoa là một tỷ phú trong lục địa, nhưng chọn Hồng Kông làm nơi cư trú an toàn vì đặc khu hành chính này phần nào vẫn còn được duy trì hệ thống luật pháp có từ thời thuộc địa Anh trước năm 1997. Trên lục địa, kinh tế, chính trị và pháp luật đều liên kết nhau, theo lời ông Willy Lam, giáo sư khoa học chính trị trường đại học Hong Kong University. Vì thế, “Nếu bị công an bắt, không có gì bảo đảm là được xét xử công bằng.” Tuy nhiên ông Lam tin rằng tình trạng ở Hồng Kông như hiện nay sẽ không còn tồn tại bao lâu.

Báo chí ở Hồng Kông loan tin đêm Giao Thừa cuối năm Bính Thân vừa qua, 27 Tháng Giêng, ông Tiêu Kiến Hoa biến mất một cách bí mật khỏi khách sạn Four Seasons, nơi ông sống từ bốn năm nay. Cảnh sát Hồng Kông sau đó xác nhận là ông Tiêu đã về lục địa và đi qua trạm kiểm soát biên giới một cách hợp pháp. Những nguồn tin khác nói là ông được các nhân viên đặc vụ thuyết phục trở về Trung Quốc để trợ giúp cho chính quyền trong nhiều cuộc điều tra.

Ðiều tra những việc gì và như thế nào chưa ai có thể hiểu rõ, nhưng theo các giới quan sát, sự kiện này xảy ra vào một thời điểm có nhiều ý nghĩa. Ban lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ có những thay đổi nhân sự ở kỳ họp đại hội thứ 9 khóa 18 trong năm nay. Tranh chấp quyền lực nội bộ là luôn luôn có như từ trước đến nay trong đảng. Theo lời ông Zhuang Deshui, một chuyên gia ở trường Ðại Học Bắc Kinh, thì “cần phải nắm chặt kỷ luật đảng ở thời điểm trước đại hội để tránh những xáo trộn không cần thiết khi thay đổi lãnh đạo.”

Ông Tiêu Kiến Hoa có liên hệ kinh doanh với gia đình các giới lãnh đạo kể cả ông Tập Cận Bình, chủ tịch nhà nước, cũng như nhiều viên chức và đảng viên khác, nên là một trong những người cần phải có bảo đảm về sự trung thành và đồng thời có thể cung cấp những thông tin hữu ích khác. Vì vậy, đưa ông Tiêu từ Hồng Kông về Trung Quốc là một biện pháp hợp lý phòng ngừa các hành động biến chuyển ngoài dự kiến.

Năm 2014, khi ông Tập Cận Bình thanh trừng nhiều viên chức cao cấp ở hai tỉnh Sơn Tây và Giang Tây, những người này lánh nạn sang Hồng Kông ở khách sạn Four Seasons cùng với ông Tiêu Kiến Hoa.

Mặt khác, ông Chen Dayin, giáo sư luật và chính trị trường Ðại Học Thượng Hải, nhận định: “Tiết lộ những thông tin nhạy cảm về giới lãnh đạo cao cấp là chiến thuật quen thuộc để triệt hạ phe đối thủ.”

Một ví dụ điển hình gần đây mà nhiều người còn nhớ là vụ ông Bạc Hy Lai, bí thư thành ủy Trùng Khành, nhân vật được coi như đối thủ tranh chấp quyền lực với ông Tập Cận Bình ở đại hội đảng thứ 18. Năm 2012, ông Bạc bị cách chức, truy tố và lãnh án tù chung thân với nhiều tội danh, và người góp phần tiết lộ nhiều chuyện bí ẩn chính là tay chân thân cận của ông, ông Vương Lập Quân, giám đốc công an thành phố; tỷ phú Xu Ming, một người thân cận với ông Bạc Hy Lai, chết trong tù năm 2015.

Ở Trung Quốc, có một mối liên hệ chặt chẽ giữa tiền bạc và quyền lực chính trị. Giáo Sư Willy Lam nói rằng tại nước Cộng Sản này, người ta đã nói là nếu có tên trong danh sách 100 người giầu nhất thì nên coi chừng, sớm muộn cũng có thể bị bắt vì trốn thuế hay tội phạm kinh tế. Ðiều ấy có nghĩa là giầu sang không phải là có thể sống yên ổn mà là lâm vào tình trạng rất nguy hiểm.

Giống như ông Tiêu Kiến Hoa, ông Guo Wengui, một đại gia kinh doanh địa ốc và có nhiều mối quan hệ chặt chẽ trong giới chính trị, từng được biết đến trong chuyện gài bẫy lật đổ phó thị trưởng Bắc Kinh, và tố cáo Thứ Trưởng Công An Fu Zhenghua về tội tham nhũng, cuối cùng cũng đã phải lánh nạn sang ở ẩn tại Hồng Kông.

Thời còn trẻ, tham vọng của ông Tiêu Kiến Hoa là về lãnh vực chính trị chứ không phải kinh tế. Sinh quán ở tỉnh Sơn Ðông, mùa Xuân năm 1989 khi phong trào dân chủ Thiên An Môn bùng nổ, ông Tiêu mới 17 tuổi và đang là một “cán bộ sinh viên” trường Ðại Học Bắc Kinh, có triển vọng noi theo bước tiến của ông Lý Khắc Cường để trở thành thủ tướng ngày nay. Nhưng lúc đó ông Tiêu chưa đủ khả năng để chiếm được sự ủng hộ của sinh viên và thất bại trong việc làm trung gian hòa giải giữa họ với chính quyền. Sau vụ đàn áp ở quảng trường Thiên An Môn, ông Tiêu quyết định xa lánh chính trị, và với ý nguyện vẫn còn muốn đóng góp điều gì cho đất nước, chuyển sang hoạt động kinh tế. Trong một lần trả lời phỏng vần của tờ “21st Century Business Herald” năm 2013, ông Tiêu giải thích rằng “từ bỏ chính trị vì nhận ra thu nhập nhỏ hơn phí tổn.”

Sau khi tốt nghiệp khoa kinh tế Ðại Học Bắc Kinh, ông khởi đầu sự nghiệp kinh doanh trong thập niên 1990 bằng việc buôn bán các máy điện toán các nhân (PC) hiệu IBM và Dell, một ngành hãy còn mới lạ vào thời điểm ấy. Chỉ trong vòng ít năm, ông Tiêu đã có vốn liếng khoảng $180 triệu.

Sự thăng tiến nhanh chóng của ông bắt đầu từ khi thành lập công ty chủ quản ngân hàng Tomorrow Holding, trụ sở chính ở Bắc Kinh, đầu tư vào nhiều lãnh vực từ ngân hàng, bảo hiểm, địa ốc cho đến sản xuất xi măng, than đá và đất hiếm, tên gọi trên thị trường chứng khoán là Tomorrow Group.

Tờ Financial Times nói ông Tiêu “hoạt động với tư cách đại diện cho nhiều gia đình thuộc giới quyền lực ở Trung Quốc” và tờ The New York Times gọi ông là “chủ ngân hàng của giai cấp thống trị.”

Nguyệt san Hurun xếp hạng ông Tiêu là người giầu thứ 32 ở Trung Quốc với tài sản khoảng $6 tỷ, hầu hết do vợ và thân nhân quản lý. Ông mang hai quốc tịch Trung Quốc và Canada, đã hiến tặng $80 triệu cho trường cũ, Ðại Học Bắc Kinh và Ðại Học Thanh Hoa, cũng như hứa hẹn $10 triệu cho đại học Harvard University, Mỹ.

Tất cả các chuyện làm ăn của ông Tiêu Kiến Hoa không thể nào tránh khỏi hoài nghi của dư luận là có những điều mờ ám, tuy nhiên, ông luôn phủ nhận. Tháng Tư, 2014, tờ The New York Times dẫn những nguồn tin không tiết lộ xuất xứ cho biết Tomorrow Holding có liên hệ chặt chẽ với giới lãnh đạo cao cấp trong đảng, kể cả gia đình ông Tập Cận Bình. Cô Qiaoqiao, con gái của ông Tập, và chồng từng bán $2.4 triệu cổ phần của họ trong một công ty đầu tư cho Tomorrow Group.

Cũng như với nhiều tỷ phú Trung Quốc khác, không ai có thể dự đoán về số phận của ông Tiêu Kiến Hoa qua việc điều tra hiện nay của Bắc Kinh. Có thể là ông sẽ được trả tự do sau ít ngày, nhưng cũng có thể sẽ bị truy tố những hành động phạm pháp về hoạt động kinh tế, bị bắt, đưa ra tòa và lãnh án.

Một chi tiết lý thú cuối cùng đáng nói về người tỷ phú này là việc thích dùng phụ nữ làm cận vệ. Khuynh hướng ấy có ở nhiều tỷ phú tại Trung Quốc

Ông Chen Tong, giám đốc một hãng chuyên cung cấp cận vệ, nói rằng ông Tiêu Kiến Hoa là khách hàng duy nhất của hãng đặc biệt chỉ đòi hỏi nữ cận vệ, nhưng không cho biết số người và những chi tiết khác. Theo lời ông Chen, từ hơn 10 năm qua, các tỷ phú thích thuê phụ nữ để bảo vệ cho gia đình, họ thường biết lái xe, nói được chút ít tiếng Anh và còn có thể làm những việc khác như hộ tống bà vợ, đón trẻ con đi học.

Do đó, càng ngày càng có nhiều phụ nữ muốn vào nghề làm cận vệ. Những người này sẽ được lựa chọn và qua một thời gian huấn luyện ít nhất là năm năm về võ thuật với thành tích đoạt một giải nào đó ở cấp tỉnh hay hơn nữa. Tuy nhiên, các hãng cung cấp cận vệ nhìn nhận là khi cần bảo vệ trước một cuộc tấn công thì phụ nữ không phản ứng hiệu quả được như nam giới.

Ðêm Giao Thừa, tỷ phú Tiêu Kiến Hoa bước ra khỏi khách sạn Four Seasons ở Hồng Kông cùng với các nhân viên đặc vụ của Bắc Kinh, có hai nữ cận vệ đi theo, và không ai biết đoạn cuối của cuộc hành trình này.

Nguồn: Hà Tường Cát/Người Việt

 

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo